Sâu răng là vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trên thế giới, đặc biệt là ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tuổi. Nhưng bất cứ ai có răng đều có thể bị sâu răng, kể cả trẻ sơ sinh. Nếu sâu răng không được điều trị, tình trạng bệnh có thể phát triển nặng hơn và ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của răng.

1. Nguyên nhân bệnh sâu răng

Nguyên nhân bệnh sâu răng

Nguyên nhân chính gây ra sâu răng là do một số vi khuẩn ở răng miệng chuyển hóa các thành phần của thức ăn bám ở răng tạo ra acid. Acid này sẽ phá hủy men răng rồi gây ra sâu răng.

Sự phát triển của các vi khuẩn ở răng miệng này là do:

  • Vệ sinh răng miệng kém: răng không được làm sạch đều đặn sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, các bệnh về răng miệng xuất phát từ nguyên nhân đánh răng không đúng cách, sử dụng bàn chải quá cứng, không thay bàn chải thường xuyên...
  • Ăn đồ ngọt, đồ ăn vặt quá nhiều: các loại thực phẩm chứa nhiều đường, sữa như bánh, socola, mật ong, kem… dễ bám vào răng trong thời gian dài, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
  • Khô miệng: nước bọt có vai trò rất quan trọng trong việc rửa sạch thức ăn và mảng bám răng, khi bị giảm tiết nước bọt dẫn tới tình trạng khô miệng, thiếu nước bọt khiến vi khuẩn có nhiều cơ hội để sinh trưởng.
  • Răng bị nứt vỡ hoặc yếu: khi chân răng yếu hoặc nứt vỡ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn bám vào bề mặt răng, hình thành những mảng bám khó loại bỏ, dần dần thu hút thêm sự tập trung của vi khuẩn, gây nên sâu răng.
  • Tụt nướu: ở người cao tuổi, dễ xảy ra tình trạng tụt nướu do quá trình lão hóa các cơ quan trong cơ thể, hình thành các mảng bám trên rễ chân răng.
  • Các nguyên nhân khác: trào ngược dạ dày thực quản, acid dạ dày khả năng tiếp xúc với răng khiến răng bị ăn mòn, lâu dần dẫn đến sâu răng.

2. Triệu chứng của sâu răng

Triệu chứng của sâu răng

Triệu chứng của sâu răng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ và vị trí. Khi sâu răng mới bắt đầu thường không có bất kỳ triệu chứng gì. Nhưng khi bị nặng có thể nó có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Đau răng: đau tự nhiên hoặc đau xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng
  • Nhìn thấy lỗ sâu: nhìn qua gương thấy men và ngà răng bị tổn thương tạo thành lỗ sâu.
  • Nướu sưng hoặc chảy máu: chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa, nướu sẽ dễ bị chảy máu và dễ nhiễm trùng. Sưng nướu gây nên cảm giác căng tức khó chịu, khi nhai cắn cũng sẽ bị đau.
  • Đau buốt răng khi bị kích thích: do thức ăn lọt vào hố sâu, đồng thời khi ăn nóng, lạnh, ngọt sẽ cảm thấy đau buốt.
  • Hơi thở có mùi: thức ăn khi tích tụ lâu ngày ở kẽ răng, không được làm sạch sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ra mùi hôi trong hơi thở.
  • Đau buốt khi ăn nhai: vi khuẩn tấn công khiến cho ngà răng bị bào mòn làm ảnh hưởng đến dây thần kinh, khiến răng dễ bị ê buốt.

3. Diễn biến của sâu răng

Diễn biến của bệnh sâu răng

Sâu răng nếu không được điều trị có thể diến biến qua các giai đoạn:

Giai đoạn 1:

Là giai đoạn sâu men răng, tình trạng men răng bị mất khoáng do vi khuẩn đã tạo ra một vùng tổn thương rõ rệt, bắt đầu ăn mòn bề mặt răng.

Giai đoạn này, răng có thể màu vàng nâu hoặc đen dễ nhìn thấy, khi ăn các thức ăn nóng, lạnh sẽ có cảm giác ê buốt, gây đau nhức mức độ nhẹ.

Giai đoạn 2:

Sâu ngà răng, là sự xuất hiện ngày càng nhiều các lỗ sâu, lỗ hổng to ra, ăn sâu vào trong và phá hủy nhanh chóng phần men răng còn lại.

Đến giai đoạn này, sẽ có những triệu chứng rõ rệt về các cơn đau nhức khi thức ăn bị nhét vào lỗ sâu, đồ ăn có nhiệt độ bất thường.

Giai đoạn 3:

Giai đoạn viêm tủy, vi khuẩn tấn công sâu vào tủy dẫn đến viêm tủy và gây nhiều phiền toái trong quá trình sinh hoạt.

Giai đoạn viêm tủy gây ra nhiều các biến chứng nguy hiểm như lỗ sâu to dần, bị nhét thức ăn, đau nhức liên tục với mức độ tăng dần, nhiễm trùng gây ra áp xe răng, răng lung lay, viêm nướu, viêm xương hàm và nguy cơ mất răng cao.

Giai đoạn 4:

Giai đoạn chết tủy, vi khuẩn tích tụ nhiều gây tổn thương chân răng, xương ổ răng và các vùng xung quanh chóp. Viêm tủy nặng khiến nhiều vi khuẩn lây lan gây áp xe, chết tủy. Một số trường hợp răng chết tủy, hoại tử nặng, không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong.

4. Biến chứng của sâu răng

Biến chứng của sâu răng

Mặc dù không phải là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sâu răng không thể tự khỏi và luôn có xu hướng tiếp tục phát triển gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu không được điều trị tận gốc.

Ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng:

Sâu răng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng, cấu trúc răng bị phá hoại gây đau nhức, tình trạng ngày càng nghiêm trọng có thể dấn tới mất răng. Khi sâu răng phát triển đến tủy răng sẽ gây ra tình trạng viêm tủy, viêm các dây thần kinh, hoại tử, chết tủy.

Gây mất thẩm mỹ:

Sâu răng mức độ nhẹ sẽ xuất hiện những chấm đen trên bề mặt răng. Tình trạng nặng hơn sẽ là những lỗ hổng màu nâu hoặc đen với nhiều kích thước, hình dạng khác nhau có thể nhìn thấy khi nói chuyện. Sâu răng còn dẫn đến hôi miệng dẫn đến kém tự tin trong giao tiếp.

Ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần:

Những cơn đau nhức răng kèm theo đau đầu sẽ thường xuyên xuất hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến ăn uống, giấc ngủ, gây kiệt sức. Tinh thần do đó mà giảm sút nghiêm trọng.

Nguy hiểm đến tính mạng:

Răng sâu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ dẫn đến viêm tủy, rồi hoại tử. Vết hoại tử nặng dần làm cho vùng hàm mặt bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng tăng dần có nguy cơ nhiễm trùng máu hoặc lan xuống trung thất, gây nguy hiểm đến tính mạng.

5. Điều trị sâu răng

Điều trị sâu răng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Các biện pháp điều trị bao gồm:

Phương pháp điều trị bằng flo:

Nếu sâu răng chỉ mới bắt đầu, phương pháp điều trị bằng flo có thể giúp khôi phục lại men răng và đôi khi có thể đảo ngược trong giai đoạn rất sớm. Tuy nhiên, trên thực tế biện pháp này rất ít được áp dụng.

Hàn răng:

Điều trị sâu răng bàng cách hàn răng

Còn gọi là trám hay phục hình răng, là biện pháp điều trị chính, được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay. Hiện có nhiều loại vật liệu trám răng như composite, cement, kim loại…

Bọc răng sứ:

Đối với sâu răng rộng hoặc răng yếu, có thể cần bọc răng - một lớp phủ toàn bộ thân răng. Răng sứ có thể được làm bằng vàng, sứ cường độ cao, nhựa, sứ nung chảy với kim loại hoặc các vật liệu khác.

Điều trị tủy:

Khi răng sâu gây viêm tủy, phải điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm. Nếu tủy được bảo tồn thì tiến hành trám lại. Trường hợp tủy hoại tử thì cần đặt thuốc diệt tủy, sau đó có thể trám hoặc bọc răng sứ.

Nhổ răng:

Một số răng bị sâu răng nghiêm trọng đến mức chúng không thể phục hồi và phải nhổ bỏ. Nhổ răng có thể để lại một khoảng trống sẽ làm cho các răng khác bị dịch chuyển, xô lệch.

Vì thế, với răng số 8 (răng trong cùng) thì có thể không cần can thiệp gì, nhưng với các răng khác thì phải làm răng giả để tránh ảnh hưởng đến răng bên cạnh. Răng giả có thể là làm cầu răng, hoặc cao cấp hơn là cấy implant.

6. Phòng ngừa bệnh sâu răng

Phòng ngừa bệnh sâu răng

Vệ sinh răng miệng tốt có thể tránh bị sâu răng, dưới đây là một số biện pháp giúp ngăn ngừa sâu răng:

  • Đánh răng bằng kem đánh răng có flo sau khi ăn, đánh răng ít nhất hai lần một ngày và lý tưởng nhất sau mỗi bữa ăn.
  • Khám răng định kỳ, làm sạch răng chuyên nghiệp và kiểm tra răng miệng thường xuyên, có thể giúp ngăn ngừa bệnh sâu răng hoặc phát hiện sớm sâu răng.
  • Hàn răng sớm giúp điều trị triệt để sâu răng và giảm nguy cơ biến chứng nặng của sâu răng. Hàn răng cũng giúp dự phòng tình trạng sâu lan sang các răng khác.
  • Hạn chế ăn vặt và uống nước ngọt thường xuyên, nhất là ăn đồ ngọt vào buổi tối.
  • Dùng nước có chứa flo với nồng độ phù hợp, nếu dùng nước đóng chai không chứa flo có thể làm giảm tác dụng bảo vệ răng của flo.

Sâu răng