Bệnh mộng thịt là gì?

Mộng thịt bản chất là một khối u lành tính, phát triển chậm và hầu như không có hại. Bệnh khá phổ biến ở những nước nằm trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi có nhiều gió, bụi, ánh nắng mặt trời…Ở Việt Nam, mộng mắt chiếm hơn 5% dân số, tập trung nhiều ở vùng ven biển miền Trung.

Mộng thường phát triển ở khe mi góc trong, nhưng đôi khi phát triển ở vùng khe mi góc ngoài hoặc có khi cả hai góc (mộng kép). Mộng có hình tam giác hay hình cánh có đỉnh quay về phía giác mạc, có thể màu đỏ hoặc hồng tùy theo số lượng và độ cương tụ của mạch máu trong thân mộng.

Nhìn chung, bệnh mộng thịt thường tiến triển chậm trong hàng chục năm, cũng có thể nhanh trong vài tháng. Trong quá trình tiến triển, có thể gây những biến chứng như viêm kết mạc, chảy nước mắt, nhìn đôi, loạn thị, tầm nhìn hạn chế, loét giác mạc đầu mộng, gây đục tổ chức giác mạc dưới mộng thịt… Nếu vùng giác mạc trung tâm bị đục thì sẽ bị mù lòa.

1. Nguyên nhân gây mộng thịt

Nguyên nhân gây mộng thịt

Mộng thịt được cho là do nhiều yếu tố tác động với nhau gây ra, dù vậy nguyên nhân chính vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, tia tử ngoại (UV) từ ánh sáng mặt trời đã chứng minh là có khả năng gây ra cao nhất. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài, trong điều kiện khô và bụi bẩn cũng được cho là những yếu tố gây nên bệnh mộng thịt.

2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mộng thịt

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mộng thịt như:

  • Sống khu vực khí hậu nóng, khô, nhiều ánh nắng mặt trời
  • Làm công việc ngoài trời nhiều
  • Tiếp xúc nhiều với tia tử ngoại từ mặt trời hoặc từ đèn tử ngoại
  • Thường xuyên tiếp xúc với gió, bụi, phấn hoa hay các chất gây kích ứng, khô mắt
  • Người bị khô mắt

3. Các triệu chứng mộng thịt

Các triệu chứng mộng thịt

Tùy theo mức độ và vị trí xuất hiện, các triệu chứng mộng thịt bao gồm:

  • Một khối trắng phát triển với các mạch máu dễ thấy ở những góc trong hoặc góc ngoài của mắt
  • Khối màu trắng đục, nhiều mạch máu, phát triển dần to lên
  • Mộng có thể đỏ dần lên, hoặc trắng đục xen kẽ các mạch máu đỏ
  • Mộng mắt có thể bị ở cả hai mắt
  • Có thể thấy rát, khô, nóng, đau và cộm ở mắt
  • Thỉnh thoảng chảy nước mắt, ngứa mắt
  • Khi mộng phát triển che đồng tử thì sẽ gây mờ mắt, giảm thị lực, hoặc gây ra loạn thị, nhìn đôi do áp lực đè nặng lên bề mặt giác mạc.

4. Chẩn đoán mộng thịt

Chẩn đoán mộng thịt

Mộng thịt là một khối u lành tính ở mắt, chẩn đoán khá dễ chỉ bằng cách khám mắt thông thường, không cần thiết phải tiến hành xét nghiệm.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể phải thực hiện các biện pháp bổ sung để chẩn đoán tình trạng thị lực bị ảnh hưởng bởi mộng thịt. Các biện pháp cần thực hiện:

  • Kiểm tra thị lực mắt bằng cách đo thị lực
  • Đo đánh giá sự thay đổi độ cong của giác mạc
  • Chụp ảnh tư liệu để theo dõi tốc độ phát triển của mộng thịt.

5. Phân loại mộng thịt

Phân loại mộng thịt

Căn cứ theo các tiểu chuẩn khác nhau mà có các cách phân loại bệnh mộng thịt khác nhau:

Phân loại theo mức độ tiên lượng:

  • Mộng thịt tiến triển: Đầu mộng có nhiều hình răng cưa, nếu thân mộng dày, có nhiều mạch máu thì khả năng tái phát cao sau mổ.
  • Mộng thịt xơ: Đầu mộng tròn, trắng đặc, loại mộng này không tiến triển và ít tái phát sau mổ.

Phân loại theo mức độ xâm lấn vào giác mạc đối chiếu với trung tâm giác mạc: 

  • Mộng độ 1: Xâm lấn dưới 2mm
  • Mộng độ 2: Xâm lấn từ 2 – 4mm
  • Mộng độ 3: Xâm lấn trên 4mm

Phân loại theo giải phẫu:

Mộng được chia thành 4 độ dựa vào bán kính giác mạc:

  • Mộng độ 1: Đầu mộng phát triển quá rìa giác mạc
  • Mộng độ 2: Đầu mộng chưa tới 1/2 bán kính giác mạc
  • Mộng độ 3: Đầu mộng vượt quá 1/2 bán kính giác mạc
  • Mộng độ 4: Đầu mộng tới và có thể đi quá trung tâm giác mạc

Phân loại theo Tổ chức y tế thế giới:

  • Mộng độ 1: Mộng tới rìa giác mạc
  • Mộng độ 2: Mộng vào đến điểm giữa của khoảng cách từ rìa giác mạc đến bờ đồng tử
  • Mộng độ 3: Mộng lan đến bờ đồng tử
  • Mộng độ 4: Mộng đã lan qua bờ đồng tử.

6. Điều trị mộng thịt

 Điều trị mộng thịt

Mộng thịt thường không cần điều trị cho đến khi triệu chứng đủ nặng. Khi mộng thịt trở nên đỏ và bị kích thích, dùng thuốc nhỏ mắt bôi trơn, thuốc mỡ hoặc thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid loại nhẹ để giúp làm giảm viêm.

Nếu khối mộng này trở nên đủ lớn ảnh hưởng đến thị lực hoặc gây khó chịu dai dẳng, khi đó phẫu thuật là biện pháp tốt nhất để loại bỏ bệnh mộng thịt. Ngoài ra, việc phẫu thuật cũng thường được áp dụng với lý do thẩm mỹ.

Các biện pháp ngăn ngừa tái phát cũng rất quan trọng, đòi hỏi những biện pháp điều trị bổ sung như liệu pháp vật lý và liệu pháp hóa học. Liệu pháp vật lý thường sử dụng tia X, tia beta hay laser, trong khi liệu pháp hóa học dùng corticoid hoặc thuốc chống chuyển hóa để điểu trị.

Trong những năm gần đây, các nhà nhãn khoa sử dụng Mitomycin C – một kháng sinh có tác dụng ức chế sự tăng sinh của nguyên bào sợi. Tuy nhiên, thuốc có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như viêm giác mạc chấm nông, thủng củng mạc, viêm mống mắt… nên khi dùng cần hết sức thận trọng.

Ngày nay, có nhiều phương pháp khác nhau để phẫu thuật điều trị mộng thịt với mục đích là cắt bỏ mộng và tìm mọi cách để hạn chế tái phát. Trong đó phương pháp phẫu thuật cắt bỏ mộng thịt kết hợp với ghép giác mạc tự thân là phương pháp cho hiệu quả nhất và được áp dụng rộng rãi.

7. Dự phòng mộng thịt

  • Đeo kính râm khi đi ngoài trời nắng hoặc khi tiếp xúc với nguồn sáng có tia tử ngoại
  • Kính râm kiểu wrap-around là lựa chọn tốt nhất, vì chúng có thể chặn ánh sáng và độ chói từ phía trước và cả hai bên
  • Đội mũ rộng vành khi đi ra ngoài nắng để bảo vệ mắt khỏi tia UV
  • Thường xuyên sử dụng nước mắt nhân tạo để giữ ẩm cho mắt ở vùng khí hậu khô.

Mộng thịt