Tam giác đùi còn gọi là tam giác Scarpa nằm ở phần trên của mặt trước trong đùi, chứa đoạn trên của động mạch đùi. Tam giác giới hạn bởi 3 cạnh, cạnh trên là dây chằng bẹn, cạnh ngoài là cơ may, cạnh trong là bờ trong cơ khép dài đùi.

1. Nguyên nhân gây thoát vị đùi

Nguyên nhân gây thoát vị đùi

Cho đến nay, không có nghiên cứu nào chỉ ra rõ nguyên nhân thoát vị đùi. Một số trường hợp thoát vị đùi bẩm sinh nhưng đến tuổi trưởng thành mới bắt đầu có biểu hiện triệu chứng nhưng nói chung là rất hiếm.

Một số nguyên nhân được cho là gây ra thoát vị đùi:

  • Cơ thành bụng yếu ở phụ nữ do mang thai nhiều lần.
  • Khung chậu co giãn ít trong quá trình sinh đẻ
  • Người thừa cân, táo bón kéo dài, gắng sức khi đi đại tiện, ho nhiều, nâng vật nặng nhiều…

2. Biểu hiện triệu chứng của thoát vị đùi

Biểu hiện triệu chứng của thoát vị đùi

Triệu chứng thoát vị đùi rất khác nhau, tùy mức độ và giai đoạn. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Đau vùng bụng dưới, ở phía đùi bị thoát vị, đau âm ỉ, có thể quẳn lên từng cơn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khối thoát vị sa xuống đùi nhưng không gây đau.
  • Xuất hiện khối phình to ở đùi, có thể xuất hiện tự nhiên nhưng thường xuất hiện sau khi đi lại nhiều, khi rặn mạnh hay sau khi bê vác nặng. Khối phình này có thể to hơn khi đứng lên, nhỏ hơn khi nằm và gây đau trong mặt đùi.
  • Khi khối thoát vị là ruột bị nghẹt thì có biểu hiện tắc ruột, với các triệu chứng đau bụng từng cơn, buồn nôn, nôn nhiều, bí trung đại tiện. Khám bụng có thể thấy quai ruột nổi, di chuyển trên thành bụng (dấu hiệu rắn bò). Vị trí đùi bị thoát vị sưng to, sờ vào đau dữ dội.
  • Có thể phù chân bên thoát vị
  • Nhiều khi khối thoát vị sa xuống sau một động tác như rặn mạnh, ho, hắt hơi rồi tự lên được. Trường hợp này thường không gây đau, nhưng có thể sờ thấy khối thoát vị ở mặt trước đùi.

Khám thực thể khối thoát vị có đặc điểm:

  • Có hình tròn hoặc bầu dục, không to lắm và nằm ở dưới nếp lằn bẹn.
  • Có tính chất mềm, không đau.
  • Có thể nắn nhỏ lại được hoặc làm khối phồng mất đi, nhưng không dễ dàng như thoát vị bẹn.
  • Gõ vang, nghe tiếng óc ách nếu là ruột chui xuống.
  • Bắt được mạch: Động mạch bẹn ở phía ngoài khối phồng.

3. Chẩn đoán phân biệt bệnh thoát vị đùi

Chẩn đoán phân biệt bệnh thoát vị đùi

Thoát vị đùi cần chẩn đoán phân biệt với:

Thoát vị bẹn:

  • Thoát vị đùi chủ yếu ở phụ nữ, khối phồng thường có kích thước nhỏ.
  • Khối phồng của thoát vị bẹn ở trên nếp lằn bẹn, còn khối phồng của thoát vị đùi ở dưới nếp lằn bẹn (dưới cung đùi), Ở những bệnh nhân béo, việc xác định cung đùi gặp nhiều khó khăn, khi đó phải kẻ một đường từ gai mu đến gai chậu trước trên gọi là đường Malgaigne. Thoát vị đùi khối phồng ở dưới đường Malgaigne, thoát vị bẹn thì khối phồng ở trên đường này.

Viêm hạch bẹn: Thường kèm theo sốt, sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ sưng, xét nghiệm máu có bạch cầu tăng.

Áp xe lạnh: Khối phồng là chất dịch tụ lại, ở phía ngoài động mạch đùi (vì dịch của lao cạnh cột sống theo cơ thắt lưng chậu xuống đùi).

Khối phồng tĩnh mạch:

Khối phồng cũng to lên khi rặn, khi ho hoặc khi đi lại, ấn cũng mất đi, tuy nhiên có đặc điểm:

  • Kèm theo giãn tĩnh mạch chi dưới.
  • Khối phồng mềm, ấn nhỏ lại, nhưng khi bỏ tay ra khối phồng lại xuất hiện nhanh.
  • Đè một ngón tay phía dưới chỗ phồng, thì nó nhỏ lại, nhưng nếu đè ngón tay ở phía trên, thì khối phồng lại to dần ra.

Nếu khối phồng không xẹp được, cần phân biệt với:

  • U mỡ: Không đau, không đẩy vào ổ bụng được.
  • Dãn tĩnh mạch chi dưới: Dãn tĩnh mạch ở dọc chi, suốt dưới từ trên xuống dưới, dễ bị xẹp hẳn khi nằm.
  • Túi phồng động mạch vùng bẹn hoặc nang vùng bẹn.

4. Điều trị thoát vị đùi

Điều trị thoát vị đùi
  • Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị triệt để thoát bị đùi
  • Đeo băng: Trước khi phẫu thuật hoặc trường hợp chưa thể phẫu thuật thì có thể đeo băng. Đeo băng cũng được áp dụng với những người già, yếu, không có khả năng phẫu thuật.
  • Trường hợp thoát vị nghẹt: Phải mổ cấp cứu, nếu không phẫu thuật kịp thời thì có thể gây hoại tử, rất nguy hiểm.

5. Dự phòng thoát vị đùi

Để ngăn ngừa thoát vị đùi cần thực hiện biện pháp sau:

  • Chế độ ăn uống nhiều chất xơ và uống nhiều nước để ngăn chặn táo bón
  • Hạn chế rặn mạnh khi đi ngoài
  • Duy trì cân nặng cơ thể ở mức vừa phải, tránh thừa cân, béo phì
  • Hạn chế nâng những vật nặng.

Thoát vị đùi