Ngứa có thể được thúc đẩy bởi các kích thích khác nhau, bao gồm cả sờ chạm, rung động, và các dị vật nhỏ. Có một số trung gian hóa học cũng như các cơ chế khác nhau khi cảm giác ngứa xảy ra. Bên cạnh biểu hiện ngứa, rất khó chịu, người bị ngứa còn gặp phải những triệu chứng khác như nổi mẩn đỏ, xung huyết, viêm da, loét da.…

Tìm hiểu về bệnh ngứa da

Ngứa không chỉ là dấu hiệu của các bệnh ngoài da mà còn có thể liên quan đến nhiều bệnh lý các cơ quan bên trong cơ thể.

1. Nguyên nhân gây ngứa

Ngứa da do rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể bắt nguồn từ các yếu tố bên trong cơ thể hoặc do tác động từ môi trường ngoài. Ngứa da có thể do dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn, mỹ phẩm hoặc mắc phải các bệnh lý về da như bị nấm da, mề đay, vảy nến, ghẻ…

2. Chẩn đoán ngứa

Chẩn đoán ngứa rất dễ, chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng. Người bệnh có thể mô tả khá rõ về tình trạng ngứa, mức độ cũng thời gian kéo dài của ngứa.

Lâm sàng với các biểu hiện ngứa ngáy, rất khó chịu làm cho cơ thể phải gãi, kèm theo nổi mẩn đỏ, mẩn đỏ có thể là dạng nốt hoặc thành đám, xung huyết dưới da…

Tùy theo nguyên nhân gây ngứa mà có các triệu chứng khác kèm theo như: 

Da khô

Ngứa da do da khô

Da khô thường là do tác động bởi thời tiết (quá nóng hoặc quá lạnh), độ ẩm không khí thấp, tắm nhiều lần trong ngày… Ngứa trong da khô thường không có các biểu hiện của bệnh ngoài da khác như mụn nước hay mẩn đỏ.

Tâm lý

Đôi khi, ngứa người có thể do các vấn đề về tâm lý. Một số tình trạng sức khỏe tâm thần khiến cảm thấy da bị tê ngứa như: lo âu, phiền muộn, căng thẳng, trầm cảm…

Thói quen vệ sinh kém

Mỗi centimet trên da có chứa đến khoảng 1 triệu vi khuẩn đang tìm cách xâm nhập vào cơ thể mỗi ngày. Chúng sống chủ yếu ở lớp thượng bì, sử dụng nguồn dinh dưỡng từ mồ hôi, bã nhờn và các tế bào da. Chính vì vậy, nếu bạn vệ sinh cơ thể không tốt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn hoạt động manh hơn, từ đó gây ngứa da hoặc nổi mẩn ngứa toàn thân.

Viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng thường có các biểu hiện da khô ngứa, sưng tấy, nứt nẻ. Bệnh thường phát triển theo từng đợt và hay tái phát.

Bệnh vảy nến

Là bệnh tự miễn ngoài da mạn tính làm da bị tổn thương, ngứa ngáy và có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Ghẻ

Ghẻ là một bệnh nhiễm ký sinh trùng ở da, gây nên bởi sự xâm nhập bởi một loài rệp nhỏ. Sau khi bám vào bề mặt da, rệp chui sâu vào trong để đẻ trứng làm cho vùng da đó bị ngứa ngáy dữ dội do cơ thể có phản ứng dị ứng với tác nhân lạ là rệp.

Mề đay

Ngứa da do mề đay

Mề đay là bệnh liên quan đến miễn dịch do sự giải phóng các chất trung gian hóa học trong cơ thể. Điều này khiến cho các mạch máu nhỏ bị xung huyết, dẫn đến da bị sưng viêm gây nổi mẩn đỏ ngứa ngáy khắp người.

Dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm gây phù mạch, xung huyết dưới da, nổi mẩn, ngứa ngáy, khó chịu. Các thực phẩm hay gây dị ứng là tôm, cua, mực, ghẹ, đậu phộng…

Dị ứng thời tiết

Nếu có cơ địa mẫn cảm với thời tiết, có thể bị ngứa da vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi, quá nóng hoặc quá lạnh. Biểu hiện của bệnh là mẩn đỏ nổi ở một vùng da trên cơ thể hoặc toàn bộ. 

Dị ứng mỹ phẩm, hóa chất

Tình trạng này thường xảy ra ở phụ nữ do sử dụng các loại mỹ phẩm, xà phòng kém chất lượng khiến da bị kích ứng, nổi mẩn đỏ và ngứa. Ngoài ra, tiếp xúc với các hóa chất dễ gây dị ứng như xăng, sơn, xi măng, các hóa chất tẩy rửa, xà phòng…

Dị ứng thuốc

Ngứa da do dị ứng thuốc

Nhiều loại thuốc có thể gây ngứa da dữ dội, phát ban, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh, trị nấm, hay thuốc giảm đau.

Nhiễm giun sán

Thói quen ăn rau sống, ăn các món tái không hợp vệ sinh, không tẩy giun định kỳ khiến lượng giun trong cơ thể quá nhiều. Chất thải của giun sán đi vào máu sẽ kích thích hệ miễn dịch, từ đó dễ gây ngứa da toàn thân.

Bệnh lý về gan, thận

Gan, thận có vai trò lọc và đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Khi gan, thận bị tổn thương, chất độc không thể đào thải hết nên gây ngứa toàn thân.

Mắc các bệnh về máu

Các bệnh máu như đa hồng cầu, hội chứng rối loạn sinh tủy.… cũng có thể gây ra tình trạng bị ngứa toàn thân, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.

Bệnh xã hội

Ngứa da do các bệnh xã hội

Các bệnh xã hội như bệnh lậu, giang mai, sùi mào gà, HIV/AIDS đều có biểu hiện đầu tiên là ngứa. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, cũng bị ngứa da do tác dụng của thuốc, bội nhiễm…

Thay đổi nội tiết

Nội tiết tố thay đổi trong thời gian mang thai hoặc trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể khiến cơ thể khô sạm và nổi mẩn ngứa khắp người.

Ung thư

Tình trạng ngứa kéo dài có thể là dấu hiệu sớm của một số bệnh ung thư ở bộ phận nào đó trong cơ thể.

Các bệnh tuyến giáp

Cường giáp, suy giáp đều có thể gây ngứa da toàn thân. Ngoài ra, còn gặp các vấn đề khác như sụt cân, tim đập nhanh, bọng mắt, lồi mắt, mệt mỏi, da khô, táo bón.

Tiểu đường

Ngứa da do tiểu đường

Lượng đường trong máu tăng cao khiến mạch máu dưới da bị tổn thương, ảnh hưởng tới sự vận chuyển chất dinh dưỡng, hậu quả là gây tổn thương dây thần kinh. Từ đó bị ngứa, nổi mẩn đỏ, da khô sạm.

Bệnh zona

Zona thần kinh là bệnh nhiễm trùng do virus Varicella-zoster gây ra. Virus này đi vào hệ thần kinh và khu trú trong các hạch thần kinh cảm giác trong suốt quá trình sống của cơ thể. Khi có điều kiện thuận lợi, virus tái hoạt động, phá hủy các sợi thần kinh cảm, gây đau, rát và ngứa ngáy toàn thân.

Cận lâm sàng

  • Phần lớn trường hợp ngứa chỉ chẩn đoán dựa vào lâm sàng. Tuy nhiên, khi ngứa đi kèm với tổn thương da đơn lẻ, thì cần làm sinh thiết da để chẩn đoán xác định.
  • Khi nghi ngờ có phản ứng dị ứng nhưng không rõ chất gây ra, thì thử nghiệm test lấy da hoặc test áp phụ thuộc vào nguyên nhân nghi ngờ.
  • Khi nghi ngờ bệnh lý mạn tính, xét nghiệm phụ thuộc vào nguyên nhân nghi ngờ và thường bao gồm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, chức năng gan, thận, và đánh giá sàng lọc ung thư.

3. Điều trị ngứa da

Điều trị ngứa da

Ngứa không phải là một bệnh, mà chỉ là biểu hiện do nhiều bệnh khác nhau gây ra. Vì thế việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ngứa, như đầu tiên phải là điều trị triệu chứng.

3.1. Điều trị triệu chứng

Tùy theo mức độ và phạm vi ngứa trên da mà có biện pháp điều trị khác nhau.

  • Nếu vùng ngứa nhỏ: Chỉ cần dùng thuốc bôi tại chỗ như Betamthasone, Gentrisone, Phenergan…
  • Nếu vùng ngứa rộng hay ngứa toàn thân: Thì phải dùng thuốc kháng histamin đường uống, có thể dùng một trong các loại như Loratadin, Fexofenadine, Desloratadine…
  • Trường hợp ngứa nặng có thể phải kết hợp với corticosteroid đường uống
  • Nếu ngứa có kèm theo viêm da, nổi mụn mủ thì phải dùng thêm thuốc kháng sinh bôi tại chỗ hoặc đường toàn thân.

3.2. Điều trị theo nguyên nhân

Với trường hợp tìm được nguyên nhân gây ngứa da thì điều trị bệnh chính, triệu chứng ngứa sẽ dần cải thiện. Chẳng hạn ngứa do bệnh vảy nến thì điều trị vảy nến, ngứa do bệnh tiểu đường thì kiểm soát tốt đường huyết, ngứa do bệnh kí sinh trùng thì điều trị kí sinh trùng…

Chăm sóc da tại chỗ:

  • Khi bị ngứa da nên dùng nước mát hoặc ấm (không quá nóng) để khi tắm hoặc chườm lên vị trí ngứa
  • Dùng xà phòng loại nhẹ hoặc dưỡng ẩm
  • Thời gian tắm và tần số tắm vừa phải, thường xuyên làm mềm da
  • Tránh mặc quần áo quá chật gây khó chịu
  • Tránh các chất tiếp xúc gây kích ứng (ví dụ, quần áo len, quần áo thô, cứng…).

4. Dự phòng ngứa ngoài da

 Phòng ngừa bệnh ngứa ngoài da

Có rất nhiều nguyên nhân gây ngứa da, do đó rất khó tìm ra nguyên tắc phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu có chế động sinh hoạt khoa học và lành mạnh, chăm sóc da đúng cách hàng ngày để kiểm soát được tình trạng ngứa da.

Các biện pháp dự phòng có thể thực hiện:

  • Uống nhiều nước để giữ ẩm cho làn da
  • Sử dụng kem chống nắng phù hợp khi ra ngoài để giảm nguy cơ da bị cháy nắng và tổn thương da
  • Nên tắm bằng nước ấm, không nên dùng nước quá nóng để tắm vì nước nóng có thể làm cho da mất đi độ ẩm tự nhiên, khiến da khô và ngứa.
  • Không nên mặc quần áo bằng vải thô cứng hay bằng chất liệu dễ kích ứng da như len dạ, chỉ nên mặc quần áo cotton, bông mềm
  • Tăng cường đề kháng bằng chế độ ăn khoa học, tránh các chất cay nóng, dầu mỡ
  • Hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, hạn chế tiêu thụ các loại thức ăn cay, nóng, các loại thực phẩm kích thích sản sinh histamin dễ gây kích ứng da
  • Hạn chế căng thẳng, lo lắng, stress vì ảnh hưởng thần kinh cũng gây ngứa da
  • Nên tập thể dục đều đặn và uống nước đầy đủ để tăng cường thải độc cho da, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể
  • Khám sức khỏe định kỳ nếu bị ngứa nhiều, ngứa tái phát nhiều lần.
  • Tránh việc gãi ngứa quá nhiều sẽ khiến da thêm tổn thuơng, bị trầy xước, nổi mẩn, nguy cơ cao gây nhiễm trùng.
  • Chọn các sản phẩm chăm sóc da phù hợp có thành phần lành tính từ thiên nhiên với những tính năng thanh lọc, làm sạch sâu hiệu quả và an toàn cho làn da.

Ngứa