Tóm tắt nội dung
Giác mạc là lớp mô trong suốt, không có mạch máu nằm phía trước của mạc mắt, là bộ phận tiếp xúc với ánh sáng đầu tiên, cho phép ánh sáng đi qua giúp mắt nhìn thấy.
Loét giác mạc là tổn thương biểu mô giác mạc kèm theo phản ứng viêm dẫn tới hoại tử mô giác mạc do sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm, virus hoặc ký sinh trùng. Bệnh có thể xuất phát từ chấn thương cơ học hoặc do thiếu hụt dinh dưỡng. Đây là một bệnh rất nguy hiểm vì có thể để lại những di chứng vĩnh viễn như sẹo giác mạc, lồi mắt, teo nhãn, thậm chí là đánh mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.
1. Nguyên nhân gây loét giác mạc
Có nhiều nguyên nhân gây loét giác mạc, các nguyên nhân chính bao gồm:
- Viêm loét giác mạc do nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng
- Chấn thương mắt: Thường sau các vi chấn thương, đôi khi bản thân người bệnh không để ý hoặc không biết, sau khi bụi vào mắt, nước bẩn vào mắt kể cả nước mưa. Đặc biệt các chấn thương từ nông nghiệp như hạt thóc, rơm rạ, lá cây… rất hay gây viêm loét giác mạc.
- Các bệnh lý tại mắt: Có thể kể đến các bệnh lý mi mắt như lông siêu, lông quặm, hở mi do liệt dây hần kinh số VII ngoại biên, khuyết mi sau mổ u mi… Bệnh lý kết giác mạc như sẹo giác mạc, sạn vôi, khô mắt, mất cảm giác giác mạc.
- Trên một số cơ địa bệnh lý toàn thân đặc biệt như: Suy dinh dưỡng thiếu vitamin A ở trẻ em, hội chứng suy giảm miễn dịch, bệnh lý chuyển hóa như bệnh đái tháo đường, lồi mắt trong bệnh Basedow…
- Các phương pháp điều trị không đúng, lạm dụng thuốc: Các phương pháp điều trị dân gian không khoa học như đắp lá, đắp ếch nhái vào mắt có thể gây viêm loét giác mạc.
- Ngoài ra, việc lạm dụng kháng sinh và thuốc chống viêm nhóm corticoid là một nguy cơ cao gây viêm loét giác mạc. Hiện nay các chế phẩm tra mắt có chứa thành phần corticoid chưa được kiểm soát chặt chẽ.
2. Biểu hiện triệu chứng của loét giác mạc
Bệnh viêm loét giác mạc có thể có các triệu chứng sau:
- Ban đầu chỉ là các khó chịu, mỏi mắt, hay vướng bận trong mắt giống như có dị vật
- Mắt nóng rát, đau nhức âm ỉ trong mắt, mắt cộm
- Chói mắt, nhạy cảm với ánh sáng, chảy nước mắt, mờ mắt
- Người bệnh nhìn mờ tăng dần, một số trường hợp nhìn mờ nhanh chóng kèm theo mắt đau nhức nhiều, thậm chí thị lực chỉ còn phân biệt được sáng và tối
- Mắt đỏ, có thể đỏ khu trú hoặc đỏ toàn bộ giác mạc và kết mạc, đỏ cả bờ mi trên và mi dưới
- Đục giác mạc, xuất hiện đốm trắng trên giác mạc, thường ở vùng trung tâm giác mạc
- Sưng mi mắt, khó mở mắt
- Chảy mủ từ mắt
Khám mắt có thể thấy mi mắt sưng nề, mắt đỏ do kết mạc cương tụ mạnh, giác mạc mất tính trong suốt, có ổ loét hoặc ổ viêm mờ đục, có thể ít hoặc nhiều xuất tiết mủ, bờ ổ loét có thể trong đều hoặc nham nhở tùy nguyên nhân, có thể thấy thâm nhiễm sâu trong nhu mô giác mạc hay mủ tiền phòng. Một số trường hợp nặng có thể có biến chứng thủng giác mạc, phòi tổ chức nội nhãn.
Khám mắt còn phát hiện một số trường hợp loét giác mạc kín đáo mà mắt thường không thể nhìn thấy được, khi đó phải khám bằng sinh hiển vi điện tử
3. Chẩn đoán loét giác mạc
Chẩn đoán loét giác mạc nói chung khá dễ, nhiều trường hợp chỉ cần khám bằng mắt thường cũng phát hiện được loét giác mạc. Một số trường hợp kín đáo phải khám bằng sinh hiển vi điện tử.
Điều quan trọng trong chẩn đoán loét giác mạc là chẩn đoán nguyên nhân. Chỉ có chẩn đoán chính xác nguyên nhân thì mới đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.
Căn cứ vào biểu hiện lâm sàng và tiền sử tiếp xúc, chẳng hạn như đeo kính áp tròng hay tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm có thể định hướng đến nguyên nhân gây loét.
Nguyên nhân vi khuẩn thường biểu hiện cấp tính, mắt đau nhức, đỏ nhiều, có nhiều dử mắt, thậm chí có mủ. Còn do ký sinh trùng thường mắt đau nhiều, có biểu hiện các khuyết biểu mô giác mạc, thâm nhiễm nhiều nơi trong nhu mô giác mạc. Nguyên nhân do nấm thì bệnh diễn biến kéo dài, có thâm nhiễm đặc và đôi lúc có ổ thâm nhiễm rời rạc. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định căn nguyên gây bệnh thì phải xét nghiệm vi sinh.
Các xét nghiệm vi sinh có thể áp dụng như nhuộm gram, soi tươi, nuôi cấy vi khuẩn, kháng sinh đồ và một số xét nghiệm khác để xác định chính xác bệnh và nguyên nhân gây bệnh.
Ngoài tìm nguyên nhân ra thì các biện pháp thăm khám chuyên sâu như soi đáy mắt, đo thị lực, chụp X quang, chụp CT để chẩn đoán mức độ và chẩn đoán các bệnh lý liên quan cũng rất quan trọng.
4. Chẩn đoán phân biệt
Loét giác mạc cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh như viêm kết mạc cấp, cơn glocom cấp, viêm màng bồ đào cấp… Việc điều trị các bệnh này rất khác so với bệnh loét giác mạc.
5. Điều trị loét giác mạc
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có phác đồ điều trị khác nhau, xác định được nguyên nhân gây viêm loét giác mạc sẽ giúp việc điều trị bệnh được thuận lợi và tiên lượng tốt hơn.
Nói chung, nguyên nhân do vi khuẩn thì dùng thuốc kháng sinh, do nấm thì dùng thuốc diệt nấm, do kí sinh trùng thì dùng thuốc diệt ký sinh trùng. Thường dùng cả thuốc uống và thuốc nhỏ mắt điều trị tại chỗ. Tốt nhất là dùng thuốc theo kháng sinh đồ.
Phương pháp điện di giác mạc, giúp đưa nhiều thuốc hơn vào giác mạc. Trong những trường hợp nặng, không thể điều trị bằng thuốc, cần phải được ghép giác mạc, thay thế phần giác mạc bị loét biến chứng thủng hoặc bị sẹo. Một số trường hợp rất nặng cần khoét bỏ nhãn cầu, múc nội nhãn.
Một số lưu ý khi điều trị loét giác mạc:
- Không nên băng kín mắt vì sẽ tạo điều kiện nóng và ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn
- Nên đeo kính mát để bảo vệ mắt và giúp mắt bớt chịu kích thích
- Không đeo kính áp tròng hay trang điểm khi đang điều trị bệnh
- Không để dị vật tác động vào mắt, không dùng tay dụi mắt
- Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý uống hoặc nhỏ thêm thuốc khác mà không theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
6. Phòng ngừa loét giác mạc
Khi bị viêm loét giác mạc, phải được điều trị càng sớm càng tốt, ngay khi xuất hiện các triệu chứng bị nhiễm trùng mắt hoặc ngay sau khi mắt bị chấn thương.
Bệnh nặng sẽ để lại di chứng về sau, đặc biệt là suy giảm thị lực dù có được điều trị tốt. Do đó, quan trọng nhất vẫn là dự phòng đúng cách. Các biện pháp phòng bệnh có thể thực hiện là:
- Luôn sử dụng phương tiện bảo hộ lao động để bảo vệ mắt khi làm việc, như đeo kính bảo hộ khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi, khi tiện, hàn, khoan, đục…
- Đeo kính mát khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi cát, bụi và hạn chế sự tiếp xúc của mắt với tia cực tím
- Điều trị tốt và dứt điểm các bệnh mắt và bệnh toàn thân có nguy cơ gây viêm loét giác mạc, như bệnh tiểu đường, cường giáp…
- Không dùng tay dụi mắt, không tự lấy dị vật khi có vật lạ xâm nhập vào mắt, nên đi khám tại bệnh viện mắt hoặc chuyên khoa mắt uy tín để kiểm tra và lấy dị vật dưới kính hiển vi bởi các bác sĩ chuyên khoa
- Cung cấp đủ vitamin A cho mắt và chớp mắt thường xuyên để tránh khô mắt
- Hàng ngày nhỏ nước muối sinh lý để rửa mắt, nếu có hiện tượng khô mắt thì nhỏ nước mắt nhân tạo
- Đeo kính áp tròng đúng cách và vệ sinh kính sạch sẽ cả trước và sau khi đeo. Khi có tình trạng cộm, vướng bận hay đau nhức cần đi kiểm tra ngay.
Loét giác mạc