Rối loạn nhân cách là gì?

Tính cách liên quan đến một tập hợp đặc trưng các đặc điểm, phong cách hành vi và các khuôn mẫu tạo nên tính cách hoặc cá tính của chúng ta. Rối loạn nhân cách là một nhóm các rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, cảm nhận, hành động và cách ứng xử. Bệnh có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta nhận thức thế giới, thái độ, suy nghĩ và cảm xúc.

Rối loạn nhân cách có thể gây khó khăn trong việc giao lưu với gia đình và bạn bè. Những người bị rối loạn nhân cách rất khó nhận biết hành vi nào là bình thường hay bất thường. Các chứng rối loạn nhân cách thường bắt đầu từ thuở thơ ấu và kéo dài suốt thời kỳ thành niên.

Mặc dầu nhân cách khó có thể thay đổi, nhưng với việc chữa trị và hỗ trợ sớm và thích hợp, người mắc chứng rối loạn nhân cách có thể sống cuộc đời trọn vẹn và hữu ích.

Rối loạn nhân cách có thể được phân thành các nhóm nhỏ có các hành vi tương tự:

  • Nhóm A: Rối loạn nhân cách phân liệt, rối loạn nhân cách hoang tưởng và rối loạn nhân cách thể phân lập.
  • Nhóm B: Rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách ái kỷ.
  • Nhóm C: Rối loạn nhân cách tránh né, rối loạn nhân cách phụ thuộc và rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế.

1. Nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách

Nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn nhân cách. Bệnh có thể phát triển từ một chấn thương hoặc một sự kiện đầy kịch tính xảy ra trong cuộc sống. Một số nhà nghiên cứu gợi ý về sự mất cân bằng các chất hóa học trong não và các tác động của môi trường chỉ là nhân tố kích hoạt những thay đổi trong tính cách.
Rối loạn nhân cách cũng kết hợp với các yếu tố di truyền và gia đình. Các trải nghiệm đau khổ hay sợ hãi trong suốt thời thơ ấu có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn nhân cách. Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại cụ thể của rối loạn nhân cách.

2. Nguy cơ mắc phải rối loạn nhân cách

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây rối loạn nhân cách như:

  • Có một sự kiện đau thương, buồn rầu, hoặc là gặp một cú sốc lớn về tinh thần
  • Có thời thơ ấu khó khăn, như bị lạm dụng hoặc không được quan tâm, không có người chăm sóc hoặc bị chia cách người thân
  • Bị chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não
  • Yếu tố di truyền, trong gia đình có người thân ruột thịt từng bị rối loạn nhân cách.

3. Biểu hiện của rối loạn nhân cách

Biểu hiện của rối loạn nhân cách

Các triệu chứng phổ biến của rối loạn nhân cách có thể gặp là:

  • Bị choáng ngợp bởi những cảm xúc tiêu cực như đau khổ, lo âu, vô dụng hay giận dữ
  • Tránh né những người khác, cảm thấy trống rỗng và bị ngắt cảm xúc kết nối
  • Khó quản lý các cảm xúc tiêu cực mà không gây hại cho bản thân (ví dụ lạm dụng ma túy, rượu hoặc dùng thuốc quá liều), trong trường hợp hiếm hoi có thể đe dọa người khác
  • Hành vi kỳ cục, mất kiểm soát
  • Khó duy trì mối quan hệ ổn định và gần gũi, đặc biệt là với các đối tác, trẻ em và những người chăm sóc chuyên nghiệp
  • Đôi khi có những đợt bị mất liên lạc với thực tế

Ngoài ra, tùy theo nhóm rối loạn nhân cách mà có biểu hiện các triệu chứng khác nhau như:

  • Những người rối loạn nhân cách nhóm A có xu hướng gặp khó khăn khi kết nối với những người khác, thường biểu hiện các loại hành vi mà hầu hết những người khác coi là kỳ quặc và lập dị.
  • Trong khi những người rối loạn nhân cách nhóm B nỗ lực tạo quan hệ với những người khác. Họ biểu hiện các mô hình hành vi được coi là kịch tính, thất thường, đe dọa hoặc đáng lo ngại.
  • Những người bị rối loạn nhân cách nhóm C sợ các mối quan hệ cá nhân và biểu hiện các dạng của hành vi lo lắng và sợ hãi xung quanh người khác. Một số người có thể không muốn tiếp xúc và miễn cưỡng trong các hoạt động xã hội.

4. Chẩn đoán rối loạn nhân cách

Chẩn đoán rối loạn nhân cách

Khi nghi ngờ có một rối loạn nhân cách, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá các khuynh hướng nhận thức, cảm xúc, tương tác cá nhân. Rồi hỏi các thông tin của cá nhân và gia đình để biết các hành vi, tính cách, hành động và so sánh với các tiêu chuẩn đối với từng loại rối loạn nhân cách.

Bác sĩ cũng sẽ hỏi về bất kỳ sự kiện quan trọng hoặc những vấn đề ảnh hưởng đến tình cảm xảy ra gần đây. Bệnh sử và môi trường sống cũng sẽ được đưa vào xem xét trong chẩn đoán.

Trong một số trường hợp, bác sĩ tâm thần có thể thực hiện các xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm sàng lọc cho rượu và ma túy, các loại thuốc đã sử dụng, tiền sử chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não…. để xác định các nguyên nhân có thể.

Đối với các rối loạn nhân cách được chẩn đoán ở những người dưới 18 tuổi, hình thái phải kéo dài từ 1 năm trở lên. Ngoài ra rối loạn nhân cách chống đối xã hội, không thể chẩn đoán ở người dưới 18 tuổi.

Vì nhiều trường hợp rối loạn nhân cách thiếu sự thấu hiểu về tình trạng của họ nên bác sĩ lâm sàng có thể cần phải khai thác tiền sử từ các bác sĩ lâm sàng trước đây đã từng điều trị hoặc các thành viên trong gia đình, bạn bè, cả những người khác có liên hệ với họ.

5. Điều trị rối loạn nhân cách

Điều trị rối loạn nhân cách bằng thuốc

Điều trị phụ thuộc vào từng loại rối loạn, nhưng có một vài phương pháp điều trị chung như sau:

Tâm lý trị liệu: Có rất nhiều loại trị liệu tâm lý như liệu pháp nói chuyện, liệu pháp ánh sáng, liệu pháp nhóm…. Mục đích để giúp đối phó với các cảm xúc và học cách kiểm soát chúng.

Thuốc: Không có loại thuốc nào được phê duyệt để điều trị rối loạn nhân cách. Một số loại thuốc có thể cần thiết nhằm giúp cân bằng lại các hormone và các hóa chất trong não. Một số loại thuốc phổ biến như:

  • Thuốc chống trầm cảm, có thể giúp cải thiện tâm trạng chán nản, giận dữ hay bốc đồng.
  • Thuốc giúp ổn định tâm trạng, ngăn chặn tính khí thất thường, giảm khó chịu và gây hấn.
  • Thuốc chống loạn thần, còn được gọi là thuốc an thần kinh, có thể mang lại lợi ích cho những người thường xuyên có tâm trí rời khỏi thực tế.
  • Thuốc chống lo âu, giúp giải tỏa lo âu, kích động và mất ngủ.

6. Dự phòng rối loạn nhân cách

cách phòng ngừa rối loạn nhân cách

Phần lớn các rối loạn nhân cách liên quan đến di truyền không thể phòng tránh. Nhưng một số trường hợp có thể phòng tránh được nhờ có lối sống và các biện pháp hỗ trợ từ những người thân.

  • Trò chuyện với gia đình và bạn bè về tình trạng, cảm xúc cũng như những suy nghĩ của bản thân. Điều này sẽ giúp giãi bày các suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của bản thân với mọi người.
  • Nếu gặp các tình huống đau thương trong cuộc đời, hãy cố gắng giải tỏa, không cố kìm nén, không giữ lâu trong lòng
  • Có chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế tối đa làm việc gắng sức
  • Tìm hiểu về tình trạng, cảm xúc, hành động của bản thân
  • Đặt các mục tiêu nhỏ để đạt được mỗi ngày như gọi điện thoại hoặc đi đến phòng tập thể dục

Rối loạn nhân cách