Tóm tắt nội dung
Mắt có 6 cơ vận nhãn, gồm 4 cơ thẳng (thẳng trên, thẳng dưới, thẳng trong và thẳng ngoài) và 2 cơ chéo bám xung quanh nhãn cầu. Nhờ có các cơ vận nhãn mắt có thể nhìn liếc theo các hướng mà không cần phải quay đầu theo. Khi có sự mất cân bằng giữa các cơ vận nhãn thì sẽ gây ra lác.
Lác có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó xuất hiện ở khoảng 3% trẻ em, nếu không được điều trị khoảng 50% trẻ bị mắt lác có thể mất một phần thị lực do nhược thị.
1. Nguyên nhân gây lác mắt
Có nhiều nguyên nhân gây lác mắt như:
- Lác ở trẻ nhỏ: Là khi trẻ sinh ra đã bị lác hay lác xuất hiện trong vòng 6 tháng tuổi. Thuật ngữ lác ở trẻ nhỏ được sử dụng nhiều hơn là lác bẩm sinh, vì mắt lác thật sự khi mới sinh ra là rất hiếm, và thuật ngữ ở trẻ nhỏ cho phép đưa vào các dạng xuất hiện trong vòng 6 tháng đầu đời. Lác ở trẻ sau 6 tháng tuổi thì được coi là lác mắc phải hay lác thứ phát.
- Lác thứ phát do bệnh toàn thân: Xảy ra ở người trưởng thành do các bệnh như Basedow, khối u chèn ép hoặc u nguyên bào võng mạc, viêm dây thần kinh, sau tai biến mạch máu não….
- Lác thứ phát do bệnh lý tại mắt: Gặp trong bệnh đục thủy tinh thể, bất đồng khúc xạ, bệnh lý đáy mắt, chấn thương vùng đầu mặt, phẫu thuật các bệnh lý ở mắt…
- Lác do tật khúc xạ: Hay gặp do rối loạn điều tiết, cận thị, loạn thị
2. Tác hại của lác mắt
Tác hại nghiêm trọng nếu lác xảy ra ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thị giác, có thể gây giảm thị lực ở mắt lác (hay còn gọi là nhược thị), mất khả năng nhận thức chiều sâu (thị giác 2 mắt). Ngoài ra còn làm cho khả năng canh khoảng cách kém giữa 2 vật, dễ bước hụt chân cầu thang.
Giảm thị trường quan sát ở một mắt, khiến cho phạm vi nhìn xung quanh giảm. Lác mắt còn ảnh hưởng đến làm việc trong một số ngành nghề, không thể làm việc trong một số ngành đòi hỏi thị giác hai mắt tốt, như lắp ráp máy móc, dùng kính hiển vi, vận động viên thể thao…
3. Triệu chứng của lác mắt
Khi bị lác mắt có thể có các biểu hiện như:
- Thường xuyên mỏi mắt, khả năng tập trung kém
- Đi lại hay bị vấp ngã, làm việc không chính xác như người bình thường
- Mắt lác thường xuyên có thể nhìn mờ hơn mắt bình thường
- Luôn có tư thế nhìn nghiêng đầu để thích nghi với tình trạng lác
- Có thể nhìn hình đôi (song thị) nếu lác xảy ra đột ngột ở người có chức năng thị giác đã hoàn thiện.
- Triệu chứng thực thể: Lác mắt rất dễ nhận biết khi thăm khám thực thể, đôi khi chính người bị lác có thể tự phát hiện được khi soi gương.
- Một số trường hợp lác ẩn thì phải khám chuyên khoa mới phát hiện được.
4. Điều trị lác mắt
Mục tiêu điều trị:
- Ở trẻ dưới 6 tuổi và trẻ đã đi học: Cần điều trị để bảo toàn chức năng thị lực 2 mắt, nhất là chức năng hợp thị hai mắt và ngăn ngừa mù lòa
- Ở người trưởng thành: Điều trị lác chủ yếu với mục đích thẩm mỹ
Các phương pháp điều trị cụ thể:
Tùy theo từng trường hợp, sẽ áp dụng một hoặc kết hợp các phương pháp sau:
- Luyện tập bằng cách tập nhìn quy tụ, hoặc tập liếc sang hướng ngược chiều so với chiều lệch của mắt lác
- Đeo kính khi lác do rối loạn điều tiết hay tật khúc xạ
- Ở người trưởng thành, lác gây song thị độ nhỏ có thể mang lăng kính
- Khi mắt lác bị nhược thị thì nên che lại để tránh ảnh hưởng đến thị lực mắt còn lại và thị lực chung
- Phẫu thuật: đây là biện pháp cuối cùng, giúp điều chỉnh các cơ vận nhãn nhằm đưa 2 mắt về thẳng trục.
Trường hợp lé thứ phát ở người trưởng thành do liệt cơ vận nhãn, có thể phẫu thuật để giải quyết tạm thời tình trạng song thị.
Lác mắt