Bệnh hắc võng mạc trung tâm là một bệnh được biết đến từ lâu với nhiều tên gọi khác nhau như viêm võng mạc trung tâm, viêm võng mạc trung tâm tái phát, viêm hắc võng mạc trung tâm thanh dịch…. Do bệnh gây ảnh hưởng cả hắc mạc và võng mạc nên tên gọi “Hắc võng mạc trung tâm thanh dịch” được sử dụng phổ biến hơn.

Bệnh thường gây giảm thị lực tạm thời một bên mắt, hay gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 50. Một số trường hợp thị lực giảm không hồi phục dù bong thanh dịch võng mạc đã hết.

1. Nguyên nhân gây bệnh hắc võng mạc trung tâm

Nguyên nhân gây bệnh hắc võng mạc trung tâm

Nguyên nhân của bệnh còn chưa hoàn toàn sáng tỏ. Các giả thuyết trước đây cho rằng nguyên nhân gây bệnh do vận chuyển ion bất thường qua lớp biểu mô sắc tố võng mạc và bệnh lý khu trú của mạch máu của hắc mạc.

Tuy nhiên, gân đây hình ảnh chụp mạch huỳnh quang với Indocyanin Green (ICG) đã cho thấy sự tổn thương của lớp mao mạch hắc mạc gây rối loạn chức năng của lớp biểu mô sắc tố võng mạc.

Những đối tượng có trạng thái thần kinh căng thẳng, cao huyết áp hay mắc bệnh hắc võng mạc trung tâm. Bệnh còn được cho có liên quan đến sự tăng nồng độ cortison và epinephrine trong máu, tác động đến cơ chế tự điều hoà của mao mạch hắc mạc.

Các nghiên cứu gần đây còn cho thấy có sự liên quan giữa bệnh và tình trạng nhiễm Helicobacter pylori, một vi khuẩn gây bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng.

2. Chẩn đoán bệnh hắc võng mạc trung tâm

Chẩn đoán bệnh hắc võng mạc trung tâm

Lâm sàng

  • Giảm nhanh thị lực trung tâm kèm theo các triệu chứng: Nhìn vật nhỏ đi, rối loạn thị lực màu, ám điểm dương tính trung tâm… Có thể đau nhức nhẹ hố mắt, căng thẳng, mất ngủ.
  • Soi đáy mắt: Thấy vùng bong võng mạc do thanh dịch (không có dịch xuất huyết phía dưới). Có thể thấy các tổn thương khác kèm theo như: bong biểu mô sắc tố võng mạc, thoái hoá sắc tố võng mạc, các sợi tơ huyết hoặc các cặn lipid dưới võng mạc…

Cận lâm sàng

  • Chụp mạch huỳnh quang: Hình ảnh các điểm rò riêng rẽ điển hình hoặc các vùng tăng huỳnh quang không đều với các điểm rò kín đáo của bệnh biểu mô sắc tố lan toả. Giai đoạn muộn còn cho thấy hình ảnh lấp đầy huỳnh quang của bọng thanh dịch dưới võng mạc.
  • Hình ảnh chụp cắt lớp võng mạc (OCT): Thấy rõ các tổn thương như dịch dưói võng mạc, bong biểu mô sắc tố… Kỹ thuật này ngày càng được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán và theo dõi bệnh.
Hình ảnh chụp cắt lớp võng mạc

Chẩn đoán xác định

  • Soi đáy mắt sau khi nhỏ giãn: Thấy vùng bong võng mạc do thanh dịch. 
  • Hình ảnh chụp OCT: Thấy rõ các tổn thương của bệnh như dịch dưới võng mạc, bong biểu mô sắc tố.
  • Chụp mạch huỳnh quang: Hình ảnh các điểm dò riêng rẽ của bệnh hoặc các vùng tăng huỳnh quang không đều với các điểm dò kín đáo của bệnh biểu mô sắc tố lan toả.

Chẩn đoán phân biệt

Cần phân biệt với các nguyên nhân gây bong thanh dịch vùng hoàng điểm khác như: hố đĩa thị bẩm sinh, tân mạch hắc mạc, khối u.

3. Điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm

3.1. Nguyên tắc chung

  • Bệnh thường tự khỏi sau 1 đến 6 tháng mà không cần điều trị.
  • Do bệnh không có nguồn gốc viêm nên không chỉ định thuốc chống viêm đường toàn thân.
  • Một số trường hợp đặc biệt được chỉ định điều trị laser.

3.2. Điều trị cụ thể 

Điều trị bằng thuốc

Điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm bằng thuốc

  • Với các trường hợp mắc lần đầu, chỉ cần điều trị nội khoa và theo dõi hằng tháng.
  • Thuốc giúp thanh dịch dưới võng mạc rút nhanh hơn: Acetazolamid viên 250mg ngày uống 1 đến 2 viên, chia 2 lần, trong 2 tuần. Dùng kèm kali viên 600mg ngày uống 1 viên trong 2 tuần. 
  • Thuốc tăng cường sự vững bền thành mạch: Vitamin C viên 500mg ngày uống 2 viên chia 2 lần, trong 2 tuần.
  • Vitamin giúp phục hồi chức năng của lớp biểu mô sắc tố võng mạc: Nicotinamid (vitamin PP) viên 50mg ngày uống 2 viên, chia 2 lần trong 2 tuần.
  • Thuốc giãn mạch, tăng cường tuần hoàn: Ginkgo biloba viên 40mg ngày uống 3 viên (chia 3 lần) trong 2 tuần.  

Điều trị laser

Điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm bằng laser

  • Chỉ định điều trị laser đặt ra nếu điểm rò nằm cách xa hoàng điểm trên 300 micron và cần phục hồi thị lực nhanh (laser không làm tăng kết quả thị lực cuối cùng), hoặc các trường hợp bong võng mạc thanh dịch kéo dài trên 4 tháng hoặc tái phát trên mắt đã bị giảm thị lực.
  • Sử dụng nốt laser có đường kính 100 micron, thời gian từ 0,1 - 0,2s, năng lượng vừa đủ để nốt bắn có màu xám nhạt và thường chỉ bắn từ 1 đến 5 nốt cho mỗi điểm rò.

4. Dự phòng bệnh hắc võng mạc trung tâm

Nguyên nhân sinh bệnh chưa được xác định rõ nên chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu. Tuy nhiên, bác sĩ nên khuyên nên nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc căng thẳng, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê…

Hắc võng mạc trung tâm