Tóm tắt nội dung
Mọc răng là quá trình tự nhiên, là một trong những giai đoạn phát triển ở trẻ. Thông thường trẻ sẽ bắt đầu mọc răng từ tháng thứ 6, nhưng cũng có những trẻ mọc muộn hơn hoặc sớm hơn. Răng mọc đầu tiên là 2 răng cửa hàm dưới và khi trẻ được 3 tuổi thì sẽ mọc đủ 20 chiếc răng gọi là răng sữa.
Trẻ mọc răng sẽ cảm thấy rất khó chịu, không những thế mọc răng còn dẫn đến nhiều sự thay đổi về sức khỏe khác.
1. Dấu hiệu khi trẻ mọc răng
Thường các dấu hiệu mọc răng có thể gặp ở trẻ bao gồm:
Chảy nhiều nước dãi:
Trẻ mọc răng sẽ kích thích dây thần kinh số 5 khiến trẻ chảy nước dãi nhiều hơn thường ngày. Vì chức năng nuốt nước bọt của trẻ chưa hoàn thiện và khoang miệng còn nông dẫn đến việc nước dãi chảy ra ngoài.
Nổi mẩn xung quanh cằm và miệng:
Do nước dãi chảy nhiều khiến vùng da xung quanh miệng và cằm của bé dễ bị nổi mẩn đỏ, vì thế cha mẹ nên vệ sinh kỹ cho bé khi bé chảy nước dãi nhiều.
Sốt nhẹ:
Nguyên nhân chính là do răng đẩy nướu (lợi) để mọc trồi lên trên, gây tổn thương nướu, lúc này vi khuẩn, virus trong khoang miệng có cơ hội xâm nhập vào vết nứt gây viêm. Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể gây sốt là nhiễm khuẩn hay nhiễm vi rus vùng mũi họng khi mọc răng.
Hay nhai cắn:
Khi răng bắt đầu nhú lên khiến hàm bị ngứa khiến trẻ cắn mọi thứ để làm giảm cảm giác này.
Quấy khóc, bú kém:
Vì khó chịu, đau nhức nên trẻ sẽ quấy khóc và có thể bú kém hoặc bỏ bú.
Các dấu hiệu khác:
Các dấu hiệu khác như ho không kèm sốt, ngủ không ngon giấc, hay giật mình... có thể là biểu hiện khi trẻ mọc răng.
2. Thứ tự mọc răng ở trẻ
Thứ tự mọc răng ở trẻ rất quan trọng, nó quyết định hình dạng và sắp xếp các răng trên cung xương hàm. Thông thường thời điểm mọc răng và thứ tự mọc răng ở trẻ như sau:
- Khoảng 6-10 tháng tuổi: có thể mọc 2 chiếc răng cửa giữa ở hàm dưới đầu tiên.
- Khoảng 8-12 tháng tuổi: tiếp theo thường là mọc2 chiếc răng cửa giữa hàm trên.
- Khoảng 9- 13 tháng tuổi: trẻ mọc tiếp 2 chiếc răng cửa bên hàm trên (còn gọi là răng cửa số 2), lúc này hàm trên đã có 4 chiếc răng cửa.
- Khảng 10-16 tháng tuổi: tiếp tục mọc 2 chiếc răng cửa bên hàm dưới (răng cửa số 2 hàm dưới), thời điểm này trẻ có 8 răng cửa (2 hàm dưới và 2 hàm trên).
- Khoảng 13-19 tháng tuổi: mọc 2 chiếc răng hàm đầu tiên hàm trên, hai chiếc răng này mọc ở vị trí lùi về phía trong, cách một vị trí so với 4 chiếc răng cửa.
- Khoảng 14-18 tháng tuổi: mọc thêm 2 răng hàm dưới, cũng như 2 răng hàm trên, chúng mọc cách một vị trí so với 4 chiếc răng cửa dưới đầu tiên.
- Khoảng 16-22 tháng tuổi: 2 chiếc răng nanh hàm trên được mọc sẽ lấp đầy vị trí bị bỏ trống.
- Khoảng 17-23 tháng tuổi: 2 răng nanh hàm dưới xuất hiện tiếp theo, đến thời điểm này hàm răng của bé đã khá đủ, không còn khoảng trống nữa.
- Khoảng 23-31 tháng tuổi: 2 răng hàm phía dưới tiếp theo được mọc.
- Khoảng 25-33 tháng tuổi: 2 chiếc răng hàm trên cuối cùng sẽ mọc.
Như vậy, khi đủ 3 tuổi cơ bản bé sẽ mọc đủ 20 chiếc răng, gọi là răng sữa.
3. Các vấn đề về răng sữa trẻ thường gặp phải
Theo thứ tự mọc răng của bé, bé thường gặp phải các vấn đề về răng sữa và điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ như sau:
- Mất răng sớm
- Răng mọc lệch
- Răng bị chèn ép không mọc lên được
- Viêm nướu (bệnh nướu răng)
- Đốm vàng hoặc nâu trên răng
- Sâu răng, sún răng.
4. Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng
Theo thứ tự mọc răng của bé trước khi răng của bé nhú lên, lợi của bé đỏ và sưng to, sốt nhẹ, làm bé lười ăn, khóc quấy, sút cân.
Thời điểm này, nên chăm sóc, vỗ về bé, thay đổi chế độ ăn, thay bằng bột, sữa, cháo loãng để phù hợp với bé.
Trong giai đoạn mọc răng, trẻ có thể ngứa nướu, đau nướu và sốt nhất là mọc răng hàm. Khi đó có thể cho trẻ nhai núm vú giả khi trẻ khó chịu.
Nếu trẻ đau hoặc sốt, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt loại paracetamol với liều lượng 15mg cho mỗi kg cân nặng, có thể lặp lại sau 4 – 6 giờ.
Trường hợp bé đi ngoài phân lỏng hoặc sệt, nhưng số lượng chỉ 3-4 lần/ngày, nói chung khó có thể gây mất nước. Vì thế, vẫn cho ăn uống bình thường.
Còn khi thấy trẻ đi phân nhiều nước, nhiều hơn 4 lần mỗi ngày, thì ngay lập tức phải bổ sung nước và điện giải cho bé, tốt nhất là cho bé uống ngay dung dịch oresol. Sau đó, nếu tình trạng đi ngoài không cải thiện thì cần đưa bé đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
5. Các biện pháp giúp cho bộ răng của trẻ luôn khỏe mạnh
Một số biện pháp có thể thực hiện để chăm sóc sức khỏe răng miệng cho con trẻ:
- Sử dụng vải mềm sạch để lau khi trẻ mới mọc răng, còn khi trẻ lớn hơn thì cho sử dụng loại bàn chải có lông mềm và khuyến khích trẻ đánh răng hàng ngày.
- Khi trẻ bắt đầu ăn dặm thì nên hạn chế đồ ngọt, hạn chế việc uống sữa ban đêm. Nếu trẻ có bú sữa ngoài thì nên lấy bình ra ngay sau trẻ bú xong, nhất là vào ban đêm.
- Khám nha khoa định kỳ để kiểm tra sức khỏe răng miệng cho trẻ, tốt nhất là ngay từ khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên hãy cho trẻ đi khám.
- Trường hợp mà trẻ có dấu hiệu mọc răng muộn, chẳng hạn như hơn 10 tháng tuổi mà vẫn chưa mọc răng nào thì có thể là dấu hiệu của thiếu canxi hoặc mắc bệnh còi xương, suy dinh dưỡng. Khi đó nên cho trẻ đi khám chuyên khoa dinh dưỡng để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán xác định, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.
Mọc răng