Tóm tắt nội dung
Nghiêm trọng hơn, nấm có thể đi xuống cả hệ tiêu hóa, từ thực quản đến ruột, hoặc các cơ quan khác như phổi, gan và gây ra tình trạng nhiễm nấm đa phủ tạng.
Bất kì ai cũng có thể bị nấm lưỡi, nhưng những người có sức đề kháng yếu như trẻ em, người cao tuổi, người nhiễm HIV/AIDS, suy gan, suy thận, ung thư… có nguy cơ bị nhiễm nấm cao hơn.
Đặc biệt những đối tượng bị suy giảm miễn dịch… việc nhiễm nấm trở nên rất nghiêm trọng, điều trị rất khó khăn.
1. Nguyên nhân gây nấm lưỡi
Bình thường, trong họng vẫn có một lượng nấm Candida albicans tồn tại, tuy nhiên các vi khuẩn có lợi trong cơ thể vẫn giúp kiểm soát tốt số lượng nấm này.
Khi hệ miễn dịch suy yếu, vi sinh vật trong cơ thể sẽ mất cân bằng dẫn đến lượng nấm phát triển không kiểm soát và gây bệnh.
Các nguyên nhân chính gây bệnh có thể bao gồm:
- Sử dụng thuốc như điều trị bệnh: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất, như thuốc corticoid, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng sinh….
- Đang trong giai đoạn điều trị ung thư (hóa trị và xạ trí) khiến chức năng hệ miễn dịch bị ảnh hưởng.
- Bị bệnh bạch cầu, HIV/AIDS gây tổn hại hoặc phá hủy tế bào của hệ thống miễn dịch.
- Mắc bệnh tiểu đường khiến lượng đường trong máu tăng cao và suy yếu hệ thống miễn dịch.
- Đeo răng giả không phù hợp.
- Vệ sinh răng miệng kém và chưa đúng cách.
- Hút thuốc lá, nghiện rượu.
2. Đường lây truyền của nấm lưỡi
Nấm Candida có thể truyền từ người này qua người khác qua tiếp xúc trực tiếp như:
- Quan hệ tình dục, kể cả đường hậu môn cũng như quan hệ bằng miệng.
- Dùng chung đồ dùng cá nhân, như dùng chung bàn chải đánh răng, khăn mặt, dùng chung cốc, chén, bát, đũa.
- Phụ nữ truyền nấm cho con trong quá trình sinh nở.
- Phụ nữ bị nấm lây sang con khi cho bú.
- Trẻ em truyền bệnh nấm cho mẹ trong quá trình bú.
3. Biểu hiện triệu chứng của nấm lưỡi
Ở giai đoạn đầu, nấm chưa có bất kỳ triệu chứng nào để có thể nhận biết. Nếu không được điều trị kịp thời thì có thể có các triệu chứng như:
- Xuất hiện các mảng màu trắng hoặc màu vàng (giống màu phô mai) ở mặt trên lưỡu, gốc lưỡi
- Tấy đỏ hoặc cảm giác đau nhức ở lưỡi, làm cho việc ăn hoặc nuốt gặp nhiều khó khăn.
- Cảm giác như lưỡi bị cộm cộm giống như ngậm bông trong miệng
- Có hiện tượng chảy máu nhẹ trong trường hợp nơi nhiễm nấm bị cọ xát.
- Có thể mất hoặc giảm vị giác, ăn không ngon miệng
- Trường hợp nhiễm nấm nặng có thể lan xuông gây tổn thương ở thực quản, người bệnh sẽ khó khăn trong việc nuốt cũng như cảm giác cổ họng đang mắc nghẹn thức ăn.
- Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà bị nấm lưỡi, còn gọi là tưa lưỡi sẽ gặp khó khăn khi bú, dễ bị kích động, hay quấy khóc, bỏ bú. Bé có thể truyền bệnh sang cho mẹ trong quá trình cho bú.
4. Chẩn đoán nấm lưỡi
Nấm lưỡi đôi khi chẩn đoán rất dễ, nhiều trường hợp chỉ cần thăm khám bằng mắt thường và hỏi triệu chứng là có thể chẩn đoán được.
- Dấu hiệu đặc trưng là tổn thương màu trắng đặc trưng ở mặt trên của lưỡi, gốc lưỡi, có thể lan ra thành sau họng, hạ họng, thanh quản
- Dùng vật tù (như que đè lưỡi) chải nhẹ phần sưng đỏ, có thể có hiện tượng chảy máu.
Mặc dù nhiều trường hợp khá điển hình, nhưng để chẩn đoán xác định thì vẫn phải làm xét nghiệm:
- Xét nghiệm soi tươi tìm nấm là biện pháp đơn giản nhất, cho kết quả nhanh và chính xác nhất.
- Trường khợp kín đáo, nhất là các trường hợp điều trị kéo dài vẫn không hiệu quả thì có thể phải nuôi cấy để chẩn đoán chuyên sâu.
- Trường hợp nghi ngờ nấm lan vào thực quản thì phải tiến hành ngoáy cổ họng bằng bông vô trùng và soi các vi sinh vật thu được dưới kính hiển vi.
- Nội soi bằng một ống dài có gắn máy ảnh để kiểm tra tình trạng niêm mạc thực quản, dạ dày.
5. Điều trị nấm lưỡi
Điều trị nấm lưỡi khá dễ ở người khỏe mạnh, nhưng người có hệ miễn dịch yếu sẵn thì sẽ khó hơn chút.
Phác đồ chung thường là điều trị 10 – 14 ngày, gồm các loại thuốc như thuốc uống kháng nấm, viên ngậm hoặc nước súc miệng kháng nấm…
Nếu nguyên nhân gây nấm là do dùng thuốc, chẳng hạn như đang dùng thuốc kháng sinh, thuốc corticoid thì tốt nhất phải giảm liều thuốc hoặc đổi loại thuốc khác, thậm chí phải cân nhắc ngừng thuốc để điều trị nấm trước.
6. Dự phòng nấm lưỡi
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Đánh răng ít nhất hai lần một ngày, nên dùng chỉ nha khoa mỗi để làm sạch các mảng bám ở kẽ răng
- Súc miệng nước muối sau khi thức dậy, khi chuẩn bị đi ngủ và sau 3 bữa ăn.
- Định kì khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần, với người bị tiểu đường hoặc các bệnh gây suy giảm sức đề kháng, răng giả thì phải đi khám nhiều hơn, tốt nhất theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Hạn chế ăn các loại như đường, kẹo, bánh ngọt, bánh mì, hạn chế uống rượu, bia, rượu vang… vì các loại này có thể làm gia tăng loại nấm trong miệng.
- Không lạm dụng dùng các loại nước súc miệng hay thuốc xịt miệng, vì có thể làm rối loạn hệ vi khuẩn trong miệng.
- Bỏ hút thuốc (nếu có), vì hút thuốc có thể gây tổn thương niêm mạc miệng, là nguyên nhân gây nấm miệng hoặc làm cho tình trạng nấm miệng nặng hơn.
- Có thể ăn thêm sữa chua vào khẩu phần ăn để tăng lợi khuẩn, giúp tăng cường vai trò của hệ thống miễn dịch và đẩy lùi sự phát triển của nấm.
Nấm lưỡi