Rò luân nhĩ thường đi sâu vào bên trong sụn vành tai. Trong lòng đường rò này là 1 ống được lát bởi biểu mô có khả năng chế tiết dịch. Khi tiết dịch nếu không được điều trị có thể ứ đọng dịch, gây tình trạng viêm nhiễm, sưng đau, rỉ dịch...

Rò luân nhĩ là bệnh gì?

Rò luân nhĩ là một trong những dị tật bẩm sinh khá thường gặp có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên tai và thường được phát hiện khi trẻ vừa chào đời. Mặc dù lỗ rò khá nhỏ nhưng nếu đi kèm với các dị tật khác sẽ có khả năng làm tình trạng nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Dị tật này thường không được quan tâm vì nhiều người chưa hiểu rõ tình trạng bệnh, nên nhiều khi không được vệ sinh đúng cách, gây ra nhiều biến chứng nhiễm khuẩn nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu điều trị đúng phương pháp, rò luân nhĩ không nguy hiểm và không ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

Tỷ lệ bé gái mắc thường cao hơn bé trai. Theo nghiên cứu cho thấy, những người da trắng thường có tỷ lệ mắc phải rất thấp, chỉ có 1%. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh của trẻ em châu Á lên tới 10%. 

1. Nguyên nhân gây rò luân nhĩ

Nguyên nhân rò luân nhĩ được hình thành do sự kết hợp không hoàn chỉnh giữa cung mang thứ nhất và cung mang thứ 2 để tạo ra ống tai ngoài ở tuần thứ 6 của thai kỳ.

2. Biểu hiện triệu chứng rò luân nhĩ

Dấu  hiệu nhận biết bệnh rò luân nhĩ
  • Xuất hiện một lỗ nhỏ ở một hoặc cả hai bên tai, đường rò là ống rất nhỏ, có miệng ở phía trước bên trên cửa tai, chui ngầm vào trong rễ vành tai.
  • Lỗ rò có thể nông hoặc sâu, dài hoặc ngắn khác nhau (từ vài mm đến 3cm), có thể một nhánh hoặc nhiều nhánh.
  • Đôi khi có đau, sưng, mẩn đỏ hoặc có mủ xung quanh lỗ, tình trạng này là dấu hiệu của nhiễm trùng, viêm mô tế bào hoặc bị áp xe, lở loét, chảy dịch có mùi hôi.
  • Xuất hiện một khối u nhỏ, không đau, phát triển ngay cạnh lỗ rò, báo hiệu u nang. U nang này làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.

Những dấu hiệu này còn có thể kèm những hội chứng nguy hiểm hơn như: 

  • Dái tai không đối xứng với nhau, lưỡi lớn bất thường và phía trước tai có thêm nhiều lỗ.
  • Cổ xuất hiện những lỗ, thính lực bị mất và có những vấn đề bất thường về thận. 

3. Sự nguy nhiểm của rò luân nhĩ

Biến chứng của bệnh rò luân nhĩ

Rò luân nhĩ chỉ là một dị tật bẩm sinh nhẹ và sẽ không ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Tất nhiên, phải được vệ sinh hàng ngày sạch sẽ ở khu vực tai cũng như lỗ rò. 

Thông thường các bậc phụ huynh sẽ chủ quan khi thấy trẻ xuất hiện lỗ rò luân nhĩ bởi đây thực chất chỉ là một lỗ rất nhỏ trên vành tai. Hơn nữa bệnh lý này còn khá mới mẻ với nhiều người.

Nếu không rửa sạch, lỗ rò có thể bị ngứa, ứ dịch, gây viêm nhiễm và bắt đầu tiết ra mủ trắng, có mùi hôi. Một số trường hợp nặng hơn sẽ bị phình to, vỡ và làm mất thẩm mỹ.

Một tình huống khác có thể trẻ bị sốt, sưng viêm và tạo thành áp xe cạnh lỗ rò. Nguy hiểm hơn là chúng có thể lan ra những vị trí khác phía sau tai. 

Nói chung, dị tật này không hề gây nguy hiểm, quan trọng là phải lưu ý trong việc chăm sóc trẻ nhỏ. Với trẻ sơ sinh, hãy vệ sinh sạch sẽ hàng ngày để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.

4. Chẩn đoán rò luân nhĩ

Chẩn đoán rò luân nhĩ

Chẩn đoán rò luân nhĩ khá dễ, bác sĩ chỉ cần thăm khám bằng mắt thường là có thể chẩn đoán được. Vấn đề quan trọng không phải là chẩn đoán xác định rò luân nhĩ, mà là chẩn đoán các dị tật kèm theo, hay các biến chứng do rò luân nhĩ gây ra.

  • Thăm khám giúp loại trừ các hội chứng di truyền gây ra các bất thường ở đầu và mặt
  • Phát hiện các hội chứng nguy hiểm xuất hiện ở tai, như tai gập hoặc mất thính giác
  • Kiểm tra lỗ rò và tìm kiếm những dấu hiệu nhiễm trùng, viêm, u nang hoặc áp xe.
  • Đo thính lực, kiểm tra những biến dạng khác của tai ngoài.
  • Siêu âm ổ bụng, chụp CT, MRI giúp chẩn đoán các tổn thương liên quan.

5. Điều trị rò luân nhĩ

Điều trị rò luân nhĩ phải được bác sĩ chuyên khoa thực hiện, tùy trường hợp, tùy tình trạng bệnh lý mà có biện pháp điều trị khác nhau.

Điều trị rò luân nhĩ

Các cách tiếp cận điều trị căn bệnh này như sau: 

  • Trong trường hợp lỗ rò không bị nhiễm trùng, cha mẹ có thể tự vệ sinh cho trẻ mà không cần phải có sự can thiệp của bác sĩ.
  • Khi lỗ rò có dấu hiệu nhiễm trùng sớm như sưng đỏ, bác sĩ kê thuốc kháng sinh, kháng viêm cho trẻ.
  • Với những trường hợp nặng như áp xe, trước tiên bác sĩ sẽ cho thuốc kháng sinh, kháng viêm. Sau đó phải chọc và hút dịch từ vùng nhiễm trùng nặng. Trường hợp áp xe không đáp ứng với kim hút, bắt buộc phải rạch để dẫn lưu mủ.
  • Phẫu thuật cắt bỏ đường rò, đây là biện pháp điều trị triệt để, tránh việc tái phát nhiễm trùng. Với phương pháp này, bác sĩ phải gây mê toàn thân và thực hiện phẫu thuật. 

Rò luân nhĩ