Tóm tắt nội dung
1. Rối loạn giấc ngủ là gì?
Giống như ăn uống và hít thở, ngủ là nhu cầu không thể thiếu của cơ thể, chiếm khoảng 1/3 thời gian của cuộc đời mỗi người. Trong khi ngủ cơ thể tiết ra những hormon quan trọng giúp cho quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động và phát triển cơ thể. Thiếu ngủ hoặc một giấc ngủ không ngon giấc gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, như có thể gây mệt mỏi, uể oải, hay quên, khó tập trung,….
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thay đổi liên quan đến thời gian, thời điểm và chất lượng giấc ngủ. Một người mất ngủ có thể ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn bình thường, hoặc những bất thường xảy ra trong khi ngủ.
2. Các loại rối loạn giấc ngủ thường hay gặp
Có rất nhiều loại rối loạn giấc ngủ, các rối loạn giấc ngủ thường gặp là:
2.1. Mất ngủ
Là rối loạn thường gặp nhất, thường mang tính chủ quan của mỗi người. Một người trưởng thành mà ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày thì được coi là ngủ ít, nếu thiếu ngủ hoàn toàn thì gọi là mất ngủ.
Các biểu hiện thường gặp khi mất ngủ:
-
Có sự bận tâm, lo lắng quá mức về giấc ngủ và hậu quả của mất ngủ vào ban ngày và ban đêm
-
Luôn luôn trong tình trạng mệt mỏi, khó tập trung, làm việc, học tập kém hiệu quả,…
-
Tùy từng trường hợp có thể gây ra bởi tình trạng khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu, trằn trọc, thức giấc nhiều lần trong đêm, thức giấc sau một tiếng động nhẹ, thức dậy sớm hoặc có thể có cảm giác thiếu ngủ hoàn toàn. Nguyên nhân của rối loạn giấc ngủ này rất đa dạng, hay gặp nhất là tình trạng mất ngủ tạm thời, rối loạn tâm thần, nguyên nhân thực thể,...
2.2. Mất ngủ tạm thời
Xuất hiện trong thời gian ngắn, kéo dài một vài tuần, ở những người bình thường, gặp ở các trường hợp như:
-
Gặp những biến cố trong cuộc sống: Buồn bã, lo lắng chuyện gì đó, nhà có tang, nợ nần, thất nghiệp,…
-
Lối sống không điều độ: Ngủ quá nhiều, ảnh hưởng chất kích thích (rượu, bia, chè, cà phê,…), ngủ quá muộn, thức dậy nhiều lần trong đêm, làm việc nặng nhọc, đọc sách, xem phim, xem TV nhiều trước khi đi ngủ,…
-
Một số bệnh lý cấp tính: Đau đầu, đau lưng, sốt, viêm đường hô hấp cấp, dị ứng,…
-
Ảnh hưởng của môi trường: Tiếng ồn, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, phòng ngủ ngột ngạt, chặt chội,…
Đối với các trường hợp mất ngủ tạm thời, nói chung điều trị khá đơn giản, sau đó có thể trở về bình thường. Các biện pháp điều trị thường là:
-
Loại trừ các yếu tố gây mất ngủ, như sống vui vẻ, không quá lo âu hoặc buồn phiền, đi ngủ đúng giờ, hạn chế thức dậy sớm hoặc hạn chế thức dậy nhiều lần trong trong đêm.
-
Việc luyện tập giúp tăng sức khỏe thể lực, giảm căng thẳng và giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ hơn. Tăng cường thể dục thể thao, nhất là tập thể dụng nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng, tập yoga, aerobic vào buổi tối.
-
Có thể sử dụng một số thuốc điều trị mất ngủ dạng thảo dược, để giúp dễ đi vào giấc ngủ hơn. Sau khi giấc ngủ trở lại bình thường rồi thì không phải dùng thuốc nữa.
2.3. Mất ngủ do nguyên nhân bệnh tâm thần
Tất cả các rối loạn tâm thần đều có thể dẫn đến mất ngủ, có thể bao gồm các nguyên nhân:
-
Trầm cảm, thường mất ngủ vào sáng sớm, tức là hay tỉnh dậy vào khoảng 3 – 4 giờ sáng
-
Hội chứng lo âu, thường khó đi vào giấc ngủ, kéo dài giai đoạn ru ngủ.
-
Các cơn hưng cảm, trạng thái hoang tưởng, lú lẫn,… làm rối loạn chu kỳ thức – ngủ và thường đưa đến tình trạng kích động ban đêm.
-
Rối loạn nhân cách, nghiện ngập,…. Thường đưa đến mất ngủ mạn tính.
Các trường hợp này, điều trị thường tập trung vào nguyên nhân gây mất ngủ, nhắm vào các rối loạn tâm thần. Việc sử dụng thuốc tùy theo nguyên nhân, như thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu, thuốc chống loạn thần, các liệu pháp tâm lý phù hợp.
2.4. Mất ngủ do nguyên nhân thực thể
Rất nhiều nguyên nhân thực thể có thể dẫn đến mất ngủ, như:
-
Đau cấp và đau mạn tính: Đau trong viêm khớp, đau lưng, đau đầu,…
-
Các bệnh lý tiêu hóa: Viêm, loét dày tá tràng
-
Bệnh thận tiết niệu: Sỏi thận, sỏi niệu quản, u xơ tiệt liệt tuyết, viêm tiết niệu,…
-
Các bệnh nội tiết: Tiểu đường, cường tuyến giáp,…
-
Bệnh tim mạch: Hẹp, hở van hai lá, suy tim,…
-
Bệnh hô hấp: Viêm phế quản, hen phế quản,....
-
Bệnh thần kinh: Bệnh Alzheimer, Parkinson, tai biến mạch não,…
Điều trị: Tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh gây ra mất ngủ, khi điều trị khỏi nguyên nhân gây mất ngủ thì triệu chứng mất ngủ sẽ cải thiện. Thường kết hợp với nhóm thuốc an thần nhẹ Benzodiazepine trong thời gian ngắn.
2.5. Mất ngủ do thuốc và các chất kích thích
Các trường hợp lạm dụng các một số thuốc và các chất kích thích đều có thể gây mất ngủ như:
-
Những trường hợp lạm dụng các chất kích thích như ca phê, chè, thuốc lá, thuốc phiện, cocaine,…
-
Uống nhiều rượu, bia, đồ uống chứa cồn,… mặc dù dễ đi vào giấc ngủ nhưng sẽ giảm thời gian ngủ sâu và giai đoạn ngủ nghịch thường. Vì thế mà những người say rượu thường ngủ li bì nhưng sau đó tỉnh dậy rất sớm, sau khi tỉnh dậy không thể ngủ tiếp được.
-
Lạm dụng một số thuốc như: Corticoid, theophyline, thuốc chống trầm cảm, các thuốc ngủ dùng kéo dài,…
Điều trị:
-
Thay đổi thói quen ăn uống, bỏ hoặc hạn chế sử dụng rượu, bia, các chất kích thích
-
Thay đổi thời gian uống thuốc cho phù hợp. Tức là những thuốc kích thích, gây khó ngủ thì không nên uống vào buổi chiều tối, ngược lại các thuốc có thể gây buồn ngủ thì không nên uống vào buổi sáng hoặc khi đang lái xe hay đang làm việc trên cao.
2.6. Mất ngủ mạn tính tiên phát
Loại mất ngủ này khá thường gặp nhưng không tìm thấy bất cứ nguyên nhân cụ thể nào, không tìm thấy bệnh thực thể, bệnh tâm thần, chỉ có biểu hiện duy nhất là mất ngủ. Các trường hợp mất ngủ này được phân ra các loại:
-
Mất ngủ không rõ nguyên nhân tiến triển từ tuổi ấu thơ. Thường xuất phát từ những sự kiện mà trẻ chứng kiến, những hình ảnh và sự kiện ăn sâu vào trong tâm trí trẻ rồi tồn tại kéo dài suốt những năm tháng tiếp theo.
-
Mất ngủ do tâm lý là những trường hợp mất ngủ hình thành từ việc lặp đi lặp lại tâm lý sợ giấc ngủ. Chẳng hạn như trong giấc ngủ xảy đến những hiện tượng làm người ngủ kinh sợ, có thể là những giấc mơ hoặc ảo giác. Và để né tránh điều đó, người bệnh sẽ tránh giấc ngủ.
Hướng điều trị:
Nói chung chứng mất ngủ này điều trị khá khó khăn, nhiều trường hợp không mang lại kết quả như mong muốn, nhiều trường hợp khỏi rồi lại tái phát. Vì vậy mà điều trị chứng mất ngủ này đòi hỏi phải hết sức kiên trì, phải phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh với thầy thuốc và người thân thì mới hy vọng mang lại kết quả. Các biện pháp điều trị tập trung vào:
-
Cần phối hợp nhiều biện pháp như sinh hoạt điều độ, tuân thủ chặt chẽ giờ giấc thức, ngủ
-
Liệu pháp tâm lý, thư giãn liệu pháp, liệu pháp nhận thức hành vi: Đây được coi là liệu pháp quan trọng nhất, cần phải hướng dẫn, luyện tập cho ngượi bệnh những biện pháp như không lo lắng, không sợ hãi, không suy nghĩ về những điều xảy ra trong quá khứ….
-
Luyện tập cách né tránh các suy nghĩ tiêu cực, luôn hướng đến các điều mới mẻ, điều vui, quên đi quá khứ, rồi tập đi ngủ đúng giờ, duy trì thời gian ngủ đủ trong ngày,…
2.7. Ngủ nhiều
Một người trưởng thành ngủ nhiều hơn 10 giờ mỗi ngày thì gọi là ngủ nhiều. Những người ngủ nhiều thường có biểu hiện:
-
Ngủ ban ngày kéo dài, hoặc là buồn ngủ thường xuyên, nhiều khi ngủ nhiều không giải thích được. Mặc dù ngủ nhiều nhưng khi thức dậy vẫn cảm thấy mệt mỏi, muốn ngủ tiếp.
-
Rối loạn giấc ngủ xảy ra hàng ngày, kéo dài hơn tháng hoặc những thời kỳ tái phát ngắn, gây buồn bã rõ rệt hoặc cản trở hoạt động xã hội và nghề nghiệp.
-
Không có triệu chứng của chứng ngủ rũ (mất trương lực cơ, liệt khi ngủ) hoặc bằng chứng lâm sàng của ngừng thở (ngừng thở ban đêm, tiếng khịt mũi từng cơn điển hình,...)
-
Không có bệnh lý về thần kinh, nội khoa mà trạng thái buồn ngủ ban ngày có thể là triệu chứng.
Điều trị:
-
Tăng cường vận động, hoạt động thể lực, thể dục thể thao
-
Tham gia nhiều hoạt động tập thể, tham gia các câu lạc bộ, giao tiếp với mọi người.
-
Sử dụng các thuốc nhóm chống trầm cảm hoạt hóa: Defanyl, Pertofran, Survector, Fluoxetin,.... vào buổi sáng trong thời gian 3 - 4 tuần.
2.8. Ngưng thở khi ngủ
Trong khi đang ngủ, một số người có tình trạng ngừng thở vài phút, hiện tượng này lặp lại khoảng 5 lần mỗi giờ. Trước khi ngừng thở, thường có ngáy lớn rồi ngừng thở, hiện tượng này lặp đi, lặp lại, sau đó là giấc ngủ ngắn.
Những người này ban ngày thường ban ngày ngủ gà, ngủ gật, mệt mỏi, mất tập trung, hay quên, lo lắng… Nguyên nhân có thể do:
-
Béo phì
-
Bệnh lý tai mũi họng, như quá phát amydal, giãn màn hầu,…
-
Rượu, thuốc là, một số thuốc như benzodiazepin, có thể là nguyên nhân gây bệnh nặng thêm.
Điều trị : Loại trừ yếu tố gây bệnh như giảm cân, hạn chế uống rượu bia, các chất kích thích,… Đôi khi phải can thiệp phẫu thuật vùng hầu họng.
2.9. Ngủ nhiều do thiếu ngủ
Những người thiếu ngủ vào ban đêm, như làm việc nhiều vào ban đêm, trực đêm, người bị bệnh đêm không ngủ được, phụ nữ mới sinh con,… Những trường hợp này thường khó thức dậy, khi thức dậy thì thường mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật trong ngày, khó tập trung, giảm khả năng làm việc, hay cáu gắt.
Điều trị: Các trường hợp này nói chung điều trị khá dễ, chỉ cần điều chỉnh lại thời gian ngủ, kéo dài thời gian ngủ thích hợp, kết hợp với tái tạo lập việc sinh hoạt điều độ. Có thể cần trợ giúp của người thân để đảm bảo lập lại thời gian ngủ phù hợp.
2.10. Ngủ nhiều do thuốc
Một số thuốc được sử dụng để điều trị có thể dẫn đến tình trạng ngủ nhiều như:
-
Thuốc hướng tâm thần: Nhuốc ngủ, thuốc giải lo ấu có thời gian bán thải dài, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần,…
-
Các thuốc khác như thuốc chống động kinh, chống dị ứng, giãn cơ, thuốc chống say tàu xe… cũng có thể gây ngủ nhiều.
Điều trị: Các trường hợp này nói chung điều trị cũng khá dễ, chỉ cần hạn chế dùng thuốc, chỉ dùng khi thật cần thiết, không được lạm dụng thuốc, nếu bắt buộc dùng phải dùng theo chỉ định của bác sĩ, đúng liều, đủ liều, không dùng kéo dài và đặc biệt là sử dụng vào thời gian hợp lý.
2.11. Chứng ngủ rũ
Thường thấy ở nam giới bắt đầu ở tuổi vị thành niên, thường có 4 triệu chứng phối hợp sau:
-
Những cơn ngủ gà trong ngày, xảy ra cùng một thời điểm trong ngày với mỗi người bệnh và những cơn ngủ rũ bất ngờ xuất hiện không thể cưỡng lại được.
-
Những cơn mất trương lực cơ bất chợt kéo dài trong thời gian ngăn, xảy đến do xúc động điều gì đó.
-
Ảo giác thị giác, thính giác, thường xảy ra trong giai đoạn ru giấc ngủ gây hoảng loạn
-
Những biểu hiện liệt trong giấc ngủ, đặc trưng bởi sự mất hoàn toàn mọi cử động cơ bắp, không thể hít thở với biên độ bình thường. Hiện tượng này xảy ra vào lúc tỉnh giấc.
Điều trị:
-
Điều trị cơn ngủ gà và cơn ngủ rũ bằng các biện pháp như: Sử dụng thuốc như Modafinil, methylphemidate, sắp xếp lại giấc ngủ trong đó chú ý đến giấc ngủ trưa.
-
Điều trị những cơn mất trương lực, ảo giác, liệt khi ngủ bằng các thuốc chống trầm cảm.
-
Điều trị mất ngủ ban đêm bằng các thuốc ngủ, tốt nhất dùng thuốc ngủ dạng thảo dược, và thực hiện các biện pháp vệ sinh giấc ngủ, như đi ngủ đúng giờ, làm việc, học tập và sinh hoạt điều độ.
2.12. Ngủ nhiều vô căn
Biểu hiện một giấc ngủ ban đêm dài bất thường, rất khó thức dậy, khi ngủ dậy thì xuất hiện những cơn ngủ gà ban ngày.
Khác với những dạng rối loạn ngủ nhiều khác, những người này có thể cưỡng lại được những cơn buồn ngủ, trong khi giấc ngủ trưa không làm hồi phục được sức khỏe.
Điều trị:
-
Sử dụng các thuốc chống trầm cảm kích thích
-
Tránh ngủ trưa
-
Vệ sinh giấc ngủ, như đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tránh ngủ tái, ngủ nướng.
2.13. Những rối loạn nhịp sinh học ngày đêm
Đây là loại rối loạn giấc ngủ liên quan đến nhịp sinh học ngày đêm. Tức là có sự không phù hợp giữa thời gian ngủ thực tế và giờ giấc trong ngày.
-
Hội chứng pha sớm: Đặc trưng bởi giai đoạn ru ngủ và thức dậy xảy ra sớm, thường thức giấc vào khoảng 2 – 3 giờ sáng, hậu quả là có nhu cầu ngủ vào buổi chiều. Rối loạn này thường gặp ở người cao tuổi.
-
Hội chứng nhịp ngày đêm kéo dài: Nhịp ngày đêm kéo dài hơn 24 giờ với sự khác biệt về thời gian ngủ khoảng 1 giờ mỗi ngày, dẫn đến hiện tượng giai đoạn ru giấc ngủ ngày càng trễ. Có thể gặp trạng thái mất ngủ đêm và ngủ gà ban ngày. Rối loạn này thường gặp ở những người tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ.
-
Hội chứng pha trễ: Đặc trưng bởi giai đoạn ru ngủ trễ, nếu phải dậy sớm để đi làm thì hậu quả là vẫn còn ngủ gà vào buổi sáng.
-
Thay đổi múi giờ: Mất ngủ xảy ra khi chúng ta di chuyển sang những múi giờ khác nhau, nhất là những khu vực có múi giờ chênh lệch nhiều so với múi giờ hiện tại. Biểu hiện thường gặp là mệt mỏi, ngủ gà, khó tập trung. Các rối loạn này kéo dài trong khoảng 1 tuần, sau đó cơ thể thích nghi rất nhanh.
Điều trị: Các trường hợp này nói chung cũng khá dễ điều trị, có thể dùng thuốc ngủ tác dụng ngắn, dùng trong vài ngày có thể cải thiện các triệu chứng. Gần đây thuốc melatonine được chỉ định điều trị hội chứng trễ pha và phòng ngừa mất ngủ do lệch múi giờ.
3. Một số lời khuyên giúp bạn có một giấc ngủ ngon
“Vệ sinh giấc ngủ” là việc thực hiện một số biện pháp cải thiện giấc ngủ, loại bỏ những hành vi không tốt đối với giấc ngủ để có một giấc ngủ tốt mà không dùng thuốc. Sắp xếp giờ ngủ và thức dậy đúng đều đặn, tốt nhất là dao động trong vòng 1 giờ trong suốt cả tuần. Việc ngủ "nướng" không có chất lượng, có thể làm thay đổi nhịp thức - ngủ sinh học tự nhiên. Một số lời khuyên giúp cải thiện vệ sinh giấc ngủ là:
-
Đi ngủ vào một giờ nhất định, thức dậy đúng giờ
-
Dậy ngay khi tỉnh giấc, không nên nằm nướng trên giường vào buổi sáng
-
Đi ngủ ngay khi có những dấu hiệu buồn ngủ như ngáp, mắt lim dim, không cố gắng cưỡng lại cơn buồn ngủ.
-
Không đọc những cuốn sách quá lôi cuốn, hấp dẫn vào buổi tối, không xem tivi trên giường ngủ.
-
Tránh những cãi cọ hay tranh luận căng thẳng, tạm quên đi những lo toan, bận tâm trong ngày, nhất là trước khi đi ngủ.
-
Không dùng những chất kích thích như chè, thuốc lá, cà phê, đạm, vitamin,… vào buổi tối.
-
Ăn tối không trễ quá, không ăn quá no và nên uống một ly sữa vào buổi tối.
-
Không nên chơi những môn thể thao nặng vào buổi tối, có thể tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ trước khi ngủ - Có thể tắm nước ấm, mát xa nhẹ nhàng tạo cảm giác thư giãn, trước khi đi ngủ.
-
Phòng ngủ nên bố trí thoáng mát, yên tĩnh, giường gối êm ái, ánh sáng dịu nhẹ.
-
Tránh lạm dụng thuốc ngủ, chỉ dùng khi cần thiết và tham khảo ý kiến thầy thuốc.
-
Đừng quên rằng tình cảm vợ chồng hòa thuận thăng hoa cũng là liều thuốc tự nhiên vô cùng quý giá giúp giấc ngủ ngon.
4. Kết luận
Rối loạn giấc ngủ là những biểu hiện rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày nói chung và trong bệnh học tâm thần nói riêng. Xác định tình trạng rối loạn giấc ngủ và nguyên nhân của các rối loạn này có một vai trò quan trọng để hướng đến một phương pháp trị liệu phù hợp. Nhưng nhiều trường hợp tìm nguyên nhân không phải dễ. Chính vì vậy mà vẫn có khá nhiều khó khăn trong điều trị rối loạn giấc ngủ.
Việc thông tin giải thích cho người bệnh hiểu về giấc ngủ, vai trò của giấc ngủ, nguyên nhân và hậu quả các rối loạn giấc ngủ cũng là việc làm rất cần thiết trong quá trình điều trị, giúp giải tỏa được vấn đề tâm lý, chủ động phối hợp với bác sĩ điều trị tốt hơn.
Dùng thuốc không phải là biện pháp duy nhất trong quá trình trị liệu và luôn luôn theo đúng chỉ định của thày thuốc. Vấn đề “vệ sinh giấc ngủ” giữ một vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị rối loạn giấc ngủ.
Trên đây là những thông tin về tình trạng rối loạn giấc ngủ, nếu vẫn còn thắc mắc hãy liên hệ 1800.55.88.89 (miễn cước) – 0896.509.509 (trực 24/7) hoặc gửi câu hỏi về hòm thư songkhoe@bacsituvan.vn để được chuyên gia giải đáp.
Rối loạn giấc ngủ