Sai khớp hay còn gọi là trật khớp, là sự di lệch một phần hay hoàn toàn của các đầu xương ở khớp do chấn thương mạnh trực tiếp hoặc gián tiếp. Sai khớp có thể xảy ra tại các khớp lớn như vai, đầu gối, khuỷu tay, mắt cá chân hoặc ở các khớp nhỏ hơn như ngón tay, ngón tay cái hoặc ngón chân.

Nếu để lâu, sai khớp có thể xuất hiện biến chứng như chèn ép mạch máu, chèn ép thần kinh, sai khớp hở kèm mẻ xương. Rất dễ nhầm lẫn với bong gân nên người bệnh thường chủ quan và không điều trị. Hầu hết các trường hợp sai khớp cần được xử trí để giúp khớp bị lệch trở về vị trí ban đầu.

1. Nguyên nhân gây sai khớp

  • Khoảng 80 – 90% các trường hợp sai khớp đến từ nguyên nhân chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn trong tập luyện thể thao như bóng chuyền, bóng đá, trượt ván… và cả các tai nạn trong học đường.
  • Cơ chế chấn thương thường là gián tiếp, như lực chấn thương tác động lên cẳng chân, gối, đùi tạo nên lực đòn bẩy làm trật chỏm xương đùi ra khỏi ổ cối hoặc ngã chống tay có thể khiến bị trật khớp khuỷu hay khớp vai… 
  • Cơ chế trực tiếp tuy hiếm gặp nhưng thường dẫn tới bệnh cảnh nặng như trật khớp hở.
  • Bên cạnh đó còn có các nhóm nguyên nhân khác như: Sai khớp do bẩm sinh, do bệnh lý (như viêm xương khớp háng…), sai khớp vai do liệt cơ delta.

Bên cạnh các nguyên nhân trên thì có nhiều yếu tố nguy cơ gây sai khớp bao gồm:

  • Vận động viên thể thao và những người luyện tập thể thao nhiều
  • Người lao động thể lực quá mức, như công nhân trong các hẩm mỏ, công nhân đóng tàu, cửu vạn…
  • Đi giày cao gót
  • Người càng lớn tuổi sẽ có nguy cơ cao hơn bình thường do lúc này hệ thống cơ xương khớp thường bị thoái hóa và yếu hơn hẳn.
  • Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng là mộ trong những nguyên nhân khiến bạn dễ mắc sai khớp.

2. Triệu chứng của sai khớp

Triệu chứng của sai khớp

Triệu chứng sai khớp khá rầm rộ, xuất hiện ngay sau khi xảy ra tai nạn như:

  • Đau, sưng nề tại khớp bị sai
  • Giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng vận động khớp
  • Lệch trục khớp
  • Hõm khớp bị rỗng: Đây là dấu hiệu đặc trưng của sai khớp, nhưng không phải khớp nào cũng có, mà chỉ gặp ở khớp vai, khớp hàm và một phần khớp khuỷu.
  • Biến dạng toàn chi: Sai khớp vai thì tư thế cánh tay luôn biến dạng hoặc không khép sát vào thân được, sai khớp háng thì tư thế chi ngắn, gối xoay vào trong, bàn chân bên sai gác lên cổ chân bên lành
  • Dấu hiệu gồ bất thường do chỏm xương trật ra khỏi hõm khớp
  • Cử động đàn hồi: Còn gọi là dấu hiệu lò xo, chỉ có trong sai khớp, do đầu xương trật ra chỗ khác, bị bó chặt trong khối cân cơ và dây chằng. Dù cố ý kéo hay đẩy khớp về vị trí bình thường thì khớp vẫn bật trở lại tư thế sai.

Một số triệu chứng đặc biệt:

  • Dấu hiệu gù vai (vai vuông góc) thấy ở sai khớp vai.
  • Dấu hiệu "nhát rìu" thấy trong sai khớp khuỷu ra sau, do mỏm khuỷu trồi ra sau tạo với cánh tay một bậc lõm vào, trông giống như gốc cây bị rìu chặt dang dở.
  • Dấu hiệu "phím đàn dương cầm" thường thấy trong sai khớp vùng vai-đòn, do co kéo cơ ức đòn chũm nên đầu ngoài xương đòn được kéo lên, lộ rõ ra ngoài, ấn xuống lại bật lên như ấn vào phím đàn dương cầm.

Trường hợp sai khớp hở: có thể nhìn thấy đầu xương di lệch, chảy máu tại khớp

3. Biến chứng của sai khớp

Biến chứng của sai khớp
  • Những biến chứng nghiêm trọng của sai khớp ít gặp nhưng có thể gây tàn phế, mất chức năng chi vĩnh viễn, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
  • Sai khớp nếu không được nắn chỉnh kịp thời, có nguy cơ cao về tổn thương mạch máu và thần kinh hơn là gãy xương.
  • Sai khớp hở có thể dẫn đến nhiễm trùng và gây tổn thương mạch máu làm giảm tưới máu mô và tổn thương thần kinh có nguy cơ biến chứng cao nhất.
  • Sai khớp kín không kèm theo tổn thương mạch máu hoặc thần kinh, được nắn chỉnh sớm thì ít có khả năng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Các biến chứng cấp tính thường gặp là:

  • Gãy xương: Gãy xương có thể đi kèm sai khớp (chẳng hạn, sai khớp vai thường đi kèm gãy mấu chuyển lớn)
  • Chảy máu: Chảy máu đi kèm với cả các tổn thương mô mềm nghiêm trọng
  • Tổn thương mạch máu: Một số trường hợp sai khớp kín, đặc biệt là khớp gối hoặc khớp háng có thể gây thiếu máu cục bộ ở ngoại vi. 
  • Tổn thương thần kinh: Dây thần kinh có thể bị tổn thương do căng giãn khi trật khớp hoặc có thể bị đứt trong trật khớp hở
  • Nhiễm trùng: Bất kỳ tổn thương nào cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng. Nguy cơ cao thuộc về những trường hợp sai khớp hở hoặc phải phẫu thuật. Nhiễm trùng cấp tính có thể dẫn đến viêm xương, rất khó điều trị khỏi.
Sai khớp có thể dẫn đến gãy xương, chảy máu, mất vững,...

Các biến chứng mạn tính bao gồm:

  • Mất vững: Sai khớp có thể dẫn đến sự mất vững khớp, làm mất chức năng của khớp và tăng nguy cơ thoái hóa khớp
  • Cứng khớp và hạn chế vận động: Nếu khớp bị bất động quá lâu thì tình trạng cứng khớp sẽ xảy ra sớm hơn. Khớp gối, khuỷu tay, và khớp vai rất dễ bị cứng khớp sau chấn thương, đặc biệt ở người cao tuổi.
  • Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp xuất hiện chủ yếu khi mạch máu nuôi khớp bị tổn thương. Sai khớp háng bẩm sinh có thể dẫn đến hoại tử xương chỏm xương đùi. Còn làm phá vỡ bề mặt chịu lực của khớp, lệch trục và mất vững khớp dẫn đến thoái hóa sụn khớp và thoái hóa khớp.

4. Chẩn đoán sai khớp

Chẩn đoán sai khớp khá dễ, nhiều khi chỉ cần hỏi bệnh, khai thác các triệu chứng lâm sàng và thăm khám là có thể chẩn đoán được. Tuy nhiên để chẩn đoán xác định, mức độ và các tổn thương lân cận bác sĩ thường chỉ định thêm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.

  • Chụp X quang: Là chỉ định trước tiên, được áp dụng rộng rãi, có thể chẩn đoán được hầu hết các trường hợp sai khớp
  • Chụp cắt lớp (CT Scan): Cho biết tình trạng và mức độ sai khớp, các tổn thương xung quanh
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Ngoài chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ sai khớp, còn cho biết các tổn thương dây chằng và các phần mềm quanh khớp.

5. Điều trị sai khớp

Điều trị cấp cứu ban đầu:

Điều trị cấp cứu ban đầu khi bị sai khớp

Trước tiên cần được xử lý, kiểm soát các tình trạng cấp cứu ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh như tình trạng sốc do đau, sốc mất máu do trật khớp hở kèm tổn thương mạch…. Cần giảm đau ngay bằng các thuốc giảm đau.

Nếu nghi ngờ trật khớp hở thì cần băng kín bằng gạc vô trùng, tiêm uốn ván và dùng kháng sinh phổ rộng (ví dụ cephalosporin thế hệ 2 phối hợp aminoglycosid) và sau đó là phẫu thuật để cắt lọc và làm sạch để tránh nhiễm trùng.

Hầu hết các trường hợp trật khớp mức độ vừa và nặng, cần bất động khớp bằng nẹp để giảm đau và tránh các tổn thương thứ phát như tổn thương mạch máu, thần kinh, mô mềm xung quanh do khớp mất vững. Tốt nhất là dùng nẹp bất động mềm để không gây chèn ép mạch và không làm cứng khớp.

Nắn chỉnh:

Nắn kín (không cần rạch da bộc lộ khớp) thường được ưu tiên khi có thể. Trong trường hợp nắn kín thất bại thì cần phẫu thuật đặt lại khớp.

Sau nắn trật thành công, người bệnh được khuyên nên:

  • Bất động khớp bằng nẹp bất động, bó bột hoặc dùng nạng ngăn ngừa tổn thương thứ phát.
  • Chườm đá lạnh và băng ép giúp giảm phù nề và giảm đau. Đá chườm cần được bọc bằng khăn hoặc túi nhựa và chườm càng sớm càng tốt (trong vòng 15-20 phút đầu) và chườm liên tục từ 24 – 48h sau nắn, có thể băng ép, nẹp cố định vị trí chấn thương.
  • Kê cao chi bị chấn thương trên mức tim trong 2 ngày đầu để máu về tim không gián đoạn giúp dẫn lưu máu tĩnh mạch tốt để giảm phù nề.
  • Sau 48 giờ, có thể dùng biện pháp chườm ấm (ví dụ, dùng tấm đệm sưởi ấm) trong 15 đến 20 phút để làm giảm đau và hỗ trợ hồi phục tổn thương nhanh hơn.

Cố định:

Cố định khớp

Cố định khớp có tác dụng giảm đau và kích thích phục hồi nhanh, ngăn ngừa tổn thương thứ phát. Các phương pháp bất động thường sử dụng là:

  • Bó bột: Thường được sử dụng khi trật khớp kèm với gãy xương đơn giản hoặc các thương tích khác cần cố định trên một tuần.
  • Dùng nẹp: Được sử dụng để bất động trật khớp vững sau khi nắn trật. Ngoài ra, nẹp bất động giúp giảm phù nề do đó ít khi dẫn tới hội chứng khoang sau nẹp. Một số loại trật khớp ở ngọn chi cần phải dùng nẹp cố định cho đến khi hết sưng nề.
  • Cố định bằng đai đeo: Phù hợp để hỗ trợ khớp trật và giới hạn vận động, điều này rất hiệu quả trong trật khớp vai vì nếu bất động quá vững sẽ dẫn tới viêm dính khớp vai, vai đông cứng.
  • Bất động kéo dài trên 3 tuần có thể gây cứng khớp, co kéo phần mềm, teo cơ. Những biến chứng này có thể tiến triển nhanh và tồn tại vĩnh viễn, đặc biệt là ở người cao tuổi.
  • Vận động thụ động chi tổn thương trong vài ngày sau chấn thương sẽ giảm co rút phần mềm, teo cơ và tăng phục hồi chức năng chi.
  • Vì vậy, người bệnh được khuyên tập các bài tự tập trong quá trình cố định giúp cải thiện tầm vận động khớp, sức cơ, tăng cường độ vững của khớp tổn thương (ví dụ như vận động khuỷu, cổ tay và bàn tay nếu vai đang bất động) nhằm duy trì càng nhiều chức năng càng tốt, từ đó, ngăn ngừa trật khớp tái phát và giảm chức năng khớp về sau.

6. Thời gian hồi phục sau sai khớp

Mỗi trường hợp có thời gian phục hồi khác nhau, phụ thuộc vào vị trí tổn thương, sai khớp kín hay hở, các tổn thương phối hợp, thời gian được phát hiện và điều trị, thể trạng, chế độ tuân thủ điều trị và tập luyện.

Phần lớn các trường hợp sai khớp cấp tính sau khi được nắn chỉnh và cố định người bệnh sẽ phục hồi hoàn toàn trong vài tuần. Đối với một số khớp, chẳng hạn như khớp háng, quá trình hồi phục hoàn toàn có thể mất vài tháng hoặc vài năm, có thể phải phẫu thuật bổ sung.

7. Các biện pháp dự phòng trật khớp

Các biện pháp dự phòng trật khớp

Có thể phòng tránh trật khớp bằng cách tập các thói quen đảm bảo an toàn khi sinh hoạt, luyện tập, làm việc và tham gia giao thông.

Một vài thói quen chung trong sinh hoạt để phòng tránh trật khớp:

  • Sử dụng tay vịn khi lên xuống cầu thang, nhà tắm, phòng ngủ
  • Luôn có một bộ sơ cứu trong nhà và mang theo khi phải di chuyển, tập luyện nơi khác
  • Sử dụng thảm chống trơn ở khu vực trơn trượt, ẩm ướt như phòng tắm, nhà vệ sinh
  • Không để gậy, dây, chướng ngại vật tầm thấp trên nền nhà

Để phòng tránh cho trẻ không bị sai khớp, các phụ huynh cần thực hiện:

  • Dạy trẻ các hành vi an toàn khi vui chơi, đi lại trên đường
  • Theo dõi và giám sát trẻ khi cần thiết
  • Đảm bảo ngôi nhà được thiết kế an toàn cho trẻ nhỏ

Đối với người lớn để phòng tránh trật khớp:

  • Mặc đồ, quần áo bảo hộ khi tham gia các hoạt động thể chất
  • Đảm bảo quy trình an toàn lao động
  • Chấp hành các quy định an toàn giao thông
  • Tránh đứng trên các vật dụng không chắc chắn
  • Để phục hồi tốt nhất sau chấn thương sai khớp, một chế độ ăn khoa học, cân đối với 6 nhóm thực phẩm quan trọng sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi. Sáu nhóm thực phẩm gồm các thực phẩm giàu protein, Omega 3, kẽm, vitamin D và canxi, rau củ quả chứa nhiều vitamin C và thực phẩm giàu chất xơ.

Sai khớp