Tóm tắt nội dung
Nói lắp không phải là một bệnh lí, nó thường xảy ra ở trẻ nhỏ giai đoạn tập nói, khi mà khả năng ngôn ngữ không đủ phát triển để theo kịp với nội dung muốn truyền đạt. Nói chung theo thời gian, nói lắp ở trẻ sẽ giảm dần rồi sẽ hết hẳn. Nhưng đôi khi có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Nói lắp gây khó khăn trong giao tiếp với người khác, thường ảnh hưởng đến chất lượng sống. Những người nói lắp biết họ muốn nói gì, nhưng lại gặp khó khăn khi giao tiếp, ví dụ như lặp lại hoặc kéo dài một từ, âm tiết, cụm từ hoặc dừng lại khi đang nói do không thể phát âm rõ.
1. Nguyên nhân gây nói lắp
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nói lắp, nhưng được chia làm hai nhóm chính sau:
Nguyên nhân do bệnh thực thể (còn gọi là nguyên nhân bên trong):
- Nói lắp do di truyền từ bố hoặc mẹ
- Do hệ thần kinh thực vật dễ bị kích thích.
- Chấn thương sơ sinh: tai biến lúc sinh, ngã, va đập đầu vào vật cứng… làm tổn thương vùng ngôn ngữ
- Nhiễm khuẩn ở não: như viêm não, màng não… sau điều trị khỏi đã để lại di chứng tổn thương ở vùng ngôn ngữ
- Nghe kém hay điếc bẩm sinh thường gây ra chậm nói, nói lắp
- Cử động miệng khó, lưỡi ngắn, dị tật của cơ quan phát âm... cũng là nguyên nhân gây khó nói, nói lắp
Nguyên nhân do ngoại cảnh (còn gọi là nguyên nhân bên ngoài):
Môi trường xung quanh ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ, trong đó có dị tật nói lắp. Chẳng hạn như:
- Thói quen từ giai đoạn học nói: nói lắp từ nhỏ không được chỉnh sửa, dần dần biến thành thói quen nói lắp ở tuổi trưởng thành.
- Những người chung quanh toàn nói lắp: khiến trẻ cũng nói lắp theo, dần thành thói quen
- Người nhà hoặc người chăm sóc trẻ ít nói, ít tương tác với trẻ cũng khiến trẻ bị rối loạn phát triển ngôn ngữ, là nguyên nhân gây nói lắp.
- Mặc cảm tâm lý kéo dài: nói lắp là phương tiện che lấp một số khó khăn về tư duy, hoặc tâm lý e ngại người lạ...
2. Biểu hiện của nói lắp
Tùy người và tùy mức độ mà biểu hiện nói lắp khác nhau. Các triệu chứng thường gặp khi bị nói lắp là:
- Khi nói một từ, một câu hay một đoạn cảm thấy rất khó khăn.
- Kéo dài một từ hoặc phát âm từ đó quá lâu.
- Thường hay phát ra từ “um” hoặc “à… à” nếu đang chuẩn bị nói một từ khó phát âm tiếp theo
- Căng cứng cả mặt, cổ và người để phát âm được một từ nào đó.
- Đang nói bình thường có thể ngắt, nghỉ ở bất kì thời điểm nào, như ở âm đầu từ, nhắc lại một từ, nhắc lại một đoạn... hoặc nghỉ lấy hơi giữa chừng không theo một qui tắc nào cả.
- Hay lo lắng khi đang nói chuyện
- Hạn chế trong giao tiếp
- Khi nói lắp có thể kèm theo các cử chỉ: chớp mắt liên tục, rung hàm, rung môi, rướn cổ, giật cơ mặt, co giật phần đầu, nắm chặt tay lại…
Tình trạng nói lắp trở nên tồi tệ hơn khi người mắc cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, áp lực, thiếu tự tin đối với bản thân, nói chuyện với người lạ.
Tuy nhiên khi nói chuyện với bản thân hoặc một người bạn thân thiết thì lại nói chuyện bình thường trôi chảy.
3. Các dạng nói lắp
Có 4 dạng nói lắp:
- Lắp một âm, ví dụ âm “s”, khi nói phát cứ lặp lại nhiều hoặc phát âm kéo dài “ s.. ss...ssss....sáng nay…”
- Lắp một từ, ví dụ từ “sáng” ... sáng...sáng…sáng nay…”
- Lắp một đoạn của phát âm, ví dụ “sáng nay...sáng nay... sáng nay con đi học ạ”.
- Lắp thêm một từ, một phát âm bất thường, hoặc dừng bất thường khi đang nói, ví dụ “sáng nay xong thế là con không đi học ạ”, “sáng nay... con không đi học ạ”.
4. Chẩn đoán nói lắp
Nói lắp phần lớn gặp ở trẻ em độ tuổi tập nói, nhưng cũng có thể gặp ở người lớn. Thông thường bác sĩ là người khám, chẩn đoán các bệnh trên lâm sàng, tuy nhiên đối với chứng nói lắp này để chẩn đoán cần có sự hỗ trợ của các chuyên viên ngữ âm.
Một số biện pháp để chẩn đoán chứng nói lắp:
Cho người bệnh đọc một đoạn văn dài, to
Có thể quay phim hoặc ghi lại lúc nói chuyện.
Thực hiện lượng giá trên người đang có chứng nói lắp, cách chẩn đoán này nhằm để xác định được độ nặng của chứng nói lắp và đưa ra hướng điều trị tốt nhất.
Trong suốt buổi lượng giá, chuyên viên âm ngữ có thể:
- Hỏi các câu hỏi liên quan đến chứng nói lắp
- Đo lường độ nặng của trình trạng nói lắp trong suốt các cuộc nói chuyện khác nhau
- Thảo luận về các lựa chọn điều trị
Tiến hành thăm khám lâm sàng và cho xét nghiệm:
- Nhằm loại trừ các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, chẳng hạn như vấn đề về thính giác, các bất thường ở lưỡi, môi, các cơ ở mặt.
- Khi bác sĩ khám lâm sàng, sẽ hỏi người bệnh một số câu hỏi, xem và lắng nghe cách nói, biểu hiện khuôn mặt… để chẩn đoán và đánh giá mức độ nói lắp.
5. Điều trị nói lắp
Mục đích điều trị nói lắp ở trẻ em và người lớn thì khác nhau. Điều trị cho trẻ tập trung vào loại bỏ chứng nói lắp, còn điều trị cho người lớn tập trung vào kiểm soát những hành vi nói lắp và giảm bớt sự lo lắng mang tính xã hội có thể đi kèm với tình trạng nói lắp.
Các biện pháp có thể áp dụng để điều trị nói lắp:
Điều trị nói lắp tại nhà
Tập thư giãn:
Thư giãn cơ: Tập thư giãn tất cả các cơ.
Thư giãn tinh thần:
- Khi tập nên tự nhủ: “Tôi là người chiến thắng nói lắp, nói lắp không chiến thắng được tôi”.
- Đừng nghĩ rằng nói lắp là một tình trạng tồi tệ, làm phiền muộn. Hãy nghĩ rằng đó là vấn đề lớn với người khác chứ không phải mình.
- Tập trung mọi sự chú ý vào đầu, thở đều, giống như bạn đang thiền.
Đứng trước gương và hình dung người trong gương là một người khác và bắt đầu nói bất cứ điều gì mình thích:
- Không giống đứng trước người khác, tuy nhiên cách này sẽ làm cho mình dần tự tin.
- Cố gắng tự nói trong khoảng 30 phút. Có thể không tự nhiên trong những lần đầu, nhưng sự luyện tập này là đang nghe lời nói của mình. Nó sẽ đưa đến rất nhiều sự tự tin.
Đọc thật to:
Đọc to sẽ làm cho sự tự tin được cải thiện. Nó sẽ khó khăn trong những lần đầu nhưng sẽ học cách thở như thế nào cho phù hợp. Một vấn đề lớn của người nói lắp là không biết cách thở trong lúc đọc hoặc nói, biết cách thở sẽ giúp luyện tập và khắc phục tình trạng nói lắp.
Hình dung, mường tượng trước những từ mình sẽ nói: Điều này hơi khó nhưng chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều.
Nếu bị nói lắp hãy cố gắng loại bỏ những căng thẳng ra khỏi đầu:
Trước khi nói hãy tạo sự lạc quan thay vì bi quan hay căng thẳng. Thường thì sự lo sợ nói lắp là nguyên nhân gây ra nói lắp. Thay vì lo sợ, hãy chấp nhận nó sẽ xảy ra, hãy cố gắng mường tượng đến thành công, điều này sẽ giúp bản thân tiêu trừ bất kì sự căng thẳng nào.
Tập tạo ra một thứ tự trong đầu.
Tập thở để tạo ra cuộc nói chuyện dễ dàng: Thường thì người nói lắp có vấn đề về thở trong lúc họ nói lắp, hãy cố gắng tập thở để lưu loát hơn trong khi nói.
- Thở 2 hơi thật sâu trước khi bắt đầu nói, giả như đang lặn trong nước và phải thở sâu 2 hơi trước khi lặn. Nếu ở trong một tình trạng nào đó cảm giác không thoải mái thì hãy cố gắng hít thở sâu qua mũi.
- Hãy nhớ rằng thở khi nói và nếu bị nói lắp hãy ngừng lại, tạo cho mình thời gian để thở, rồi cố gắng khắc phục câu và từ.
- Đừng cố gắng ghi nhớ tốc độ nói của bất kỳ người nào. Có rất nhiều người nói nhanh, nhưng mục tiêu không phải là giống họ. Mục tiêu của mình là hiểu và ấn tượng với từ ngữ, học để nói với tốc độ vừa phải, không cần vội vàng, không phải cạnh tranh khi nói với người khác.
* Cố gắng tạo ra sự nhịp nhàng khi nói: Người nói lắp thường mất tật nói lắp khi hát, với những lý do như những từ họ hát kéo dài ra hơn, họ sử dụng trơn tru dễ dàng hơn nói bình thường. Nếu có thể đặt một chút nhịp điệu vào câu nói, tật nói lắp có thể giảm hẳn thậm chí biến mất.
Nếu có một cuộc nói chuyện, đừng nhìn thẳng liên tục vào người nói chuyện:
- Hãy nhìn qua đầu người đó hoặc một điểm phía sau phòng. Cách này giúp hạn chế căng thẳng, vì căng thẳng là khởi đầu cho một chuỗi nói lắp.
- Nếu nói chuyện với ai đó, hãy nhìn người đó nếu có thể giao tiếp bằng mắt. Tuy nhiên, không nên nhìn chằm chằm vào họ trong toàn bộ thời gian nói chuyện, hãy cố tạo cho họ sự dễ chịu.
Đừng lo lắng với một vài lỗi nhỏ: Cần hiểu rằng sẽ có một số lỗi, nhưng không phải lỗi cố tình tạo ra. Điều quan trọng là phản ứng với lỗi đó thế nào.
Khám, tập nói với chuyên gia ngôn ngữ
Đừng lo sợ khi gặp chuyên gia ngôn ngữ nếu cảm thấy mọi thứ xấu đi: Hầu hết người nói lắp sẽ cải thiện trong một thời gian, đặc biệt là người trẻ. Khám chuyên gia ngôn ngữ được đề cập trong nhiều trường hợp, đặc biệt các trường hợp bị áp lực hoặc tật nói lắp là một cản trở lớn trong cuộc sống.
Ngôn ngữ trị liệu sẽ giúp cho một số trường hợp:
- Tình trạng nói lắp kéo dài quá 6 tháng.
- Trở nên thường xuyên hơn.
- Ảnh hưởng đến học tập hay các tương tác xã hội.
- Các vấn đề tình cảm, chẳng hạn như nỗi sợ hãi hay né tránh các tình huống nói chuyện.
- Tiếp tục nói lắp vượt quá 5 tuổi hoặc lần đầu tiên trở nên đáng chú ý trong độ tuổi đi học, khi bắt đầu đọc.
- Có tiền sử gia đình nói lắp.
- Nói lắp kèm theo sự lo lắng, trầm cảm.
Chuyên gia ngôn ngữ trị liệu có thể giúp những gì: Chuyên gia ngôn ngữ sẽ đưa cho người nói lắp danh sách các buổi tập để có thể tác động, làm giảm tối đa sự ảnh hưởng của nói lắp trong giao tiếp. Sau đó người nói lắp sẽ tự luyện tập trong các tình huống đời thường.
Chuyên gia ngôn ngữ có thể nói với người thân: Có thể nói cho cha mẹ, thầy cô, thậm chí cả bạn bè của người nói lắp về sự cố gắng luyện tập các kỹ thuật và giúp cho họ hiểu rằng những gì người nói lắp sẽ phải cố gắng đạt được. Điều này cũng giúp người nói lắp hiểu được sự giúp đỡ và thông hiểu của những người xung quanh.
Chuyên gia ngôn ngữ sẽ đề xuất một nhóm trợ giúp.
Cha mẹ nên và không nên làm gì
- Cố gắng không tạo cho trẻ cảm giác lo lắng về tật nói lắp. Cha mẹ nếu có ấn tượng và sự quan tâm quá nhiều về đứa con bị nói lắp, sẽ gây ra tăng sự tức giận của trẻ và sẽ tạo ra sự lo lắng nhiều hơn. Điều này sẽ có hại cho trẻ nhiều hơn là giúp trẻ.
- Không nên cố ý đặt đứa trẻ vào tình trạng áp lực: Đặt đứa trẻ vào tình trạng áp lực để chúng học và luyện tập sẽ mang lại kết quả ngược với mong đợi.
- Hãy lắng nghe một cách kiên nhẫn khi trẻ nói lắp, không ngắt lời chúng.
- Nói với trẻ về tật nói lắp của chúng, nếu quan tâm hơn nên dành thời gian, không gian riêng để thảo luận về vấn đề của trẻ và nói cách điều trị tập luyện phù hợp, cũng như để cho trẻ thấy sự quan tâm của bạn đối với chúng.
- Nếu con bạn đến với chuyên gia ngôn ngữ, bạn có thể nói khi nào cần tác động nhẹ nhàng, khi nào không. Nên quan sát mọi thứ diễn ra để có thể nói với chuyên gia khi cần thiết.
6. Dự phòng nói lắp
Các nhà khoa học đã chứng minh việc nuôi dưỡng trẻ trong môi trường luôn tràn ngập tiếng cười, yêu thương, hạnh phúc và được chăm sóc cẩn thận cả về thể chất lẫn tinh thần chắc chắn khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ phát triển bình thường và không nói lắp.
Hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng nói lắp của trẻ như chấn thương, tổn thương não bộ của trẻ.
Chấn thương tâm lí và những biến động đột ngột từ gia đình như cha mẹ cãi nhau, đánh nhau, li dị, những mối quan hệ bất đồng... cũng là một yếu tố nguy hiểm khiến bé dễ bị chấn thương tâm lý và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Do vậy cha mẹ và những người thân trong gia đình cần phải sống hạnh phúc, hòa thuận, yêu thương lẫn nhau để tránh làm ảnh hưởng đến tâm lí của trẻ, từ đó hạn chế tình trạng tật nói lắp.
Cha mẹ nên đưa trẻ đến những nơi đông vui, có nhiều hoạt động để trẻ tiếp thu ngôn ngữ một cách đa dạng và dễ dàng nhất vì sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ phụ thuộc rất nhiều vào môi trường chung quanh.
Nói lắp