Tóm tắt nội dung
Bệnh tâm thần phân liệt tiến triển mạn tính, dần dần sa sút, mất khả năng lao động, gặp khó trong sinh hoạt, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bệnh tâm thần phân liệt chiếm khoảng 1% dân số, gặp ở cả nam và nữ với tỉ lệ ngang nhau, không phụ thuộc vào vị trí địa lí, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhóm tuổi có tỉ lệ khởi phát cao nhất ở nam là 20-28, ở nữ là 26-32, bệnh hiếm khi khởi phát trước 10 tuổi hoặc sau 60 tuổi.
1. Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt
Yếu tố gen di truyền
Mặc dù gen gây bệnh nằm ở đâu vẫn chưa rõ, nhưng các tác giả đều thống nhất rằng bệnh tâm thần phân liệt không phải do một gen gây ra, mà do tổ hợp nhiều gen. Các gen này nằm tại các vị trí khác nhau của các nhiễm sắc thể số 6, 8, 10, 13 và 22.
Yếu tố dopamin
Các tác giả cho rằng rối loạn về gen di truyền dẫn đến tăng hoạt động của hệ dopamin, hậu quả là gây ra các triệu chứng loạn thần trong bệnh tâm thần phân liệt.
Sự hoạt động quá mức hệ thống dopamin trong bệnh tâm thần phân liệt biểu hiện ở 2 mặt sau:
- Tăng sự nhạy cảm của các thụ thể dopamin ở vỏ não và các nhân dưới vỏ.
- Tăng nồng độ dopamin (đến 300%) ở khe synap thần kinh hệ dopamin.
Giả thiết này căn cứ vào hai bằng chứng sau:
- Các thuốc an thần ức chế các thụ thể dopamin ở não có tác dụng điều trị bệnh tâm thần phân liệt.
- Các thuốc làm tăng hoạt tính của dopamin như amphetamin, cocain thì gây ra các triệu chứng loạn thần giống như tâm thần phân liệt.
2. Triệu chứng bệnh tâm thần phân liệt
2.1. Triệu chứng dương tính
Hoang tưởng
Hoang tưởng là triệu chứng loạn thần cơ bản của bệnh tâm thần phân liệt. Hoang tưởng phải có các đặc trưng sau:
- Sai lầm.
- Cố định trên người bệnh.
- Chi phối hành vi của người bệnh.
- Không phải là các niềm tin tôn giáo phổ biến.
- Mất hoàn toàn khả năng phê phán (nghĩa là không bao giờ thừa nhận ý nghĩ của mình là sai lầm).
Nội dung hoang tưởng có thể bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, hay gặp nhất trong tâm thần phân liệt là:
- Hoang tưởng bị hại: tin rằng họ bị hành hạ, bị tra tấn, đầu độc, sẽ bị giết bởi một người hoặc một thế lực nào đó.
- Hoang tưởng liên hệ: tin rằng một số sách báo, bài bình luận, bài hát hoặc một số thông tin khác ở bên ngoài ám chỉ họ dưới các hình thức đặc biệt.
- Hoang tưởng bị kiểm tra, chi phối: tin rằng có một người hoặc một thế lực nào đó đang chi phối mình bằng các phương tiện đặc biệt.
- Các hoang tưởng kỳ quái: hoang tưởng được coi là kì quái nếu như chúng rất lập dị, không phù hợp và không phải là kết quả của mọi kinh nghiệm trong cuộc sống.
Ảo giác
Ảo giác là tri giác không có đối tượng, ảo giác có thể ở bất kỳ giác quan nào (ví dụ ảo thanh, ảo thị, ảo khứu, ảo xúc, ảo vị giác) nhưng ảo thanh là hay gặp nhất và có giá trị chẩn đoán cao cho tâm thần phân liệt.
Ảo thanh có ở 60-70% số trường hợp tâm thần phân liệt. Người bệnh nghe thấy những tiếng nói không có thật, nhưng được cho là thật. Chúng thường được chia làm ảo thanh thật và ảo thanh giả.
Nội dung của ảo thanh có thể rất khác nhau, căn cứ vào nội dung người ta chia làm các loại ảo thanh sau:
- Ảo thanh bình phẩm là tiếng người khen hoặc chê bai, nhưng xúc phạm hoặc đe dọa người bệnh là hay gặp nhất.
- Ảo thanh xui khiến, ra lệnh: là tiếng nói xui khiến hoặc ra lệnh cho người bệnh phải làm một việc gì đó. Thông thường, người bệnh không thể cưỡng lại các mệnh lệnh của ảo thanh đưa ra.
- Ảo thanh là tiếng người trò chuyện với người bệnh: nói chuyện với ảo thanh (giống như ta nói chuyện qua điện thoại) mà người ngoài có thể thấy người bệnh nói chuyện một mình to thành tiếng.
- Ảo thanh là 2 hay nhiều giọng nói đối thoại với nhau hoặc giọng nói bình phẩm về ý nghĩ và hành vi của người bệnh.
Ảo thị giác: là những hình ảnh không có thật nhưng được người bệnh nhìn thấy như thật. Ảo thị giác gặp ở 10% số trường hợp, chúng ít có giá trị chẩn đoán cho bệnh tâm thần phân liệt hơn ảo thanh.
Các ảo thị có thể có nội dung dễ chịu, vui vẻ; tuy nhiên, các ảo thị thường là các hình ảnh ghê sợ làm cho người bệnh lo lắng và sợ hãi. Người bệnh có thể có các hành vi nguy hiểm như đánh người, tự sát do sự chi phối của ảo thị.
Ảo xúc giác: ít gặp trong tâm thần phân liệt và ít có giá trị chẩn đoán cho bệnh này. Có cảm giác có các con côn trùng bò dưới da, có con rắn đang bò trong dạ dày bệnh nhân…
Ngôn ngữ thanh xuân
Ngôn ngữ thanh xuân là một triệu chứng rất có giá trị chẩn đoán trong tâm thần phân liệt. Triệu chứng này thường chỉ gặp trong tâm thần phân liệt thể thanh xuân. Người bệnh có tư duy (lời nói) rất hỗn loạn, kỳ dị, khó hiểu.
Hành vi thanh xuân
Hành vi thanh xuân là rối loạn hành vi nặng, rất có giá trị chẩn đoán cho tâm thần phân liệt. Triệu chứng này hay gặp trong tâm thần phân liệt thể thanh xuân và thể không biệt định.
Các hành vi này có thể biểu hiện ở các mức độ khác nhau, từ đi lại không ngừng đến kích động. Các hành vi này thường là rất lố lăng, hời hợt, kỳ dị, khó hiểu.
Hành vi căng trương lực
Hành vi căng trương lực bao gồm:
- Sững sờ căng trương lực: là sự giảm sút rõ ràng các phản ứng lại mọi tác động của môi trường. Một số trường hợp đạt đến mức độ vô thức quá mức, như giữ ở một tư thế rất lâu.
- Kích động căng trương lực: là kích động do căng trương lực cơ, các kích động này rất lố lăng, kỳ quái nhưng chỉ xuất hiện trong không gian hẹp (trên giường, trong phòng) chứ không xảy ra trong không gian rộng như hưng cảm.
- Phủ định căng trương lực là chống lại mọi tác động bên ngoài. Ví dụ: khi ta kéo tay người bệnh ra thì họ co tay chống lại.
- Uốn sáp căng trương lực là giữ lâu ở một số vị trí vô lý và kỳ lạ (ví dụ: khi ta đưa tay người bệnh lên đầu làm tư thế chào, sẽ giữ nguyên tư thế đó hàng tiếng đồng hồ). Trong lâm sàng, thường làm nghiệm pháp gối không khí, người bệnh có thể giữ đầu ở tư thế không chạm xuống giường trong nhiều chục phút.
- Nếu tình trạng căng trương lực quá nặng, sẽ không đáp ứng với các kích thích bên ngoài mà chỉ nằm im một chỗ.
2.2. Các triệu chứng âm tính
Triệu chứng âm tính của tâm thần phân liệt rất hay gặp, chúng là nền tảng của bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, chúng rất kín đáo, khó phát hiện. Sau một vài năm bị bệnh, các triệu chứng này ngày càng rõ ràng và đến giai đoạn di chứng thì chỉ còn các triệu chứng âm tính mà thôi.
Có 3 triệu chứng âm tính chính trong tâm thần phân liệt, đó là: vô cảm xúc, ngôn ngữ nghèo nàn và mất ý chí.
Cùn mòn cảm xúc
Người bệnh có nét mặt đơn điệu, không thay đổi, không sinh động như vốn có của mình. Bệnh nhân giảm sút sự tiếp xúc bằng ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể. Tuy nhiên một người bệnh cùn mòn cảm xúc đôi khi có thể cười, có nét mặt sinh động, nhưng biểu hiện cảm xúc của họ giảm sút rõ ràng trong phần lớn thời gian còn lại.
Khi bệnh tâm thần phân liệt đã chuyển thành thể di chứng, cùn mòn cảm xúc sẽ phát triển thành vô cảm. Lúc này, không hề biểu hiện cảm xúc vui buồn, cáu giận… với bất kì một sự vật, hiện tượng nào ngoài môi trường.
Ngôn ngữ nghèo nàn
Nghèo nàn lời nói thể hiện bởi các câu trả lời cộc lốc, ngắn cụt ngủn. Có thể có giảm sút lượng suy nghĩ, điều đó phản ánh sự giảm sút quá trình ảnh hưởng và tạo ra ngôn ngữ.
Mất ý chí
Mất ý chí là sự giảm sút hoạt động định hướng về một mục đích nào đó. Người bệnh mất hết sáng kiến, mất động cơ, hoạt động không hiệu quả. Các thói quen nghề nghiệp cũ mất dần đến nỗi bệnh nhânh không muốn làm bất kỳ việc gì nữa. Do vậy họ giảm sút khả năng lao động, mất việc làm dẫn đến lối sống ngày càng suy đồi, không muốn làm gì, chỉ nằm lỳ một chỗ.
4. Điều trị tâm thần phân liệt
Điều trị bằng thuốc
- Haloperidol: đây là thuốc an thần cổ điển, đa năng, có hiệu quả cao cho các triệu chứng loạn thần và dương tính như hoang tưởng, ảo giác, căng trương lực. Thuốc có nhiều tác dụng phụ như ngoại tháp, vì vậy bắt buộc phải dùng kết hợp với trihex hoặc pipolphen.
- Olanzapin: là thuốc an thần mới, có tác dụng chống loạn thần mạnh, giải lo âu, gây ngủ, chống trầm cảm nhẹ. Thuốc có hiệu quả tốt cả trên các triệu chứng dương tính (sau 4-6 tuần) và triệu chứng âm tính (sau 6-12 tháng).
- Đóng viên 5mg, 7,5mg và 10mg. Liều dùng từ 5-20mg, liều trung bình 10mg/ngày, uống buổi tối trước khi đi ngủ.
Sốc điện
Liệu pháp sốc điện là biện pháp điều trị tấn công cho tâm thần phân liệt hiệu quả và an toàn nhất. Sốc điện có kết quả ngay cả với các trường hợp tâm thần phân liệt kháng thuốc.
Tâm thần phân liệt