Tóm tắt nội dung
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có thể lây thành dịch, do virut Dengue gây ra. Bệnh có nguy cơ mắc ở bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt là trẻ em. Virut Dengue không thể lây truyền trực tiếp từ người sang người. Con đường lây truyền chủ yếu là qua vết đốt của muỗi cái Aedes. Muỗi gây sốt xuất huyết đốt người mạnh nhất lúc sáng sớm lúc mặt trời mọc và chiều tối trước hoàng hôn. Sốt xuất huyết cũng là một trong những bệnh lây truyền qua muỗi nhanh nhất.
Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 2,5 tỷ người có nguy cơ mắc sốt xuất huyết, trong đó khoảng 70% sống ở các nước châu Á Thái Bình Dương. Điều kiện khí hậu, ô nhiễm môi trường, tình trạng định cư đô thị không có kế hoạch và đô thị hóa nhanh có thể dẫn đến sự gia tăng sinh sản của muỗi, đặc biệt là ở khu vực thành thị và bán đô thị.
Ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, với khí hậu có độ ẩm cao và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết phát triển nhanh chóng. Dịch đang bùng phát và diễn biến phức tạp ở khắp các địa phương trên cả nước. Dự báo số ca mắc bệnh trong thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Bệnh có thể xảy ra rải rác quanh năm, nhưng các đợt cao điểm thường vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Theo Tổ chức y tế thế giới, ở nước ta tỷ lệ mắc trên 100.000 dân đã tăng từ 120 trong năm 2009 (tương đương với 105.370 ca) lên 194 trong năm 2017 (184.000 ca).
Số ca mắc dịch sốt xuất huyết có chiều hướng ngày càng gia tăng, nguyên nhân một phần là do người dân chưa hoàn toàn tuân thủ về nguyên tắc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết hoặc chưa thật sự phân biệt được triệu chứng bệnh sốt xuất huyết với các bệnh khác như sốt thông thường, sốt phát ban, sốt virut… người bệnh khi đã được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết thì không tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo trong việc điều trị tại nhà. Ngoài ra, sự biến đổi của khí hậu toàn cầu, thời tiết dự báo có mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển dẫn đến nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao.
Bệnh sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp điều trị chỉ là điều trị triệu chứng, bù nước điện giải, nâng cao thể trạng. Phần lớn trường hợp sốt xuất huyết chỉ cần điều trị và theo dõi tại nhà, chỉ trường hợp nặng mới cần điều trị tại bệnh viện. Vì thế mà việc khám và phát hiện sớm các trường hợp nặng là vô cùng quan trọng, giúp điều trị kịp thời và giảm tỷ lệ tử vong.
1. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết là do virut Dengue gây ra. Virut Dengue có 4 týp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Người là ổ chứa virut Dengue trong tự nhiên, ngoài ra cũng phát hiện được virut trên khỉ rừng nhiệt đới ở Malaysia.
Muỗi Aedes là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu ở hầu hết các khu vực bệnh lưu hành. Muỗi Aedes hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh. Khi muỗi cái Aedes hút máu người nhiễm virut Dengue, virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày, trong thời gian này muỗi có thể đốt và lây truyền bệnh cho nhiều người.
2. Triệu chứng sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.
2.1. Giai đoạn sốt
- Sốt cao đột ngột, liên tục, có thể sốt 39 – 40 độ C
- Đau đầu, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, chán ăn, buồn nôn
- Thường có chấm xuất huyết ở dưới da hoặc da xung huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam
- Nghiệm pháp dây thắt dương tính
- Xét nghiệm máu sẽ thấy: thể tích hồng cầu vẫn còn bình thường, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm nhẹ (nhưng vẫn còn trên 100 Giga/l), số lượng bạch cầu thường giảm.
2.2. Giai đoạn nguy hiểm
Thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh, có các biểu hiện:
- Có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt
- Đau bụng nhiều: Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan
- Vật vã, lừ đừ, li bì, nôn ói, gan to trên 2cm dưới bờ sườn, ấn có thể đau
- Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ), với các biểu hiện như tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), tràn dịch màng bụng, phù nề mi mắt. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20mmHg hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.
- Xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím. Sau đó có thể lan ra toàn thân. Trường hợp nặng có thể xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.
- Xuất huyết nặng: Chảy máu mũi nặng (cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu), xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và mô mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận), thường kèm theo tình trạng sốc, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng. Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày-tá tràng, viêm gan mạn tính.
- Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.
- Tổn thương gan nặng/suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000U/L.
- Tổn thương/suy thận cấp.
- Rối loạn tri giác (sốt xuất huyết Dengue thể não).
- Viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan khác.
- Cô đặc máu khi thể tích hồng cầu (Hematocrit) tăng trên 20% so với giá trị ban đầu của người bệnh hoặc so với giá trị trung bình của dân số ở cùng lứa tuổi. Chẳng hạn, ban đầu thể tích hồng cầu là 35%, giai đoạn này xét nghiệm thấy thể tích hồng cầu tăng lên 42%, thậm chí cao hơn.
- Số lượng tiểu cầu giảm, dưới 100 Giga/l
- Men gan AST, ALT thường tăng.
- Trường hợp nặng có thể có rối loạn đông máu.
- Siêu âm hoặc X quang có thể phát hiện tràn dịch màng bụng, màng phổi.
2.3. Giai đoạn hồi phục
Thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh
- Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều
- Xuất huyết dưới da giảm dần
- Ngứa ngoài da do ban xuất huyết
- Có thể có nhịp tim chậm, không đều, có thể có suy hô hấp do quá tải dịch truyền.
Xét nghiệm ở giai đoạn này có thể thấy:
- Hematocrit trở về bình thường hoặc có thể thấp hơn do hiện tượng pha loãng máu khi dịch được tái hấp thu trở lại.
- Số lượng bạch cầu máu thường tăng lên sớm sau giai đoạn hạ sốt.
- Số lượng tiểu cầu dần trở về bình thường, muộn hơn so với số lượng bạch cầu.
- Men gan AST, ALT có khuynh hướng giảm dần về bình thường
3. Phân độ sốt xuất huyết
Tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh mà sốt xuất huyết được phân thành 3 mức độ như sau:
3.1. Sốt xuất huyết Dengue
Đang sống hoặc đi đến vùng có dịch
Sốt trong vòng 7 ngày và có 2 trong các dấu hiệu sau:
- Buồn nôn, nôn.
- Phát ban rải rác trên da
- Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
- Xuất huyết da hoặc dấu hiệu dây thắt (+).
- Thể tích hồng cầu (HCT) bình thường hoặc tăng nhẹ.
- Bạch cầu bình thường hoặc giảm nhẹ.
- Tiểu cầu bình thường hoặc giảm nhẹ.
3.2. Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo
Có ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau:
- Vật vã, lừ đừ, li bì.
- Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau vùng gan.
- Nôn ói nhiều ≥ 3 lần/1 giờ hoặc ≥ 4 lần/6 giờ.
- Xuất huyết niêm mạc: chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc có máu, xuất huyết âm đạo hoặc đi tiểu ra máu.
- Gan to trên 2cm dưới bờ sườn.
- Tiểu ít.
- Thể tích hồng cầu (HCT) tăng kèm tiểu cầu giảm nhanh.
- Men gan AST, ALT ≥ 400U/L
- Tràn dịch màng phổi, màng bụng trên siêu âm hoặc X quang.
3.3. Sốt xuất huyết Dengue nặng
Có ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau:
Thoát huyết tương nặng dẫn tới
- Sốc sốt xuất huyết Dengue, sốc sốt xuất huyết Dengue nặng.
- Ứ dịch, biểu hiện suy hô hấp.
Xuất huyết nặng
Suy các tạng
- Gan: men gan AST hoặc ALT ≥ 1000U/L.
- Thần kinh trung ương: Rối loạn ý thức
- Tim và các cơ quan khác.
4. Các biến chứng của sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh diễn tiến rất khó lường, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Rất nhiều trường hợp đến cơ sở y tế khám trong tình trạng sốt cao, khó thở, vật vã, kích động, mê sảng thậm chí hôn mê.... Nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong.
Các biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết có thể gặp, bao gồm:
Suy tim, suy thận
Do tình trạng xuất huyết liên tục trong cơ thể, làm rối loạn hệ thống tuần hoàn nên có thể gây suy tim. Khi tim không đủ sức bơm máu, dịch huyết tương xuất hiện liên tục sẽ khiến màng tim bị tràn dịch, gây ứ đọng. Điều này khiến tim và hệ thống tuần hoàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây suy giảm, xuất huyết cơ tim.
Thận cũng phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu nên có thể dẫn đến tình trạng suy thận cấp.
Sốc do mất máu
Do virut Dengue làm tăng tính thấm mao quản, thoát huyết tương và cô đặc máu, đến một ngưỡng nhất định sẽ gây sốc khiến máu bị đẩy ra ngoài. Gây ra các triệu chứng như chảy máu cam, chảy máu chân răng.... Nếu không có các biện pháp điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết nội tạng với biểu hiện chính như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh...
Xuất huyết não
Biến chứng đối với bệnh sốt xuất huyết nặng là tiểu cầu giảm. Đây là tình trạng rất nguy hiểm, bởi nếu tiểu cầu bị giảm mà không được truyền kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, nguy cơ tử vong rất cao.
Tràn dịch màng phổi
Huyết tương trong cơ thể bị thoát mạch sẽ xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, trành dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp. Nếu không được cấp cứu, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa nghiêm trọng.
Hôn mê
Khi bị xuất huyết, dịch huyết tương có thể ứ đọng ở màng não qua các thành mạch gây phù não và các hội chứng thần kinh dẫn đến hôn mê. Đây là dạng biến chứng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, có một số trường hợp xuất hiện hôn mê thứ phát sau sốc, sau xuất huyết nội tạng, sau suy tim thận cấp.... trong trường hợp này là hội chứng não cấp thứ phát, được coi là biến chứng.
Sinh non, sẩy thai gặp ở phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết
Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có nguy cơ cao đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như sảy thai hoặc đẻ non, thai chết lưu. Thai phụ rất có thể bị tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ.
Lời khuyên của bác sĩ là nếu đáng sống trong vùng hoặc đi qua vùng dịch đang lưu hành mà có triệu chứng sốt cao đột ngột không hạ trong 1 - 2 ngày hoặc không đáp ứng với thuốc hạ sốt, kèm theo dấu hiệu đau cơ, nổi các nốt mẩn đỏ trên da thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được tiến hành làm kiểm tra, chẩn đoán xác định. Từ đó có tùy theo mức độ mà có biện pháp điều trị phù hợp, tránh để bệnh tiến triển gây những biến chứng nguy hiểm về sau.
5. Chẩn đoán xác định sốt xuất huyết
Để chẩn đoán xác định bệnh sốt xuất huyết, ngoài dựa vào diễn biến lâm sàng như trên thì phải căn cứ vào xét nghiệm huyết thanh hoặc xét nghiệm gen.
- Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng nguyên NS1
- Xét nghiệm ELISA tìm kháng thể IgM, IgG từ ngày thứ 5 của bệnh.
- Xét nghiệm PCR phát hiện bộ gen của virut, đồng thời xác định týp huyết thanh. Virut Dengue có 4 týp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4
- Phân lập vi rút, lấy máu trong giai đoạn sốt (thực hiện ở các cơ sở xét nghiệm có điều kiện).
Chẩn đoán phân biệt
Bệnh sốt xuất huyết cần phải chẩn đoán phân biệt với các bệnh sau:
- Sốt phát ban do vi rút
- Tay chân miệng
- Sốt ve mò
- Sốt rét
- Nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn, não mô cầu, vi khuẩn gram âm....
- Sốc nhiễm khuẩn
- Các bệnh máu gây xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc
- Bệnh lý trong ổ bụng cấp…
6. Điều trị sốt xuất huyết
Theo đánh giá của giới chuyên môn thì sốt xuất huyết là căn bệnh có nguy cơ gây biến chứng cao và khả năng ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh là rất lớn. Do vậy, việc xác định mức độ nặng nhẹ của bệnh là rất cần thiết để có thể đưa ra phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết phù hợp.
Sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị nâng cao thể trạng. Đối với sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng thì phải điều trị tại bệnh viện.
Phần lớn các trường hợp sốt xuất huyết thể nhẹ (sốt xuất huyết Dengue) đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.
Xem xét chỉ định nhập viện sốt xuất huyết ở thể nhẹ trong các trường hợp sau:
- Sống một mình.
- Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng.
- Gia đình không có khả năng theo dõi sát.
- Trẻ nhũ nhi (từ 1 tháng đến đủ 12 tháng tuổi)
- Thừa cân, béo phì.
- Phụ nữ có thai.
- Người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên).
- Mắc bệnh mạn tính kèm theo như bệnh thận, tim mạch, gan, hen bệnh phổi tắc nghẽ mạn tính, đái tháo đường, thiếu máu tan máu….
Nói chung với trường hợp sốt xuất huyết thể nhẹ (sốt xuất huyết Dengue) điều trị tại nhà theo phác đồ sau:
Điều trị triệu chứng
- Nếu sốt cao trên 38,5°C, cho thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm
- Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ mỗi lần nếu còn sốt.
- Chú ý: Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ. Không dùng aspirin (acetylsalicylic acid), analgin, ibuprofen hay các thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
- Bù dịch sớm bằng đường uống: khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh, ...) hoặc nước cháo loãng với muối.
- Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như tiết canh, xá xị, sô cô la.... vì có thể gây nhầm lẫn với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa
- Lượng dịch khuyến cáo: uống theo nhu cầu cơ bản, khuyến khích uống nhiều.
Theo dõi
Tái khám và làm xét nghiệm hàng ngày, nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện điều trị.
Phải đến cơ sở y tế khám ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:
- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
- Không ăn, uống được.
- Nôn nhiều.
- Đau bụng nhiều.
- Tay chân lạnh, ẩm.
- Mệt lả, bứt rứt.
- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
- Không đi tiểu trên 6 giờ.
- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.
Trường hợp sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo thì phải được nhập viện điều trị. Phác đồ điều trị ở thể này với người từ 16 tuổi trở lên như sau:
- Điều trị triệu chứng: hạ sốt
- Bù dịch sớm bằng đường uống nếu người bệnh còn khả năng uống được.
- Theo dõi mạch, HA, những dấu hiệu cảnh báo, lượng dịch đưa vào, nước tiểu và thể tích hồng cầu (HCT) mỗi 4-6 giờ.
- Chỉ định truyền dịch: xem xét truyền dịch khi người bệnh nôn nhiều, không uống được và thể tích hồng cầu (HCT) cao hoặc có dấu hiệu mất nước.
Phương thức truyền dịch
- Truyền Ringer lactate, Ringer acetate hoặc NaCl 0,9% 6ml/kg/giờ trong 1-2 giờ, sau đó 3ml/kg/giờ trong 2-4 giờ. Theo dõi lâm sàng, HCT mỗi 2-4 giờ. Trong quá trình theo dõi:
- Nếu mạch, HA ổn định, HCT giảm, nước tiểu ≥ 0,5-1ml/kg/giờ, giảm tốc độ truyền Ringer lactate, Ringer acetate hoặc NaCl 0,9% 1,5ml/kg/giờ trong 6-18 giờ. Nếu lâm sàng tiếp tục cải thiện, có thể ngưng dịch sau 12-24 giờ.
- Nếu người bệnh có biểu hiện sốc (mạch nhanh, nhẹ, khó bắt, huyết áp kẹt, tụt, khó đo và HCT tăng): truyền dịch chống sốc như phác đồ điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue ở người lớn với liều chống sốc đầu tiên là cao phân tử 10-15ml/kg/giờ. Chú ý điều trị toan hóa máu, xuất huyết, hạ đường huyết, hạ canxi huyết nếu có.
7. Phòng bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết lây truyền từ người sang người qua trung gian là muỗi Aedes . Ở Việt Nam, hai loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là Aedes aegypti và Aedes albopictus, còn gọi là muỗi vằn. Diệt muỗi, đặc biệt là diệt lăng quăng, bọ gậy là biện pháp tốt nhất phòng bệnh sốt xuất huyết.
Muỗi vằn (còn gọi là muỗi hoa) truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue là loài muỗi ưa thích đốt hút máu người nên thường sống trong nhà và đậu nghỉ ở chỗ ẩm, tối hoặc các vật dụng có mùi mồ hôi người như trong nhà vệ sinh, buồng tắm, quần áo mặc dở, mũ xe máy, mũ len, mũ vải, rèm, giá sách. Muỗi có thể đốt người cả ngày nhưng thường nhiều hơn vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Muỗi vằn thường đẻ trứng ở các đồ vật chứa nước sạch trong và xung quanh nhà như:
- Bể, thùng, xô chậu chứa nước ăn
- Bể chứa nước rửa, nước dội nhà vệ sinh
- Các bể cảnh, hòn non bộ, chậu cây cảnh, lọ hoa có nước
- Các phế liệu phế thải đọng nước mưa….
Vào mùa hè hay mùa mưa nhiều, độ ẩm và nhiệt độ cao, có nhiều ổ nước đọng cùng với những dụng cụ tích trữ nước ăn, nước sinh hoạt là điều kiện thuận lợi cho các loại muỗi phát triển, trong đó có loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Để diệt muỗi và bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue tại cộng đồng, người dân không nên tự ý mua hóa chất diệt muỗi về phun vì nếu phun không đúng kỹ thuật, không đúng liều lượng và không đúng chủng loại hóa chất đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng sẽ không có hiệu quả diệt muỗi, ngược lại còn ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, người già và người mắc các bệnh mạn tính về đường hô hấp hoặc làm tăng tính kháng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Khi có nhu cầu về phun hóa chất diệt muỗi cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn như Trung tâm y tế các quận, huyện, tỉnh, thành phố, hoặc Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Sốt rét Ký sinh trùng.
Để diệt bọ gậy, người dân có thể thực hiện thường xuyên các biện pháp đơn giản, rẻ tiền như sau:
- Thả cá vào các bể, thùng phi chứa nước, hòn non bộ, bể cảnh (cá thường dùng là các loại cá nhỏ như cá muỗi, cá bảy màu, cá rô, cá sóc…)
- Thay nước 1 tuần/1 lần với các lọ hoa, cây cảnh có nước
- Thu gom phế liệu phế thải 1 tuần/ 1 lần
- Che đậy các dụng cụ có khả năng đọng nước trong và xung quanh nhà
- Thả Abate (hóa chất diệt bọ gậy) vào các chậu cảnh, bể cảnh có nước theo hướng dẫn của cán bộ y tế xã phường.
Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết Dengue, mọi người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
- Hàng tuần chủ động thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, giữ vệ sinh môi trường nơi sinh sống.
- Ngủ nằm màn tránh muỗi đốt kể cả ban ngày
- Chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan đoàn thể, trạm y tế trong các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.
- Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết để được khám, tư vấn và phòng lây bệnh cho người chung quanh.
Sốt xuất huyết