Rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và bất kỳ ai trong đời cũng từng có lần bị rối loạn tiêu hóa. Dù không nguy hiểm và sẽ khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm và đúng phương pháp, nhưng rối loạn tiêu hóa có thể gây khó chịu, làm ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và các hoạt động hàng ngày, làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng.

Rối loạn tiêu hóa không phải là bệnh, đây là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau gây ra như nhiễm khuẩn đường ruột, hội chứng ruột kích thích, ngộ độc thức ăn, loạn khuẩn đường ruột,….

1. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa

Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó môi trường sống chính là một tác động không hề nhỏ, nhưng nguyên nhân từ chế độ ăn uống sinh hoạt hàng ngày mới là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bị rối loạn tiêu hóa.

Do chế độ ăn uống hàng ngày

Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa do chế độ ăn uống hàng ngày

Đây được coi là nguyên nhân chính gây tình trạng rối loạn tiêu hóa:

  • Sử dụng thực phẩm không vệ sinh, thức ăn bị ôi thiu… sẽ tạo điều kiện cho các tác nhân có hại như vi khuẩn xâm nhập, chúng sẽ làm rối loạn hệ vi sinh đường tiêu hoá, gây rối loạn tiêu hóa.
  • Ngoài ra, lạm dụng bia rượu, chất kích thích, hút thuốc lá cũng dễ bị rối loạn tiêu hóa. Nguyên do là các hoạt chất có trong bia rượu, thuốc lá sẽ khiến cho lượng men tiêu hóa ở trong ruột bị mất đi, hệ vi sinh ở đường ruột bị mất cân bằng, niêm mạc thành ruột bị tổn thương rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Stress kéo dài

  • Serotonin là hormone có nhiều ở đường tiêu hóa và thần kinh trung ương. Hormone này có tác dụng điều khiển nhu động ruột và ảnh hưởng đến tâm trạng. Khi thường xuyên bị căng thẳng, lượng hormone serotonin này sẽ tăng sinh, khiến cho hệ tiêu hóa dễ bị rối loạn.
  • Ngoài ra, stress kéo dài sẽ làm cho quá trình lưu thông máu ở ruột bị cản trở, gây ảnh hưởng đến việc co bóp ở dạ dày. Thức ăn sẽ bị ứ đọng ở ruột hoặc đào thải ra bên ngoài một cách nhanh chóng, gây chướng bụng, đầy hơi hoặc bị tiêu chảy.

Chế độ sinh hoạt không phù hợp

Luyện tập thể dục thể thao hàng ngày điều độ và khoa học sẽ giúp tăng cường sức khỏe thể lực, nâng cao sức đề kháng, kích thích tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu luyện tập không phù hợp nhất là khi vừa ăn no, có thể khiến các vòng cơ tại đường ruột bị tổn thương.

Sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài

Rối loạn tiêu hóa do sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài

Trường hợp này thường gặp ở trẻ em do dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn tiêu hóa, nên phải dùng thuốc kháng sinh kéo dài.

Khi sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài sẽ gây ra loạn khuẩn đường tiêu hóa, các vi khuẩn có lợi (lợi khuẩn) bị tiêu diệt, lúc đó các vi khuẩn có hại chiếm ưu thế, hậu quả là gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, rối loạn tiêu hóa còn do tác dụng phụ của thuốc gây ra.

Môi trường sống mất vệ sinh

Môi trường xung quanh có rất nhiều vi khuẩn có thể gây bệnh, nếu không vệ sinh sạch sẽ có thể dễ bị nhiễm khuẩn gây rối loạn tiêu hóa. Bệnh có thể phát tán do nguồn nước, do côn trùng hoặc trực tiếp từ người sang người.

Rối loạn tiêu hóa do bệnh lý

Rất nhiều bệnh lý đường tiêu hóa gây ra tình trạng đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, như bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, u đại tràng, viêm loét ống hậu môn…

2. Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa

Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa
  • Đau bụng: Đây là triệu chứng mà hầu như ai bị rối loạn tiêu hóa cũng đều gặp phải. Tùy vào từng nguyên nhân, mức độ mà tình trạng đau ở mỗi người sẽ khác nhau, có người bị đau âm ỉ, nhưng có người lại bị đau một cách dữ dội.
  • Nôn, buồn nôn: Có thể tự nhiên nôn, cũng có thể nôn sau khi ăn, ở trẻ có thể xuất hiện nôn khi khóc, khi ho. Nếu chỉ nôn vài lần, sau đó hết thì không đáng lo, nhưng nếu nôn nhiều, không hấp thu được thức ăn, thậm chí có thể gây mất nước thì phải khám và điều trị.
  • Tiêu chảy: Khi đi ngoài phân lỏng hoặc phân toàn nước trên 3 lần/ ngày thì được coi là tiêu chảy. Tiêu chảy ở trẻ em rất nguy hiểm do nguy cơ mất nước, mất điện giải. Trước khi tìm nguyên nhân và điều trị nguyên nhân thì cần bù nước và điện giải ngay.
  • Đầy bụng, chướng bụng: Đây là biểu hiện cũng khá thường gặp, có thể bụng chướng căng, ấm ách, rất khó chịu.
  • Táo bón: Táo bón là khi đi ngoài ít hơn 3 lần trong 1 tuần, kèm theo phân cứng, vón cục.

3. Chẩn đoán rối loạn tiêu hóa

Chẩn đoán rối loạn tiêu hóa

Chẩn đoán rối loạn tiêu hóa nói chung khá dễ, các biểu hiện thường sớm và rõ ràng như:

  • Đau bụng, nôn, tiêu chảy, táo bón hoặc đầy bụng, ăn không tiêu, chán ăn
  • Có thể có sốt nếu do nhiễm khuẩn
  • Xét nghiệm công thức máu thường ít thay đổi, có thể có bạch cầu tăng
  • Siêu âm ổ bụng, nói chung không phát hiện gì đặc biệt. Một số trường hợp có thể thấy hạch mạc treo, quai ruột nổi.
  • Soi phân có thể phát hiện hồng cầu, bạch cầu trong phân, có thể phát hiện các vi khuẩn gây bệnh
  • Nếu tình trạng nặng, không đáp ứng với điều trị, cần cấy phân để xác định nguyên nhân gây bệnh.

4. Điều trị rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu như phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Để việc điều trị an toàn, hiệu quả, cần phải tuân thủ theo phác đồ điều trị mà bác sĩ.

Điều trị rối loạn tiêu hóa

Điều trị rối loạn tiêu hóa cần lưu ý đến nguy cơ mất nước, mất điện giải nhất là ở trẻ em. Các biện pháp điều trị tập trung vào:

  • Bổ sung ngay men vi sinh, giúp cung cấp các vi khuẩn có lợi nhằm tạo nên sự cân bằng vi khuẩn trong hệ tiêu hóa. Tốt nhất nên sử dụng các loại men vi sinh chứa đồng thời 2 thanh phần là vi khuẩn có lợi (probiotics) và chất xơ hòa tan (prebiotics) còn gọi là Fructose-Oligosaccharide (FOS). Prebiotics có tác dụng làm tăng nhu động ruột, hạn chế tình trạng tiêu chảy, hạn chế táo bón. Ngoài ra prebiotics còn là nguồn thức ăn hữu ích cho probiotics, điều này giúp cho bé hấp thu tối đa thức ăn, chất dinh dưỡng.
  • Nếu có tiêu chảy hoặc nôn thì có nguy cơ mất nước, lúc đó cần bổ sung ngay nước và điện giải bằng dung dịch oresol, uống theo nhu cầu, uống thay nước. Với trẻ em thì uống sữa như bình thường, thậm chí cho uống nhiều hơn.
  • Dùng thuốc giảm đau, giảm co thắt cơ trơn đường tiêu hóa nếu có đau bụng.
  • Nếu táo bón thì dùng thuốc nhuận tràng, men vi sinh có chứa chất xơ hòa tan

Điều trị nguyên nhân:

  • Nếu do nguyên nhân nhiễm khuẩn thì phải dùng kháng sinh đường ruột. Nhưng lưu ý là việc dùng kháng sinh cũng là nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa, vì vậy phải sử dụng hết sức cẩn thận, chỉ dùng khi thật cần thiết và phải theo chỉ định của bác sĩ.
  • Do viêm đại tràng thì điều trị viêm đại tràng
  • Do viêm loét dạ dày tá tràng thì điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng…

5. Dự phòng rối loạn tiêu hóa

Cách phòng ngừa rối loạn tiêu hóa
  • Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, vệ sinh tay, chân, đồ dùng cá nhân…. Lưu ý là rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Thức ăn hàng ngày phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn các loại thức ăn ôi thiu
  • Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, cân đối theo lứa tuổi, nhất là ở trẻ em
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, củ quả, bổ sung vitamin và các dưỡng chất cần thiết
  • Hạn chế uống rượu, bia, bỏ hút thuốc (nếu có), sống vui vẻ, hạn chế căng thẳng
  • Tăng cường vận động, thể dục thể thao, luyện tập các môn phù hợp với sở thích và độ tuổi.
  • Sử dụng men vi sinh hàng ngày, tốt nhất là dùng loại có 2 thành phẩn là men vi sinh và chất xơ hòa tan. Có thể dùng thường xuyên hoặc mỗi đợt tối thiểu 3 tháng, năm 2 – 3 đợt.
​Nếu vẫn còn lo lắng về bệnh rối loạn tiêu hóa hãy liên hệ 1800.55.88.89 (miễn cước) – 0896.509.509 (trực 24/7) hoặc gửi câu hỏi về hòm thư songkhoe@bacsituvan.vn để được chuyên gia giải đáp miễn phí.

Rối loạn tiêu hóa