1. Rubella là bệnh gì?

Rubella là bệnh gì?

Rubella còn được gọi là sởi Đức, là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Mặc dù biểu hiện của Rubella và Sởi có nhiều điểm giống nhau như sốt, phát ban đỏ nhưng Rubella gây ra bởi một loại virus hoàn toàn khác với Sởi thông thường.

Rubella nằm trong nhóm bệnh có chỉ số lây nhiễm cao nhất, lên đến 80% ở những người chưa từng có miễn dịch. Dịch Rubella có tính chu kỳ, trung bình khoảng 7 đến 8 năm, có khi dài hơn. Tại khu vực miền Bắc nước ta, bệnh thường phát triển mạnh ở các tháng mùa đông - xuân, còn tại miền Nam bệnh có thể gặp quanh năm.

Nhiễm virus Rubella thường gây sốt nhẹ và phát ban, biểu hiện bệnh khá nhẹ, có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nếu phụ nữ mang thai nhiễm virus Rubella, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ, có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh, được gọi là hội chứng Rubella bẩm sinh.

2. Nguyên nhân gây bệnh Rubella

Nguyên nhân gây bệnh Rubella

Nguyên nhân gây bệnh do virus Rubella, thuộc họ Togaviridae. Cho đến nay chỉ có 1 týp huyết thanh của virus Rubella được phát hiện và người là ổ chứa duy nhất của chủng virus này. Như vậy, người đang mắc bệnh Rubella là nguồn truyền nhiễm duy nhất.

Virus Rubella bất hoạt bởi nhiệt độ cao và các loại dung dịch sát khuẩn thông thường. Tùy thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm không khí, virus có thể tồn tại trong trại thái gây bệnh ngoài môi trường vài giờ. Những khu vực đông người như trường học, bệnh viện, nhà máy… là môi trường lây bệnh thường gặp nhất.

Khi xâm nhập vào cơ thể, virus Rubella nhân lên trong các tế bào đường hô hấp, lan đến các hạch lympho rồi vào máu. Tiêm vắc xin phòng bệnh Rubella có thể tạo ra miễn dịch bền vững và bảo vệ suốt đời.

3. Đường lây truyền bệnh Rubella

Giống như bệnh Sởi hay các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Rubella lây truyền khi người khỏe mạnh hít phải những giọt nước bọt của người mang mầm bệnh phát tán vào không khí khi ho, hắt hơi, hay nói chuyện. Ngoài ra, Rubella cũng có khả năng lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi hoặc cổ họng của người bị nhiễm bệnh. 

Virus Rubella có khả năng lây truyền cao nhất vào giai đoạn phát ban, nhưng có thể lây nhiễm trước và sau khi phát phát khoảng 1 tuần. Phụ nữ mang thai có thể lây truyền virus Rubella cho con thông qua nhau thai. Tùy thuộc vào nhiễm virus trong giai đoạn nào của thai kỳ mà có những ảnh hưởng khác nhau lên thai nhi.

Ở trẻ bị hội chứng Rubella bẩm sinh có thể lây truyền virus trong khoảng thời gian 1 năm hoặc lâu hơn. Dịch tiết từ đường hô hấp và nước tiểu trẻ sơ sinh mắc bệnh Rubella bẩm sinh chứa lượng lớn virus trong nhiều tháng. Chính vì thế trẻ mắc Rubella bẩm sinh có thể lây truyền cho những người xung quanh.
Biểu hiện lâm sàng

Có 3 giai đoạn phát triển của bệnh Rubella: giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn toàn phát và giai đoạn lui bệnh.

Giai đoạn ủ bệnh

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus Rubella thường có thời gian ủ bệnh từ 12 – 23 ngày (trung bình từ 16 – 18 ngày). Ở giai đoạn này, người bị nhiễm virus Rubella nhưng chưa có biểu hiện gì.

Giai đoạn toàn phát

Giai đoạn toàn phát bệnh Rubella

Ở giai đoạn toàn phát, người bệnh nhiễm Rubella thường có triệu chứng điển hình là sốt và phát ban.

  • Biểu hiện sốt thường nhẹ, khoảng 38 độ C, đi kèm các triệu chứng đau đầu, đau họng, chảy nước mũi trong. Một số trường hợp bị đỏ mắt, xuất hiện từ 1 - 4 ngày. 
  • Phát ban là dấu hiệu đặc trưng nhất ở bệnh Rubella, ban thường mọc trên đầu trước, rồi đến mặt, dần dần lan khắp toàn thân không theo quy luật gì trong vòng 24 giờ. Nốt ban Rubella có hình tròn hoặc bầu dục, ban nhỏ giống ban Sởi nổi thành từng mảng hoặc riêng lẻ, có đường kính từ 1 - 2mm. Vì rất giống ban Sởi, nên nhiều khi rất hay nhầm lẫn bệnh Rubella với bệnh sởi. Khi phát ban thì biểu hiện sốt sẽ giảm thậm chí hết sốt.
  • Một số trường hợp có thể nổi hạch ở vùng bẹn, cổ, xương chẩm. Hạch thường nổi trước khi phát ban và tồn tại vài ngày sau khi ban lặn hết. 
  • Ngoài ra, đối với người trưởng thành (phổ biến hơn ở phụ nữ) khi bị nhiễm bệnh, có thể bị viêm khớp và các cơn đau khớp thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày. Một khi bị nhiễm bệnh, virus lây lan khắp cơ thể trong khoảng 5 – 7 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện 2 đến 3 tuần sau khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Giai đoạn lui bệnh

Giai đoạn này người bệnh hết sốt, ban lặn nhanh không theo quy luật và không để lại dấu vết trên da, thường sau 1 tuần hạch sẽ trở về bình thường. 
Bệnh thường có diễn biến lành tính và nhẹ hơn Sởi, ít khi xảy ra tình trạng bội nhiễm. Hầu như ít có nguy cơ tử vong nhưng vẫn có thể dẫn đến những biến chứng không thể xem thường như viêm não - màng não, viêm rễ thần kinh, sưng khớp và đặc biệt nguy hiểm ở phụ nữ mang thai.

4. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Người lớn hoặc trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh Rubella, nhưng ở một số đối tượng nguy cơ mắc cao hơn những người khác như:

  • Những người chưa tiêm vắc - xin phòng bệnh Rubella
  • Những người chưa từng mắc bệnh Rubella
  • Người đến những nơi mà dịch Rubella đang lưu hành.

5. Chẩn đoán bệnh Rubella

Chẩn đoán bệnh Rubella

Chẩn đoán bệnh Rubella trước tiên dựa vào yếu tố dịch tễ như tiếp xúc với người bệnh Rubella hay từng đến vùng dịch lưu hành… và có các triệu chứng lâm sàng điển hình như sốt, phát ban, nổi hạch.

Tuy nhiên để chẩn đoán xác định bệnh Rubella, các bác sĩ còn thực hiện một số phương pháp xét nghiệm như:

  • ELISA tìm kháng thể chuyên biệt
  • HI (Hemagglutination inhibition) - ức chế ngưng kết hồng cầu
  • IHA (Indirect Hemagglutination) - ngưng kết hồng cầu thụ động
  • LA (Latex Agglutination) - ngưng kết Latex
  • Xét nghiệm miễn dịch định lượng IgM và IgG

Việc chẩn đoán bệnh Rubella hiện nay chủ yếu dựa trên xét nghiệm miễn dịch định lượng IgM và IgG. IgM và IgG là hai loại kháng thể trong máu được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch để chống lại virus Rubella.

Kháng thể này xuất hiện trong máu khi người bệnh tiếp nhiễm virus Rubella, tăng lên và đạt đỉnh điểm trong khoảng 7 – 10 ngày sau nhiễm trùng. Kháng thể IgG xuất hiện muộn hơn IgM nhưng tồn tại suốt đời trong cơ thể để đề phòng sự tái nhiễm virus Rubella.

6. Sự nguy hiểm của bệnh Rubella

Bệnh Rubella nói chung nhẹ, có thể tự khỏi không để lại di chứng gì. Các biến chứng rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên có thể gặp một số biến chứng, như khoảng 70% phụ nữ bị nhiễm Rubella có thể đau hoặc viêm khớp, trong khi biến chứng viêm não có thể xảy ra ở 1/5000 trường hợp. Xuất huyết có thể xảy ra ở trẻ em với tỷ lệ 1/3000 trường hợp.

Phụ nữ mang thai bị Rubella

Điều đáng lo nhất là Rubella đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển… Một số trường hợp trẻ tử vong do hậu quả của hội chứng Rubella bẩm sinh.

Nếu mẹ bị nhiễm Rubella trong ba tháng đầu thai kỳ, thì có đến 70% – 100% trẻ sinh ra bị hội chứng Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não. Thai có nguy cơ bị sẩy, hoặc thai chết lưu trong tử cung, nếu trẻ được sinh ra thì nhẹ cân, chậm lớn, chậm mọc răng và kèm theo các dị tật bẩm sinh như hẹp eo động mạch phổi, trẻ còn có thể bị câm, điếc, chậm phát triển trí tuệ.

Nếu mẹ bị nhiễm Rubella khi mang thai từ 13-16 tuần thì trẻ bị hội chứng Rubella bẩm sinh với tỷ lệ khoảng 17%, còn bị nhiễm khi mang thai từ 17-20 tuần thì tỷ lệ giảm xuống còn 5%, bị nhiễm khi mang thai trên 20 tuần tỷ lệ xuống 0%.

7. Điều trị bệnh Rubella

 Điều trị bệnh Rubella

Rubella là virus, nên hiện này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh thường có diễn biến nhẹ, có thể tự khỏi, nên nói chung không cần sự chăm sóc và điều trị gì đặc biệt.

Điều trị nói chung chỉ là điều trị triệu chứng:

  • Điều trị sốt
  • Điều trị đau đầu
  • Bù nước, điện giải và nâng cao thể trạng
  • Không nên dùng thuốc kháng sinh nếu không có bội nhiễm.

Điều trị biến chứng (nếu có):

  • Điều trị đau khớp, nếu có đau khớp nhiều
  • Điều trị viêm não, màng não: Đây là biến chứng nặng nhất, nên phải theo dõi, phát hiện và điều trị kịp thời.

8. Dự phòng bệnh Rubella

Dự phòng bệnh Rubella

Biện pháp chính của phòng bệnh Rubella tránh tiếp xúc với người nhiễm Rubella và tiêm phòng bằng vắc xin. Tuy nhiên tránh tiếp xúc là biện pháp mang tính tạm thời và thụ động vì cơ thể nếu không có miễn dịch trước virus Rubella thì hoàn toàn có thể nhiễm bệnh.

Tiêm phòng vắc xin là biện pháp được đánh giá cao về độ an toàn, hiệu quả và tính sinh miễn dịch của cơ thể với bệnh Rubella. Tiêm vắc xin phòng Rubella có thể tạo được miễn dịch suốt đời.

Đối với phụ nữ, nếu không có điều kiện tiêm sớm thì tốt nhất trước khi dự định mang thai nên tiêm phòng Rubella, thời điểm tiêm tốt nhất phải trước khi dự định mang thai ít nhất 3 tháng.

Rubella