Tóm tắt nội dung
Điểm vàng là một phần của võng mạc, nằm ở phía sau của nhãn cầu, là nơi tập trung rất nhiều tế bào nhạy cảm ánh sáng. Chúng có nhiệm vụ tiếp nhận và dẫn truyền các tín hiệu thu được về hệ thần kinh để tái tạo thành các hình ảnh mà ta thấy được. Điểm vàng chủ yếu chịu trách nhiệm cho thị lực ở trung tâm. Do đó, khi bị bệnh sẽ làm giảm khả năng nhìn ở vùng này.
Thoái hóa điểm vàng mắt còn gọi là thoái hóa hoàng điểm là tên gọi chung chỉ nhóm bệnh thoái hóa võng mạc mạn tính. Chúng xảy ra khi các tế bào nhạy cảm ánh sáng bị tổn thương và chết đi, làm cho thị lực bị ảnh hưởng. Bệnh gây giảm thị lực vùng trung tâm, hình ảnh bị biến dạng, mờ, méo mó.
Thoái hóa điểm vàng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy giảm thị lực không hồi phục ở người cao tuổi. Bệnh hoàn toàn không có biểu hiện trên lâm sàng trong giai đoạn sớm. Người mắc bệnh thoái hóa điểm vàng thường gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày có đòi hỏi thị lực trung tâm, chẳng hạn như đọc sách hoặc lái xe.
1. Nguyên nhân gây thoái hóa điểm vàng
Có hai loại thoái hóa điểm vàng là thể khô và thể ướt:
- Thể khô: Phần lớn thoái hóa điểm vàng là thể khô, chiếm đến 80% các trường hợp, xảy ra khi điểm vàng bị mỏng dần đi theo tuổi. Bệnh diễn biến từ từ, tăng dần, chủ yếu gặp ở người cao tuổi, nên còn được gọi là thoái hóa điểm vàng do lão hóa.
- Thể ướt: Ít gặp hơn nhưng nếu gặp thì lại nặng hơn, loại này xảy ra khi các mạch máu phát triển một cách bất thường ở phía bên dưới võng mạc, gây rò rỉ máu và dịch tạo ra những điểm mù ở vùng trung tâm, làm biến dạng hình ảnh nhìn thấy được. Cuối cùng, hình thành các vết sẹo ở điểm vàng.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến thoái hóa điểm vàng:
- Tuổi tác: Bệnh thường xảy ra sau 50 tuổi, tuổi càng cao nguy cơ mắc càng lớn
- Thừa cân, béo phì, ít vận động
- Rối loạn chuyển hóa như mắc tiểu đường, cường giáp
- Rối loạn chuyển hóa lipid máu
- Chế độ ăn có nhiều chất béo bão hòa (như thịt, bơ, phô mai,…)
- Hút thuốc lá, nghiện rượu
- Tăng huyết áp
2. Triệu chứng của thoái hóa điểm vàng
Ở giai đoạn sớm, thoái hóa điểm vàng thường không biểu hiện triệu chứng gì, nhiều trường hợp phát hiện tình cờ khi khám mắt định kỳ.
Ở giai đoạn bệnh tiến triển hoặc ảnh hưởng cả hai mắt, có thể có các biểu hiện:
- Nhìn mờ vùng trung tâm, tăng dần theo thời gian
- Hình ảnh không còn sắc nét, mờ, méo mó
- Suy giảm hoặc thay đổi nhận thức về màu sắc
- Thoái hóa điểm vàng không có triệu chứng đau hay nhức mắt
3. Chẩn đoán thoái hóa điểm vàng
Thoái hóa điểm vàng có thể phát hiện được thông qua kiểm tra mắt toàn diện, bao gồm:
- Đo thị lực: Sử dụng bảng đo thị lực để kiểm tra khả năng nhìn của mắt ở các khoảng cách khác nhau.
- Soi đáy mắt: Bác sĩ nhãn khoa sẽ nhỏ thuốc giúp mở rộng hoặc làm giãn đồng tử, sau đó sử dụng một kính lúp đặc biệt kiểm tra võng mạc và dây thần kinh thị giác nhằm tìm kiếm các dấu hiệu của thoái hóa điểm vàng cũng như các vấn đề về mắt khác.
- Đo nhãn áp: Sử dụng một dụng cụ giúp đo áp suất bên trong mắt, có thể đo bằng phương pháp tiếp xúc hoặc không tiếp xúc.
- Dùng lưới Amsler: Yêu cầu người bệnh che 1 mắt lại rồi nhìn vào tờ giấy kẻ caro như một bàn cờ. Nếu bị thoái hóa điểm vàng, người bệnh sẽ nhìn thấy hình ảnh lượn sóng hoặc một số đường bị thiếu.
- Chụp OTC: Hình ảnh sẽ hiển thị vị trí chính xác nếu có sự xuất hiện của cách mạch máu mới, xuất huyết hoặc chảy dịch trong điểm vàng.
4. Điều trị thoái hóa điểm vàng
Thoái hóa điểm vàng thể khô thường do lão hóa theo tuổi, nên hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Có thể dùng thuốc bổ sung kẽm, Vitamin A, C, E, B2 liều cao để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.
- Vitamin A: Là những chất chống oxy hóa giúp duy trì hoạt động của nhiều mô và màng ở mắt
- Vitamin C và vitamin E: Giúp bảo vệ tế bào và mô của mắt khỏi tấn công của các gốc tự do
- Vitamin B2: Giúp khôi phục chức năng cơ thị giác, tăng cường thị lực
- Kẽm: Tập trung nhiều ở vùng võng mạc, giúp bảo vệ và tăng cường thị lực ở mắt
- Omega 3: Bản chất là một acid béo không bão hòa, là thành phần cấu tạo võng mạc, giúp tăng cường thị lực, bảo vệ mắt.
Thoái hóa điểm vàng thể ướt, hiện cũng chưa có phương pháp nào có thể đảo ngược quá trình thoái hóa. Một số phương pháp được sử dụng để ngăn bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn gồm:
Sử dụng thuốc điều trị thoái hóa điểm vàng như:
- Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu là một protein có vai trò kích thích hình thành các mạch máu mới, giúp tăng tính thấm thành mạch và cung cấp oxy cho các mô.
- Các thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu: Là những kháng thể đơn dòng, tác dụng ức chế sự hình thành yếu tố tăng trưởng nội mô, giúp ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới, ngăn chặn sự chảy máu và chảy dịch từ các mạch máu bất thường trong mắt.
Các biện pháp can thiệp:
- Liệu pháp laser quang động võng mạc: Phương pháp này sử dụng laser lạnh kết hợp với thuốc cảm quang nhẹ, giúp khép các tân mạch bất thường mà không để lại sẹo.
- Trị liệu bằng laser: Sử dụng chùm laser năng lượng cao phá hủy các tân mạch bất thường phát triển trong thoái hóa điểm vàng.
- Phẫu thuật: Trong một số thể thoái hóa điểm vàng thể ướt phải phẫu thuật mới có thể cải thiện được.
- Cải thiện tầm nhìn: Các thiết bị có ống kính đặc biệt tạo hình ảnh phóng to của các vật thể giúp những người bị thoái hóa điểm vàng có thể sử dụng tối đa tầm nhìn còn lại.
- Sử dụng các thuốc và chế độ ăn giàu vitamin, khoáng chất tương tự như điều trị thoái hóa điểm vàng thể khô để tăng cường dinh dưỡng cho mắt.
Thoái hóa điểm vàng-võng mạc