Tìm hiểu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả của phản ứng viêm bất thường của đường thở hoặc phế nang do hít phải các hạt hoặc khí độc hại. Các đợt cấp hoặc các bệnh lý đồng nhiễm có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khá phổ biến, chủ yếu ảnh hưởng đến người trung niên hoặc cao tuổi có hút thuốc. Có khá nhiều người không nhận ra mình bị bệnh, các vấn đề về hô hấp có xu hướng trở nên nặng dần theo thời gian và có thể hạn chế các hoạt động bình thường, mặc dù điều trị có thể giúp kiểm soát tình trạng này.

1. Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính xảy ra khi phổi bị viêm, tổn thương làm hẹp đường dẫn khí. Nguyên nhân chính là do hút thuốc kéo dài, mặc dù tình trạng này đôi khi có thể xảy ra ở người chưa bao giờ hút thuốc.

Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như giãn phế quản, hen phế quản, di chứng lao phổi…

Việc hút thuốc lá nhiều và trong thời gian càng dài thì khả năng mắc bệnh càng cao. Một số trường hợp do tiếp xúc lâu dài với khói hoặc bụi có hại.

Bệnh cũng có thể là kết quả của di truyền hiếm gặp, gây ra tình trạng phổi dễ bị tổn thương hơn.

2. Triệu chứng bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính

Triệu chứng bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính

Các triệu chứng chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm:

  • Ho, khạc đờm kéo dài là triệu chứng thường gặp. Ho lúc đầu có thể là ngắt quãng về sau ho dai dẳng hoặc ho hàng ngày, ho khan hoặc ho có đờm, thường về buổi sáng.
  • Ho khạc đờm mủ là một trong các dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm gây ra.
  • Khó thở: Tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, sau khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục.
  • Kèm theo khó thở là tình trạng thở khò khè, khò khè liên tục cả ngày
  • Ở giai đoạn muộn của bệnh có thể thấy lồng ngực có dạng hình thùng, tần số thở tăng, phải mím môi lại để thở ra, co rút các cơ hô hấp ở cổ như rút lõm hố trên ức, trên đòn, các khe gian sườn bị rút lõm.

3. Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạnh tính

Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạnh tính

Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính căn cứ vào các dấu hiệu:

  • Người trên 40 tuổi, thường gặp ở nam giới
  • Tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm
  • Môi trường sống nhiều ô nhiễm như bụi, khói bếp, chất đốt, hơi khí độc
  • Ho, khạc đờm kéo dài
  • Khó thở, thở khò khè
  • Khám phổi thấy có lồng ngực hình thùng, nhịp thở tăng, co rút các cơ hô hấp, nghe phổi thấy có ral rít, ral ngáy
  • Đo chức năng hô hấp là thủ thuật quan trọng để chẩn đoán, ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽ mạn tính có dấu hiệu rối loại thông khí tắc nghẽn.
  • Đo độ bão hòa oxi máu (SpO2) thường giảm trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Chụp X quang, CT: Giúp chẩn đoán các tình trạng bệnh lý kèm theo
  • Xét nghiệm máu: Có thể phát hiện đấu hiệu viêm trong đợt cấp có kèm theo viêm phổi.

4. Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Điều trị trong giai đoạn ổn định:

  • Ngừng tiếp xúc với khói thuốc lá thuốc lào, bụi, khói bếp rơm, củi, các loại than, khí độc... Cai thuốc là biện pháp rất quan trọng giúp ngăn chặn bệnh tiến triển nặng lên. 
  • Tiêm phòng vaccine cúm hàng năm, vaccine phòng phế cầu và loại virus, vi khuẩn gây viêm phổi khác. 
  • Thuốc giãn phế quản được coi là nền tảng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ưu tiên các loại thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, dùng đường phun, hít hoặc khí dung.
  • Thở oxy dài hạn tại nhà với liều 1-3 lít/phút, mỗi ngày ít nhất 15 giờ, được chỉ định cho các trường hợp có giảm oxy máu, suy tim phải, tăng áp động mạch phổi.
  • Điều trị khác: Vệ sinh mũi họng thường xuyên, giữ ấm cổ ngực về mùa lạnh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các viêm nhiễm vùng tai mũi họng, răng hàm mặt, điều trị các bệnh lý liên quan khác, nhất là các bệnh lý cơ quan hô hấp.
  • Phục hồi chức năng: Giúp giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống. Chương trình tập cần do bác sỹ chỉ định dựa trên đánh giá tình trạng bệnh và theo dõi đánh giá liên tục.

Điều trị đợt cấp:

Được coi là đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng thay đổi cấp tính của các biểu hiện lâm sàng như khó thở tăng, ho tăng, khạc đờm tăng, thay đổi màu sắc của đờm.

Yếu tố khởi phát đợt cấp có thể là nhiễm trùng, thay đổi thời tiết, ô nhiễm không khí, tác dụng phụ của thuốc….

Khi có biểu hiện đợt cấp cần đến khám để bác sĩ đánh giá và chỉ định biện pháp điều trị phù hợp, đồng thời theo dõi điều trị để kịp thời xử trí nếu bệnh diễn biến nặng. 

5. Lời khuyên dành cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Lời khuyên dành cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
  • Khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay để được khám và định hướng điều trị đúng đắn.
  • Dùng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện bệnh sớm nhất.
  • Bỏ thuốc lá, thuốc lào, đối với trẻ em thì cần tránh hít phải khói thuốc, giữ môi trường sống trong sạch, hạn chế tiếp xúc với các loại khói, khí kích thích.
  • Luyện tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Hàng năm cần tiêm phòng cúm, 5 năm 1 lần tiêm phòng phế cầu và phòng các bệnh gây viêm phổi khác.
  • Hàng ngày tập thở ở nơi thoáng mát, tránh nhiễm lạnh.

Thuật ngữ mạn tính, trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nghĩa là nó tồn tại trong một thời gian dài. Các triệu chứng của bệnh đôi khi được cải thiện khi một người ngừng hút thuốc, dùng thuốc thường xuyên, hoặc tham gia phục hồi chức năng phổi.

Tuy nhiên, phổi vẫn bị hư hại và không bao giờ có thể hoàn toàn trở lại bình thường. Do đó, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh suốt đời. Khó thở và mệt mỏi có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn, nhưng mọi người có thể học cách kiểm soát tình trạng bệnh và thích nghi dần với cuộc sống.

Phổi tắc nghẽn mãn tính