Tóm tắt nội dung
Polyp mũi rất thường gặp, là một dạng u lành tính ở hốc mũi hoặc ở trong các xoang mặt hay ở cả xoang và mũi.
Polyp mềm, nhẵn, mọng trong và màu hồng nhạt, cấu trúc bên ngoài là lớp biểu mô với tế bào trụ, bên trong là tổ chức liên kết với các tế bào xơ tạo thành một lớp lỏng lẻo, chứa các chất dịch nhầy.
Polyp mũi có kích thước nhỏ hầu như không có triệu chứng gì và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Còn polyp có kích thước lớn sẽ cản trở đường hô hấp có thể gây khó thở, giảm khứu giác, nhức đầu âm ỉ, ngủ ngáy. Trong một số ít trường hợp, kích thước của polyp quá lớn sẽ thay đổi hình dạng khuôn mặt.
1. Nguyên nhân bệnh polyp mũi
Polyp mũi được hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc các xoang. Các nguyên nhân có thể bao gồm:
- Phản ứng viêm do nhiễm vi khuẩn hoặc virus, do dị ứng hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các nấm sẽ gây nên hậu quả là polyp mũi.
- Viêm mạn tính sẽ khiến các mạch máu ở niêm mạc mũi hoặc xoang tăng tính thấm, gây tích tụ nước trong các mô. Các mô ứ nước này theo thời gian sẽ bị tác động của trọng lực kéo xuống dưới, dồn lại và hình thành polyp.
Ngoài ra, polyp mũi còn phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ như:
- Hen phế quản: Nguyên nhân chính khiến đường hô hấp bị viêm và tắc nghẽn.
- Viêm mũi xoang dị ứng: Nhất là tình trạng dị ứng nặng với nấm trong môi trường.
- Viêm xoang mạn tính.
- Yếu tố di truyền cũng có thể đóng góp vào việc hình thành polyp mũi.
2. Triệu chứng bệnh polyp mũi
Polyp mũi có kích thước nhỏ không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng, thường không có triệu chứng gì. Polyp mũi có kích thước lớn sẽ làm tắc và gây khó thở đường mũi và phải thở bằng miệng, đặc biệt là các trường hợp polyp mũi ở trẻ em.
Các triệu chứng phổ biến của polyp mũi bao gồm:
- Nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài
- Thường xuyên bị chảy máu cam
- Giảm hoặc mất khứu giác, mất vị giác
- Đau nhức mặt hoặc nhức đầu, đau vùng răng hàm trên
- Cảm giác đè nặng trên mặt và trán
- Khi ngủ ngáy nhiều và ngáy to
- Đau nhức đầu âm ỉ
- Viêm mũi, viêm đa xoang mạn tính
- Khi có bội nhiễm có thể có sốt, ho, thở khò khè
- Trường hợp polyp mũi quá to có thể chèn ép đường thở gây khó thở, suy hô hấp, lệch mặt.
3. Chẩn đoán bệnh polyp mũi
Các triệu chứng polyp mũi không có gì đặc hiệu cả, vì thế chẩn đoán chủ yếu dựa vào các thủ thuật cận lâm sàng. Chẩn đoán polyp mũi dựa vào:
- Triệu chứng lâm sàng, khám kiểm tra mũi xoang
- Nội soi mũi: Rất có giá trị, có thể cho biết rõ polyp, số lượng, kích thước
- Xét nghiệm dị ứng
- Chụp X quang, CT: Trong một số trường hợp, giúp xác định rõ kích thước, mức độ xâm lấn và các tổn thương lân cận
- Trường hợp trẻ em có cả polyp mũi và sổ mũi cần được test kiểm tra dị ứng da để cung cấp thêm thông tin quan trọng đối với những chất gây phản ứng dị ứng.
4. Điều trị polyp mũi
Mặc dù không gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng, nhưng polyp mũi vẫn có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm khác như:
- Viêm xoang cấp hoặc mạn tính.
- Ngưng thở lúc ngủ
- Khó thở, suy hô hấp
- Biến dạng khuôn mặt
Hiện nay, các biện pháp được sử dụng để điều trị polyp mũi được chia thành hai loại chính:
- Điều trị nội khoa: Điều trị nội khoa chủ yếu là điều trị triệu chứng, điều trị tình trạng viêm do polyp gây ra. Biện pháp này không triệt để, khối polyp vần còn tồn tại, nên vẫn có thể gây ra biến chứng bất cứ lúc nào.
- Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật cắt polyp mũi, kỹ thuật được áp dụng nhiều nhất là phẫu thuật nội soi xoang.
5. Phòng ngừa bệnh polyp mũi
Polyp mũi có thể là bẩm sinh hoặc phát triển trong quá trình trưởng thành. Có thể phòng ngừa được polyp mũi và có thể giảm nguy cơ phát triển hoặc tái phát bệnh.
Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
- Điều trị sớm và triệt để các bệnh lý viêm vùng mũi, xoang
- Kiểm soát các bệnh hen phế quản và dị ứng
- Tránh xa môi trường có các chất kích thích mũi, các chất có khả năng gây viêm hoặc kích ứng mũi và xoang như khói thuốc, bụi…
- Rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay có chất sát khuẩn, hoặc lau tay bằng dung dịch sát khuẩn tay khô nhằm tránh lây nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây viêm mũi xoang.
- Dùng nước muối sinh lý xịt rửa mũi xoang hàng ngày
- Ngủ đủ giấc, chế độ ăn cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
Polyp mũi