Hệ hô hấp bao gồm một tập hợp các cơ quan có nhiệm vụ trao đổi khí, qua đó đưa oxi vào máu và loại bỏ carbon dioxide ra khỏi cơ thể. Khi hít vào, oxi sẽ được hấp thu vào máu rồi được vận chuyển đến các cơ quan, tổ chức trong cơ thể. Oxi đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì các chức năng cần thiết của cơ thể.

Tìm hiểu về bệnh suy hô hấp mạn tính

Khi thở ra, sẽ giải phóng khí carbon dioxide ra khỏi cơ thể. Carbon dioxide là sản phẩm thải được tạo ra trong các phản ứng hóa học trong cơ thể. Nếu nồng độ carbon dioxide trong máu cao, chúng có thể gây ảnh hưởng xấu đến các cơ quan trong cơ thể, do đó, việc loại bỏ carbon dioxide là rất cần thiết.

Suy hô hấp xảy ra khi hệ hô hấp bị rối loạn trong quá trình trao đổi khí, trong đó phổi không có khả năng hấp thu oxi hoặc không loại bỏ carbon dioxide ra khỏi cơ thể hoặc cả hai, tức vừa không hấp thu được oxi và vừa không loại bỏ được carbon dioxide. Suy hô hấp có thể là cấp hoặc mạn tính.

Suy hô hấp cấp tính là tình trạng tình trạng bệnh lý xảy ra đột ngột và thường cần được cấp cứu y tế. Suy hô hấp mạn tính lại là tình trạng bệnh lý phát triển dần dần theo thời gian và đòi hỏi phải điều trị lâu dài.

1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây suy hô hấp mạn tính

Những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh suy hô hấp mạn tính

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy hô hấp mạn tính như:

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Viêm phổi do các nguyên nhân
  • Bệnh xơ nang phổi
  • Chấn thương tủy sống
  • Đột quỵ
  • Loạn dưỡng cơ
  • Chấn thương ngực
  • Bệnh tim mạch
  • Tràn dịch màng phổi
  • Hen phế quản
  • Hút thuốc lá kéo dài
  • Nghiện rượu

2. Triệu chứng của suy hô hấp mạn tính

Triệu chứng của suy hô hấp mạn tính

Tím và khó thở:

Tím xuất hiện độ bão hòa oxi máu động mạch (SaO2) giảm xuống dưới 85% (bình thường trên 95%). Còn khó thở khi thiếu oxi đã nặng (nặng từ từ do tiến triển tự nhiên của bệnh nào đó hay đột ngột do bội nhiễm).

Rối loạn ý thức:

Rối loạn ý thức và hành vi xảy ra khi phân áp khí CO2 (PaCO2) trên 50- 55mmHg. Dễ kích động, nhức đầu, rối loạn ý thức có thể sảng khoái hay ủ rũ, thậm chí hôn mê do tăng CO2.

Dấu hiệu bệnh tim phổi mạn tính:

  • Do thiếu oxi và do tăng khí CO2: Có biểu hiện tím da, tím môi, tím đầu chi, suy thất phải.
  • Khó thở, thở nhanh nông kèm lồng ngực giãn rộng có mục đích bù trừ thiếu oxi.
  • Dấu hiệu co kéo cơ hô hấp chứng tỏ có gia tăng áp lực âm màng phổi do nghẽn đường hô hấp.
  • Thở ra môi khép chặt: Mục đích làm giảm hiệu số áp lực giữa phế nang và miệng làm giảm bớt sự xẹp các phế quản.
  • Lồng ngực giãn hình thùng

3. Cận lâm sàng

Chẩn đoán cận lâm sàng

Thăm dò chức năng hô hấp:

  • Là thủ thuật quan trọng và rất có giá trị để chẩn đoán suy hô hấp mạn tính.
  • Trong suy hô hấp mạn tắc nghẽn: Có giảm FEV1, FEV1/FCV.
  • Trong suy hô hấp mạn hạn chế: Các thể tích phổi giảm, dung tích phổi toàn phần (CPT) giảm, độ giãn phổi giảm.

Xét nghiệm khí máu động mạch:

  • Cũng rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh suy hô hấp mạn tính
  • Được gọi là suy hô hấp mạn khi PaO2 dưới 65-70mmHg và PaCO2 trên 45mmHg.
  • Trong suy hô hấp mạn vừa: PaO2 còn lớn hơn 60 mmHg, PaCO2 còn nhỏ hơn 50mmHg, SaO2 = 90%, kèm theo pH máu và HCT bình thường.
  • Trong suy hô hấp mạn nặng: PaO2 nhỏ hơn 60 mmHg, PaCO2 < 50mmHg, SaO2 < 90%, kèm pH thấp và HCT tăng.

Điện tâm đồ: Giúp chẩn đoán các bệnh lý tim mạch kèm theo

Đo áp lực động mạch phổi trước mao mạch: Nhạy hơn tâm điện đồ, bình thường từ 13-18mmHg, được đo trực tiếp và ngoài mỗi đợt cấp hay bội nhiễm.

Chụp X-quang hay CT scan để có thể quan sát phổi tốt hơn, có thể cho thấy nguyên nhân gây ra bệnh suy hô hấp mạn tính.

4. Điều trị suy hô hấp mạn tính

Điều trị suy hô hấp mạn tính

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, mà có biện pháp điều trị khác nhau.

Các biện pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Liệu pháp oxi: Liệu pháp oxi có thể sử dụng là thở oxi gọng kính, qua mask, qua ống thở… khi có sự suy giảm oxi máu.
  • Mở khí quản: Trong trường hợp suy hô hấp mãn tính nghiêm trọng, bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp mở khí quản. Ống được đưa vào bằng cách phẫu thuật tại vị trí trước cổ. Ống dẫn này có thể được đặt tạm thời hoặc vĩnh viễn.
  • Thông khí cơ học: Nếu các phương pháp khác không có hiệu quả, bác sĩ có thể sử dụng máy thở.

Một số biện pháp điều trị dè dặt:

  • Dùng thuốc corticoide: Sử dụng trong hen phế quản nặng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Thuốc trợ tim: Digoxine khi có suy tim, tuy nhiên dễ gây loạn nhịp như vậy có hại hơn là có lợi.
  • Lợi tiểu: Như Furosemide có thể gây nhiễm kiềm, gây ức chế trung tâm hô hấp (nhiễm kiềm là do tăng thải ion hydro và tái hấp thu bicarbonat).
  • Dùng kháng sinh trong nhiễm trùng đường hô hấp hoặc nhiễm trùng cơ quan khác.
  • Thuốc ức chế ngưng kết tiểu cầu, giúp dự phòng đông máu trong lòng mạch.

5. Dự phòng suy hô hấp mạn tính

  • Điều trị sớm và triệt để các bệnh lý nhiều trùng đường hô hấp
  • Tiêm phòng vaccine cúm mùa hàng năm, vaccine phòng các bệnh viêm phổi do các vi khuẩn hoặc virus khác.
  • Bỏ hút thuốc lá (nếu có), với người không hút thuốc là thì tránh xa khói thuốc lá
  • Hạn chế tiếp xúc với khói, bụi các loại, hóa chất, dung môi hữu cơ
  • Có chế độ ăn phù hợp, lành mạnh, tránh thời cân béo phì
  • Tập thể dục thường xuyên, mỗi ngày ít nhất 60 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

Suy hô hấp