Tóm tắt nội dung
Run vô căn là bệnh thường gặp nhất trong số các rối loạn vận động. Bệnh gặp nhiều gấp 20 lần so với bệnh Parkinson. Nhưng khác với bệnh Parkinson, run vô căn thường không dẫn đến biến chứng nặng, nhưng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Hầu hết những người mắc run vô căn đều có thể có một cuộc sống bình thường. Tuy vậy vẫn có thể cảm thấy các hoạt động hằng ngày như ăn uống, mặc quần áo, viết lách gặp đôi chút khó khăn.
Run vô căn xuất hiện âm thầm và tiến triển chậm, có thể khi mới xuất hiện các triệu chứng thường rất nhỏ nên người bệnh không thể nhìn thấy. Nhưng cùng với tuổi tác chứng run sẽ ngày càng trở nên rõ rệt. Nếu ở độ tuổi 40-60 tỷ lệ mắc là 4% thì những người từ 65 tuổi trở lên tỷ lệ mắc khoảng 14%.
1. Nguyên nhân gây run vô căn
Nguyên nhân chính xác gây run chưa được biết đến. Tuy nhiên, một số trường hợp có những tổn thương thần kinh ở một số phần của não (gồm đồi thị là nơi tiếp nhận tín hiệu đau và các tín hiệu cảm giác khác) gây nên tình trạng tăng động không kiểm soát được và gây ra run.
Nhiều người thấy rằng họ bắt đầu bị run sau khi trải qua một đợt stress nặng như tai nạn hoặc cái chết của người thân. Mặc dù vậy không thể kết luận stress là nguyên nhân gây run vô căn, song nó có thể là tác nhân khiến cho bệnh trở nên nặng hơn.
Nếu run vô căn xảy ra ở nhiều thành viên trong một gia đình, nó được gọi là run có tính chất gia đình (di truyền) thường xuất hiện ở đầu độ tuổi trung niên.
2. Yếu tố nguy cơ gây run vô căn
Những yếu tố nguy cơ được biết đến gồm:
- Do đột biến gen: nếu có bố hoặc mẹ mắc run vô căn, thì các con có khoảng 50% nguy cơ mắc rối loạn này
- Tuổi: run vô căn thường gặp nhất ở lứa tuổi khoảng 40 trở lên, đặc biệt sau 65 tuổi.
3. Biến chứng của run vô căn
Run vô căn không đe dọa tính mạng nhưng nhưng diễn biến thường tăng dần theo thời gian. Khi run trở nên nghiêm trọng hơn, có thể gặp khó khăn khi thực hiện các công việc cơ bản trong đời sống như:
- Cầm cốc uống nước
- Cầm bát ăn cơm
- Trang điểm hoặc cạo râu
- Nói khó nếu như lưỡi hoặc thanh quản bị ảnh hưởng
- Viết chữ khó khăn chậm chí không cầm bút viết được
4. Biểu hiện của run vô căn
Run trong bệnh run vô căn thường là những run nhỏ và nhanh. Có thể bị run liên tục, hằng định hoặc run từng đợt. Một số trường hợp, run có thể ảnh hưởng như nhau ở 2 bên cơ thể. Tuy nhiên, một số khác lại run ở hai bên cơ thể không đều nhau.
Hầu hết các trường hợp đều run khi họ cố gắng thực hiện một việc làm gì đó, chẳng hạn như buộc dây giày hay viết lách. Một số người khác có thể bị run khi họ chẳng làm gì cả. Trường hợp này được gọi là run khi nghỉ ngơi.
Run có thể từ mức độ nhẹ đến nặng, một số người run nhẹ đến mức hầu như không ảnh hưởng gì đến cuộc sống hàng ngày. Trong khi có người lại run đủ nặng để gây ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động bình thường trong đời sống hàng ngày.
Các triệu chứng run cơ bản thường gặp:
- Run ở tay hoặc bàn tay khi đang cố gắng thực hiện một động tác gì đó. Chẳng hạn như viết, cầm nắm hoặc buộc dây giầy...
- Run có thể ở đầu và cổ khiến cho đầu luôn lắc lư bên này sang bên kia hoặc chuyển động lên xuống
- Những bộ phận khác của khuôn mặt cũng có thể bị giật chẳng hạn như giật mí mắt.
- Run có thể ảnh hưởng đến lưỡi hoặc dây thanh âm khiến cho việc phát âm trở nên khó khăn, khi nói chuyện giọng nói cảm giác bị run
- Run ở thân mình, chân hoặc bàn chân khiến cho việc giữ thăng bằng gặp khó khăn, làm cho dáng đi bị thay đổi bất thường.
Các yếu tố có thể làm tăng nặng cơn run:
- Căng thẳng, lo âu
- Mệt mỏi, mất ngủ hoặc đói
- Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh
- Uống nhiều cà phê, chè đặc
- Hút thuốc lá
5. Chẩn đoán run vô căn
Để chẩn đoán bệnh run vô căn, bác sĩ cần khai thác bệnh sử, tiền sử gia đình và các triệu chứng hiện tại. Một số yếu tố được chú ý khi chẩn đoán:
- Run: run tư thế hoặc run khi hoạt động ở hai bên bàn tay và cẳng tay, cũng có thể là run đơn độc ở đầu, run tăng lên khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.
- Khám thần kinh không thấy dấu hiệu bất thường
- Tiêu chuẩn chẩn đoán phụ là thời gian kéo dài của bệnh từ 3 năm trở lên, có tiền sử gia đình, đáp ứng tốt với rượu.
Chẩn đoán run vô căn là chẩn đoán lâm sàng, không có các dấu ấn sinh học hay công cụ chẩn đoán hình ảnh nào có thể hỗ trợ cho chẩn đoán.
Tiêu chuẩn loại trừ bao gồm: run khi nghỉ ở một bên, cứng, chậm vận động, run khu trú với tư thế bất thường hoặc là run khởi phát đột ngột.
Các xét nghiệm có thể được tiến hành để loại trừ các nguyên nhân khác gây run như:
- Bệnh cường giáp
- Đột nhiên ngừng rượu sau khi uống rất nhiều trong một thời gian dài
- Dùng quá nhiều cà phê
- Uống một số thuốc
- Xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh (như chụp CT, MRI sọ não) để loại trừ các nguyên nhân như: u não, viêm não…
6. Phân biệt bệnh run vô căn và bệnh Parkinson
Cả bệnh run vô căn và Parkinson đều có xu hướng tiến triển nặng dần. Có thể phân biệt bệnh Parkinson và run vô căn bằng cách quan sát kỹ các triệu chứng run.
- Bệnh run vô căn: Triệu chứng run thường xảy ra chủ yếu ở tay hoặc đầu, khi cầm nắm hoặc các hoạt động như viết, đánh máy, rót nước… Càng tập trung chú ý vào công việc thì run càng nặng. Khi nghỉ ngơi hoặc thả lỏng cơ thể, triệu chứng run tay lại ít xuất hiện.
- Bệnh Parkinson: Ngược lại với run vô căn, triệu chứng run lại xuất hiện khi nghỉ ngơi và giảm khi hoạt động. Ở giai đoạn sớm của của Parkinson, có thể bị run ở một bên cơ thể, run ngón tay, bàn tay với biên độ nhỏ, theo kiểu lắc vẩy hoặc “vê thuốc”. Về sau, triệu chứng run có thể tiến triển xuống chân cùng bên và lan sang nửa người còn lại tuần tự từ tay xuống chân. Sau nhiều năm mắc bệnh Parkinson, tình trạng run sẽ xảy ra tại mọi thời điểm cả lúc nghỉ ngơi và hoạt động.
Ngoài biểu hiện run, người bệnh Parkinson còn có thêm các triệu chứng khác như cứng đờ, chậm chạp khi di chuyển hoặc phối hợp động tác…
Cả bệnh run vô căn và Parkinson đều có xu hướng tiến triển nặng dần theo thời gian nên càng phát hiện sớm thì sẽ càng tăng cơ hội điều trị.
7. Điều trị run vô căn
Một số người bị run vô căn không cần phải điều trị nếu triệu chứng nhẹ. Nhưng nếu triệu chứng run vô căn gây khó khăn khi làm việc hoặc thực hiện các hoạt động hàng ngày, thì phải đi khám và điều trị. Những phương pháp điều trị có thể được áp dụng là:
7.1. Điều trị bằng thuốc
- Thuốc chẹn beta giao cảm: Nhóm thuốc này thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, thuốc cũng có thể giúp giảm run ở một số người. Không được dùng thuốc chẹn beta cho người bi bệnh hen phế quản hoặc một số vấn đề về tim.
- Thuốc chống động kinh: Thuốc chống động kinh có thể có hiệu quả ở những người không đáp ứng với thuốc chẹn beta.
- Thuốc an thần: Có thể sử dụng một số loại thuốc an thần để điều trị cho những người bị căng thẳng hoặc lo lắng quá. Những loại thuốc này nên được sử dụng một cách thận trọng, phải theo chỉ định của bác sĩ vì chúng có thể gây nghiện.
7.2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu có thể thực hiện các bài tập để cải thiện sức cơ, kiểm soát và phối hợp vận động.
7.3. Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể là một lựa chọn nếu chứng run trở nên nghiêm trọng và không đáp ứng với thuốc.
7.4. Kích thích não sâu
Đây là loại phẫu thuật phổ biến nhất cho run vô căn. Các bác sĩ sẽ chèn một đầu điện dài và mỏng vào vùng não gây ra chứng run (đồi thị). Một dây từ đầu dò chạy dưới da đến một thiết bị giống như máy điều hòa nhịp tim (chất kích thích thần kinh) được cấy vào ngực.
Tác dụng phụ của kích thích não sâu có thể bao gồm trục trặc thiết bị, các vấn đề liên quan đến kiểm soát vận động, ngôn ngữ hoặc thăng bằng, có thể gặp đau đầu, yếu cơ. Tác dụng phụ có thể biến mất sau một thời gian điều trị hoặc sau khi điều chỉnh thiết bị.
8. Điều chỉnh lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh chính là nền tảng quan trọng nhất để có thể điều trị run vô căn hiệu quả. Cần tìm cách loại bỏ những yếu tố nguy cơ như stress, cơ thể suy nhược, lạm dụng chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc…), nhiệt độ môi trường thay đổi quá nóng hay quá lạnh.
Nhằm giảm nhẹ triệu chứng run, cần duy trì thói quen tốt như ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc...
Có thể kiểm soát stress bằng cách suy nghĩ tích cực và chia sẻ cảm xúc với người thân. Không nên thu mình lại vì mắc bệnh run vô căn, điều này không những có thể gây trầm cảm mà còn làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Run vô căn