Tóm tắt nội dung
Hội chứng ADHD được xem như là một rối loạn phát triển thần kinh. Các rối loạn phát triển thần kinh xuất hiện sớm trong thời thơ ấu, điển hình là trước khi vào học, và làm giảm sự phát triển các kỹ năng cá nhân, xã hội, học tập hoặc nghề nghiệp. Thường gây khó khăn trong việc thu nhận, duy trì, hoặc áp dụng các kỹ năng hoặc thông tin cụ thể.
Rối loạn phát triển thần kinh có thể liên quan đến rối loạn chức năng ở một hoặc nhiều điểm sau đây: chú ý, trí nhớ, nhận thức, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề hoặc tương tác xã hội. Một số rối loạn khác thường gặp như tự kỉ, rối loạn học tập, khó đọc, khó tiếp thu, chậm phát triển trí tuệ.
1. Nguyên nhân gây hội chứng ADHD
Nhìn chung ADHD không có nguyên nhân rõ ràng. Một số yếu tố được cho là nguy cơ cao gây hội chứng ADHD bao gồm:
- Nhiễm trùng não, chấn thương đầu
- Người mẹ khi mang thai huyết áp cao, nhiễm trùng trong thời gian mang thai
- Yếu tố di truyền
- Mất cân bằng thần kinh (não) ảnh hưởng đến các vùng kiểm soát khả năng tập trung, lập kế hoạch và tổ chức
- Cân nặng lúc sinh dưới 1500 g
- Thiếu sắt
- Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn
- Phơi nhiễm với chì, rượu, thuốc lá, cocain khi còn nằm trong bụng mẹ.
2. Biểu hiện triệu chứng của ADHD
Có ba dấu hiệu chính của hội chứng ADHD đó là:
- Hiếu động quá mức
- Thể hiện hành vi bốc đồng, nóng nảy và dễ gặp sự cố
- Không thể chú ý hay tập trung vào việc đang làm
Với các dấu hiệu như vậy, khiến trẻ phải đối mặt với những thách thức sau:
- Khuyết tật học tập và kết quả học tập không tốt
- Không hiểu được hậu quả của những hành vi sai trái
- Độc thoại theo cách rất trẻ con
- Trầm cảm và không kiểm soát được cảm xúc
- Không thể đoán trước tâm trạng
- Hung hăng và không kiểm soát được bản thân trong các hoạt động
- Không thể làm theo hướng dẫn
- Không có khả năng kết bạn
- Nói dối, trộm cắp và có những hành vi liều lĩnh
- Kỹ năng xã hội và khả năng giải quyết vấn đề kém
3. Điều trị hội chứng ADHD
Có thể bao gồm một hoặc kết hợp nhiều phương pháp sau đây:
- Thay đổi chế độ ăn uống và dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe tổng thể, giúp giảm nhẹ các triệu chứng của ADHD
- Hướng dẫn trẻ và gia đình về cách thay đổi hành vi
- Dùng thuốc để kiểm soát tình trạng mất cân bằng hóa học trong não và nhắm đến những vùng não chi phối khả năng tập trung và kiểm soát bản thân
- Tư vấn tâm lý nhằm giúp nâng cao lòng tự tôn
Điều quan trọng cần lưu ý là phải kết hợp giữa giáo dục, điều trị tâm lý với việc dùng thuốc để đảm bảo kết quả tốt nhất.
Hội chứng ADHD