Tổng quan về bệnh suy hô hấp cấp

Suy hô hấp cấp khiến người bệnh khó thở, tím tái, vã mồ hôi. Nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến tử vong. Trong những năm gần đây, tỷ lệ tử vong do suy hô hấp cấp đã được cải thiện đáng kể nhờ vào những tiến bộ trong điều trị và chăm sóc.

Suy hô hấp cấp được phân thành ba nhóm:

  • Suy hô hấp do giảm oxi máu khi phân áp oxi máu động mạch (PaO2) dưới 60mmHg khi thở khí phòng.
  • Suy hô hấp do tăng CO2 máu khi phân áp CO2 (PaCO2) trên 50mmHg
  • Suy hô hấp thể hỗn hợp khi có kèm theo cả giảm PaO2 và tăng PaCO2

1. Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp

Nguyên nhân thần kinh trung ương

Nguyên nhân thần kinh trung ương gây suy hô hấp cấp

  • Thuốc: An thần, gây ngủ, gây mê, thuốc phiện
  • Trung tâm điều hòa hô hấp ở hành não bị tổn thương: Chấn thương, bệnh lý mạch não, nhược giáp.
  • Rối loạn hô hấp liên quan tới giấc ngủ: Ngừng thở khi ngủ trung ương, hội chứng giảm thông khí do béo bệu.
  • Tăng áp lực nội sọ
  • Viêm não, màng não
  • Hội chứng giảm thông khí vô căn.

Nguyên nhân do hệ thống thần kinh cơ

  • Bệnh lý thần kinh cơ nguyên phát: Hội chứng Guillain-Barré, nhược cơ, bại liệt, teo cơ, xơ cột bên teo cơ, viêm đa cơ.
  • Thuốc và ngộ độc: Ngộ độc botulium, thuốc trừ sâu phospho hữu cơ, các thuốc ức chế thần kinh cơ, aminoglycoside.
  • Chấn thương cột sống.
  •  Chấn thương hoặc mất chức năng thần kinh hoành.
  • Rối loạn điện giải: Hạ kali máu, tăng magie máu, hạ phospho máu.
  •  Các nguyên nhân khác: Phù niêm, mệt mỏi, liệt chu kỳ.

Nguyên nhân do thành ngực và cơ hoành

Nguyên nhân do thành ngực và cơ hoành gây suy hô hấp cấp

  • Màng sườn di động do chấn thương
  • Gẫy xương sườn
  • Gù vẹo cột sống.
  • Cổ trướng nhiều.
  • Béo bệu.
  • Tăng áp lực ổ bụng.

Nguyên nhân do màng phổi

  • Tràn khí màng phổi.
  • Tràn dịch màng phổi.
  • Dầy dính màng phổi.

Các tổn thương nhu mô phổi

Các tổn thương nhu mô phổi

  • Viêm phổi do các nguyên nhân: Virus, vi khuẩn, nấm, lao, kí sinh trùng.
  • Bệnh kẽ phổi do bệnh hệ thống (sarcodoid, lupus ban đỏ hệ thống).
  • Hội chứng chảy máu phế nang lan tỏa.
  • Ung thư phổi: Nguyên phát và di căn.
  • Chấn thương phổi do cơ học hoặc do sóng nổ.
  • Bỏng đường hô hấp.

Nguyên nhân do đường dẫn khí

  • Đường hô hấp trên: Đờm, dị vật, phù hoặc co thắt thanh môn, nhiễm trùng.
  • Co thắt phế quản do Hen phế quản, phản vệ.
  • Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Nguyên nhân do bệnh lý mạch phổi
  • Tắc động mạch phổi do huyết khối, khí, nước ối,..
  • Bệnh lý mạch phổi: tăng áp lực động mạch phổi nguyên phát,…

Một số bệnh khác

  • Phù phổi cấp do suy tim.
  • Tăng sản xuất CO2: Sốt, nhiễm trùng, cường giáp, co giật, run cơ.
  • Ngộ độc các chất gây methemoglobin, ngộ độc khí carbon oxit (CO).
  • Thiếu máu, tăng độ nhớt của máu.

2. Triệu chứng của suy hô hấp cấp

Triệu chứng của suy hô hấp cấp

2.1. Triệu chứng lâm sàng

Hỏi tiền sử bệnh: Có mắc hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh lý tim mạch, chấn thương....

Đặc điểm lâm sàng:

  • Nhịp thở tăng nhanh hoặc nhịp thở chậm (so với độ tuổi).
  • Co kéo cơ hô hấp: Tiếng rít, khó thở thanh quản, ran rít, co thắt phế quản.
  • Biên độ thở yếu (nhược cơ, mệt cơ), thở mạnh (toan chuyển hóa).
Hoàn cảnh xuất hiện:
  • Đột ngột: Gặp trong dị vật, tràn khí màng phổi
  • Nhanh: Do phù phổi cấp, hen phế quản, viêm phổi do virus
  • Từ từ: U phổi, tràn dịch màng phổi, suy tim mất bù...

Các triệu chứng phát hiện nguyên nhân:

  • Đau ngực: Tràn khí màng phổi, nhồi máu phổi, viêm màng phổi, nhồi máu cơ tim.
  • Sốt: Viêm phổi, viêm phế quản...
  • Dấu hiệu viêm tắc tĩnh mạch chi dưới: Nguy cơ gây tắc động mạch phổi

Khám phổi:

  • Nghe phổi có thể thấy ral ẩm, ral rít
  • Hội chứng ba giảm, đông đặc, tam chứng của tràn khí màng phổi.
  • Dấu hiệu liệt cơ hoành

Thăm khám tim mạch: Dấu hiệu và triệu chứng suy tim, bệnh tim...

Thăm khám thần kinh: Ý thức, triệu chứng liệt cơ hô hấp...

2.2. Triệu chứng cận lâm sàng

Triệu chứng cận lâm sàng
  • Xét nghiệm khí máu động mạch: Thực hiện lấy mẫu máu từ động mạch của người bệnh, kiểm tra nồng độ oxi, carbon dioxide, pH, bicarbonate để xác định các vấn đề hô hấp nếu có.
  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện nguyên nhân gây suy giảm chức năng phổi, cũng như tình trạng hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Kiểm tra mẫu máu, nước tiểu hoặc đờm của người bệnh, xác định có nhiễm vi khuẩn hay không.
  • Nội soi phế quản: Kiểm tra tắc nghẽn phế quản, các khối u và những nguyên nhân khác gây suy phổi.
  • Chụp X-quang ngực: Xác định các tác nhân ở phổi hoặc tim gây suy hô hấp.
  • Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: Kiểm tra phổi và các hiện tượng viêm nhiễm, tổn thương nếu có.
  • Điện tâm đồ: Kiểm tra nhịp tim và hoạt động của tim.
  • Sinh thiết phổi: Thu thập các mẫu mô phổi của người bệnh.

3. Chẩn đoán xác định

Dựa vào xét nghiệm khí máu động mạch:

  • Suy hô hấp giảm oxi khi PaO2 dưới 60mmHg khi thở khí phòng.
  • Suy hô hấp tăng CO2 khi PaCO2 trên 50mmHg.

4. Chẩn đoán nguyên nhân

Chẩn đoán nguyên nhân

Chụp X quang phổi:

  • Rất có ý nghĩa trong định hướng chẩn đoán.
  •  Nhiều bệnh lý có biểu hiện triệu chứng trên X quang phổi: tổn thương thâm nhiễm, đông đặc, xẹp phổi, giãn phế quản, giãn phế nang…
  • Một số bệnh lý thường không có triệu chứng X quang rõ: nhồi máu phổi, hen phế quản, tắc đường hô hấp trên, ức chế hô hấp hoặc liệt hô hấp.

Điện tim: Giúp chẩn đoán một số bệnh tim mạch và tìm các dấu hiệu điện tim của bệnh lý phổi, các rối loạn nhịp tim do suy hô hấp...

Các xét nghiệm khác tùy theo trường hợp cụ thể và tình trạng nặng của bệnh:

  • Công thức máu
  • Chức năng gan, thận

5. Điều trị suy hô hấp cấp

Nguyên tắc điều trị: Là đưa oxy đến phổi và các cơ quan khác, đồng thời loại bỏ carbon dioxide ra khỏi cơ thể người bệnh. Song song với đó là điều trị nguyên nhân gây suy hô hấp, hạn chế nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

5.1. Liệu pháp oxi

Điều trị suy hô hấp cấp bằng liệu pháp oxi

Có rất nhiều cách để đưa oxi vào phổi của người bệnh, tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp oxi phù hợp.

  • Ống thông mũi: Ống nhựa gắn với bình oxi di động được đặt vào mũi của người bệnh.
  • Mặt nạ thông khí: Đđeo mặt nạ gắn vào túi khí để lượng oxi vào phổi nhiều hơn.
  • Thông khí áp lực dương không xâm lấn (Noninvasive positive pressure ventilation – NPPV): phương pháp này sử dụng một chiếc mặt nạ hoặc một thiết bị trùm qua mũi hoặc mũi và miệng của người bệnh. Một ống nối mặt nạ với một máy thổi khí vào ống, đảm bảo giữ đường thở của người bệnh được mở trong lúc ngủ. Phương pháp này cũng được sử dụng trong điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Máy thở cơ học: Khi các liệu pháp thở oxi trên không phát huy tác dụng, mức oxi trong máu người bệnh không tăng lên hoặc người bệnh vẫn cảm thấy khó thở, trường hợp này bác sĩ sẽ chỉ định máy thở cơ học. Máy thở này giúp thổi không khí với lượng oxi cao vào đường thở và phổi của người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này lại không được chỉ định dùng trong thời gian dài vì có thể tác động xấu đến phổi và đường hô hấp của người bệnh, nguy cơ gây các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi.
  • Mở khí quản: Phương pháp này được sử dụng trong trường hợp đường thở của người bệnh bị tắc nghẽn. Lúc này, bác sĩ sẽ phẫu thuật tạo một lỗ đi qua phía trước cổ và vào khí quản, gọi là mở khí quản hoặc ống khí quản để giúp người bệnh dễ thở.
  • Oxy hóa màng ngoài cơ thể (Extracorporeal membrane oxygenation – ECMO): Được sử dụng đối với người bệnh có triệu chứng suy hô hấp nghiêm trọng. Phương pháp này bơm máu qua phổi nhân tạo để bổ sung oxi, loại bỏ carbon dioxide trước khi đưa máu trở lại cơ thể. Có thể sử dụng phương pháp này trong vài ngày hoặc vài tuần để phổi có thời gian phục hồi. Tuy nhiên, khuyến cáo không sử dụng lâu dài vì có thể gây đông máu, chảy máu và nhiễm trùng, nguy cơ đe dọa tính mạng.

5.2. Điều trị thuốc

Điều trị suy hô hấp cấp bằng thuốc

Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc nhằm điều trị nguyên nhân hoặc cải thiện triệu chứng, gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Điều trị các nhiễm trùng ở phổi như viêm phổi.
  • Thuốc giãn phế quản: Ggiúp mở đường thở, hoặc điều trị các cơn hen suyễn.
  • Corticoid: Điều trị các triệu chứng viêm đường thở.

5.3. Các phương pháp điều trị khác

Trường hợp người bệnh phải nhập viện điều trị trong thời gian dài, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp bổ sung để quản lý và ngăn ngừa các biến chứng suy cơ quan hô hấp xảy ra.

  • Truyền dịch: Có thể bù dịch trong trường hợp giảm thể tích tuần hoàn.
  • Hỗ trợ dinh dưỡng: Người bệnh cần được truyền dinh dưỡng trong suốt quá trình thở máy, đảm bảo cơ thể nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
  • Vật lý trị liệu: Phương pháp này giúp duy trì sức mạnh cơ thể, ngăn ngừa hình thành các vết loét, đồng thời giúp rút ngắn thời gian thở máy, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục của người bệnh.
  • Phục hồi chức năng phổi: Người bệnh được hướng dẫn các bài tập cải thiện mức oxi, phục hồi chức năng phổi.
  • Thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông, thuốc phòng viêm loét dạ dày.

5.4. Điều trị nguyên nhân

Điều trị suy hô hấp cấp bằng thuốc giãn phế quản

Thuốc giãn phế quản (kích thích beta 2- adrenergic; thuốc kháng cholinergic)

Chỉ định với suy hô hấp do có co thắt phế quản (COPD, hen phế quản)

Nên ưu tiên dùng đường khí dung trước, nếu không đáp ứng thì chuyển sang truyền tĩnh mạch.

  • Corticoid: Chỉ định cho các đợt cấp của hen phế quản, COPD.
  • Thuốc kháng sinh: Khi có dấu hiệu của nhiễm trùng (viêm phổi, đợt cấp COPD có bằng chứng nhiễm khuẩn).
  • Thuốc lợi tiểu: suy tim ứ huyết, phù phổi cấp huyết động, quá tải thể tích.
  • Chọc dẫn lưu dịch và khí khi có tràn dịch và khí màng phổi.
  • Thay huyết tương để loại bỏ kháng thể trong các bệnh tự miễn gây liệt hô hấp như nhược cơ, hội chứng Guillain-Barre.

Điều trị các nguyên nhân ngoại khoa:

  • Mảng sườn di động: Cố định xương sườn bằng thở máy hoặc treo cố định.
  • Chèn ép tủy cổ: Phẫu thuật giải chèn ép.

6. Tiên lượng và biến chứng suy hô hấp cấp

  • Tiên lượng phụ thuộc vào nguyên nhân gây suy hô hấp cấp.
  • Suy hô hấp cấp có thể dẫn đến tình trạng giảm oxi máu trơ hoặc tăng CO2 không đáp ứng điều trị.

7. Dự phòng suy hô hấp cấp

Điều trị các bệnh lý nguyên nhân gây suy hô hấp cấp:

  • Suy tim.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.
  • Điều trị kháng sinh sớm khi nghi ngờ viêm phổi do vi khuẩn, điều trị thuốc kháng virus khi nghi ngờ viêm phổi do virus.
  • Hạn chế tối đa các chấn thương ngực trong khi tham gia giao thông, trong lao động và sinh hoạt.

Suy hô hấp