Tóm tắt nội dung
Bệnh nấm mắt là tình trạng nhiễm trùng mắt do nấm gây ra. Nhiễm trùng mắt có thể gây ra bởi nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau, bao gồm vi khuẩn, virut, ký sinh trùng và nấm. Nấm mắt là bệnh khá hiếm, nhưng có thể rất nghiêm trọng làm giảm thị lực, thậm chí mù lòa. Nhiễm nấm có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau của mắt.
Nhãn cầu được che phủ bởi hàng rào biểu mô giác mạc và kết mạc kín, sạch và luôn được rửa sạch bởi nước mắt nên là tấm chắn rất tốt để ngăn chặn không cho nấm cũng như các tác nhân khác xâm nhập. Vì thế mà nhiễm nấm mắt phần lớn xảy ra do tổn thương giác mạc, chính vì điều này mà nhiều bác sĩ gọi nấm mắt là nấm giác mạc hay là viêm giác mạc do nấm.
Tuy nhiên một số trường hợp viêm nội nhãn, tức nhiễm trùng bên trong mắt (thủy tinh thể, thủy dịch) có thể do nội sinh, tức là đường vào của tác nhân gây viêm không phải là qua giác mạc mà là đến từ đường máu, chẳng hạn nhiễm trùng máu do nấm Candida rồi lây đến một hoặc cả hai mắt.
Tiên lượng của nấm mắt thường xấu hơn so với viêm nhiễm do vi khuẩn nói chung, do nhiễm nấm khó chẩn đoán hơn, chủ yếu dựa vào lâm sàng mà không có điều kiện chẩn đoán bằng cận lâm sàng, thuốc chống nấm ít, giá thành đắt, thói quen sử dụng corticoid và kháng sinh bừa bãi.
1. Nguyên nhân gây bệnh nấm mắt
Có hai loại nấm chính gây bệnh nấm mắt là nấm men và nấm sợi. Trong đó, nấm men có đặc điểm đơn bào, hình tròn, hình trứng có hoặc không có chồi. Nấm sợi đa bào, hình ống, phân nhánh có hoặc không có vách ngăn. Nấm thường hay gây bệnh viêm loét giác mạc là nấm sợi, hay gặp là Fusarium, Aspergillus. Nấm sợi thường khó chẩn đoán và điều trị hơn nấm men.
Nguồn nhiễm nấm chủ yếu là từ thảo mộc mà nấm sợi là chủ yếu. Nấm sợi Aspergillus gặp nhiều hơn nấm sợi Fusarium. Nhưng nếu bị nấm sợi Fusarium thì tổn thương sẽ nặng hơn so với nấm Aspergillus.
Bên cạnh nấm sợi, nấm men cũng có thể là nguyên nhân gây nấm mắt nhưng ít hơn là nấm sợi. Nhiễm nấm men Candida có thể do tổn thương giác mạc hoặc là do nhiễm trùng máu.
Tổn thương mắt do nấm men thường trên cơ địa mắt đã có các tổn thương trước đó như viêm giác mạc biểu mô dài ngày, chứng khô mắt, Herpes mắt, đeo kính áp tròng, sau ghép giác mạc, nhỏ mắt bằng cortisol hoặc dùng cortisol đường toàn thân. Khi xâm nhập vào mắt, các loại nấm sợi và nấm men đều phát sinh các độc tố hoạt hóa các men phân hủy protein làm hủy hoại các màng mắt.
2. Các yếu tố nguy cơ gây nấm mắt
- Khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, vệ sinh môi trường kém
- Các nước đang phát triển, điều kiện bảo lao động kém, nhiều chấn thương giác mạc do đất, bụi, cành cây, lá cây…
- Sử dụng kính áp tròng, sau phẫu thuật ở mắt
- Mắc bệnh tiểu đường, Basedow, hội chứng suy giảm miễn dịch
- Bệnh nhiễm trùng máu do nấm Candida
- Tiếp xúc với dụng cụ y tế hoặc các loại sản phẩm y tế bị ô nhiễm
- Mắc bệnh mắt mạn tính liên quan đến bề mặt mắt
- Lạm dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroid hoặc corticosteroid đường toàn thân
3. Các biểu hiện của nấm mắt
Các biểu hiện triệu chứng của nấm mắt xảy ra vài ngày đến vài tuần sau khi các loại nấm xâm nhập vào mắt.
Các triệu chứng cũng khá giống với các loại nhiễm trùng mắt do các nguyên nhân khác. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau nhức mắt, đỏ mắt
- Vướng bận, cộm ở mắt
- Mờ mắt, giảm thị lực
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Chảy nhiều dịch ở mắt
- Khám mắt thấy tổn thương là các ổ loét bờ lên, đáy loét có các đám xuất tiết trắng vàng. Nếu có mủ tiền phòng thì là mủ quánh đặc, không có ngấn nằm ngang mà bám leo sau nội mô giác mạc.
4. Biến chứng có thể gặp do nấm mắt
Bệnh không được điều trị có thể gây ra các biến chứng như loét giác mạc, thủng giác mạc... dẫn đến mù lòa.
5. Chẩn đoán bệnh nấm mắt
Chẩn đoán xác định sớm có vai trò quan trọng mang lại hiệu quả cao trong điều trị. Chẩn đoán nấm mắt dựa vào các biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm, cụ thể như sau:
Lâm sàng có biểu hiện viêm ở mắt như đau nhức, cộm, đỏ mắt, nhìn mờ, sợ ánh sáng, chảy dịch
Khám mắt thấy tổn thương điển hình như ổ loét tròn hay oval, ranh giới rõ, đáy ổ loét thường phủ lớp hoại tử dày, khô, đóng vảy gồ lên bề mặt giác mạc. Mủ tiền phòng tăng giảm thất thường.
Chẩn đoán xác định bằng lâm sàng như soi tươi, soi trực tiếp, nuôi cấy định danh, kỹ thuật ELISA, kỹ thuật PCR... để phát hiện loại nấm gây bệnh
- Soi tươi: Cho kết quả nhanh, xác định được có nấm hay không có nấm, nhưng chỉ phát hiện được nấm sợi khó phát hiện được nấm men.
- Soi trực tiếp: Các kỹ thuật thường dùng để chẩn đoán nấm là nhuộm Gram, nhuộm đơn xanh metylen, nhuộm Giemsa, nhuộm P.A.S.
- Nuôi cấy định danh loài nấm: Đa số các loài nấm gây viêm loét giác mạc chỉ trong 2 - 3 ngày đã mọc, nhưng cũng có những trường hợp phải tới 5 - 7 ngày nấm mới mọc.
Nấm men giống như khuẩn lạc của vi khuẩn tạo thành khóm phẳng, mịn, sinh trưởng nhanh chóng từ 2 - 4 ngày. Nấm sợi là những sợi phát triển từ tâm ra chung quanh, có lông mịn mọc trên môi trường thạch và có dạng sợi bông mọc trong môi trường canh thang.
6. Điều trị nấm mắt
Tùy thuộc vào loại nấm bị nhiễm, mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và các bộ phận của mắt bị ảnh hưởng mà có biện pháp điều trị khác nhau. Phương pháp điều trị các bệnh nhiễm trùng mắt do nấm có thể bao gồm:
- Dùng thuốc nhỏ mắt chống nấm
- Dùng thuốc chống nấm đường toàn thân như viên uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch
- Thuốc chống nấm tiêm trực tiếp vào mắt
Có 4 loại thuốc chính đang được dùng điều trị nấm mắt:
- Nhóm polyester (amphotéricin B, natamycin).
- Nhóm zimydazon (5 fluoro tiroxin).
- Nhóm sulfamid trộn bạc (cụ thể là sulfadiazin trộn bạc, vừa diệt nấm, vừa diệt khuẩn).
- Natamycin 5% là loại thuốc nhỏ dạng nước, rất tốt với nấm sợi Aspergillus.
Trường hợp khó xác định loại nấm thì cứ dùng amphotéricin B, dùng thêm fluconazole cho đường toàn thân.
Natamycin thuốc kháng nấm hoạt động tốt cho tình trạng nhiễm nấm liên quan đến các lớp bên ngoài của mắt, đặc biệt là những bệnh nấm mắt gây ra bởi nấm như Aspergillus và Fusarium.
Nhiễm trùng sâu hơn và nghiêm trọng hơn có thể yêu cầu điều trị bằng thuốc kháng nấm như amphotericin B, fluconazole hoặc voriconazole đường toàn thân. Các loại thuốc này có thể được uống, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm trực tiếp vào mắt.
Nên làm kháng nấm đồ, xem loại nấm gây bệnh mắt đó đặc hiệu với thuốc gì nhất để điều trị cho hiệu quả. Nhưng làm kháng sinh đồ thường cho kết quả chậm, nên nhiều khi phải dùng thuốc trước trong khi chờ đợi kháng sinh đồ.
Phẫu thuật mắt
Những trường hợp nhiễm trùng không được cải thiện sau khi sử dụng thuốc chống nấm có thể cần phải phẫu thuật, bao gồm cả việc cấy ghép giác mạc, thủy tinh thể để loại bỏ dịch từ bên trong mắt hoặc trong trường hợp nặng, phải cắt bỏ mắt (khoét mắt).
7. Dự phòng nấm mắt
- Tác nhân gây nấm mắt chủ yếu là nấm mốc từ thảo mộc nên khi lao động có tiếp xúc với cây cỏ cần phải tránh để chúng va quệt hoặc rơi bắn vào mắt.
- Trường hợp có va chạm với cây cỏ mà nghi có nấm thì phải rửa tay bằng xà phòng sạch, rồi rửa mặt bằng khăn sạch, giặt thật sạch khăn bằng xà phòng ngay sau khi rửa.
- Trong lao động và sinh hoạt hàng ngày, cần cẩn thận tránh gây ra các chấn thương ở mắt. Nên đeo kính bảo vệ mắt khi làm việc hoặc đi đường.
- Nếu không may bị các dị vật như bụi, hạt sạn, hạt thóc… bắn vào mắt, tuyệt đối không được day, giụi dẫn đến xước và rách giác mạc. Tốt nhất là dùng nước muối sinh lý rửa liên tục để dị vật tự trôi ra. Nếu không đỡ, hoặc dị vật to hơn bắn vào mắt, cần đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị.
- Hạn chế đeo kính áp tròng, trong trường hợp bất khả kháng phải đeo thì cần tuân thủ chặt chẽ khâu vệ sinh, không sử dụng hàng trôi nổi trên thị trường để tránh nhiễm nấm.
- Khi có triệu chứng bệnh ở mắt nói chung như nhức, đỏ, ngứa, cộm… không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt về nhỏ bừa bãi. Việc khám và điều trị bệnh mắt nên được thực hiện ở các cơ sở y tế chuyên khoa, phải thực hiện sớm, tránh biến chứng viêm loét giác mạc, có thể gây nấm mắt.
Nấm mắt