Tóm tắt nội dung
Ở trẻ em khi mọc đủ có 20 răng còn gọi là răng sữa. Tùy từng trường hợp, trẻ thay răng sữa bằng việc mọc răng vĩnh viễn bắt đầu từ khoảng 5 – 7 tuổi. Một người trưởng thành, bình thường sẽ mọc đủ ít nhất 32 răng, trong đó có 4 chiếc răng trong cùng ở 4 góc hàm là răng số 8. Răng số 8 mọc sau cùng, thường mọc sau tuổi 17, độ tuổi trưởng thành nên còn gọi là răng khôn.
Tình trạng răng mọc mà không đủ chỗ để đâm lên khỏi nướu, mọc nghiêng, xiêu vẹo hoặc thậm chí mọc nằm ngang được gọi là răng mọc kẹt. Răng mọc kẹt có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào, nhưng thường xảy ra ở răng số 8.
Răng mọc kẹt khá nhiều người gặp phải, không phải là bệnh nặng, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là chức năng ăn nhai.
1. Phân loại răng mọc kẹt
Vì răng mọc kẹt chủ yếu chỉ xảy ra ở răng khôn nên việc phân loại cũng dựa trên việc phân loại răng khôn mọc kẹt. Gồm các loại sau đây:
- Mọc kẹt về phía gần: đây là loại thường gặp nhất, trục của răng đổ nghiêng về phía trước.
- Mọc kẹt chiều thẳng đứng và vẫn mắc kẹt trong xương hàm
- Mọc kẹt nghiêng về phía sau: trục răng đổ nghiêng về phía sau
- Mọc kẹt theo chiều nằm ngang: trường hợp này việc chữa trị đặc biệt khó khăn, đau đớn vô cùng
- Mọc kẹt trong niêm mạc miệng và bị lợi bao trùm hoàn toàn
- Mọc kẹt trong xương hàm: răng nằm trong xương hàm cứng chắc và không thể mọc ra được.
2. Nguyên nhân gây răng mọc kẹt
Nguyên nhân gây răng mọc kẹt thường gặp nhất là do không đủ chỗ ở sau răng số 7, răng số 7 thường mọc khoảng từ 12 - 13 tuổi, trước răng khôn ít nhất 5 năm. Vì sự không tương xứng giữa kích thước răng và kích thước phần xương hàm còn trống, làm cho răng khôn là răng mọc sau cùng sẽ không có đủ chỗ.
Có giả thuyết cho rằng, thời đồ đá con người nhai thức ăn thô và cứng, làm mòn răng cả mặt nhai và điểm tiếp xúc giữa các răng. Điều này làm cho kích thước các răng nhỏ đi, vì thế răng khôn mọc lên thì vẫn đủ chỗ.
Ngày nay do chế độ ăn thức ăn mềm và nhiều dinh dưỡng, răng mòn ít nên kích thước răng không bị nhỏ đi, cộng với việc xương hàm ít hoạt động nên xương hàm nhỏ đi. Hai lý do này làm cho răng khôn không đủ chỗ để mọc, gây ra tình trạng mọc kẹt.
3. Hậu quả của răng khôn mọc kẹt
- Thức ăn và vi khuẩn dễ bám ở vị trí răng khôn mọc lệch, dẫn đến hôi miệng và hay bị sâu răng khôn
- Răng khôn mọc kẹt rất dễ bị viêm nhiễm do thức ăn bám vào, khó làm sạch được hoặc do sang chấn vào lợi
- Viêm lợi do răng khôn mọc kẹt, gây đau nhiều, lợi sưng đỏ mềm, chảy dịch, có thể chảy mủ
- Viêm lợi vùng răng khôn có thể gây sưng amidan, hạn chế há miệng, người bệnh khó nhai, nuốt, ảnh hưởng đến cuộc sống, làm giảm khả năng làm việc. Một số có thể bị biến dạng mặt, viêm nhiễm có thể lan xuống cổ và trung thất (ngực).
- Răng khôn mọc lệch về phía gần có thể làm sâu răng số 7 dẫn đến viêm tủy và vỡ răng số 7
- Hình thành nang thân răng, nang có thể phát triển từ tổ chức phần mềm quanh răng khôn, làm tiêu hủy xương kế cận răng khôn, có thể ảnh hưởng đến răng bên cạnh
- Hủy hoại xương hàm, gây biến dạng xương hàm và cấu trúc khuôn mặt, từ đó ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ nghiêm trọng.
4. Triệu chứng thường gặp của răng mọc kẹt
Như đã nói, răng mọc kẹt chủ yếu gặp ở răng khôn, nên các triệu chứng cũng chỉ đề cập đến triệu chứng của răng khôn mọc kẹt.
- Khi răng khôn bắt đầu mọc, chúng sẽ tách phần nướu, làm nứt lợi để trồi lên khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhức, sưng nướu.
- Đối với các răng khôn mọc thẳng, mọc đúng vị trí, các triệu chứng trên có thể chỉ xuất hiện lướt qua, ở mức độ nhẹ, trong thời gian ngắn rất khó nhận ra, hoặc không có biểu hiện gì.
- Đối với răng khôn mọc kẹt, không phải lúc nào cũng kèm triệu chứng, nhưng khi đã có triệu chứng thì thường khá nghiêm trọng và kéo dài, đặc biệt là dấu hiệu nhiễm trùng.
- Các dấu hiệu cho thấy răng khôn mọc kẹt gây nhiễm trùng là: viêm lợi, sưng lợi nhiều, đau dữ dội, sốt nhẹ, sưng hạch ở cổ và hạch dưới hàm, thậm chí sưng ngoài mặt, có mủ xung quanh nướu bị viêm, hơi thở hôi và có vị khó chịu trong miệng, há miệng khó khăn, nuốt đau.
- Các triệu chứng không giảm đi, thường bị tái đi tái lại, chỉ mất đi khi răng khôn được nhổ bỏ đi.
5. Chẩn đoán răng mọc kẹt
Răng mọc kẹt chẩn đoán khá dễ, phần lớn trường hợp chỉ cần khai thác các biểu hiện lâm sàng và dùng các dụng cụ khám răng thông thường có thể phát hiện được.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định chụp X quang răng để đánh giá cấu trúc răng mọc kẹt và xương hàm một cách chi tiết. Trên phim X quang răng, có thể thấy rõ mức độ kẹt, trục răng, các tổn thương lân cận. Từ đó giúp chẩn đoán xác định răng mọc kẹt, mức độ nặng hay nhẹ, và có tổn thương vùng xung quanh hay không.
6. Điều trị răng mọc kẹt
Tùy theo mức độ kẹt và các tổn thương xung quanh, đặc biệt là tình trạng viêm lợi tại vị trí răng mọc kẹt mà có biện pháp điều trị khác nhau. Các biện pháp điều trị chủ yếu là:
- Điều trị bằng kháng sinh răng miệng, nếu răng mọc kẹt gây nhiễm trùng, sau khi tình trạng nhiễm trùng đã cải thiện rồi thì mới xử trí răng mọc kẹt
- Dùng thuốc giảm đau nếu đau nhiều
- Trường hợp răng mọc kẹt gây viêm lợi trùm, nhưng răng đó mọc thẳng và còn đủ chỗ cho răng mọc thì chỉ cần cắt lợi trùm, răng sẽ mọc lên bình thường
- Răng mọc kẹt có nguy cơ gây sâu răng, ảnh hưởng đến răng số 7, nhất là trường hợp mọc kẹt về phía gân, hoặc có nang quanh thân răng thì biện pháp tốt nhất là nhổ răng kẹt đi.
- Một số trường hợp nặng, răng mọc kẹt gây áp xe quanh chân răng, khi đó cần phải điều trị bằng cách trích rạch ổ áp xe để cho mủ thoát hết ra, hoặc phải đặt dẫn lưu ổ áp xe. Sau khi đã điều trị khỏi áp xe rồi thì mới điều trị răng mọc kẹt, có thể nhổ răng hoặc bảo tồn tùy mức độ.
7. Dự phòng răng mọc kẹt
Nói chung không có biện pháp nào dự phòng được răng mọc kẹt, các biện pháp dự phòng chủ yếu là giúp hạn chế các diễn biến nặng mà thôi. Các biện pháp dự phòng có thể thực hiện:
- Sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh theo chỉ định của các nha sĩ
- Súc miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý
- Hạn chế ăn đồ ngọt, nhất là ăn vào buổi tối
- Uống ít rượu, bia, bỏ hút thuốc (nếu có)
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày sạch sẽ bằng cách đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ
- Không nên dùng tăm để xỉa răng, tốt nhất là dùng chỉ nha khoa để tránh tổn thương chân răng, nướu răng
- Khám chuyên khoa răng hàm mặt định kỳ và lấy cao răng mỗi 6 tháng/ lần
- Nếu có tiền sử dị ứng với thuốc tê hoặc tiền sử dị ứng nói chung phải khai báo với bác sĩ khi thực hiện các thủ thuật gây tê, để có biện pháp phòng tránh các tai biến có thể xảy ra.
Răng mọc kẹt