Khớp thái dương hàm là khớp động duy nhất ở vùng sọ mặt, có nhiệm vụ nối hàm dưới với xương sọ ở hai bên. Khớp này giúp hàm dưới vận động một cách nhịp nhàng, bao gồm các thao tác như ăn nhai, nói, há miệng, đưa hàm dưới ra trước và lùi vào trong... 

Rối loạn khớp thái dương hàm không phải là một bệnh quá nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó có thể gây ra nhiều khó chịu và những biến chứng nặng về sau nếu không được chữa trị kịp thời. Bệnh có thể chỉ xuất hiện thoáng qua và sẽ biến mất ngay cho nên việc phát hiện ra bệnh sớm để chữa trị là rất khó khăn.

1. Nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm

Nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm

Những nguyên nhân chính của rối loạn khớp thái dương hàm là:

  • Hàm răng không đều, có chiếc to chiếc bé, khấp khểnh, thưa hoặc bị thiếu răng.
  • Người có tật nghiến răng cũng sẽ có nguy cơ bị rối loạn khớp thái dương hàm cao hơn bình thường.
  • Những người có tiền sử bị chấn thương các cơ quan trên mặt, cụ thể là phần hàm khiến khớp thái dương hàm bị trật.
  • Thói quen ăn uống như nhai lệch về một bên hoặc nhai các loại thức ăn quá cứng, quá khó nhai.
  • Căng thẳng kéo dài, tâm lý không ổn định cũng sẽ khiến phản xạ co cơ hàm xuất hiện bất thường.
  • Những người mắc bệnh liên quan đến hệ thần kinh cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến phản xạ của các cơ quan nhai thức ăn, xuất hiện tình trạng nghiến răng, lâu dần sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm.
  • Một số trường hợp nguyên nhân do bẩm sinh, tức các khớp thái dương hàm lệch từ khi mới sinh

2. Triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm

Triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm
  • Khớp thái dương hàm ở trạng thái bình thường sẽ giúp các hoạt động như ăn nhai, nói, nuốt thức ăn hay uống nước.... diễn ra ổn định và nhịp nhàng. Các triệu chứng ban đầu của rối loạn thái dương hàm thường là nhẹ và dễ bị bỏ qua.
  • Đôi khi, triệu chứng chỉ là há miệng thấy có tiếng kêu lục cục, có lúc thấy hơi khó hoặc hạn chế khi mở rộng miệng.
  • Đến một lúc nào đó các triệu chứng trở nên rõ rệt hơn, trầm trọng hơn như đau ở cơ hàm, đau khớp thái dương hàm.
  • Đau xảy ra ở một hoặc cả 2 bên khớp, thông thường cơn đau nhẹ và hết sau đó. Nhưng trong một số trường hợp, cơn đau dữ dội, đau liên tục nhiều giờ liền, đau tăng lên khi cử đông khớp như nhai, ăn, há miệng, cười…
  • Đau có thể lan ra các vùng lân cận như phần trong tai, trước tai, đau hai bên thái dương, cổ, vai, gáy và thậm chí đau nhức nửa đầu.
  • Sau đó rối loạn chức năng nặng hơn như há miệng hạn chế, không há lớn được, khi há hàm dưới bị lệch và không thẳng.
  • Khi bệnh tiến triển sẽ dẫn đến việc phá hủy các cấu trúc của khớp thái dương hàm, làm đau khớp, đau cơ, hoạt động nhai, nuốt, nói trở nên khó khăn.

3. Điều trị rối loạn khớp thái dương hàm

Điều trị càng sớm càng tốt để tránh chất lượng sống bị ảnh hưởng. Hiện có hai phương pháp là điều trị xâm lấn và không xâm lấn.

Điều trị rối loạn khớp thái dương hàm bằng vật lý trị liệu

Điều trị không xâm lấn:

  • Các biện pháp chủ yếu là điều chỉnh hành vi và nhận thức không đúng, vật lý trị liệu, bài tập cho cơ hàm và cổ…
  • Dùng thuốc điều trị triệu chứng như thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ, an thần…
  • Các biện pháp hỗ trợ như đeo máng nhựa cứng trong miệng để giúp giảm tải lực lên khớp và cải thiện sự ăn khớp của các răng bị lệch.

Điều trị xâm lấn:

  • Mài chỉnh răng hàm trên loại bỏ các tác nhân gây vướng, cộm làm hàm dưới vận động không thoải mái
  • Làm răng giả cho các răng đã mất, chỉnh hình các răng lệch, phẫu thuật can thiệp trực tiếp vào khớp thái dương hàm.
  • Các thủ thuật phẫu thuật, bao gồm thay toàn phần hoặc từng phần của khớp xương hàm.

4. Dự phòng rối loạn khớp thái dương hàm

Dự phòng rối loạn khớp thái dương hàm cần chú ý điều chỉnh sớm những hiện tượng và thói quen sống như sau:

  • Khi có các răng lệch nên đi khám chuyên khoa răng hàm mặt và làm chỉnh hình răng phù hợp.
  • Không để mất răng bằng cách thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách, phòng ngừa bệnh nha chu và sâu răng.
  • Nếu mất răng cần trồng răng giả càng sớm càng tốt.
  • Khi nhai thức ăn cần nhai cả hai bên hàm, tránh nhai một bên.
  • Không nên há miệng lớn và lâu trong thời gian dài.
  • Thường duy trì hàm dưới ở tư thế nghỉ: Thư giãn cơ, lưỡi đặt mặt trong răng cửa giữa hàm trên, các răng hàm trên và dưới không chạm nhau.
  • Tạo lối sống lành mạnh, biết cách thư giãn, hạn chế các căng thẳng trong cuộc sống.

Rối loạn khớp thái dương hàm