Tóm tắt nội dung
Trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm, tri thức của con người bằng cách ghi nhận, bảo tồn và tái hiện lại chúng dưới dạng biểu tượng, ý niệm và ý tưởng. Các quá trình cơ bản của trí nhớ đó là ghi nhận, lưu trữ và tái hiện.
Rối loạn trí nhớ là kết quả của việc cấu trúc hệ thần kinh của chúng ta bị tổn thương, gây cản trở việc lưu trữ, duy trì và hồi ức của ký ức, từ đó ảnh hưởng đến quá trình ghi nhớ.
Rối loạn trí nhớ là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nếu không được phát hiện, theo dõi và kiểm soát thì bệnh cũng gây ra rất nhiều tác hại đối với sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Bệnh không chỉ xảy ra đối với người cao tuổi mà đến với cả những người trẻ.
Rối loạn trí nhớ là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nếu không được phát hiện, theo dõi và kiểm soát thì bệnh cũng gây ra rất nhiều tác hại đối với sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Bệnh không chỉ xảy ra đối với người cao tuổi mà đến với cả những người trẻ.
1. Nguyên nhân dẫn đến rối loạn trí nhớ
- Tuổi tác: Do sự lão hóa của cơ thể dẫn đến thoái hóa các nhân xám trung ương ở não, cho nên tuổi càng cao thì càng có nguy cơ bị rối loạn trí nhớ.
- Bệnh tâm thần: Các trường hợp trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, động kinh… làm giảm sự tập trung và chú ý khiến biểu hiện cảm xúc hao mòn, tư duy nghèo nàn, ý chí suy giảm, dẫn đến không thiết làm việc gì, khả năng lao động, học tập cũng như trí nhớ đều giảm.
- Sau chấn thương sọ não: Giai đoạn cấp có thể chưa ảnh hưởng nhiều, nhưng ở giai đoạn muộn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động cũng như trí nhớ.
- Tai biến mạch máu náo: Giống như chấn thương sọ não, sau tai biến mạch máu não cũng để lại nhiều hậu quả nặng nề trong đó có bệnh rối loạn trí nhớ.
- Do bệnh truyền nhiễm: Như như viêm não, màng não do vi khuẩn, virus, lao màng não, sốt rét ác tính thể não, sốt xuất huyết thể não,…
- Nhiễm độc: Các chất độc xâm nhập vào cơ thể tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây tổn thương thần kinh và các rối loạn liên quan đến trí nhớ.
- Do stress, khiến ảnh hưởng nghiêm trọng đối với trí nhớ, đặc biệt là phản ứng stress cấp tính.
- Rối loạn phân ly khi ở người trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành “dịch” trong một tập thể.
- Mắc bệnh bẩm sinh như thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển tâm thần, tự kỷ, động kinh.
2. Những đối tượng có nguy cơ bị rối loạn trí nhớ
Bệnh rối loạn trí nhớ có thể xảy đến với bất kỳ ai, tuy nhiên những đối tượng có nguy cơ cao là những người cao tuổi do các chức năng ở não bộ dần bị thoái hóa.
Yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn trí nhớ, bao gồm:
- Chấn thương não
- Tai biến mạch máu não
- Nghiện rượu
- Tăng huyết áp
- Mắc bệnh tiểu đường
- Trình độ học vấn thấp, tinh thần và xã hội ở mức thấp.
3. Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn trí nhớ
- Giảm trí nhớ: Những sự việc mới xảy ra khó nhớ hơn những sự việc xảy ra đã lâu, biểu hiện sớm nhất là tình trạng suy giảm khả năng tái hiện hồi ức, gặp trong loạn thần tuổi già, suy nhược thần kinh.... Các biểu hiện thường thấy là vừa để vật gì đó ở đâu mà không nhớ hay cứ hỏi đi hỏi lại 1 vấn đề.
- Tăng trí nhớ: Hiệu quả nhớ tăng một cách bệnh lý, cao hơn hẳn so với những người khác. Đa số các trường hợp chỉ nhớ đến một loại kích thích nhất định, như những ký ức sâu sắc.
- Mất trí nhớ: Trong thời điểm, hoàn cảnh nhất định, người bệnh không thể nhớ được chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Có thể quên toàn bộ, quên tất cả sự việc cũ và mới, quên những việc xảy ra sau khi bệnh. Đôi khi chỉ quên một phần như một số kỷ niệm, ngoại ngữ, từ ngữ…
- Loạn trí nhớ: Trong rối loạn nhớ này, không có sự gián đoạn các thông tin đưa vào, không có sự suy giảm khả năng nhớ, mà là sự lệch lạc về chất lượng các ký ức được tạo ra. Thường gặp các loại rối loạn trí nhớ như nhớ sai, nhớ dị biệt, nhớ bịa, nhớ ảo, viễn tưởng giả… Đây cũng là dấu hiệu khởi phát của chứng hoang tưởng.
4. Tác hại của bệnh rối loạn trí nhớ
Ghi nhớ là một quá trình quan trọng giúp chúng ta học hỏi và hoạt động bình thường. Khi chức năng này bị rối loạn, cuộc sống của chúng ta cũng sẽ bị đảo lộn.
Rối loạn trí nhớ thường xảy ra ở người cao tuổi nhưng cũng gặp cả ở những người trẻ tuổi.
- Đối với người cao tuổi, tình trạng rối loạn trí nhớ dễ khiến họ bị lú lẫn, không nhớ tên người thân, không nhớ đường về nhà, đi lang thang, không nhớ được việc mình cần làm,…
- Đối với người trẻ tuổi, rối loạn trí nhớ có thể gây khó khăn trong việc học tập, sinh hoạt và làm việc,…
Rối loạn trí nhớ nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều bệnh lý tâm thần như bệnh hoang tưởng, trầm cảm,…
Chính vì vậy, khi thấy bản thân hoặc người thân có các dấu hiệu của bệnh rối loạn trí nhớ thì tốt nhất nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám sớm và điều trị kịp thời.
5. Chẩn đoán bệnh rối loạn trí nhớ
Để chẩn đoán xác định bệnh rối loạn trí nhớ, bác sĩ sẽ hỏi các thông tin về bệnh sử, các dấu hiệu thường gặp, trong đó quan trọng nhất là các dấu hiệu hay quên, các bệnh lý kèm theo, các loại thuốc đã và đang sử dụng.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ thực hiện một số kiểm tra khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra về khả năng tinh thần, khả năng ghi nhớ, chụp CT Scan sọ não.
Căn cứ trên các thông tin về hỏi bệnh và các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ sẽ chẩn đoán là có bị rối loạn trí nhớ hay không. Một số trường hợp có thể chẩn đoán được nguyên nhân, nhưng nhiều trường hợp không tìm thấy nguyên nhân là gì. Những trường hợp không phát hiện được nguyên nhân rõ ràng thì phần lớn liên quan đến tuổi tác, tức do lão hóa của tế bào thần kinh theo tuổi, hay còn gọi là rối loạn trí nhớ do tuổi già (lú lẫn tuổi già).
6. Điều trị rối loạn trí nhớ
Phần lớn các rối loạn về trí nhớ có thể điều trị được. Các biện pháp thường được áp dụng là:
Nguyên nhân gây rối loạn trí nhớ do bệnh lý các giác quan:
- Do giảm thị lực: Cần điều trị các bệnh lý gây mờ mắt, chẳng hạn như điều trị đục thủy tinh thể, mổ cắt mộng mắt, đeo kính phù hợp,…
- Do nghe kém: Điều trị bệnh lý tai, đeo máy trợ thính phù hợp
Nguyên nhân do các bệnh lý tim mạch: Cần điều trị sớm các bệnh mắc phải như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, huyết khối tĩnh mạch, ổ nhồi máu,…
Suy giảm trí nhớ do áp lực làm việc hoặc stress về tinh thần: Tình trạng này thường gặp ở ngươi trẻ, cần tạo điều kiện nghỉ ngơi thư giãn, tránh dùng thuốc an thần, thuốc gây ngủ vì chúng có thể gây quen thuốc và ảnh hưởng đến trí nhớ.
Suy giảm trí nhớ mà nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc đang dùng: Trường hợp này bác sĩ có thể sẽ thay đổi những loại thuốc có tác dụng tương đương nhưng ít tác dụng phụ.
Luyện tập trí não: Còn gọi là tập thể dục não, biện pháp này thực hiện bằng cách đọc sách, học thuộc lòng một bài hát, một bài thơ, chơi môn thể thao đòi hỏi vận dụng trí não nhiều (như cờ tướng chẳng hạn), rồi ghi chép vào sổ tay những điều cần nhớ.
Ngoài ra, tùy vào thể trạng, tinh thần, bệnh lý liên quan mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho từng đối tượng.
7. Các biện pháp hỗ trợ điều trị và dự phòng rối loạn trí nhớ
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc điều trị
- Khám sức khỏe định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh
- Tập thể dục thường xuyên để tinh thần tỉnh táo, lạc quan và xóa tan sự căng thẳng
- Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, người thân của hãy nói chuyện với họ và hỗ trợ họ trong vấn đề sinh hoạt.
- Sử dụng các sản phẩm chứa các thành phần có tác dụng tăng lưu thông máu, cải thiện tuần hoàn não, chống lão hóa, tăng cường dẫn truyền xung động thần kinh.
Chế độ dinh dưỡng:
- Uống đủ nước hàng ngày theo nhu cầu, tốt nhất uống khoảng 2 – 2,5 lít nước sôi để nguội mỗi ngày
- Có chế độ ăn uống hợp lý với các khoáng chất giúp não hoạt động tốt như canxi, phospho, kali
- Bổ sung các acid béo không bão hòa có trong OMEGA 3 (như DHA, EPA), các vitamin A, B1, B6, B12, C,… đều cần thiết cho sự tái tạo và hoạt động của tế bào thần kinh.
- Nên ngừng hẳn việc sử dụng các loại đồ uống có cồn vì chúng có thể làm tổn thương não nghiêm trọng, không thể phục hồi.
Phương pháp phòng ngừa rối loạn trí nhớ:
- Hạn chế tối đa tình trạng căng thẳng, lo âu không cần thiết, không để tình trạng stress xảy ra kéo dài.
- Cải thiện lối sống sinh hoạt hằng ngày, làm việc và nghỉ nghơi hợp lý
- Có thời gian biểu làm việc cụ thể, đúng giờ giấc
- Không thức khuya, dậy sớm, ngủ đủ giấc
- Chế độ ăn uống đầy đủ và khoa học, uống đủ nước
- Ăn nhiều thực phẩm có chất chống oxy hóa như rau và trái cây tươi.
- Vận động thường xuyên và đều đặn, tăng cường luyện tập trí não như đọc sách, đọc thơ, chơi môn thể thao trí tuệ,…
Rối loạn trí nhớ