Tóm tắt nội dung
Nguy cơ mắc bệnh tỉ lệ thuận với tuổi tác, theo thống kê ở Mỹ, khoảng 50% đàn ông độ tuổi 40 - 70 mắc rối loạn cương dương. Tình trạng bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa, Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh ở độ còn rất trẻ từ 18 - 20.
1. Nguyên nhân dẫn tới rối loạn cương dương
Mặc dù khá dễ phát hiện, nhiều khi chỉ cần những mô tả của người bệnh là có thể chẩn đoán được, nhưng nguyên nhân gây bệnh khá đa dạng. Mỗi trường hợp thường do nguyên nhân riêng biệt, việc tìm và loại bỏ nguyên nhân có vai trò quyết định để giải quyết triệt để tình trạng bệnh.
Có 4 nhóm nguyên nhân trực tiếp gây rối loạn cương dương, gồm:
- Suy giảm nội tiết tố sinh dục nam testosterone
- Rối loạn vận mạch: Khiến dương vật không được cấp đủ lượng máu hoặc làm máu thoát quá nhanh khỏi các tĩnh mạch xoang hang
- Nguyên nhân thần kinh: Khá đa dạng như nhiễm độc thần kinh do rượu, thuốc lá, ma túy, các chất kích thích, viêm dây thần kinh, tổn thương thần kinh do phẫu thuật vùng tiểu khung, bệnh tiểu đường… gây rối loạn dẫn truyền tín hiệu từ não bộ tới ngoại vi
- Nguyên nhân tâm lí: căng thẳng thần kinh, mệt mỏi, stress có thể tác động và gây khó khăn để đạt được sự cương cứng, bị ám ảnh tâm lý do một chấn động về tinh thần hoặc tai nạn, có mặc cảm bất lực
2. Yếu tố nguy cơ gây rối loạn cương dương
Môi trường sống, thói quen sinh hoạt và lối sống có thể đưa đến rối loạn cương dương:
- Căng thẳng kéo dài, lo âu, trầm cảm
- Lo lắng về khả năng tình dục của bản thân
- Uống nhiều rượu, bia, các chất kích thích, hút thuốc lá
- Chấn thương tâm lý về tình dục trong quá khứ, như bị lạm dụng tình dục, loạn luân
- Môi trường sống và làm việc bị ô nhiễm
- Thường xuyên thức khuya, dậy sớm
- Áp lực công việc hoặc lao động gắng sức kéo dài
- Ít hoạt động thể lực, sống khép kín, ít giao tiếp với mọi người
- Mắc một số bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp
- Sử dụng một số thuốc điều trị, như thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp
- Thừa cân, béo phì
3. Biểu hiện rối loạn cương dương
Biểu hiện của rối loạn cương dương không rầm rộ, nhưng khá dễ nhật biết. Biểu hiện có thể gặp:
- Mất hoàn toàn nhu cầu và ham muốn tình dục: dương vật mềm, không đáp ứng sinh hoạt tình dục theo nhu cầu của bạn tình
- Có ham muốn tình dục nhưng không thể cương cứng dù làm mọi biện pháp kích thích
- Dương vật cương cứng thất thường, không theo mong muốn
- Dương vật cương cứng không đủ thời gian để giao hợp trọn vẹn. Thường khi đưa vào cơ thể người phụ nữ thì dương vật mềm ra, không thể cương cứng trở lại.
4. Chẩn đoán rối loạn cương dương
Thông thường, đa số các trường hợp bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh thông qua hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên, nếu có thêm các bệnh mạn tính kèm theo hoặc nghi ngờ một nguyên nhân tiềm ẩn nào đó có thể gây bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm khác như:
- Xét nghiệm máu: Được thực hiện để đo nồng độ testosterone, xét nghiệm các chỉ số sinh hóa máu khác giúp xác định các tình trạng có thể dẫn đến liệt dương tạm thời hoặc vĩnh viễn, ngoài ra còn giúp chẩn đoán các bệnh như bệnh tim, tiểu đường, nhiễm trùng.
- Xét nghiệm nước tiểu: Giúp chẩn đoán một số bệnh lý như nhiễm trùng tiết niệu, bệnh thận, bệnh tiểu đường
- Siêu âm dương vật: Giúp bác sĩ tìm ra các bất thường của dòng máu ở dương vật
- Đo huyết áp ở chân và đánh giá các xung trong chân và bàn chân: Có thể phát hiện vấn đề ở các động mạch
- Kiểm tra tâm lý: Bác sĩ có thể hỏi một số câu hỏi để kiểm tra chứng trầm cảm hoặc các bệnh tâm lý khác có thể gây ra rối loạn cương dương.
5. Điều trị rối loạn cương dương
Điều trị bệnh hiệu quả, kéo dài, cần tìm đúng nguyên nhân và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Ngoài ra, không nên tự ý sử dụng các loại thuốc quảng cáo trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc. Các biện pháp điều trị có thể áp dụng:
5.1. Bổ sung testosterone
Nếu nguyên nhân gây bệnh do thiếu hụt testosterone thì bổ sung hormone này sẽ đem lại hiệu quả điều trị bệnh cao. Nam giới sẽ cải thiện cả khả năng cương dương lẫn ham muốn tình dục. Ngoài ra testosterone đủ cũng giúp nam giới trở nên khỏe khoắn, mạnh mẽ hơn.
Bổ sung testosterone có thể theo 3 con đường là đường uống, đường tiêm hoặc đường bôi ngoài da.
Không tự ý bổ sung testosterone khi không có chỉ định của bác sĩ. Liều lượng bổ sung dựa trên xét nghiệm testosterone trong máu, không sử dụng với người bị rối loạn đông máu, đa hồng cầu hoặc phì đại tiền liệt tuyến.
5.2. Thuốc giãn mạch
Nhóm thuốc giãn mạch được sử dụng cho trường hợp có nguyên nhân thần kinh, mạch máu hoặc tâm lý. Nhóm thuốc này bao gồm papaverin, prostaglandin E1 (Carveject) sử dụng theo dạng viêm đặt niệu đạo hoặc dạng tiêm trực tiếp vào thể hang gốc dương vật.
Phương pháp này được dùng trước khi giao hợp 5 - 10 phút, có thể kéo dài tác dụng khoảng 1h. Bên cạnh tác dụng trực tiếp đem lại, thuốc có thể gây tác dụng phụ như loét niệu đạo, xơ hóa, tụ máu, bầm tím, cong vẹo dương vật, cương đau dương vật…
5.3. Bơm hút chân không
Đây là phương pháp tạm thời giúp tạm thời loại bỏ mặc cảm tâm lý, giúp cho quá trình giao hợp diễn ra. Cơ chế của can thiệp này khá đơn giản, bơm đặc biệt giúp bơm khí vào dương vật để đẩy lên giống như trạng thái cương cứng. Khi khí đầy thì buộc gốc dương vật để giữ trạng thái này và thực hiện giao hợp. Kết thúc cần tháo dây để nhả khí ra.
Phương pháp này thường dùng cho những bệnh nhân không đáp ứng hoặc không muốn điều trị với thuốc và các liệu pháp khác.
5.4. Thuốc ức chế PDE5
Thuốc ức chế PDE5 chứa các hoạt chất Tadalafil, Sildenafil, Vardenafil. Đây là dòng thuốc phổ biến nhất được chỉ định cho các trường hợp bị rối loạn cương dương, giúp cải thiện đến 80% các trường hợp bệnh do các nguyên nhân khác nhau.
Có thể sử dụng dạng liều hàng ngày hoặc dùng theo yêu cầu trước khi giao hợp 1 giờ đồng hồ. Cần sử dụng theo đúng chỉ định và liều lượng bác sĩ yêu cầu, không tự ý sử dụng hoặc phối hợp thuốc.
5.5. Phẫu thuật
Khi không đáp ứng với thuốc thì phẫu thuật là biện pháp điều trị cuối cùng. Có 2 dạng phẫu thuật điều trị:
- Phẫu thuật nối thông động mạch: Khi động mạch cấp máu cho dương vật bị tổn thương.
- Phẫu thuật cấy vật hang giả: Lắp vật hang giả vĩnh viễn.
5.6. Liệu pháp tâm lý
Đôi khi tâm lí căng thẳng, stress, hoặc chấn động tâm lý là nguyên nhân dẫn tới tình trạng rối loạn cương dương ở nam giới. Cải thiện yếu tố tâm lý dưới sự nỗ lực của người bệnh, bạn tình và bác sĩ sẽ giúp cải thiện bệnh.
6. Dự phòng rối loạn cương dương
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây có thể giúp hạn chế diễn tiến rối loạn cương dương:
- Hạn chế uống rượu bia, chất kích thích, bỏ hút thuốc lá (nếu có)
- Tăng cường thể dục thể thao, luyện tập đều đặn hàng ngày, mỗi ngày tập ít nhất 60 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần
- Cải thiện các mối quan hệ xã hội, tham gia hoạt động tập thể, giải tỏa các vấn đền về trong các mối quan hệ về công việc
- Hạn chế làm việc gắng sức, không thức khuya, dậy sớm
- Hạn chế căng thẳng, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Rối loạn cương dương