Tổng quan về hội chứng chân không nghỉ

Tình trạng rối loạn thần kinh này cũng có thể gặp ở tay nhưng hiếm hơn. Theo thống kê trên thế giới, khoảng 10% dân số mắc phải hội chứng chân không nghỉ tại một thời điểm nào đó trong đời, thường gặp hơn ở nữ giới trung niên hoặc cao tuổi. Người càng lớn tuổi mắc hội chứng này thì triệu chứng càng nặng và kéo dài hơn.

Tình trạng bứt rứt ở chân không diễn ra liên tục, thường gặp ở buổi tối hoặc ban đêm khi ngồi và nằm nhiều. Đặc biệt, nó có thể xảy đến khi đang ngủ, gây phá vỡ giấc ngủ. Tình trạng này kéo dài gây rối loạn giấc ngủ, mất ngủ.

Hầu hết những người bệnh mắc hội chứng chân không nghỉ ở tình trạng nhẹ, diễn ra trong thời gian ngắn và không gây rối loạn quá lớn đến hoạt động hàng ngày. Song vẫn có nhiều trường hợp bệnh tiến triển nặng, gây rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe, có tình trạng lo lắng, thậm chí trầm cảm. Nguy hiểm hơn là hội chứng lây sang các bộ phận khác trên cơ thể như cánh tay, diễn ra ngày càng nhiều và kéo dài.

1. Nguyên nhân hội chứng chân không nghỉ

Các nhà khoa học cho rằng thiếu hụt chất Dopamin trong một khu vực của não hay cơ thể bị thiếu sắt gây ra bệnh. Nhưng nhiều khi bệnh xuất hiện mà không tìm được nguyên nhân.

Tuy nhiên, nhiều yếu tố được coi là làm tăng nguy cơ gây bệnh bao gồm:

Di truyền

Hội chứng chân không nghỉ có mối quan hệ đặc biệt với yếu tố di truyền, khoa học đã chứng minh có 4 gen liên quan đến hội chứng này. Có đến 50% những người mắc hội chứng này trong gia đình từng có 1 người bị mắc.

Phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chân không nghỉ

Thay đổi nội tiết trong cơ thể phụ nữ mang thai được xác định làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chân không nghỉ và làm bệnh nặng hơn nếu đã mắc từ trước. Phần lớn phụ nữ mang thai gặp phải ở 3 tháng cuối thai kỳ, nó xảy ra không thường xuyên và thường biến mất khoảng 1 tháng sau khi sinh.

Tinh thần và chế độ ăn uống

Căng thẳng, stress kéo dài khiến hội chứng chân không yên diễn tiến nặng hơn. Chế độ ăn và môi trường sống cũng có tác động nhất định đến bệnh lý này ở nhiều người.

Bệnh thần kinh ngoại vi

Tổn thương thần kinh ngoại vi (bàn chân, bàn tay) hay bệnh lý mạn tính như tiểu đường, nghiện rượu gây ảnh hưởng đến cân bằng dopamin của hệ thần kinh, tác động đến kiểm soát cử động cơ và là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chân không nghỉ.

Một số bệnh như Parkinson, chứng run nguyên phát, thất điều di truyền, bệnh dây thần kinh, bệnh của tủy sống…. cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chân không nghỉ.

Thiếu sắt

Những người có tiền sử chảy máu đường tiêu hóa, thiếu máu thiếu sắt, phụ nữ đa kinh… cũng có khả năng mắc bệnh cao hơn.

2. Biểu hiện của hội chứng chân không nghỉ

Biểu hiện của hội chứng chân không nghỉ

Cảm giác đặc trưng của hội chứng chân không yên:

  • Khi nghỉ ngơi, nhất là lúc nằm hoặc ngồi chân cảm giác rất khó chịu, ngứa, đau như kim đâm ở chân
  • Cảm giác vô cùng khó chịu ở chân và bị thôi thúc phải di chuyển chân để làm giảm cảm giác này.

Đặc điểm nhận biết của cảm giác này bao gồm:

  • Muốn cử động: Khi ngồi dậy hoặc cử động, cảm giác của hội chứng chân không yên sẽ giảm. Việc lắc nhẹ chân, cẳng chân, bước trên sàn nhà, đi bộ hoặc tập luyện sẽ giúp người bệnh chống lại cảm giác khó chịu.
  • Khởi phát khi không hoạt động: Triệu chứng bệnh dễ khởi phát sau khi ngồi hoặc nằm lâu như nằm ngủ, ngồi trong xe ô tô, rạp chiếu phim, máy bay…
  • Cảm giác nặng hơn vào buổi tối: Các biểu hiện thường rõ nét nhất và buổi tối.
  • Gây khó chịu suốt đêm: Hội chứng chân không nghỉ gây những cử động chân (rung giật cơ) khi ngủ, người bệnh có thể tỉnh giấc hoặc không biết gì nhưng gây ảnh hưởng đến người nằm chung.

Triệu chứng sẽ nặng hơn theo tiến triển bệnh, ban đầu chỉ gặp phải triệu chứng khó chịu trong thời gian ngắn. Tuy nhiên khi bệnh nặng hơn, triệu chứng cũng xảy ra thường xuyên và cường độ cao, gây mất ngủ, trầm cảm, thậm chí không đi lại được, trở nên tàn phế.

3. Chẩn đoán hội chứng chân không nghỉ

Chẩn đoán hội chứng chân không nghỉ

Do là bệnh lý thần kinh nên việc chẩn đoán hội chứng chân không nghỉ chủ yếu thông qua khám lâm sàng và khai thác triệu chứng. 

Các xét nghiệm máu được chỉ định chủ yếu là để chẩn đoán loại trừ bệnh khác hoặc là chẩn đoán các bệnh lý kèm theo. Trường hợp nặng cần nhập viện để bác sĩ theo dõi giấc ngủ và các triệu chứng trong thời gian dài, điều này giúp cho chẩn đoán và tìm biện pháp điều trị tốt hơn.

Một số tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng chân không nghỉ:

  • Có cảm giác bất thường ở bên trong bắp thịt của chân (đôi khi cả tay nữa), làm cho người bệnh cảm thấy phải cử động chân hoặc tay mới chịu được
  • Cảm giác bất thường nặng lên khi nghỉ ngơi
  • Giảm đỡ khi cử động hoặc đi lại
  • Biểu hiện nặng lên về chiều tối hoặc đêm

4. Điều trị hội chứng chân không nghỉ

Điều trị hội chứng chân không nghỉ tại nhà

Mục tiêu của điều trị hội chứng chân không nghỉ là làm giảm triệu chứng để người bệnh có giấc ngủ ngon, ngăn ngừa biến chứng tàn phế.

Ngoài ra, người bị cả hội chứng chân không nghỉ và các bệnh lý liên quan sẽ có xu hướng tiến triển bệnh nặng hơn, nên cần điều trị kết hợp để giảm triệu chứng bệnh.

Có hai biện pháp điều trị là dùng thuốc và luyện tập tại nhà, hiện nay người bệnh thường được chỉ định phối hợp cả hai phương pháp.

Mặc dù là hội chứng khá thường gặp, gây khó chịu nhưng lại điều trị được, cách điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh.

Nếu bệnh ở mức độ nhẹ, có thể áp dụng những biện pháp sau đây, mà không cần dùng thuốc:

  • Vận động phù hợp như: Đi bộ, đi bơi hoặc làm động tác căng kéo bắp thịt, tắm nước nóng hoặc nước lạnh (tùy theo mùa hoặc thời tiết), tập thiền hoặc yoga, massage vùng chân hoặc tay bị bệnh.
  • Ngủ đều đặn theo một giờ nhất định, khi đi ngủ đừng đọc sách báo, xem tivi hoặc làm việc trên giường. Trước khi đi ngủ phải tránh tranh thủ ngủ chợp mắt trước đó, tránh tỉnh dậy một lúc rồi mới đi vào giấc ngủ chính, tránh uống trà, cà phê hoặc rượu trước khi đi ngủ.
  • Không dùng thuốc lợi tiểu trước khi đi ngủ.
  • Một số thuốc có thể làm cho bệnh nặng lên: Thuốc chống trầm cảm (đặc biệt là thuốc chống trầm cảm 3 vòng amytriptyline liều cao), thuốc hạ huyết áp loại chẹn kênh canxi, các thuốc chữa chóng mặt nôn ói, phenytoin.
Điều trị hội chứng chân không nghỉ bằng thuốc

Trường hợp bệnh đã ở mức trung bình hoặc nặng, thì phải dùng thuốc để điều trị. Một số thứ thuốc được các bác sĩ hay dùng:

  • Levodopa: Đây là thuốc cơ bản điều trị bệnh Parkinson, loại này có tác dụng rất tốt, nhưng do tác dụng phụ lâu dài của nó, nên các bác sĩ hạn chế dùng.
  • Các thuốc đồng vận dopamine là những thuốc hàng đầu để điều trị, bao gồm những thuốc được cho phép sử dụng tại Hoa Kỳ là pramipexole, ropinirole, rotigotine. Tại Việt nam hiện tại mới có pramipexole được phép lưu hành.
  • Các thuốc khác: Thuốc chống động kinh (gabapentin, carbamazepine), thuốc an thần loại benzodiazepines (clonazepam, nitrazepam), nhóm thuốc á phiện (oxycodone, propoxyphene, methadone). Một số nhóm thuốc khác như clonidine, propranolol.
  • Bổ sung sắt nếu nồng độ ferritin trong máu bị thấp.

5. Phòng bệnh và dự phòng tái phát

Hội chứng chân không nghỉ có thể được hạn chế nếu áp dụng những thói quen sinh hoạt sau đây:

  • Tập thói quen ngủ tốt và hợp lý: Đi ngủ đúng giờ, tại một khoảng thời gian cố định mỗi tối, cố gắng ngủ một mạch đến khi tỉnh dậy
  • Tập thể dục đều đặn, 60 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần
  • Tìm hiểu các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như dùng thuốc, tập yoga và phản hồi sinh học. Phản hồi sinh học là phương pháp dạy cách kiểm soát những đáp ứng không tỉnh táo.
  • Thử các biện pháp làm giảm các triệu chứng như: Đi lại hoặc duỗi chân ra, tắm bồn nước nóng hoặc nước ấm, xoa bóp các băp cơ ở chân, chườm nóng hay chườm lạnh.

Hội chứng chân không nghỉ