Tóm tắt nội dung
Màng nhĩ là một màng ngăn cách giữa tai ngoài và tai giữa, có hình bầu dục, hơi lồi, giống như một hình nón với đỉnh quay vào trong, và nghiêng một góc 30 độ so với đáy ống tai. Màng nhĩ bình thường có màu trong nhưng hơi mờ, trắng sáng hay hơi xám hồng. Thông thường có thể nhìn xuyên qua màng nhĩ. Vai trò màng nhĩ là tiếp nhận âm thanh từ bên ngoài rồi chuyển thành xung động thần kinh truyền vào tai trong. Nhờ vậy mà chúng ta nghe được.
Thủng màng nhĩ là tình trạng có lỗ rách trong màng nhĩ, khi thủng màng nhĩ có thể dẫn đến mất thính giác hoặc làm cho tai giữa dễ bị nhiễm trùng. Thủng màng nhĩ thường lành trong vòng vài tuần và không cần điều trị nhưng đôi khi tình trạng này đòi hỏi phải phẫu thuật vá lại thì mới lành được.
1. Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ
Nhiễm trùng
- Viêm tai giữa: Là nguyên nhân thường gặp nhất, dẫn đến tích tụ dịch ở tai giữa, áp lực từ các chất lỏng này có thể khiến màng nhĩ vỡ ra.
- Viêm ống tai ngoài cũng có thể lan đến màng nhĩ, rồi gây viêm rồi thủng màng nhĩ.
Thay đổi áp suất
- Khi áp suất không khí ở tai giữa và bên ngoài chênh lệch quá cao sẽ tác động lên màng nhĩ, có thể gây thủng màng nhĩ.
- Các hoạt động có thể gây ra chênh lệch áp suất là: Lặn biển, đi máy bay, lái xe tốc độ cao, thổi trực tiếp vào tai
Âm thanh hoặc tiếng nổ lớn: Âm thanh lớn hoặc tiếng nổ lớn từ một vụ nổ hoặc tiếng súng có thể là nguyên nhân gây thủng màng nhĩ.
Dị vật trong tai: Các dị vật như tăm bông, kẹp tóc, que tăm, hạt thóc… rơi vào tai đều có thể gây thủng màng nhĩ.
Chấn thương: Động tác nội soi tai, lấy ráy tai…
Chấn thương sọ não: Các chấn thương nghiêm trọng như gãy nền sọ, có thể gây ra trật khớp hoặc tổn thương cấu trúc tai giữa và bên trong màng nhĩ.
2. Triệu chứng thủng màng nhĩ
- Đau là triệu chứng thường gặp khi thủng màng nhĩ, một số người cơn đau có thể nghiêm trọng, có thể kéo dài cả ngày hoặc có thể tăng hoặc giảm cường độ.
- Tai chảy chất dịch lỏng như nước, mủ hoặc có máu do màng nhĩ bị vỡ. Một vết thủng do nhiễm trùng tai giữa thường gây chảy máu.
- Mất hoặc giảm thích giác tạm thời, ù tai, chóng mặt, đau đầu…
- Các triệu chứng kèm theo như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi…
3. Chẩn đoán thủng màng nhĩ
Các triệu chứng của thủng màng nhĩ không có gì đặc hiệu cả, có thể gặp ở nhiều bệnh về tai khác.
Để chẩn đoán thủng màng nhĩ, bác sĩ thường căn cứ vào các tác nhân có thể gây ra thủng màng nhĩ, khám lâm sàng, quan sát bằng mắt thường, nội soi tai.
- Tác nhân có thể gây thủng màng nhĩ: Tiền sử viêm tai giữa, chấn thương, tiếp xúc với âm thanh hay tiếng nổ lớn, có dị vật trong tai, lấy ráy tai quá mạnh…
- Khám lâm sàng: Có mủ ở ống tai ngoài, sưng ống tai, sung huyết ống tai…
- Nội soi tai: Có thể quan sát chi tiết mặt ngoài màng nhĩ, thấy rõ tình trạng màng nhĩ bị thủng (nếu có)
4. Biến chứng của thủng màng nhĩ
Màng nhĩ có hai vai trò chính:
- Tiếp nhận sóng âm: Khi sóng âm thanh đến tai, màng nhĩ sẽ rung lên chuyển sóng âm thành các xung thần kinh giúp tế bào cảm nhận âm thanh ở tai trong.
- Bảo vệ tai: Màng nhĩ hoạt động như một hàng rào bảo vệ tai giữa khỏi nước, vi khuẩn và các dị vật khác từ bên ngoài.
Khi màng nhĩ bị thủng và không tự lành sau 3 đến 6 tháng sẽ kéo theo các biến chứng bao gồm:
- Mất thính giác: Thường mất thính giác là tạm thời. chỉ kéo dài cho đến khi lỗ thủng màng nhĩ đã lành, kích thước và vị trí của vết rách có thể ảnh hưởng đến mức độ mất thính lực.
- Viêm tai giữa: Màng nhĩ bị thủng có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào tai, nếu màng nhĩ bị thủng không lành sẽ dễ bị viêm tái phát hoặc mạn tính.
- U nang tai giữa: Là viêm tai giữa mạn tính trong hòm tai có biểu mô Malpighi sừng hóa, bệnh có thể phát triển ăn mòn và phá hủy các thành phần của tai giữa và các cấu trúc lân cận nên sẽ làm suy giảm sức nghe rõ rệt.
5. Điều trị thủng màng nhĩ
Thủng màng nhĩ không cần phải điều trị vì màng nhĩ có khả năng tự lành trong vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, để giúp màng nhĩ nhanh lành thì tai được giữ khô và không bị vi khuẩn xâm nhập.
Có thể sử dụng thuốc giảm đau bằng paracetamol hoặc ibuprofen nếu bị đau nhức hay khó chịu.
Nếu nguyên nhân do viêm tai giữa hoặc viêm ống tai ngoài, thì phải điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống, kết hợp với rửa tai, sát khuẩn tai.
Trường hợp thủng màng nhĩ nghiêm trọng ảnh hưởng đến thính lực thì có thể phải phẫu thuật vá màng nhĩ tại các cơ sở y tế.
6. Dự phòng thủng màng nhĩ
Thực hiện theo các phương pháp sau để tránh bị thủng màng nhĩ:
- Dự phòng các bệnh nhiễm trùng có nguy cơ gây viêm tai giữa, viêm ống tai ngoài
- Khám và điều trị sớm các bệnh viêm nhiễm vùng mũi họng như viêm họng, viêm amidan, viêm mũi xoang, viêm phế quản.
- Bảo vệ đôi tai trong chuyến bay, trong quá trình cất cánh và hạ cánh hãy hít sâu, thở mạnh, ngáp hoặc nhai kẹo cao su để cân bằng áp suất.
- Không cho vật lạ vào tai, không nên ngoáy tai bằng vật cứng
- Bảo vệ trẻ em khỏi các tác nhân có thể gây tổn thương tai, không nhét dị vật, hạt đậu, thóc, lạc hay bất kì vật gì vào tai.
- Bảo vệ tai tránh khỏi các tiếng nổ lớn: Tốt nhất là tránh xác các tiếng nổ lớn, nếu đặc thù công việc phải bắt buộc nghe những tiếng động mạnh, âm thanh lớn thì hãy bảo vệ tai bằng cách đeo nút tai hoặc nút bịt tai.
Thủng màng nhĩ