Tìm hiểu về bệnh hen phế quản

Hen phế quản hay hen suyễn là tình trạng viêm mạn tính gây tăng tiết dịch kèm co thắt phế quản, làm hẹp lòng phế quản dẫn đến cản trở quá trình lưu thông khí trong phổi. Theo đó, không khí rất khó lưu thông khiến phổi không thể hoạt động được tối đa chức năng do không thể hấp thụ hay đẩy khí ra ngoài. Bệnh hen phế quản là một trong những bệnh lý về đường hô hấp rất phổ biến. 

Hen phế quản dù không điều trị triệt để nhưng các thuốc có thể kiểm soát được cơn hen, giúp giảm triệu chứng nhanh chóng. Bệnh rất dễ tái phát khi gặp các yếu tố thuận lợi như bụi, thay đổi thời tiết, phấn hoa, phấn bướm, thức ăn, thuốc…

1. Nguyên nhân gây hen phế quản

Hen phế quản là bệnh liên quan đến cơ chế dị ứng, có nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng cũng có nhiều trường hợp nguyên nhân không thật rõ ràng. Có 2 nhóm nguyên nhân có thể gây bệnh hen phế quản, đó là nhóm các tác nhân dị ứng và nhóm các tác nhân không dị ứng.

Nguyên nhân gây hen phế quản

Tác nhân dị ứng

Nhóm các tác nhân gây bệnh dị ứng chính là nhóm nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất, phần lớn những trường hợp bị hen phế quản dường như đều xuất phát bởi tình trạng dị ứng. Cụ thể:

  • Hen phế quản có thể khởi phát bởi dị nguyên đường hô hấp, như khói bụi, phấn hoa, phấn bướm, lông gia súc, các nấm mốc sinh sôi trong khu vực sinh sống, khói thuốc, bụi... 
  • Thức ăn cũng được xem là nguyên nhân gây bệnh: Các dị nguyên từ thức ăn có thể là hải sản (tôm, cua, mực, ghẹ…) hay các nhóm thực phẩm chứa nhiều protein. 
  • Các tác nhân nhiễm khuẩn: Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm xoang, viêm họng, viêm mũi… khi xảy ra trong thời gian dài cũng sẽ gây nên hen phế quản. 
  • Ngoài ra thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác cũng có thể được coi là tác nhân gây bệnh dị ứng khi các thành phần trong dược liệu không tương thích với cơ thể. 

Nhóm tác nhân không dị ứng

Ngoài nhóm tác nhân dị ứng, hen phế quản có thể được hình thành bởi các tác nhân gây bệnh không dị ứng. Nhóm này thường ít, bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Hen có thể phát sinh bởi yếu tố di truyền, tức bố mẹ bị hen thì các con có nguy cơ cao cũng bị hen. 
  • Yếu tố tâm lý: Rất nhiều người không hề hay biết yếu tố tâm lý có thể được coi là một tác nhân gây hen phế quản không dị ứng. Khi cơ thể liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu, bệnh hen rất dễ xuất hiện.
  • Rối loạn tình dục cũng được cho là một yếu tố khiến bệnh hen khởi phát.

2. Biểu hiện hen phế quản

Biểu hiện triệu chứng hen phế quản

Hen phế quản đôi phát hiện khá dễ với các triệu chứng rầm rộ, nhưng ngược lại có người triệu chứng rất kín đáo thậm chí không có triệu chứng gì. Biểu hiện triệu chứng hen phụ thuộc vào mức độ bệnh, thể trạng từng người và các bệnh lý kèm theo.

Tuy nhiên, các triệu chứng phổ biến của hen phế quản bao gồm:

Cảm giác hụt hơi: Dấu hiệu cảnh báo bệnh hen phế quản là cảm giác như hụt hơi, thiếu hơi sau khi hoạt động thể dục thể thao hoặc thậm chí là không làm việc gì quá sức.

Đau tức và co thắt lồng ngực: Khi thay đổi tư thế hoặc sau khi thức dậy xuất hiện đau tức ngực, co thắt lồng ngực. 

Khó thở, thở khò khè:

Trong hen phế quản, phế quản viêm phù nề hoặc co thắt, ứ đọng dịch làm cho lòng phế quản hẹp lại, không khí khó lưu thông. Chính vì thế khi hít thở sẽ xuất hiện tiếng khò khè, thở rít, ral rít.

Trong rất nhiều trường hợp, khi thở khò khè sẽ khá khó thở, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập, thậm chí ảnh hưởng cả đến giấc ngủ. Cơn hen nặng còn gây ra tình trạng suy hô hấp, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng. 

Một số triệu chứng khác: 

  • Ho: Ho thường xảy ra dai dẳng, có thể đi kèm đờm hoặc không, đặc biệt vào ban đêm, hiện tượng ho lại càng trở nên dữ dội hơn. 
  • Dị ứng: Khi xuất hiện cơn hen rất hay kèm với biểu hiện dị ứng, như thay đổi thời tiết, sau tiếp xúc với phấn hoa, phấn bướm, nấm mốc, bụi nhà... 
  • Mệt mỏi kéo dài: Thường xuất hiện ở những người bệnh có thể trạng yếu hoặc khi bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Cơn hen phế quản cấp tính nặng:

  • Thường không có dấu hiệu báo trước, đột ngột xuất hiện cơn khó thở dự dội, thở nhanh, nông, tím tái, vã mồ hôi, vật vã, kích động…. 
  • Nghe thấy tiếng thở rít, nghe phổi nhiều ral rít, ral ngáy
  • Lồng ngực co rút mạnh
  • Cơn hen cấp thường xuất hiện về đêm và sáng sớm, có thể xuất hiện lần đầu nhưng thường trên nền người bệnh đã từng bị hen.

Cơn hen cấp tính nặng rất nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, tử vong nhanh chóng. Vì thế, với người từng bị hen phải luôn luôn mang theo bên mình thuốc điều trị cắt cơn để có thể sãn sàng sử dụng khi xuất hiện cơn hen cấp.

3. Hen phế quản có lây không?

Hen phế quản hoàn toàn không phải là bệnh lây nhiễm, tức không thể lây từ người này sang người khác được. Tuy nhiên, một số trường hợp tác nhân làm khởi phát cơn hen là do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hay ký sinh trùng là các bệnh truyền nhiễm. Nên nhiều khi bệnh truyền nhiễm lây từ người này sang người khác, có thể làm cho người nhiễm khởi phát cơn hen.

4. Chẩn đoán hen phế quản

Chẩn đoán hen phế quản

Để chẩn đoán xác định hen phế quản phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các thăm dò cận lâm sàng:

Lâm sàng gợi ý: Tiền sử đã từng bị hen, sau đó xuất hiện các triệu chứng như khó thở, thở rít, đau tức ngực... khám phổi thấy có co rút lồng ngực, nghe phổi nhiều ral rít, ral ngáy.

Đo chức năng hô hấp: Lưu lượng đỉnh thở ra (PEF) giảm, sau khi dùng thuốc giãn phế quản lưu lượng đỉnh cải thiện rõ rệt

Chụp X quang phổi:

  • Cho thấy có hình ảnh lồng ngực giãn căng, cơ hoành hạ thấp, xương đòn nâng lên, khoang liên sườn rộng ra, phổi sáng tương phản và rốn phổi đậm (hình ảnh khí phế thũng trên X quang).
  • Các nhánh phế quản, rốn phổi tăng đậm
  • Có hình ảnh xẹp phân thùy phổi nếu có biến chứng tắc nghẽn
  • Hình ảnh viêm phổi do bội nhiễm

Xét nghiệm dị ứng: Có thể xác định những loại chất nào có nguy cơ gây khởi phát cơn hen

Xét nghiệm máu IgE: Dùng để phát hiện ra nồng độ globulin miễn dịch. IgE là một kháng thể chống lại sự xâm nhập của dị nguyên vào cơ thể, IgE tăng cao trong các bệnh liên quan đến dị ứng như hen phế quản.

5. Phân loại giai đoạn hen phế quản

Phân loại giai đoạn hen phế quản
  • Giai đoạn 1: Có biểu hiện của co thắt phù nề phế quản, với các biểu hiện ho kịch phát, ứ trệ các chất nhầy, khó thở nhẹ trong cơn ho
  • Giai đoạn 2: Các chất xuất tiết tăng lên, có biểu hiện ho dữ dội, khó thở tăng lên, thở khò khè, nói ngắt quãng, phải ngồi dậy để thở. Mặt xanh xám, môi chuyển tím, lồng ngực ít di động, nhịp thở tăng, ngày càng thở nông.
  • Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn co thắt phế quản nặng, tiếng thở có khò khè nhiều, thở yếu, tím tái và dễ bị ngừng thở.

6. Điều trị hen phế quản

Bệnh hen phế quản không thể điều trị khỏi triệt để được, như có thể điều trị cắt cơn và làm giảm triệu chứng một cách khá nhanh chóng. Hiện có nhiều loại thuốc đáp ứng tốt trong việc điều trị cắt cơn hen.

Việc phối hợp giữa biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc là cần thiết để có thể ngăn chặn được những cơn hen phế quản cấp.

Điều trị hen phế quản

Điều trị nội khoa

  • Các thuốc kiểm soát hen phế quản dài hạn: Có thể dùng corticosteroid dạng hít, thuốc kích thích beta tác dụng kéo dài, thuốc đường hít kết hợp, Leukotrien, Theophylin.... Đây là biện pháp chính trong điều trị hen phế quản, giúp kiểm soát hen hàng ngày và hạn chế xuất hiện cơn hen cấp.
  • Thuốc cắt cơn tác dụng nhanh: Có thể sử dụng thuốc kích thích beta tác dụng ngắn, coticosteroid đường uống/tiêm tĩnh mạch hoặc Ipratropium.… để cải thiện các triệu chứng của cơn hen phế quản cấp ngay lập tức.
  • Điều trị kháng sinh nếu có bội nhiễm viêm đường hô hấp
  • Các điều trị khác như long đờm, khí dung kết hợp
  • Điều trị dị ứng có thể được đặt ra ở bệnh nhân hen phế quản dị ứng.

Điều chỉnh thói quen và lối sống:

  • Tập thể dục đều đặn, vừa phải giúp tăng cường sức khỏe thể lực, thăng lưu thông khí ở phổi
  • Luyện tập hít sâu thở mạnh
  • Chế độ ăn hợp lý, ăn nhiều rau xanh, củ quả trái cây
  • Bỏ hút thuốc lá (nếu có), tránh xa khói thuốc lá
  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố có thể khởi phát cơn hen như không tiếp xúc với khói, bụi, lông gia súc, phấn hoa…
  • Nếu đã từng được chẩn đoán xác định là hen phế quản thì phải luôn luôn mang theo bên mình lọ thuốc dự phòng cắt cơn hen. Điều này rất quan trọng vì cơn hen có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Nếu gặp cơn hen cấp tính nặng có thể suy hô hấp nhanh chóng, đe dọa tính mạng nếu như không được điều trị cắt cơn sớm.

Hen phế quản