Mụn trứng cá là một trong những bệnh da liễu phổ biến, xuất hiện nhiều nhất ở độ tuổi dậy thì, là thời kỳ có sự thay đổi nhiều về hormone trong cơ thể. Bệnh liên quan đến tuyến bã nhờn dưới da.

Theo thống kê, mụn trứng cá ảnh hưởng đến 75% người trong độ tuổi từ 11 đến 30. Điều này được giải thích do ở độ tuổi này, tuyến bã nhờn sẽ hoạt động mạnh, tăng tiết quá nhiều chất nhờn, vừa làm tăng nguy cơ bít tắc tuyến tiết bã vừa làm cho da dễ bị tích tụ các bụi, bẩn, vi khuẩn… do đó rất dễ bị viêm.

1. Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá

Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá

Dưới da có một tuyến gọi là tuyến tiết bã nhờn, ống của tuyến đổ vào lỗ chân lông trên bề mặt da để bài tiết chất nhờn ra ngoài. Các tuyến này sản xuất chất lỏng gọi là bã nhờn, có thể mang các tế bào da chết thông qua các nang lên bề mặt da.

Cơ chế gây mụn là tình trạng viêm nhiễm liên quan đến quá trình bài tiết chất nhờn dưới da. Vì nguyên nhân nào đó, tuyến bã này bị vỡ hay tắc nghẽn, thường do chất nhờn được tiết quá nhiều. Khi đó các tế bào da chết và bã nhờn... sẽ tích tụ và kết lại với nhau. Lâu ngày, vị trí này có thể bị vi khuẩn xâm nhập, gây sưng và dẫn đến sự hình thành các ổ viêm nhỏ rải rác trên bề mặt da. Đó chính là mụn trứng cá.

Loại vi khuẩn phổ biến nhất gây ra mụn trứng cá có tên là Propionibacterium acnes, là vi khuẩn sống kí sinh trên da và là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra mụn.

2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mụn trứng cá

Yếu tố nội tiết

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mụn trứng cá

Là yếu tố chính và phổ biến nhất gây mụn trứng cá. Yếu tố nội tiết có thể kích thích sự phát triển của mụn trứng cá, trong đó chủ yếu là sự gia tăng nồng độ androgen trong máu.

Androgen là một loại hormone có sự gia tăng cao bắt đầu từ tuổi dậy thì. Khi nồng độ androgen này tăng cao, các tuyến tiết bã nhờn dưới da cũng phát triển mạnh mẽ và mở rộng, tạo ra nhiều bã nhờn hơn. Khi lượng bã nhờn được sản xuất quá mức, chúng sẽ phá vỡ các thành tế bào trong lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Các yếu tố khác như:

  • Sử dụng nhiều mỹ phẩm, hay sử dụng mỹ phẩm không phù hợp
  • Trang điểm nhiều khiến lỗ chân lông bị bít tắc thời gian dài
  • Căng thẳng về tinh thần, áp lực về công việc...
  • Mệt mỏi kéo dài, thường xuyên thức khuya, dậy sớm
  • Kinh nguyệt của phụ nữ.
  • Chế độ dinh dưỡng nhiều chất ngọt, nhiều đường, ăn nhiều chất cay, nóng… cũng có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
  • Uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá
  • Môi trường ô nhiễm, nhiều khó bụi…

3. Các loại mụn trứng cá phổ biến

Các loại mụn trứng cá phổ biến

Có nhiều loại mụn trứng cá, các loại mụn sau đây xuất hiện tương đối rộng rãi:

  • Mụn đầu trắng: Mụn có màu trắng dưới da, nhỏ và li ti, lâu ngày tạo thành nhân cứng nên còn được gọi là mụn nhân
  • Mụn đầu đen: Rõ ràng hơn, xuất hiện trên bề mặt da và có màu đen. Đây là hệ quả của sự oxy hóa mụn đầu trắng trên bề mặt da.
  • Mụn sần: Là những loại mụn trứng cá bị viêm, tạo thành những vết sưng nhỏ màu đỏ hoặc hồng trên da.
  • Mụn bọc: Một trong các dạng mụn trứng cá phổ biến đó chính là mụn bọc. Mụn này thường sưng đỏ, kích thước lớn và đôi khi gây đau nếu sờ tay vào. Bên cạnh đó, mụn bọc hình thành khi nang lông bị vỡ ở đáy và đẩy bề mặt da lên.
  • Mụn mủ: Là một trong các loại mụn viêm khác, chúng giống như một cái đầu trắng với một vòng màu đỏ xung quanh vết sưng. Các vết sưng thường chứa đầy mủ trắng hoặc vàng.
  • Mụn dạng nang: Mụn dạng nang xảy ra khi tình trạng viêm trở nên trầm trọng, nó có dạng như túi kín chứa đầy chất lỏng, mủ… và giống như những hạt đậu lớn dưới bề mặt của da.

4. Điều trị mụn trứng cá

Điều trị mụn trứng cá tuỳ thuộc vào loại mụn và tình trạng mụn nặng hay nhẹ. Đôi khi bác sĩ sẽ kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để điều trị hiệu quả nhất và tránh tình trạng nhờn thuốc do vi khuẩn kháng thuốc.

Có thể trị mụn trứng cá bằng cách sử dụng kem dưỡng, thuốc đặc trị và thuốc uống.

4.1. Điều trị mụn trứng cá nhẹ

Điều trị mụn trứng cá nhẹ

Đối với mụn trứng cá nhẹ như mụn đầu trắng, mụn đầu đen hoặc mụn sần nhỏ có thể điều trị bằng cách:

  • Rửa mặt nhẹ với nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ, độ pH thấp, có thể rửa mặt bằng xà phòng hoặc sữa rửa mặt chống nhờn
  • Bôi kem chứa hoạt chất benzoyl peroxide
  • Bôi kem chứa acid salicylic 

4.2. Đối với mụn trứng cá vừa và nặng

Đối với mụn đỏ, mụn bọc, sưng to và nghiêm trọng hơn lúc đó ngoài điều trị bằng thuốc bôi và rửa mặt ra thì phải dùng thuốc kháng sinh nữa. Cụ thể:

  • Bôi kem chứa hoạt chất benzoyl peroxide
  • Bôi kem hay thuốc kháng sinh theo toa của bác sĩ
  • Uống thuốc kháng sinh hay retinoids (như isotretinoin) theo đơn của bác sĩ.
  • Bên cạnh đó vẫn phải rửa mặt hàng ngày bằng xà phòng hoặc sữa rửa mặt chống nhờn.

5. Phòng tránh mụn trứng cá

Phòng ngừa mụn trứng cá

Mụn trứng cá là tình trạng viêm da rất thường gặp và tái phát nhiều lần, nhiều khi điều trị rất khó khăn, mất thời gian. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có thể gây mất thẩm mỹ, gây mặc cảm, tự ti cho người mắc.

Một số lời khuyên để phòng tránh sự phát triển của mụn trứng cá, bao gồm:

  • Rửa mặt với tần suất vừa đủ: Không nên rửa với xà phòng, sữa rửa mặt quá 2 lần/ngày, điều này sẽ làm mất cân bằng pH trên da và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
  • Không chà xát da tại các vị trí đang nổi mụn: Sẽ khiến nhiễm trùng bị đẩy vào sâu trong da hơn, gây tắc nghẽn, sưng đỏ và viêm đau nghiêm trọng.
  • Tránh chạm tay vào mặt một cách tối đa.
  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi thoa kem, tẩy tế bào chết hoặc trang điểm.
  • Đối với mụn ở lưng, vai hoặc ngực, nên mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát khi ở nhà
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì nó có thể kích thích da sản xuất nhiều bã nhờn hơn và khiến mụn hình thành.
  • Tránh tiếp xúc với bụi hóa chất, hóa chất bay hơi… Nếu vì điều kiện phải tiếp xúc thì tốt nhất phải có đồ bảo hộ phù hợp.
  • Hạn chế tình trạng lo lắng, căng thẳng... vì đây cũng là nguyên nhân gây mụn trứng cá.

Mụn trứng cá