Tóm tắt nội dung
Nước bọt được sản xuất từ tuyến nước bọt ở mặt trong của môi, vòm miệng. Có nhiều tuyến, nhưng đa số là từ 3 tuyến nước bọt chính ở trong miệng là tuyến ở dưới lưỡi, tuyến gần xương hàm và tuyến ở hai bên má.
Sự tiết nước bọt được kiểm soát bởi hệ thống thần kinh thực vật, kích thích hệ phó giao cảm làm tăng lưu lượng nước bọt và kích thích hệ giao cảm làm giảm sự tiết nước bọt.
1. Nguyên nhân gây khô miệng
Có nhiều nguyên nhân gây khô miệng, trong đó được chia làm 2 nhóm lớn là nguyên nhân tiên phát và thứ phát.
Nguyên nhân tiên phát:
- Thiếu tuyến nước bọt bẩm sinh
- Viêm tuyến nước bọt do virus như quai bị là thường gặp nhất, ngoài ra có thể do nhiễm vi khuẩn, nấm
- Sỏi tuyến nước bọt
- Teo tuyến nước bọt
- Bệnh lý tuyến nước bọt làm phá hủy từ từ các mô tuyến nước bọt
- Do u tuyến nước bọt hay u chèn ép tuyến nước bọt.
Nguyên nhân thứ phát:
- Mất nước: gặp trong xuất huyết, tiêu chảy, nôn, vã mồ hôi nhiều, đái tháo đường, đái tháo nhạt, suy tim, hội chứng tăng urê máu
- Do thuốc: như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu, một số thuốc hạ áp, thuốc trị chứng đau nửa đầu, thuốc chống nôn, thuốc trị bệnh parkinson, thuốc giảm co thắt… có thể là nguyên nhân gây khô miệng.
- Thiếu máu
- Một số nguyên nhân khác như: cấy ghép tủy xương, rối loạn nội tiết, căng thẳng, lo âu, trầm cảm và thiếu hụt dinh dưỡng…
- Hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, chè, cà phê… cũng là nguyên nhân gây khô miệng.
2. Triệu chứng khô miệng
- Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là tình trạng giảm tiết nước bọt, gây khô rát miệng
- Có thể có cảm giác nóng rát miệng, mất vị giác
- Khó khăn trong việc nhai, nuốt và nói
- Do miệng bị khô nên hậu quả có thể gây ra chán ăn, không muốn ăn gì
- Rất dễ mắc các bệnh như sâu răng, nứt niêm mạc, loét niêm mạc, viêm nướu răng, chảy máu cam, chảy máu chân răng…
3. Chẩn đoán khô miệng
Khô miệng khá dễ chẩn đoán, có thể do người bệnh tự khai ra mà không cần phải làm thêm xét nghiệm gì cả. Tuy nhiên để chẩn đoán xác định và chẩn đoán nguyên nhân, bác sĩ cần thực hiện:
Khai thác bệnh sử
- Bác sĩ sẽ khai thác những thông tin liên quan chứng khô miệng, như thời gian, tần số, và mức độ nghiêm trọng.
- Chứng khô miệng liên quan đến các bộ phận khác như mắt, mũi, họng, da, âm đạo hay không?
- Có sử dụng các loại thuốc nào không? Tiền sử có mắc bệnh gì không?
Khám lâm sàng:
- Khám tại chỗ, đánh giá tuyến nước bọt có bị sưng, đau hay nóng đỏ không? Có bị tắc nghẽn do sỏi hay u không?
- Tình trạng niêm mạc miệng có bị khô, loét hay nứt không? Các bệnh lý răng, lợi, hạch dưới hàm….
Làm test đánh giá khả năng tiết nước bọt: giúp chẩn đoán xác định có bị giảm tiết nước bọt hay không?
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X quang, CT, siêu âm… giúp phát hiện các khối u, sỏi qua đó giúp chẩn đoán nguyên nhân gây khô miệng.
Sinh thiết tuyến nước bọt làm xét nghiệm giải phẫu bệnh: thực hiện trong một số trường hợp, giúp chẩn đoán nguyên nhân
Xét nghiệm vi sinh: thực hiện giúp chẩn đoán tình trạng nhiễm virus, vi khuẩn hay nấm.
4. Điều trị bệnh khô miệng
Tùy thuộc vào nguyên nhân khô miệng mà có các biện pháp điều trị khác nhau như:
- Khô miệng do thuốc: giảm liều lượng thuốc hoặc sử dụng thuốc thay thế
- Viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn, virus, nấm: dùng thuốc kháng sinh, kháng nấm phù hợp…
- Do sỏi tuyến nước bọt gây tắc nghẹt thì phẫu thuật…
5. Dự phòng khô miệng
Để cải thiện các triệu chứng khô miệng có thể thực hiện:
- Nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo cứng không đường
- Hạn chế uống nhiều rượu, bia, chè, cà phê, bỏ thút thuốc
- Tránh các loại thực phẩm có đường hoặc có tính acid vì chúng làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu răng
- Đánh răng với kem đánh răng có chứa flo để ngừa sâu răng
- Không sử dụng nước súc miệng có chứa cồn vì cồn có thể làm khô miệng
- Uống từng ngụm nước hoặc ngậm mẩu nước đá trong suốt cả ngày để làm ẩm miệng
- Tránh một số loại thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng
- Trường hợp khô miệng nhiều, hãy thử dùng nước bọt nhân tạo.
Khô miệng