Tóm tắt nội dung
Một người trưởng thành, bình thường sẽ có 32 chiếc răng, trong đó có 4 chiếc răng trong cùng ở 4 góc hàm là răng số 8. Răng số 8 mọc sau cùng, thường mọc sau tuổi 17, độ tuổi trưởng thành nên còn gọi là răng khôn. Trong khi trẻ em mọc đủ có 20 răng, còn gọi là răng sữa và bắt đầu đổi răng từ khoảng 5 – 7 tuổi.
Răng thừa là tình trạng số lượng răng mọc vượt quá con số bình thường, tức là răng mọc nhiều hơn 20 chiếc với răng sữa và nhiều hơn 32 chiếc với răng vĩnh viễn. Răng thừa có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào nhưng phổ biến nhất là răng vĩnh viễn ở vị trí răng cửa trước hàm trên.
1. Nguyên nhân răng thừa
Nguyên nhân răng thừa chưa được biết rõ hoàn toàn, vẫn đang tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau cho các loại răng thừa khác nhau.
Một giả thuyết cho rằng răng thừa được hình thành do kết quả của sự phân đôi mầm răng. Trong khi giả thuyết được sử dụng nhiều trong các tài liệu y khoa là giả thuyết hoạt động thái quá, thuyết này cho rằng răng thừa được hình thành là kết quả của sự hoạt động thái quá cục bộ, độc lập, mạnh mẽ của tính di truyền ngà răng.
Yếu tố di truyền cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự xuất hiện bất thường này, như răng thừa phổ biến hơn ở những trẻ em có người thân có răng thừa so với dân số chung.
Tình trạng nhiều răng mọc thừa hiếm gặp ở những người có các bệnh lý liên quan khác, như răng mọc thừa ở những người bị sứt môi, loạn phát xương đòn ở sọ. Sự phân mảnh của lá răng trong quá trình hình thành hàm ếch dẫn đến bệnh mọc thừa răng kết hợp với hở môi và hở vòm miệng.
2. Dấu hiệu và triệu trứng răng mọc thừa
Nói chung răng thừa không có triệu chứng gì, nó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sức khỏe cả. Ở một khía cạnh nào đó, răng thừa chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà thôi.
Ở trẻ nhỏ răng thừa có thể gây xáo trộn vùng răng cửa hàm trên, gây chèn ép các răng cửa, khiến cho răng cửa không còn đủ chỗ để mọc lên, nên răng cửa có thể mọc lệch.
Một số trường hợp răng thừa có thể đâm xuyên vào lợi hoặc niêm mạc miệng gây viêm lợi, viêm niêm mạc miệng.
3. Một số dạng rằng thừa thường gặp
- Dạng hình nón: Loại này mọc ở vị trí răng cửa của hàm trên
- Dạng củ: Mọc ở vị trí răng cửa của hàm trên và có hai hoặc nhiều chỗ lồi lõm hoặc chỏm, dạng này khá hiếm và thường mọc theo cặp
- Dạng răng phụ: Loại này mọc kế bên chiếc răng cửa hoặc đôi khi mọc ở phía sau răng cửa
- Dạng u răng: Đây là một loại răng bất thường, được mô tả như một loại tụ máu hoặc khối u. Bệnh này liên quan đến khoảng cách biểu mô và trung mô đến điểm hình thành men răng và ngà răng nhưng thường rất khó nhận biết. U răng có thể đạt đến một kích thước nhất định và gây cản trở sự phát triển của răng trong khu vực lân cận.
Các vị trí mọc thừa răng phổ biến nhất là ở phía trước hàm nhưng thỉnh thoảng cũng ở phía sau hàm.
4. Chẩn đoán răng thừa
Phần lớn trường hợp răng thừa chẩn đoán khá dễ, chỉ cần dựa vào thăm khám răng miệng là phát hiện ra.
Nhưng nhiều khi răng thừa kín đáo phải chụp X quang răng mới chẩn đoán được. Đặc biệt trường hợp răng thừa ngầm, phải chụp CT dựng hình ảnh 3 chiều mới chẩn đoán được rõ ràng.
Đôi khi, các bác sĩ có thể nghi ngờ mắc phải bệnh răng mọc thừa trong trường hợp răng không mọc được, khe hở răng rộng và thừa răng. Kỹ thuật chụp X-quang song song và hình ảnh tổng thể để kiểm tra khớp hàm trước và khu vực xung quanh các chân răng là phương pháp hữu ích nhất để xác định rõ vị trí răng mọc thừa.
5. Điều trị răng thừa
Việc kiểm soát răng mọc thừa nên là một phần của kế hoạch điều trị toàn diện chứ không tách biệt. Điều trị răng thừa phụ thuộc vào loại, vị trí, tác động hoặc nguy cơ tác động của răng mọc thừa đến răng kế cận. Phương pháp điều trị bệnh răng mọc thừa bao gồm:
5.1. Chỉ định nhổ bỏ răng thừa
Răng mọc thừa được chỉ định nhổ bỏ trong trường hợp sau:
- Răng mọc thừa lệch ra khỏi khuôn hàm, gây mất tính thẩm mỹ và chức năng ăn nhai
- Chiếc răng thừa khiến thức ăn bám vào trong kẽ răng, vi khuẩn rất dễ phát triển và gây ra nhiều bệnh lý răng miệng
- Răng chính bị chèn ép bởi răng thừa ngay trên cung hàm, để lâu ngày dẫn đến lệch khớp cắn, làm thay đổi cấu trúc hàm răng
- Phần răng cửa ở trung tâm bị mọc chậm hoặc không mọc được
- Răng cửa mọc chậm hoặc bị di dời
- Có bệnh lý liên quan do rằng thừa gây ra
- Cần chỉnh nha răng cửa ở gần các răng mọc thừa, nhổ bỏ răng để hỗ trợ cho niềng răng, giúp tạo ra khoảng trống để răng dịch chuyển đều hơn
- Răng mọc thừa làm tổn hại xương ổ răng thứ cấp ghép trong môi và vòm miệng ở người hở hàm ếch
- Các răng trong xương được chỉ định cấy ghép
5.2. Chỉ định giám sát nhưng không nhổ bỏ răng mọc thừa
Không phải lúc nào nhổ bỏ cũng là phương pháp điều trị tốt cho răng mọc thừa. Bác sĩ có thể theo dõi mà không cần loại bỏ nếu trong các trường hợp sau:
- Các răng liên quan vẫn mọc bình thường
- Không cần điều trị chỉnh hình răng
- Không có bệnh lý liên quan
- Việc nhổ có thể gây tổn hại đến các răng liên quan
6. Dự phòng răng mọc thừa
Nói chung không có biện pháp nào dự phòng được tình trạng răng thừa cả. Những thói quen sinh hoạt chỉ giúp làm giảm các biến chứng của răng mọc thừa mà thôi. Các biện pháp có thể thực hiện giúp giảm thiểu các diễn biến nặng của răng mọc thừa:
- Có chế độ dinh dưỡng đẩy đủ, đảm bảo phát triển đầy đủ về thể chất, nhất là ở trẻ em
- Súc miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý
- Hạn chế ăn đồ ngọt, nhất là ăn vào buổi tối
- Uống ít rượu, bia, bỏ hút thuốc (nếu có)
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày sạch sẽ bằng cách đáng răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ
- Không nên dùng tăm để xỉa răng, tốt nhất là dùng chỉ nha khoa để tránh tổn thương chân răng, nướu răng
- Khám chuyên khoa răng hàm mặt định kỳ và lấy cao răng mỗi 6 tháng/ lần
- Nếu răng thừa có chỉ định nhổ bỏ thì tốt nhất nên nhổ sớm để tránh ảnh hưởng đến xương hàm và các răng liên quan.
Răng thừa