Tìm hiểu về bệnh loét miệng

Loét miệng là một trong những bệnh lý thường gặp ở niêm mạc miệng, khoảng 20% dân số mắc bệnh và tái phát nhiều lần. Thường gặp nhất là trường hợp người bệnh có một vết loét ở niêm mạc môi, má.

Vết loét gây đau nhiều, đặc biệt khi chạm phải, tiếp xúc với thức ăn có vị chua, cay. Người bệnh thường gặp khó khăn trong ăn nhai, nói. Do đó làm ảnh hưởng đến tình trạng hâp thu chất dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống.

Một số trường hợp nặng hơn, bệnh kéo dài có thể gây suy kiệt sức khỏe. Thậm chí, nhiệt miệng gây tâm lý lo sợ vì có thể nhầm lẫn với vết loét ác tính.

1. Nguyên nhân gây loét miệng

Mặc dù bệnh khá phổ biến nhưng cho đến nay nguyên nhân gây loét miệng chưa được xác định rõ ràng.

Nguyên nhân gây loét miệng

Một số yếu tố kích thích, tác động đến cơ chế miễn dịch, có thể gây khởi phát loét miệng bao gồm:

  • Chấn thương tại chỗ: các chấn thương nhỏ do cắn môi, má, đánh răng, do hàm giả
  • Stress: nhiều nghiên cứu cho thấy loét miệng thường gặp ở người bị stress, căng thẳng kéo dài
  • Chế độ dinh dưỡng: thiếu một số vitamin và khoáng chất, như thiếu vitamin C, B1, B2, B6, B12, canxi, kẽm, sắt, acid folic
  • Dị ứng thức ăn: một số thức ăn, nước uống, hóa chất có khả năng gây kích thích, khởi phát loét miệng
  • Nội tiết: thay đổi nội tiết có mối liên quan đến nhiệt miệng
  • Nhiễm khuẩn: một số tạp khuẩn hệ đường ruột trong miệng được coi là yếu tố nguy cơ cao gây loét miệng
  • Nhiễm virus: một số loại virus có thể gây loét miệng như herpes, zona
  • Biểu hiện triệu chứng của một số bệnh lý: một số bệnh như bệnh Behcet, Pemphigus, Celiac… có triệu chứng là tình trạng loét miệng
  • Yếu tố khác: do thuốc, yếu tố di truyền, tuổi, giới tính… là những yếu tố nguy cơ gây nhiệt miệng.

2. Triệu chứng loét miệng

Triệu chứng loét miệng
  • Biểu hiện thường gặp là một vết loét hình tròn hoặc hình bầu dục đơn độc ở vùng mà không liên kết chặt chẽ với xương bên dưới, chẳng hạn như bên trong môi, má, bên dưới lưỡi.
  • Loét miệng tái phát thường bắt đầu như một đốm tròn màu vàng hơi nhô cao được bao quanh bởi một quầng đỏ, sau đó vỡ ra thành một vết như bị đục lỗ, được bao phủ bởi một lớp màng lỏng lẻo màu trắng, vàng hoặc xám. Mô xung quanh thường không bị ảnh hưởng.
  • Vết loét có thể gây đau rát, đặc biệt nếu bị kích thích khi di chuyển hoặc ăn một số loại thực phẩm như chua, cay, chất kích thích.
  • Thường chỉ có 1 vết loét đơn lẻ, nhưng một số người có nhiều vết loét, thậm chí một số trường hợp có xu hướng vết loét lan khắp miệng.

3. Các loại loét miệng

Vết loét đơn giản:

Vết loét miệng đơn giản

Đây là thể bệnh thường gặp nhất, chiếm 80-90% các trường hợp. Biểu hiện bệnh thường là 1 vết loét (hiếm khi 2), hình tròn hay bầu dục.

Vết loét gây đau nhiều, bờ viêm đỏ, đáy trắng xám, đường kính thường nhỏ hơn 1cm, thường gặp là ở niêm mạc môi, má, lưỡi, sàn miệng.

Vết loét thường tự khỏi sau 7 – 14 ngày và không để lại sẹo.

Vết loét khổng lồ:

Đây là thể nặng nhất, chiếm khoảng 10% các trường hợp, vết loét đau rát nhiều, vị trí hay gặp ở môi, khẩu cái mềm, trụ amidan.

Có nhiều vết loét, khoảng 5 – 10 vết, sâu, bờ vết loét gồ, đáy trắng, kích thước 1-3cm.

Thời gian khỏi lâu hơn, từ 2 – 6 tuần, khi khỏi hay để lại sẹo. Thể bệnh này thường gây tái phát liên tục và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân.

Loét dạng Herpes:

Vết loét miệng dạng Herpes

Chiếm khoảng 1-10% các trường hợp, biểu hiện với nhiều vết loét nông, từ 10 – 100 vết, tập trung thành từng chùm.

Đường kính vết loét khoảng 2 – 3mm, gây đau rát. Thông thường bệnh sẽ khỏi sau 2 tuần, có thể để lại sẹo. Nhưng tái phát sau khoảng thời gian ngắn kể từ khi lành, liên tục trong khoảng 3 năm.

4. Chẩn đoán loét miệng

Loét miệng chẩn đoán khá dễ, thường được chẩn đoán dựa trên lâm sàng, hiếm khi cần xét nghiệm. Chỉ xét nghiệm trong trường hợp tái phát hoặc loét miệng nghiêm trọng và phức tạp.

Các xét nghiệm máu chủ yếu với mục đích tìm nguyên nhân bao gồm:

  • Công thức máu, sắt huyết thanh, vitamin B12 và folate
  • Các xét nghiệm kháng thể gluten cho bệnh Celiac
  • Xét nghiệm calprotectin trong phân chẩn đoán bệnh Crohn.
  • Phết dịch vùng tổn thương để xét nghiệm vi sinh, tìm sự hiện diện của nấm Candida albicans, vi rút Herpes simplex.

5. Điều trị loét miệng

Không có biện pháp điều trị đặc hiệu, mục tiêu chính của điều trị là giảm đau, giảm khó chịu và giúp nhanh lành vết loét.

 Điều trị loét miệng

Các biện pháp chung:

  • Bôi bột nhão tạo thành hàng rào bảo vệ vết loét để làm giảm tiếp xúc với nước bọt, các chất gây kích ứng
  • Thuốc gây tê lidocain giúp giảm đau
  • Nước súc miệng kháng khuẩn để giảm nhiễm khuẩn thứ phát
  • Tránh các thức ăn gây kích ứng hoặc làm trầm trọng thêm vết loét

Điều trị một số bệnh lý liên quan:

  • Chế độ ăn uống bổ sung vitamin và khoáng chất, nếu chế độ ăn uống không đủ hoặc được xác định nguyên nhân gây loét là thiếu dưỡng chất.
  • Giảm căng thẳng
  • Bôi các loại thuốc mỡ giúp bảo vệ và nhanh lành vết loét như glycerin borat, Kamistad – Gen N
  • Trường hợp nhiễm khuẩn dùng thuốc kháng sinh, còn nhiễm virus thì dùng thuốc kháng virus.

6. Dự phòng loét miệng

Để phòng ngừa loét miệng là hạn chế tối đa những yếu tố nguy cơ. Một số biện pháp có thể áp dụng như sau:

  • Chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để hạn chế stress.
  • Chế độ ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin và các chất khoáng, đặc biệt là vitamin C, các vitamin nhóm B, sắt, acid folic.
  • Giữ vệ sinh răng miệng tốt, hạn chế xáo trộn hệ vi khuẩn trong miệng.
  • Tránh tổn thương niêm mạc miệng, chải răng nhẹ nhàng, sửa chữa hàm giả, không cắn môi, má.

Loét miệng