Tóm tắt nội dung
Hắc lào còn gọi theo vị trí bị mắc bệnh như nấm da đầu, nấm móng, nấm da đùi, nấm da toàn thân… Tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở vùng kín như kẽ bẹn hai bên, nếp lằn mông, quanh thắt lưng, vị trí nếp gấp các kẽ lớn khác.
Ban đầu, hắc lào thường gây khó chịu, ngứa ngáy, phồng rộp, đau rát ở vùng da bị nhiễm bệnh. Điều này gây ảnh hưởng tới công việc, mất thẩm mỹ, giảm chất lượng cuộc sống.
Nếu bệnh phát triển nặng mà không được điều trị dứt điểm hoặc tái phát nhiều lần thì sẽ rất nguy hiểm. Lúc này việc điều trị trở nên rất khó khăn, tốn kém, thậm chí còn phải chung sống với bệnh suốt đời vì hắc lào có thể tái phát bất cứ lúc nào.
1. Nguyên nhân gây bệnh hắc lào
Bệnh hắc lào do các loại vi nấm thuộc nhóm dermatophytes gây ra, những loại nấm này có kích thước rất nhỏ, chỉ có thể quan sát được bằng kính hiển vi. Điều kiện nóng, ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho vi nấm phát triển.
Các nguyên nhân bị hắc lào thường gặp trong cuộc sống:
- Vệ sinh cá nhân không kỹ: Lâu ngày không tắm rửa hoặc tắm rửa không sạch
- Trang phục không phù hợp: Mặc quần áo chưa khô, lâu không giặt, quần áo bó sát
- Lây nhiễm từ người bệnh: Sử dụng chung đồ cá nhân như khăn tắm, quần áo hoặc tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị bệnh của người bị hắc lào
- Ảnh hưởng từ môi trường: Thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn, khói bụi, sống trong môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại sẽ làm tăng khả năng bị hắc lào
- Vi nấm từ vật nuôi: Các loài vật nuôi trong nhà như chó, mèo không được tắm rửa sạch sẽ có thể ẩn chứa nhiều loại vi nấm, có nguy cơ bị vi nấm xâm nhập vào người gây ra hắc lào rất cao.
2. Triệu chứng bệnh hắc lào
Các triệu chứng bệnh hắc lào dễ dàng nhận biết, đó là cảm giác ngứa ngáy khó chịu, nhất là khi ra mồ hôi ở vùng da bị nấm, nhiều người bị bong tróc, tróc vảy ở bề mặt da. Vùng da bị hắc lào là những quầng vòng tròn như đồng tiền xu.
Khi mới mắc bệnh, những tổn thương ở da xuất hiện thành dạng các vùng hình bầu dục hoặc tròn có ranh giới rõ.
Sau đó vùng da tổn thương liên kết và phát triển thành một mảng lớn, nổi mẩn hoặc mụn nước nhỏ
Vùng da bị hắc lào có màu đỏ hoặc nâu thâm, rìa sắc cứng, ngứa, tróc vảy trắng
Nhiều trường hợp còn có kèm những mụn mủ vàng hoặc mụn nước nhỏ rộp phồng lên do bội nhiễm vì gãi, cào làm xước da.
Một số dấu hiệu hắc lào ở các vùng da khác nhau:
- Hắc lào ở da đầu: Hình thành những cụm mụn mủ, rụng tóc, các mảng phồng rộp do mụn nước, viêm hạch bạch huyết, ngứa ngáy da đầu, gãi tróc nhiều vảy trắng. Đặc biệt là bệnh ở da đầu rất khó phát hiện và khó khăn khi chữa trị.
- Hắc lào chân tay: Đây là vị trí phổ biến do thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, đặc biệt là nguồn nước bị ô nhiễm. Những kẽ ngón tay, kẽ ngón chân có nguy cơ dễ mắc bệnh hơn, phần da bong tróc vảy tạo ra các mảng da chết gây ngứa, khó chịu.
- Hắc lào vùng da đùi: Vùng này chủ yếu là do vi nấm chủng tinea cruris gây ra, biểu hiện là các nốt hồng ban hình đồng xu và mụn nước. Vị trí này dễ lan rộng nhất vì là vùng kín, tiếp xúc trực tiếp với quần áo, ẩm ướt, nhiều mồ hôi nên rất khó chịu, thậm chí sưng thành cục và đau nhức.
- Hắc lào toàn thân: các vùng da bị hắc lào lan rộng ra khắp người do vệ sinh cá nhân kém, thường xuyên gãi, môi trường tiếp xúc ô nhiễm.
- Hắc lào đa sắc: Dấu hiệu tổn thương thành nhiều màng với màu sắc khác nhau như hồng nâu, nâu đậm, trắng hồng. Lớp sừng có thể được hình thành từ những vùng vảy da, rồi nốt mụn nước vỡ ra, các vết đốm. Hắc lào loại này ảnh hưởng rất nhiều đến tính thẩm mỹ, nhưng mức độ ngứa ngáy thường nhẹ hơn các loại khác.
3. Điều trị bệnh hắc lào
Hắc lào là bệnh lành tính có thể chữa khỏi, tuy nhiên tổn thương có thể lan rộng, hay tái phát hoặc biến chứng bội nhiễm. Bệnh có thể lây lan cho người xung quanh nên cần điều trị sớm và đúng cách.
3.1. Điều trị tại chỗ
- Dùng thuốc bôi tại chỗ như: Dung dịch bôi ASA, BSI... các dung dịch này hay gây kích ứng, đau rát khi bôi nên hiện nay ít sử dụng.
- Các thuốc chống nấm dạng kem bôi tại chỗ chứa các thành phần như ketoconazole, clotrimazole, miconazole, terbinafin... thường bôi 2 - 3 lần/ngày trong 3-4 tuần.
3.2. Điều trị toàn thân
Trường hợp mà hắc lào lan rộng, không thể dùng thuốc bôi được thì phải dùng thuốc đường toàn thân. Các loại thuốc có thể sử dụng như:
- Điều trị nguyên nhân: Dùng thuốc kháng nấm đường uống chứa ketoconazole, itraconazole, terbinafin...
- Điều trị ngứa: Dùng thuốc kháng histamin
- Nếu có bội nhiễm: Sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp với thuốc kháng nấm
3.3. Một số lưu ý trong quá trình điều trị bệnh hắc lào
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
- Tắm rửa, gội đầu hàng ngày
- Không để xà phòng hoặc sữa tắm bám vào vùng da bị tổn thương
- Tốt nhất dùng dầu gội và sữa tắm loại thảo dược
- Giữ cho vùng da bị hắc lào được sạch sẽ và khô ráo, không nên để nước vào
- Không gãi hoặc cọ xát ở những vùng bị nhiễm bệnh
- Không dùng chung các đồ dùng cá nhân với người khác
- Mặc quần áo sạch sẽ và khô ráo, tránh mặc quần áo chưa khô
- Nên mặc đồ cotton hoặc quần áo có các chất liệu thấm hút mồ hôi nhanh chóng
4. Phòng bệnh và dự phòng tái phát bệnh hắc lào
- Điều trị sớm và triệt để khi bị hắc lào
- Tuân thủ đúng theo phác đồ của chuyên khoa
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác
- Không mặc trang phục chặt, bó sát hoặc còn ẩm ướt
- Không lạm dụng các loại sữa tắm và xà phòng tắm, lựa chọn sử dụng loại phù hợp với da, ít kích ứng
- Tránh tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, nếu không may bị dính nước mưa hoặc tiếp xúc với nguồn nước bẩn thì phải tắm rửa sạch sẽ ngay
- Vệ sinh sạch sẽ đối với các nguồn lây bệnh từ động vật như chó mèo, ngựa, tránh tiếp xúc với vật nuôi nhiễm bệnh
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đặc biệt là các vitamin nhóm B, có chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý
- Điều trị triệt để các bệnh tự miễn hay các bệnh có liên quan đến sức đề kháng của cơ thể.
Hắc lào