Tóm tắt nội dung
1. Bệnh tổ đỉa là gì?
Tổ đỉa hay chàm tổ đỉa, là một bệnh da liễu với biểu hiện đặc trưng là nổi mụn nước ở lòng bàn chân hoặc lòng bàn tay. Mụn rộp thường rất ngứa và mọng nước. Các mụn nước này thường tồn tại trong khoảng 3 tuần và đa số trường hợp là do dị ứng theo mùa hoặc căng thẳng.
Bệnh còn có thể phồng rộp, chảy nước trông rất sợ hãi. Nếu để lâu thì dễ dàng có thể lan rộng ra xung quanh và mọc thành từng cụm, từng đám ở trên tay. Khi mắc thì người bệnh thường sẽ có cảm giác ngứa, đau và có thói quen gãi. Điều này làm ảnh hưởng đến những vùng xung quanh.
Bệnh tổ đỉa hình thành các mụn nước có kích thước khoảng 1-2mm và có thể thuyên giảm sau gần 1 tháng nếu như được điều trị kịp thời. Tuy nhiên thì cũng không thể nào mà điều trị dứt điểm được bởi bệnh này sẽ tái đi tái lại nếu gặp điều kiện thuận lợi. Tình trạng bệnh cứ lặp đi lặp lại thì vùng da sẽ trở nên thô ráp, sần sùi gây mất thẩm mỹ.
Là một trong những bệnh ngoài da mạn tính có thể gặp ở mọi lứa tuổi và hay tái phát. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh không chỉ chịu đựng cảm giác ngứa ngáy khó chịu mà còn đối mặt với nguy cơ bội nhiễm, viêm mô tế bào hoặc viêm hạch bạch huyết.
2. Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa
Nguyên nhân gây ra bệnh tổ đỉa vẫn chưa được biết đến, có thể liên quan đến một rối loạn da tương tự gọi là viêm da cơ địa. Bệnh này có thể xuất hiện theo mùa ở những người bi viêm mũi dị ứng.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Giới: Nữ giới mắc bệnh nhiều gấp 2 lần so với nam giới
- Do yếu tố di truyền cũng như rối loạn chức năng nội tạng gây ra
- Căng thẳng: Xuất hiện nhiều hơn nếu bị căng thẳng thể chất và tinh thần
- Tiếp xúc với kim loại: Như coban và niken, thường là trong môi trường công nghiệp
- Tiếp xúc với yếu tố dị nguyên như phấn hoa, lông vật nuôi, thực phẩm, thuốc, hóa chất
- Sử dụng thuốc bôi ngoài da bừa bãi
- Da nhạy cảm: Những người bị phát ban sau khi tiếp xúc với một số chất kích thích có nhiều khả năng bị tổ đỉa
- Cơ địa dị ứng: Một số người bị viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng có nguy cơ cao bị tổ đỉa.
3. Triệu chứng bệnh tổ đỉa
Các triệu chứng của bệnh tổ đỉa như ngứa, mụn nước thường khiến người bệnh gãi, chà xát gây nhiễm khuẩn ngoài da, nổi hạch, thậm chí sốt... Ngoài ảnh hưởng đến ngoại hình, bệnh còn gây cản trở trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến tâm lý vì thế người bệnh thường rất mặc cảm, tự ti.
Các triệu chứng bệnh tổ đỉa có thể gặp bao gồm:
- Xuất hiện những mụn nước trắng, li ti có đường kính 3mm hoặc nhỏ hơn. Các điểm tổ đỉa này chỉ tập trung thành từng mảng hoặc từng đám ở những kẽ ngón chân, ngón tay, bàn tay, bàn chân.
- Mụn nước đục, nằm sâu bên trong và lồi cao hơn so với bề mặt da, nói chung rất khó vỡ. Tuy nhiên trong điều kiện phát triển mà những mụn nước gặp nhau có thể lan rộng nhanh chóng
- Bệnh gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở những vùng mọc mụn nước giống như bị mề đay. Những mụn đỏ khi bạn gãi ngứa sẽ vỡ gây nên tình trạng nóng rát và đau.
- Tình trạng sốt có thể xảy ra nếu như bị bội nhiễm hay mụn nước lan rộng trên cơ thể
- Nhiều trường hợp bệnh tái phát, lặp đi lặp lại làm cho da tay, chân bị đóng vảy, dày và cứng.
- Vùng da bị mụn nước khi tiếp xúc với các chất tẩy rửa có độ ăn mòn cao thì gây nên tình trạng xót và ngứa
4. Biến chứng tổ đỉa
Bệnh tổ đỉa khá lành tính, thường sẽ biến mất trong một vài tuần mà không để lại di chứng gì. Nếu không làm xước da vùng bị ảnh mụn nước, khi khỏi sẽ không để lại sẹo.
Nếu gãi vùng da bị ảnh hưởng, sẽ cảm thấy khó chịu hơn, hoặc bệnh sẽ lâu lành hơn. Ngoài ra có thể bị nhiễm trùng do trầy xước và vỡ mụn nước.
Mặc dù bệnh này có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng cũng có thể tái phát, bởi nhiều nguyên nhân của tổ đỉa chưa được xác nhận rõ ràng, bác sĩ vẫn chưa tìm ra cách để ngăn chặn hoặc chữa khỏi bệnh.
5. Chẩn đoán bệnh tổ đỉa
Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và thăm khám trực tiếp. Hiện không có xét nghiệm nào đặc hiệu để chẩn đoán tổ đỉa. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt, như cạo da rồi soi tim nấm, hay xét nghiệm dị nguyên tìm các yếu tố gây dị ứng.
6. Điều trị bệnh tổ đỉa
Nói chung tổ đỉa khá lành tính, điều trị khá đơn giản, chỉ cần dùng thuốc bôi ngoài da. Tuy nhiên, nếu bệnh có bội nhiễm thì phải dùng thuốc kháng sinh tại chỗ kết hợp với kháng sinh đường toàn thân.
- Bôi thuốc corticosteroid tại chỗ: Loại kem hoặc thuốc mỡ corticosteroid bôi trực tiếp vào các vùng da có mụn nước
- Trong trường hợp nặng: Bác sĩ có thể đơn cho dùng corticosteroid đường uống chẳng hạn như prednisolon, methyl prednisolon. Tuy nhiên, chỉ nên uống trong thời gian ngắn, 5 – 7 ngày, bởi vì sử dụng nhóm thuốc này dài hạn có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Liệu pháp ánh sáng: Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ có thể khuyên áp dụng liệu pháp ánh sáng, đặc biệt kết hợp tiếp xúc tia cực tím với các loại thuốc giúp cho làn da tiếp nhận tốt hơn các lợi ích từ loại ánh sáng này.
- Thuốc mỡ ức chế miễn dịch: Các loại thuốc như tacrolimus, pimecrolimus có thể giúp ích cho những người không muốn dùng corticoid. Tuy nhiên, các thuốc này có một tác dụng phụ là làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da.
- Tiêm botulinum toxin: Một số bác sĩ có thể xem xét sử dụng thuốc botulinum toxin để điều trị các trường hợp bệnh nghiêm trọng
- Sử dụng thuốc kháng sinh: Nếu tình trạng da vùng mụn nước có dấu hiệu bội nhiễm (như có mủ, loét, chảy dịch mủ) thì phải dùng thuốc kháng sinh đường uống.
7. Dự phòng tổ đỉa
Hiện không có biện pháp dự phòng bệnh tổ đỉa đặc hiệu, tuy nhiên có thể kiểm soát bệnh sau đây giúp giảm triệu chứng khó chịu và giảm nguy cơ tái phát:
Chườm ẩm, lạnh có thể giúp làm giảm sự khó chịu liên quan đến ngứa da
Dùng thuốc mỡ sau khi chườm, hoặc kem dưỡng ẩm có thể cũng giúp da bớt khô và làm giảm ngứa tốt.
Những loại kem dưỡng ẩm da có thể sử dụng:
- Mỡ vaseline
- Các loại kem như Lubriderm® hoặc Eucerin®
- Dầu khoáng
Các biện pháp khác như thay đổi chế độ ăn và lối sống, chẳng hạn như không tiếp xúc với hóa chất, vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, ăn thức ăn chứa nhiều vitamin A… cũng giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh.
Tổ đỉa