Tóm tắt nội dung
Suy hô hấp là một trong những bệnh lý nguy hiểm và khó lường nhất hiện nay, có thể xảy ra một cách đột ngột, không có dấu hiệu báo trước nhưng cũng có thể diễn ra một cách từ từ nên nhiều người bệnh chủ quan cho đến khi các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn.
Có hai bệnh cảnh suy hô hấp đó là:
- Suy hô hấp cấp tính: Là tình trạng suy hô hấp xảy và nhanh chóng diễn biến thành nặng hoặc nguy kịch, đây là một trường hợp khẩn cấp, cần được cấp cứu ngay nếu không thì nguy cơ tử vong rất cao.
- Suy hô hấp mạn tính: Là tình trạng suy hô hấp nhẹ nhưng diễn biến kéo dài, thường diễn biến nặng dần nếu không được chăm sóc và điều trị phù hợp.
1. Nguyên nhân gây suy hô hấp
Có nhiều nguyên nhân gây suy hô hấp như:
- Chấn thương ở ngực hoặc xương sườn.
- Dị vật đường thở, rất hay gặp ở trẻ nhỏ do ăn hay nuốt phải dị vật rồi sặc vào đường hô hấp
- Hít phải khói bụi, khói độc, gặp trong hỏa hoạn
- Ức chế trung tâm hô hấp do ngộ độc thuốc phiện, hay gặp ở người nghiện do dùng thuốc quá liều. Cũng có thể gặp trong điều trị do ngộ độc thuốc.
- Uống nhiều rượu, bia gây ức chế trung tâm hô hấp.
- Mắc các bệnh lý tại phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), phù phổi, hen phế quản, xơ nang phổi, lao phổi, tràn dịch, tràn khí màng phổi, viêm phổi do các nguyên nhân virus hoặc vi khuẩn, áp xe phổi, nhồi máu phổi…
- Các bệnh lý liên quan như suy tim trái, suy tim xung huyết, xơ gan, suy thận…
- Các bệnh lý tổn thương thần kinh cơ như bệnh xơ cứng cột sống, bệnh teo cơ, chấn thương tủy sống, đột quỵ…
- Vẹo cột sống hoặc các bệnh cột sống khác có thể gây ảnh hưởng đến xương và các cơ hô hấp.
2. Các triệu chứng của suy hô hấp
Triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ thiếu oxi máu, mức carbon dioxide máu cao hoặc cả hai yếu tố mức thiếu oxi máu và carbon dioxide cao máu cao.
Tuy nhiên trong tất cả các trường hợp, các triệu chứng thường gặp là:
- Da tím tái, môi và móng tay có màu hơi xanh
- Cảm giác hụt hơi, không thể có đủ không khí
- Lo lắng, bồn chồn thậm chí hốt hoảng
- Khó thở, phải gắng sức để thở
- Nhịp thở nhanh hoặc rất chậm, nhịp tim giảm
- Ngủ gà, buồn ngủ, thậm chí hôn mê.
3. Chẩn đoán suy hô hấp
Chẩn đoán suy hô hấp dựa vào các triệu chứng lâm sàng cận lâm sàng, như:
Lâm sàng với các dấu hiệu: Khó thở, da tím tái, tím môi, tím đầu chi, người mệt mỏi, buồn ngủ hoặc ngủ gà, trường hợp nặng có khó thở dữ dội, tím tái nhiều.
Cận lâm sàng:
- Đo độ bão hòa oxi máu: Giảm nhiều hay ít, tùy theo mức độ suy hô hấp
- Xét nghiệm khí máu động mạch: Rất có giá trị chẩn đoán suy hô hấp, cho biết mức oxi và carbon dioxide trong máu.
- Chụp X, CT lồng ngực: Có giá trị trong chẩn đoán bệnh lý tại phổi và bệnh lý liên quan
- Điện tim đồ, siêu âm tim: Giúp chẩn đoán các bệnh lý tim mạch kèm theo
4. Điều trị suy hô hấp
Tùy theo tình trạng và mức độ suy hô hấp ở từng trường hợp cụ thể, mà phương pháp điều trị có thể là một hoặc nhiều biện pháp cùng một lúc.
Các biện pháp điều trị suy hô hấp bao gồm:
- Liệu pháp oxy: Trường hợp vừa và nhẹ có thể chỉ cần thở oxi gọng kính hoặc qua mặt nạ
- Thở máy: Trường hợp liệu pháp oxi không hiệu quả hoặc trường hợp người bệnh không tự thở được thì phải chuyển sang máy thở
- Mở khí quản: Là một phẫu thuật, trong đó bác sĩ sẽ mở một đường vào khí quản từ cổ (phía dưới sụn giáp), đặt một ống thông nhỏ, giúp cho việc thở dễ dàng hơn. Ống thông này có thể được kết nối trực tiếp với máy thở nếu như cần đến máy thở trong hơn một hoặc hai tuần.
Điều trị nguyên nhân gây suy hô hấp
Nếu xác định được nguyên nhân gây suy hô hấp, cần phải kết hợp điều trị cả tình trạng suy hô hấp và nguyên nhân. Tùy theo từng nguyên nhân mà sẽ có biện pháp điều trị thích hợp. Chẳng hạn như: sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi, sử dụng thuốc làm tan cục máu đông trong nhồi máu phổi, dùng thuốc giãn phế quản trong hen phế quản…
Nguyên nhân do chấn thương, gây tràn dịch, tràn khí màng phổi thì phải đặt ống dẫn lưu màng phổi và hút chân không.
Ngoài ra, còn điều trị theo tình trạng suy hô hấp cấp hay mạn tính:
Điều trị suy hô hấp cấp tính như sau:
- Suy hô hấp cấp tính, là một cấp cứu, cần được đưa đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Nếu điều trị kịp thời, thì có thể sớm hồi phục, người bệnh nhanh được ra viện.
- Với các triệu chứng nghiêm trọng, có thể phải chuyển phải chuyển người bệnh vào phòng chăm sóc đặc biệt.
- Về điều trị, có thể được điều trị bằng thở oxi hoặc thở máy. Cùng với đó điều trị bằng thuốc và truyền dịch để cải thiện các triệu chứng và điều trị nguyên nhân gây ra suy hô hấp.
Điều trị suy hô hấp mạn tính như sau:
- Với suy hô hấp mạn tính, người bệnh có thể được chăm sóc liên tục tại nhà.
- Biện pháp thường là sử dụng các thuốc mỗi ngày.
- Trong trường hợp nghiêm trọng, cũng có thể cần đến điều trị bằng oxi.
- Tình trạng suy hô hấp có thể khiến người bệnh khó ngủ, do vậy có thể cần thêm sự trợ giúp vào ban đêm.
- Có thể cần thêm một trong những máy thở nhỏ hơn như máy CPAP, nếu nghiêm trọng hơn sẽ cần dùng đến máy thở vào ban đêm.
5. Tiên lượng suy hô hấp
Suy hô hấp là một bệnh lý nguy hiểm, có thể để lại nhiều biến chứng nặng, thậm chí tử vong.
Với suy hô hấp cấp tính, nếu được điều trị ngay lập tức có thể giúp hồi phục và trở lại hoạt động bình thường.
Trong khi với suy hô hấp mạn tính, cần phải làm theo dõi và giám sát, đồng thời phải thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ về việc chăm sóc liên tục. Đặc biệt là phải phát sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nguy hiểm để nhanh chóng đến cơ sở y tế.
Suy hô hấp