Tìm hiểu về bệnh mày đay

Mày đay hay nổi mề đay là tình trạng nổi nhiều nốt mẩn đỏ hoặc các mảng da đỏ một cách đột ngột. Nốt mẩn đỏ này là do phản ứng của các mao mạch dưới da hoặc niêm mạc trước các tác nhân gây dị ứng bên trong hay bên ngoài cơ thể, gây nên hiện tượng phù tại chỗ, làm da bị phồng lên, kèm theo triệu chứng ngứa ngáy khó chịu.

Bệnh mày đay có thể xuất hiện tại một vùng da, niêm mạc trên cơ thể hoặc xuất hiện cùng lúc ở nhiều khu vực khác nhau. Có thể là cấp tính, tức kéo dài không quá 6 tuần hoặc mạn tính khi kéo dài trên 6 tuần.

1. Nguyên nhân gây mày đay

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh mày đay, chủ yếu là liên quan đến dị ứng, có thể là một tác nhân nhưng cũng có thể nhiều tác nhân kết hợp với nhau. Ngược lại, nhiều trường hợp không tìm thấy bất kỳ nguyên nhân nào.

Nguyên nhân gây mày đay

  • Do dị ứng: Là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người bị mày đay, các tác nhân thường gặp có thể là thuốc, mỹ phẩm, hóa chất, phấn hoa, phấn bướm, thức ăn, lông gia súc, bụi…. 
  • Nguyên nhân do thời tiết: Nhiệt độ, độ ẩm không khí thay đổi đột ngột cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nổi mề đay, mẩn ngứa ở cơ thể.
  • Nổi mề đay do côn trùng đốt: Với những người có cơ địa nhạy cảm, khi tiếp xúc với nọc độc của côn trùng hoặc bị côn trùng đốt có thể làm sưng tấy, nổi mề đay, ngứa ngáy…
  • Do yếu tố di truyền: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu cha hoặc mẹ là người có cơ địa bị bệnh mày đay thường xuyên thì con cái cũng có khả năng bị bệnh với nguy cơ cao.

2. Các triệu chứng của mày đay

Các triệu chứng của mày đay

Các triệu chứng mày đay khá rõ, có thể quan sát bằng mắt thường và được người bệnh mô tả chi tiết. Các triệu chứng chính bao gồm:

  • Nổi mẩn đỏ ở da: Xuất hiện các nốt mẩn đỏ với hình dạng, kích thước khác nhau nổi lên, phù nề và đỏ cả vùng da do mạch máu bị giãn. Các vết sẩn phù này có thể tập trung tại một vị trí hay xuất hiện tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.
  • Ngứa: Vùng da bị nổi mẩn đỏ gây khó chịu cho người bệnh bởi chúng rất ngứa, kèm theo đó là hiện tượng nóng rát. Ngứa có xu hướng tăng lên khi thời tiết nóng hay về chiều tối. Càng gãi nhiều sẽ càng cảm thấy ngứa, đồng thời làm da bị trầy xước, chảy máu và có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ.
  • Các biểu hiện khác: Trường hợp nặng, có thể gặp phải các dấu hiệu nguy hiểm như phù niêm mạc, khó thở, nhiễm trùng, nổi mụn nước....
  • Nói chung các triệu chứng có thể tự khỏi sau vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, một số kéo dài vài ngày đến vài tuần. Nếu các triệu chứng nổi mẩn và ngứa kéo dài quá 2 tuần hoặc là xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm thì phải đi khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

3. Chẩn đoán mày đay

Chẩn đoán bệnh mề đay

Chẩn đoán bệnh mày đay khá dễ, chỉ cần khám lâm sàng có thể chẩn đoán được. Được chẩn đoán là mày đay khi:

Lâm sàng:

  • Nổi mẩn đỏ trên da thành từng đám, hoặc các nốt đỏ rải rác khắp người kèm theo ngứa
  • Trường hợp nặng có thể thấy phù niêm mạc, khó thở, nổi mụn nước…

Cận lâm sàng:

  • Thông thường, không cần xét nghiệm khi chẩn đoán mày đay, trừ khi dấu hiệu gợi ý có rối loạn cụ thể như nhiễm trùng thì cần xét nghiệm công thức máu và CRP
  • Các trường hợp bất thường, tái phát nhiều lần hoặc dai dẳng cần được đánh giá thêm. Có thể phải cân nhắc đến test da với dị nguyên, xét nghiệm IgE, các xét nghiệm thường quy gồm công thức máu, hóa sinh máu, các xét nghiệm chức năng gan.
  • Trường hợp mà các dấu hiệu kín đáo, không rõ thì phải sinh thiết da làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định. Sinh thiết da cũng được đặt ra trong trường hợp mày đay còn tồn trên trên 48 giờ, để loại trừ mày đay viêm mạch.

4. Điều trị mày đay

Điều trị mày đay

Nói chung mày đay khá nhẹ, có thể tự khỏi sau vài giờ đến vài ngày mà không cần phải điều trị gì. Nhưng khoảng 70% bị tái phát thường xuyên và trở thành mạn tính.

Điều trị bệnh mày đay bằng thuốc:

  • Trường hợp nhẹ, vùng da nổi mẩn ít có thể chỉ cần dùng thuốc bôi tại chỗ như bôi kem có chứa corticoid, kết hợp với kháng sinh. Có thể dùng một trong các loại như Ladorvan, Gentrisone… Cũng có thể dùng lại kem bôi chỉ chứa corticoid như Diprosalic, kết hợp với kháng sinh đường uống, để phòng bội nhiễm
  • Thuốc kháng histamin là thuốc chính trong điều trị mày đay trong mọi trường hợp. Có thể sử dụng một trong các loại như Cetirizine, Fexofenadine, Desloratadine…. Liều lượng và số lần dùng phải theo chỉ định của bác sĩ.
  • Corticosteroid toàn thân được dùng khi có các triệu chứng nghiêm trọng nhưng không nên dùng lâu dài.
  • Mày đay mạn tính tự phát thường không đáp ứng với thuốc kháng histamine hoặc các thuốc khác thường dùng. Thuốc Omalizumab, một kháng thể đơn dòng có thể ức chế một số phản ứng dị ứng nhất định, có thể giúp làm giảm triệu chứng, nhưng kinh nghiệm với việc sử dụng thuốc này là có hạn.

Nhập viện khám và điều trị:

Trong một số trường hợp, mày đay nặng với các triệu chứng khó thở, phù niêm mạc nặng, mất ý thức hoặc có biểu hiện phản vệ…. Các trường hợp này có nguy cơ tư vong cao, nên tốt nhất phải đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

5. Phòng bệnh mày đay

Cách phòng ngừa bệnh mày đay hiệu quả

Mày đay do cơ địa dị ứng, có tính chất gia đình, di truyền khá rõ, nên nhiều trường hợp, dự phòng không mang lại hiệu quả cụ thể. Các biện pháp dự phòng chủ yếu tập trung vào tránh các nguy cơ bị dị ứng như:

  • Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối 0,9% ấm.
  • Loại bỏ các tác nhân kích thích như thuốc lá, rượu bia, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ
  • Tránh những nơi khói bụi, ô nhiễm, khí độc hại, lông gia súc, gia cầm, phấn hoa...
  • Hạn chế ăn các thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua, ghẹ, mực…
  • Vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh sạch sẽ
  • Nếu biết chính xác loại tác nhân nào là nguyên nhân gây bệnh thì cố gắng tránh, không tiếp xúc với chúng
  • Nâng cao thể trạng bằng chế độ ăn giầu dinh dưỡng, bổ sung đầy vitamin A, canxi, vitamin D3, MK7...

Mày đay