Loãng xương ở nam giới

Loãng xương là một bệnh lý của xương làm cho xương mỏng và yếu, dẫn đến tình trạng xương dễ bị gãy. Bệnh loãng xương có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng có 2 vị trí loãng xương nguy hiểm nhất là loãng xương ở cổ xương đùi và cột sống thắt lưng.

Mặc dù đó là một bệnh thường được cho là bệnh của phụ nữ, nhưng nam giới cũng có thể bị bệnh này. Ở những người trưởng thành khỏe mạnh, xương tiếp tục phát triển và đạt đến độ tối đa, còn gọi là khối lượng xương đỉnh vào khoảng 25 – 30 tuổi. Sau đó quá trình mất xương sẽ diễn ra từ từ và kéo dài cho đến cuối đời.

Ở trẻ em đang lớn mà ít vận động hoặc chế độ ăn không đầy đủ nhất là không cung cấp đủ canxi trong khẩu phần ăn, xương có thể không phát triển mạnh mẽ, khối lượng xương đỉnh không cao. Nếu xương không trở nên mạnh mẽ, thì đó là một tình trạng thiếu xương, nó sẽ dẫn đến nguy cơ dễ bị loãng xương khi lớn tuổi.

1. Nguyên nhân gây loãng xương ở nam giới

loãng xương ở nam giới là do đâu?
  • Chủng tộc: Đàn ông da trắng có tỷ lệ mắc loãng xương cao hơn
  • Gia đình có tiền sử bị loãng xương
  • Hút thuốc lá
  • Uống nhiều rượu, bia, chất kích thích
  • Chế độ ăn thiếu canxi
  • Ít vận động thể dục thể thao
  • Nằm một chỗ quá lâu trong suốt thời gian bệnh nặng
  • Chế độ ăn kiêng quá ít hoặc quá nhiều
  • Dùng một số thuốc trong một thời gian dài: như thuốc glucocorticoid trong điều trị hen, điều trị viêm khớp, thuốc chống chống co giật, thuốc điều tri ung thư, thuốc kháng acid có chứa nhôm
  • Mắc bệnh mạn tính gây ảnh hưởng đến thận, phổi, dạ dày, ruột, hay bệnh làm rối loạn nội tiết như bệnh tiểu đường, bệnh Basedow.

2. Triệu chứng bệnh loãng xương ở nam giới

Dấu hiệu loãng xương ở nam giới

Phần lớn loãng xương không có triệu chứng gì cả, chỉ khi khối lượng xương mất đi trên 30% thì mới bắt đầu có triệu chứng.
Các triệu chứng có thể gặp là:

  • Đau âm ỉ dọc theo các xương dài: Như đau dọc xương đùi, dọc theo xương cẳng chân
  • Đau cột sống thắt lưng, cột sống cổ
  • Hội chứng kích thích rễ thần kinh: Có thể đau dọc theo dây thần kinh liên sườn, thần kinh tọa.… nhưng không bao giờ gây hội chứng ép tủy.
  • Rối loạn tư thế cột sống: Gù lưng, cong đoạn cột sống lưng, thắt lưng, xẹp đốt sống, trượt đốt sống… các triệu chứng này gặp nhiều ở phụ nữ hơn nhưng ở nam giới cũng có thể gặp
  • Gãy xương: Các vị trí thường gặp là đầu trên xương đùi, đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương cẳng tay, xương sườn, xương chậu và xương cùng. Thường gãy xương sau ngã, sau va chạm nhẹ, thậm chí tự gãy.

3. Chẩn đoán loãng xương ở nam giới

Chẩn đoán loãng xương ở nam giới

Cho đến nay, biện pháp duy nhất để chẩn đoán loãng xương ở nam giới là đo mật độ xương. Trong đó đo mật độ xương ở cột sống thắt lưng và cổ xương đùi bằng phương pháp đo hấp thụ tia X năng lượng kép được Tổ chức y tế thế giới (WHO) coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương.

Mật độ xương (BMD) theo chỉ số T (T-score) của một cá thể là chỉ số BMD của cá thể đó so với BMD của nhóm người trẻ tuổi (thường là nhóm khỏe mạnh, có khối lượng xương đỉnh, cùng chủng tộc) làm chứng. Trên cơ sở đó, có các giá trị của BMD như sau:

  • Mật độ xương bình thường khi T-score > – 1: Tức là BMD của đối tượng > – 1 độ lệch chuẩn so với giá trị trung bình của người trưởng thành trẻ tuổi.
  • Giảm mật độ xương khi – 2,5 ≤ T-score ≤ – 1: Tức là BMD từ – 2,5 đến – 1 độ lệch chuẩn so với giá trị trung bình của người trưởng thành trẻ tuổi.
  • Loãng xương khi T-score < 2,5: Tức là BMD dưới – 2,5 độ lệch chuẩn so với giá trị trung bình của người trưởng thành trẻ tuổi, ở bất kỳ vị trí nào của xương.
  • Loãng xương nặng khi T-score < 2,5 và kèm theo gãy xương. Vị trí gãy hay gặp là cổ xương đùi, đốt sống cổ, đầu dưới xương cẳng tay.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định thêm chụp X quang để chẩn đoán gãy xương hay các tổn thương ở các đốt sống như trượt đốt sống, cong vẹo cột sống.

4. Điều trị loãng xương ở nam giới

4.1. Các biện pháp không dùng thuốc

Điều trị loãng xương ở nam giới không cần dùng thuốc
  • Thể dục thể thao, hoạt động thể lực rất quan trọng đối với việc củng cố chất lượng bộ xương. Cần duy trì các bài tập thể dục thông thường có chịu đựng sức nặng của cơ thể (đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ, tennis…), các bài tập tăng sức mạnh của cơ (bài tập kháng lực, nhấc vật nặng, cử tạ…) nếu không có chống chỉ định (lưu ý là bơi không có tác dụng phòng chống loãng xương).
  • Cần đảm bảo chế độ ăn giầu canxi, các vitamin và khoáng chất trong suốt cuộc đời, kể từ khi còn nằm trong bụng mẹ, thời niên thiếu và bất kỳ lứa tuổi nào. Nếu cần thiết có thể bổ sung canxi, vitamin D, vitamin K2 dưới dạng thuốc.
  • Bỏ hút thuốc lá (nếu có), uống ít rượu, bia, các chất kích thích
  • Các trường hợp có nguy cơ loãng xương cần tránh ngã, hoạt động thể lực mạnh.
  • Khi đã biến dạng cột sống (gù, vẹo), cần đeo thắt lưng cố định cột sống để trợ giúp cột sống.

4.2. Các thuốc điều trị loãng xương

Kết hợp canxi và vitamin D3

Điều trị loãng xương ở nam giới bằng cách kết hợp canxi và vitamin D3

Trong mọi phác đồ, luôn phải cung cấp đủ canxi, trung bình 1000mg mỗi ngày. Nếu chế độ ăn không đủ, cần cung cấp canxi dưới dạng thuốc. Người nhiều tuổi nên uống kết hợp canxi 1000mg và vitamin D3 800 IU hàng ngày.

Nhóm biphosphonat

Hiện được coi là nhóm thuốc có hiệu quả nhất trong điều trị loãng xương. Thuốc có hoạt tính kháng hủy xương với sự giảm tiêu xương. Thuốc luôn kết hợp với canxi và vitamin D. Khi chỉ số T-score < -2,5 nên dùng nhóm này.

Fosamax (Alendronat) viên 10mg, ngày uống 1 viên; Fosamax viên 70mg, hộp 4 viên, tuần uống 1 viên.

Fosamax Plus 70mg/1800UI (Alendronate 70mg và Colecalciferol 1800 IU), hộp 4 viên, uống tuần 1 viên.

Actonel (Risedronat) viên 5mg, ngày uống 1 viên; Actonel viên 35mg, tuần uống 1 viên. Các thuốc nhóm này uống lúc đói và không được nằm sau uống thuốc ít nhất 30 phút để tránh trào ngược dạ dày thực quản.

Aredia (Pamidronat) ống 30mg. Thuốc này thường chỉ định trong loãng xương nặng cho các nguyên nhân gây tăng canxi máu như cường cận giáp, ung thư di căn xương, đa u tủy xương… Liều dùng 2 -3 ống, truyền tĩnh mạch, cả liều 1 lần hoặc mỗi ngày 1 ống. Tùy theo tình trạng loãng xương mà chỉ định liều tiếp theo (6 đến 12 tháng).

Aclasta (Acid zolendronat) chai 5mg/100ml. Cơ chế tác dụng chống hủy xương. Hiệu quả của Aclasta làm giảm tỷ lệ gãy xương hông, xương đốt sống cổ (lún xẹp đốt sống) và giảm gãy các loại xương khác; tăng mật độ chất khoáng của xương; phòng ngừa gãy xương lâm sàng tái phát sau gãy xương hông ở cả nam và nữ. Thuốc cũng có hiệu quả giảm đau cột sống nhanh chóng trong các trường hợp lún xẹp đốt sống do loãng xương.

  • Chỉ định của Aclasta: điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh hoặc loãng xương ở nam giới.
  • Liều dùng: mỗi năm truyền tĩnh mạch 1 chai. Cần đảm bảo người bệnh không có giảm canxi máu trước khi truyền, có thể uống 800 – 1200mg canxi và 800UI vitamin D vài ngày trước khi dùng thuốc.

Calcitonin

Là thuốc chống loãng xương duy nhất có tác dụng giảm đau. Chỉ định trong trường hợp mới gãy xương, loãng xương nhẹ, dự phòng loãng xương do dùng glucocorticoid.

Thuốc cơ bản là Rocalcic 100 IU, tiêm bắp ngày 1 ống; Miacalcic 50 IU, tiêm bắp ngày 1 ống.

Các steroid tăng đồng hóa

Gồm các dẫn xuất tổng hợp androgen. Hiện không được dùng để điều trị loãng xương ở Pháp, Mỹ, tuy nhiên vẫn được dùng ở một số nước khác. Thuốc có dầu nên cần tiêm bắp sâu.

Durabolin 25mg, tiêm tuần 1 ống; Deca-Durabolin 50mg mỗi 3 tuần tiêm 1 ống.

Liệu pháp hormon thay thế

Dùng nội tiết tố sinh dục nam, được chỉ định dự phòng loãng xương ở nam giới.

Hormon cận giáp trạng (PTH 1-34)

Thuốc chống loãng xương mới nhất hiện nay. Đây được coi là thuốc đầu tiên có khả năng tạo xương. Thuốc làm giảm 65% nguy cơ loãng xương đốt sống và 54% nguy cơ loãng xương ngoài đốt sống sau 18 tháng điều trị. Chống chỉ định với các trường hợp loãng xương có nguy cơ ung thư vì thuốc gây ung thư ở chuột thực nghiệm.

Forsteo liều dùng 20 – 40µg/ ngày, tiêm dưới da ngày 1 lần.

Tóm tắt phác đồ điều trị loãng xương

Chọn một trong các nhóm thuốc sau, thường kết hợp với canxi và vitamin D:

  • Nhóm biphosphonat: Fosamax; Actonel; Aredia hoặc Aclasta
  • Calcitonin: Miacalcic, Rocalcic
  • Thuốc tăng đồng hóa: Durabolin hoặc Deca-Durabulin
  • Liệu pháp hormon thay thế hoặc các chất có tính hormon

5. Dự phòng loãng xương ở nam giới

Phòng ngừa loãng xương ở nam giới

Nhận thức sớm và chủ động chăm sóc sức khỏe xương khớp là cách duy nhất phòng ngừa loãng xương. Thực tế rất nhiều nam giới phát hiện mình bị loãng xương do không quan tâm tới sức khỏe đúng mức. Có nhiều trường hợp bệnh đã tiến triển nặng khiến cho việc điều trị không hiệu quả. Do đó, thực hiện các biện pháp dưới đây sẽ giúp duy trì xương chắc khỏe:

  • Bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D và MK7: Đây là các chất giúp thúc đẩy quá trình tạo khối xương khi còn trẻ và ngăn ngừa mất xương khi có tuổi. Canxi là chất thiết yếu để cấu tạo nên xương và cần bổ sung hàng ngày. Còn vitamin D giúp tăng cường hấp thụ canxi vào máu cho cơ thể, MK7 giúp vận chuyển canxi từ máu vào xương.
  • Thiết lập một chu trình tập thể dục khoa học, phù hợp. Có thể vận động nhẹ nhàng với các bài tập chạy bộ, đi bộ… sẽ giúp xương khớp trở nên linh hoạt.
  • Không uống rượu vì đây là nhân tố ngăn cho cơ thể hấp thụ canxi. Không hút thuốc lá vì làm đẩy nhanh quá trình tiêu xương.
  • Chủ động kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ 2 lần/năm, ngoài đánh giá được tình trạng sức khỏe toàn diện thì cũng giúp phát hiện sớm dấu hiệu loãng xương nếu có. Từ đó có phương pháp điều trị kịp thời và hiệu quả cao.

Loãng xương