Bạch cầu còn được gọi là tế bào miễn dịch, là một thành phần của máu, có chức năng giúp cho cơ thể chống lại các vi sinh vật gây bệnh và các vật thể lạ trong máu. Bạch cầu kích thước khá lớn, có nhân, ngoài máu ra, bạch cầu còn tìm thấy với số lượng lớn trong các hạch, mạch bạch huyết, lách và các mô khác trong cơ thể.

Các loại bạch cầu rất quan trọng đối với sức khỏe, là một phần của hệ thống miễn dịch. Bạch cầu được chia thành ba loại chính là bạch cầu dòng hạt, bạch cầu đơn nhân và bạch cầu lympho. Mỗi loại có số lượng và vai trò khác nhau trong việc bảo vệ cơ thể.

Bạch cầu

Bạch cầu hạt:

Bạch cầu hạt đặc trưng bởi các hạt nhuộm màu khác nhau trong tế bào chất được quan sát dưới kính hiển vi quang học

Có khả năng thay đổi hình dạng, xuyên mạch qua vách giữa các tế bào và chuyển động có hướng bằng chân giả.

Có khả năng thực bào, ẩm bào, có khả năng đáp ứng với những kích thích hóa học như một số chất của phản ứng viêm hoặc do vi khuẩn tạo ra, hoặc những chất hoá học được đưa từ ngoài vào cơ thể….

Bạch cầu hạt lại được chia ra làm 3 loại đó là: bạch cầu đa nhân trung tính, bạch cầu ái toan và bạch cầu ái kiềm.

Chỉ số bình thường của bạch hạt là:

  • Bạch cầu đa nhân trung tính: từ 3 - 7 G/L, chiếm tỷ lệ 50 - 75%.
  • Bạch cầu ái toan: từ 0 - 0.7 G/L, tỷ lệ 0 - 7%.
  • Bạch cầu ái kiềm: 0.0 - 0.2 G/L, tỷ lệ 0 – 2.5%.

Bạch cầu đơn nhân:

Bạch cầu đơn nhân

  • Bạch cầu đơn nhân còn gọi là bạch cầu mono, thuộc loại bạch cầu không hạt
  • Có chức năng phát hiện và tiêu diệt các yếu tố lạ, các yếu tố có nguy cơ xâm hại đến các tế bào
  • Số lượng: 0.0 – 0.9 G/L, tỷ lệ 4 – 8 %

Bạch cầu lympho:

  • Được tạo ra từ tủy xương và lưu thông trong máu cũng như bạch huyết, thuộc loại bạch cầu không hạt.
  • Chức năng quan trọng là sản xuất các kháng thể miễn dịch hoặc kích hoạt các tế bào trong hệ miễn dịch, kiểm soát miễn dịch với chất lạ. 
  • Số lượng: 0.6 – 3.4 G/L, tỷ lệ 19 – 48%.

1. Nguyên nhân dẫn đến tăng bạch cầu đơn nhân

Nguyên nhân dẫn đến tăng bạch cầu đơn nhân
  • Tăng bạch cầu đơn nhân thường do nhiễm trùng mạn tính hoặc bán cấp
  • Các trường hợp stress sinh lý cấp, đáp ứng miễn dịch cũng làm tăng bạch cầu đơn nhân
  • Ngoài ra, tình trạng này còn có thể xảy ra khi đang hồi phục sau một đợt nhiễm trùng cấp hoặc liên quan đến rối loạn máu nguy hiểm như bệnh bạch cầu
  • Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tăng bạch cầu đơn nhân, bao gồm mắc các bệnh lý viêm mạn tính, đang bị nhiễm các loại virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, do sử dụng các loại thuốc chống loạn thần ziprasidone, thuốc kích thích dòng bạch…

2. Chẩn đoán tăng bạch cầu đơn nhân

Chẩn đoán tăng bạch cầu đơn nhân khá đơn giản, chỉ cần xét nghiệm tế bào máu ngoại vi là xác định được khá chính xác số lượng bạch cầu.

3. Điều trị tăng bạch cầu đơn nhân

Điều trị tăng bạch cầu đơn nhân

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tăng bạch cầu đơn nhân mà có biện pháp điều trị khác nhau.

  • Nếu nguyên nhân do nhiễm khuẩn thì điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, khi hết nhiễm khuẩn thì số lượng bạch cầu sẽ về bình thường.
  • Nếu tăng do liên quan đến tình trạng căng thẳng, stress kéo dài thì nên đi khám chuyên khoa tâm thần kinh để điều trị
  • Nếu tăng liên quan đến tình trạng bệnh lý tự miễn, bệnh bạch cầu… thì phải đi khám chuyên khoa để được bác sĩ khám và chẩn đoán xác định, điều trị phù hợp.

4. Dự phòng tăng bạch cầu đơn nhân

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:

  • Có chế độ ăn hợp lý, lành mạnh, nhiều rau củ quả và các chất chống oxy hóa
  • Hạn chế thức ăn đóng hộp chứa chất bảo quản, chất béo bão hòa, thức ăn có nhiều dầu mỡ.
  • Thường xuyên thể dục thể thao để có sức khỏe chống lại những tác nhân gây bệnh ngoài môi trường.
  • Hạn chế hút thuốc lá hoặc bỏ thuốc nếu có thể.
  • Vệ sinh sạch sẽ, luôn rửa tay trước khi ăn.
  • Có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý để giảm bớt sự căng thẳng quá mức.
  • Tiêm phòng đầy đủ, khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh và điều trị kịp thời.

Tăng bạch cầu đơn nhân