Tóm tắt nội dung
Hôi miệng phần lớn nguyên nhân xuất phát tại miệng, nhưng cũng có thể là biểu hiện bệnh lý ở cơ quan nào đó bên trong cơ thể, như bệnh phổi, bệnh dạ dày, bệnh gan....
1. Nguyên nhân hôi miệng
Tác nhân trực tiếp gây hôi miệng là do sự giải phóng các hợp chất sulfur dễ bay hơi trong khoang miệng. Các nguyên nhân khiến hợp chất fulfur được hình thành và bay hơi:
- Vi khuẩn: Vi khuẩn kỵ khí phân giải protein Gram âm, những vi khuẩn này thường tập trung ở vùng ứ đọng của miệng, như các túi nha chu, bề mặt lưỡi hay vùng kẽ giữa các răng và trong sang thương sâu răng.
- Ăn các loại thức ăn hoặc đồ uống làm khô miệng như uống rượu, bia, hút thuốc
- Các loại thực phẩm giầu protein, đường, sữa… tích tụ ở miệng, khi phân hủy sẽ giải phóng các amino acid chứa rất nhiều hợp chất sulfur
- Hành, tỏi cũng là các loại thực phẩm có chứa hàm lượng sulfur cao, có thể đi xuyên qua lớp lót đường ruột vào trong máu, sau đó giải phóng vào trong phổi rồi bốc hơi ra ngoài.
- Hơi thở có mùi vào buổi sáng sau khi ngủ dậy cũng có liên quan đến việc giảm sản xuất và tiết nước bọt, dẫn tới làm khô miệng tạm thời và gây hôi miệng.
- Các bệnh viêm nướu, viêm nha chu, hoặc viêm nướu hoại tử lở loét cấp tính, viêm quanh thân răng, áp xe gây ra hôi miệng
- Vết loét do viêm, do khối u ác tính ở miệng
- Giảm tiết nước bọt do tuổi tác, sử dụng dùng thuốc, xạ trị, hoá trị
- Vệ sinh răng miệng không kỹ, còn lớp cặn lưỡi, hoặc do nhiễm nấm Candida cũng gây ra bệnh hôi miệng
- Lắng đọng các mảnh vụn trên các dụng cụ chỉnh nha như răng giả
- Các bệnh về xương như viêm tủy răng, hoại tử xương hàm, hoặc viêm ổ răng khô
- Sử dụng một số thuốc: Các loại thuốc có thể gây hôi miệng như amphetamine, chloral hydrate, các thuốc gây độc tế bào, dimethyl sulphoxide, disulfiram, nitrate và nitrite, phenothiazine…
- Các bệnh lý toàn thân: Viêm mũi họng, viêm mũi, xoang, amidan… có thể dẫn đến hôi miệng
- Các bệnh về dạ dày - ruột: Hôi miệng được xem là triệu chứng điển hình và thường xuyên của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.
- Bệnh tiểu đường, các bệnh về gan, thận... cũng có dẫn đến nguy cơ hôi miệng do sự phân huỷ mỡ trong cơ thể.
2. Điều trị hôi miệng
Nguyên nhân thường gặp là do việc vệ sinh răng miệng kém và mắc các bệnh lý về răng miệng. Do đó, cần đến phòng khám nha khoa để xác định nguyên nhân đến từ trong miệng.
Nếu có viêm nhiễm trong miệng như cao răng, sâu răng, mảng bám, viêm quanh răng… cần được thực hiện các can thiệp nha khoa trước tiên.
Nếu hôi miệng không phải do các nguyên nhân trong miệng hoặc sau khi can thiệp nha khoa mà vẫn thấy hôi miệng, thì cần thăm khám các chuyên khoa khác như tai - mũi - họng, tiêu hóa, tiết niệu... phát hiện các bệnh lý liên quan, để có can thiệp xử trí phù hợp.
Với trường hợp hôi miệng tạm thời như ăn hành, tỏi, hút thuốc lá…. Có thể sử dụng nước súc họng, dung dịch xịt thơm miệng để điều trị.
Việc sử dụng một số loại thuốc có làm giảm bài tiết nước bọt gây ra chứng hôi miệng… trường hợp này nói chung chỉ cần uống nhiều nước để tránh khô miệng, khi ngừng thuốc thì tình trạng hôi miệng sẽ hết.
3. Dự phòng hôi miệng
Vệ sinh răng miệng đúng cách:
- Mỗi ngày nên đánh răng ít nhất 2 lần, tốt nhất nên đánh răng sau bữa ăn khoảng 30 phút, mỗi lần không quá 3 phút.
- Sau khoảng 2 đến 3 tháng sử dụng bàn chải, bạn cần thay bàn chải khác để đảm bảo vệ sinh và tránh bị hôi miệng.
- Dùng thêm chỉ nha khoa, nước súc miệng, cạo lưỡi... để làm sạch hoàn toàn khoang miệng.
Uống nhiều nước giúp rửa sạch khoang miệng, nhất là sau ăn.
- Hạn chế dùng nước súc học có cồn, vì có thể gây khô miệng do giảm tiết nước bọt. Tốt nhất là súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước lọc.
- Hạn chế thực phẩm nặng mùi như thức ăn có nhiều tinh dầu như tỏi, hành, các loại thực phẩm giàu chất béo, đường…. Nếu có sử dụng, cần phải vệ sinh kỹ càng sau khi ăn.
Hôi miệng