Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là gì?

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hay còn gọi là rối loạn hưng – trầm cảm, là trạng thái tâm thần thay đổi bất thường khiến tâm trạng có thể đột ngột từ hưng cảm sang trầm cảm hoặc ngược lại. Hưng cảm là trạng thái tăng động, kích thích, phấn chấn… trong khi trầm cảm thì ngược lại, cảm thấy chán nản, buồn bã, tuyệt vọng, mất hứng thú trong các hoạt động hàng ngày. Khi tâm trạng thay đổi người bệnh lại chuyển sang trạng thái đầy hưng phấn và tràn đầy năng lượng.

Tùy theo mức độ bệnh mà trạng thái thay đổi tâm lý đột ngột này xuất hiện vài lần trong năm hoặc vài lần trong tuần. Bệnh khá thường gặp với khoảng 1% dân số, ở cả nam và nữ.

Những người bị rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề xã hội và gia đình. Chẳng hạn như đa số những người này trải qua khó khăn trong nghề nghiệp, hay là tỷ lệ ly hôn ở những người này rất cao, nhiều trường hợp phải cần được can thiệp về tâm lý xã hội.

1. Nguyên nhân gây bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Hiện nay, nguyên nhân của bệnh rối loạn lưỡng cực vẫn chưa được biết rõ ràng, tuy nhiên có một số yếu tố có thể tham gia trong việc gây ra và kích hoạt những cơn lưỡng cực như:

  • Sự thay đổi các quá trình sinh học trong cơ thể: Mặc dù chưa thật sự chắc chắn nhưng có sự thay đổi vật lý trong não ở người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
  • Các chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể: Sự mất cân bằng tự nhiên của những chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực và các rối loạn tâm trạng khác.
  • Thay đổi nội tiết: Mất cân bằng các nội tiết tố trong cơ thể có thể tham gia trong việc gây ra rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
  • Di truyền: Bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường gặp hơn ở những người có bố mẹ hoặc anh chị em ruột đã từng mắc bệnh.
  • Môi trường và xã hội: Môi trường sống, áp lực công việc, áp lực học tập, căng thẳng kéo dài, các sang chấn tâm lý hoặc là gặp các cú sốc trong cuộc sống… có thể đóng vai trò quan trọng gây ra rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

2. Biểu hiện thường gặp của rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Biểu hiện thường gặp của rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường xảy ra theo chu kì. Tâm trạng thay đổi theo mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi mùa hoặc trầm trọng hơn là có thể vào mỗi ngày.

Trạng thái hưng cảm, có thể gặp các biểu hiện:

  • Ăn uống nhiều hơn
  • Ngủ ít, thậm chí không muốn đi ngủ
  • Suy nghĩ tích cực, nói nhiều hơn
  • Hoạt động mạnh để tiêu hao năng lượng
  • Luôn trong trạng thái phấn chấn, yêu đời, tràn đầy năng lượng và hạnh phúc
  • Giảm khả năng phân tích và thường lúng túng khi giải quyết sự việc
  • Nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng, có thể bị ảo giác

Ở trạng thái trầm cảm, sẽ gặp một số triệu chứng:

  • Ăn ít hơn
  • Cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không có năng lượng
  • Cảm thấy tự ti về bản thân
  • Cảm thấy cuộc sống buồn chán, đầy tẻ nhạt
  • Khóc không rõ lí do, rối loạn giấc ngủ
  • Nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự tử

Cần đi khám ngay nếu gặp các biểu hiện sau:

  • Tự nhiên cảm thấy hưng phấn, phấn chấn, vui vẻ khác thường
  • Người khác cho rằng mình tăng động
  • Mất ngủ hoặc khó đi vào giấc ngủ
  • Buồn bã, u sầu không rõ lý do
  • Có ý định tự tử

3. Chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Trước tiên hỏi bệnh sử xem có các biểu hiện hưng cảm hoặc trầm cảm hay không? Nếu có thì diễn ra trong bao lâu? Lặp lại bao nhiều lần rồi? Có sử dụng thuốc gì không, đặc biệt là thuốc chống trầm cảm?

Hỏi tiền sử gia đình xem có ai từng bị bệnh liên quan đến tâm thần không? Đặc biệt là bố mẹ, anh, chị, em ruột.

Khám lâm sàng:

  • Đánh giá trạng thái tâm thần: Trò chuyện với người bệnh về suy nghĩ, cảm xúc và thói quen. Nếu được người bệnh cho phép, có thể hỏi người thân trong gia đình và những bạn bè thân thiết với người bệnh về những triệu chứng của người bệnh để cung cấp thêm thông tin cho việc chẩn đoán.
  • Biểu đồ tâm trạng: Người bệnh ghi nhận hàng ngày dưới dạng biểu đồ về tâm trạng, giấc ngủ và các yếu tố khác có thể giúp cho việc chẩn đoán và điều trị đúng.

Chẩn đoán bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực ở trẻ em: 

  • Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên cũng giống như ở người lớn, tuy nhiên, các triệu chứng ở trẻ em thường đa dạng và không khớp hoàn toàn với tiêu chuẩn chẩn đoán.
  • Ngoài ra, trẻ mắc bệnh rối loạn lưỡng cực thường được chẩn đoán kèm với các rối loạn tâm thần khác như hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) khiến cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, cần đưa trẻ đến khám tại bác sĩ tâm thần trẻ em có nhiều kinh nghiệm trong việc chẩn đoán bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Chẩn đoán phân biệt với các bệnh tâm thần khác như rối loạn phân liệt cảm xúc, tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt, rối loạn hoang tưởng hoặc rối loạn tâm thần không đặc trưng khác.

4. Điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực không thể chữa khỏi hoàn toàn, các biện pháp điều trị chỉ giúp cân bằng cảm xúc. Ngoài ra, phải được theo dõi, giám sát liên tục trong thời gian dài để ngăn ngừa tái phát trầm cảm hoặc hưng cảm. Nếu tình trạng bệnh diễn tiến nặng, có thể phải uống thuốc duy trì suốt đời.

Bên cạnh điều trị bằng thuốc, tốt nhất là khám và tham khảo ý kiến của bác sĩ tâm lý để giúp điều chỉnh rối loạn hành vi, kiểm soát suy nghĩ cùng nhận thức.

5. Phòng ngừa rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, chẳng hạn như những người có tiền sử gia đình có người đã từng mắc bệnh, thì cần được hướng dẫn các dấu hiệu nhận biết tình trạng hưng cảm hoặc trầm cảm để có hướng phát hiện sớm và điều trị thích hợp, giúp phòng ngừa khởi phát cơn nặng và không làm giảm chất lượng cuộc sống.

Người bệnh nhận diện ra các triệu chứng càng sớm thì khả năng phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng càng cao. Những thay đổi dù là nhỏ trong tâm trạng, giấc ngủ, năng lượng, sự hấp dẫn giới tính, khả năng tập trung, động lực sống, suy nghĩ về cái chết, thậm chí cả những thay đổi trong cách giữ vệ sinh cơ thể hay trang phục cũng có thể là dấu hiệu sớm khởi phát bệnh.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực