Rụng tóc là bệnh gì?

Tóc và một số tế bào khác của cơ thể đều có quá trình hình thành, phát triển, dần già, yếu đi và bị thay thế. Mỗi sợi tóc thường có thể sống được khoảng từ 8 tháng đến 5 năm.

Một người khỏe mạnh, hàng ngày có thể rụng từ 50 đến 100 sợi tóc và được coi là rụng tóc sinh lý. Hiện tượng này là bình thường và không có gì đáng lo, cũng không ảnh hưởng gì, vì sau khi tóc rụng đi sẽ có một lượng tóc mới mọc lên để thay thế cho tóc đã rụng.

Được coi là rụng tóc bệnh lý, khi mà mỗi ngày tóc rụng nhiều hơn 100 sợi. Mặc dù cũng có lượng tóc mọc lên để thay thế nhưng do rụng với số lượng lớn, nên tóc mọc không kịp, gây thưa tóc.

Nhiều trường hợp tóc rụng nhưng không có tóc mới mọc thay thế, khiến một mảng da đầu không có tóc. Tình trạng này hay gặp ở nam giới, là nguyên nhân gây ra hói đầu.

1. Nguyên nhân gây rụng tóc

 Nguyên nhân gây rụng tóc

Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc, các nguyên nhân phổ biến là:

  • Di truyền: Phần lớn nam giới bị rụng tóc dẫn đến hiện tượng hói đầu là do di truyền. Một số trường hợp nữ giới bị rụng tóc cũng do yếu tố di truyền gây ra.
  • Tuổi tác: Tuổi càng cao thì tóc rụng càng nhiều, tình trạng rụng tóc xảy ra cùng với quá trình lão hóa của cơ thể.
  • Thay đổi nội tiết tố: Hầu như tất cả phụ nữ trong giai đoạn mang thai và sau sinh đều rụng tóc rất nhiều do có sự thay đổi rất lớn về nội tiết. Phụ nữ sau sinh tóc rụng nhiều có thể gây ra hội chứng garo ngón chân do tóc (ngón chân hoặc ngón tay trẻ bị sợi tóc của mẹ hoặc người thân cuốn vào gây ứ máu, có trường hợp bị hoại tử phải cắt bỏ đầu ngón). Rụng tóc do nội tiết còn gặp ở phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.
  • Một số bệnh lý gây rụng tóc như: Bệnh tuyến giáp, tiểu đường, lupus ban đỏ, bệnh tự miễn, nấm da đầu, viêm da vùng đầu, mắc hội chứng nghiện giật tóc…
  • Hội chứng buồng trứng đa nang: Sản sinh quá nhiều nội tiết tố nam thay vì nội tiết tố nữ làm mất cân bằng nội tiết, gây rụng tóc nhiều.
  • Thiếu máu, thiếu chất: Quá trình nuôi tóc tiêu tốn khá nhiều dưỡng chất để có một mái tóc chắc khỏe, trong khi đó ở nữ giới lại dễ bị thiếu máu và các chất dinh dưỡng quan trọng như kẽm, protein, sắt... do kinh nguyệt, mang thai, sinh con… trong khi ăn không đủ chất. Khi hàm lượng dinh dưỡng không đầy đủ, các tế bào mầm tóc bị thiếu nuôi dưỡng, thiếu sức sống, tóc mọc yếu và dễ rụng hơn bình thường.
  • Tác dụng phụ của thuốc gây rụng tóc: Như thuốc điều trị ung thư, hóa trị liệu, thuốc điều trị viêm khớp, điều trị trầm cảm… 
  • Căng thẳng kéo dài: Người thường xuyên bị căng thẳng, lo nghĩ quá nhiều hoặc gặp cú sốc về tinh thần cũng có thể dẫn tới tình trạng bị rụng tóc.
  • Do hóa chất có thể gây rụng tóc: Như dầu gội đầu, thuốc nhuộm tóc, ép tóc….
  • Do môi trường bị ô nhiễm, ô nhiễm nguồn nước cũng có thể là nguyên nhân gây rụng tóc.

2. Điều trị rụng tóc

Có nhiều phương pháp điều trị rụng tóc cho cả nam và nữ, trong đó biện pháp được sử dụng nhiều nhất là dùng thuốc và phẫu thuật nhằm ngăn ngừa tình trạng rụng tóc, đồng thời kích thích mọc tóc.

2.1. Điều trị rụng tóc bằng thuốc

Điều trị rụng tóc bằng thuốc
  • Trường hợp bị hói đầu do di truyền, các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc đặc trị có tác dụng kích thích mọc tóc, ngăn ngừa quá trình rụng tóc và cần điều trị lâu dài.
  • Trong trường hợp rụng tóc do bệnh lý gây ra, cần được chẩn đoán và điều trị bệnh, khi bệnh thuyên giảm thì quá trình rụng tóc cũng sẽ giảm theo.
  • Nếu nguyên nhân là do tác dụng phụ của thuốc, thì nên ngừng sử dụng thuốc trong khoảng 3 tháng. Việc ngừng thuốc phải tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để tránh ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Trong trường hợp bắt buộc phải duy trì dùng thuốc thì dù có rụng tóc cũng không được ngừng thuốc điều trị.

2.2. Phẫu thuật cấy tóc

Trước hết các bác sĩ sẽ lấy ra những mảng da đầu nhỏ ở phía sau đầu hoặc vùng quanh đầu, mỗi mảng da đầu này rất nhỏ, chỉ chứa từ một đến vài sợi tóc. Tiếp đó, thực hiện cấy nang tóc vào phần hói ở đỉnh đầu. Sau khi cấy ghép, người bệnh có thể dùng thuốc để giúp hạn chế tối đa tình trạng rụng tóc.

Phẫu thuật cấy tóc

Bên cạnh đó, cần lưu ý, khi đã được cấy tóc thì tình trạng rụng tóc do di truyền vẫn có thể xảy ra. Rất nhiều trường hợp phải phẫu thuật nhiều lần mới đạt hiệu quả như mong muốn. Các kỹ thuật này thường gây đau, khá tốn kém và có thể để lại sẹo xấu. 

3. Biện pháp khắc phục hậu quả của rụng tóc

Khi bị rụng tóc quá nhiều, có thể khắc phục bằng cách dùng một số phụ kiện để như khăn quàng hay tóc giả để khắc phục khuyết điểm. Cũng có thể tạo kiểu tóc phù hợp với tình trạng tóc bị rụng.

Tốt nhất vẫn là nên đi khám để biết được chính xác nguyên nhân rụng tóc. Khi biết được nguyên nhân mới có thể có biện pháp cải thiện, điều trị phù hợp và hiệu quả.

Nếu chưa xác định được nguyên nhân gây rụng tóc, không nên tự ý mua thuốc điều trị. Chẳng hạn như thuốc trị nấm, các loại thuốc bôi ngoài da hoặc các thuốc chữa rụng tóc chưa rõ nguồn gốc.

4. Dự phòng rụng tóc

Cách phòng ngừa rụng tóc
  • Gội đầu nhẹ nhàng, xả nước thật kỹ và thật sạch nếu không dầu gội còn sót lại sẽ có thể làm tắc lỗ chân lông, tác động xấu tới sự tuần hoàn nuôi dưỡng tóc. Trong khi gội đầu nên nhẹ nhàng massage da đầu để kích thích mao mạch và nang tóc phát triển.
  • Chải đầu thường xuyên nhưng cần đúng cách để làm sạch tóc và kích thích da đầu, tăng tuần hoàn nuôi dưỡng tóc giúp tóc khỏe và mọc nhanh hơn.
  • Không nên nhuộm tóc, uốn tóc hay ép duỗi tóc quá nhiều lần vì có thể làm tóc hư tổn và gãy rụng.
  • Uống đủ nước, bổ sung các loại vitamin, như vitamin B, H và lipid, cùng các dưỡng chất, đặc biệt là canxi để tóc được nuôi dưỡng một cách tốt nhất. 
  • Tránh căng thẳng, tâm lý thoải mái, ngủ đủ giấc, suy nghĩ tích cực cũng là một trong những cách làm cho mái tóc khỏe hơn.

Rụng tóc