Mỗi lá phổi trong lồng ngực được bao quanh bởi hai lớp màng rất mỏng, lá thành và lá tạng. Giữa hai lớp màng này tạo thành một khoang màng phổi, được gọi là khoang ảo bởi vì nó luôn dính với nhau. Bình thường chỉ chứa một lượng nhỏ chất lỏng giúp cho bề mặt phổi được trơn láng khi cọ xát vào nhau, làm cho phổi được giãn nở tốt hơn trong mỗi nhịp thở.

Tìm hiểu về bệnh tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi hay tình trạng “ứ nước trong khoang màng phổi” là sự tích tụ bất thường của chất lỏng trong khoang màng phổi. Bình thường lượng dịch trong khoang màng phổi chỉ có khoảng 10 – 20ml, khi lượng dịch trong màng phổi nhiều hơn mức bình thường thì lúc đó được coi là tràn dịch màng phổi.

Dấu hiệu chính của tràn dịch màng phổi là tức ngực, khó thở. Tràn dịch màng phổi là biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau, được gọi là hội chứng tràn dịch màng phổi, và được phân thành 2 loại chủ yếu là tràn dịch màng phổi dịch thấm và tràn dịch màng phổi dịch tiết.

Tràn dịch màng phổi là một trong các hội chứng bệnh lý thường gặp trong lâm sàng các bệnh nội khoa. Tỷ lệ gặp hội chứng này khác nhau tùy thuộc vào kết quả nghiên cứu của các tác giả khác nhau. Theo tác giả Omar Lababede và cộng sự (2006) ở Mỹ hàng năm có khoảng 1 triệu người bị tràn dịch màng phổi. Nguyên nhân chủ yếu do suy tim, lao màng phổi, các bệnh lý ác tính, viêm phổi hoặc tắc mạch phổi.

1. Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi

Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi

Ở nước ta, nguyên nhân hàng đầu gây tràn dịch màng phổi bao gồm:

  • Lao màng phổi: Có thể có cả lao phổi kèm theo
  • Ung thư phổi: Ung thư phổi nguyên phát hoặc đôi khi là do tế bào ung thư từ nơi khác di căn vào màng phổi
  • Suy tim: Xuất hiện ở người bệnh đã có bệnh lý tim mạch trước đây
  • Viêm phổi: Nhiễm trùng lan ra màng phổi hoặc vị trí phổi tổn thương gần sát màng phổi
  • Xơ gan cổ trướng, suy thận mạn: Cũng là nguyên nhân thường gặp gây tràn dịch màng phổi
  • Do nhiễm kí sinh trùng
  • Mắc các bệnh hệ thống: Như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp…

2. Phân loại tràn dịch màng phổi

Phân loại tràn dịch màng phổi

Theo màu sắc và tính chất dịch:

  • Tràn dịch màng phổi do dịch thấm
  • Tràn dịch màng phổi do dịch tiết
  • Tràn dịch màng phổi dịch đục do có mủ hoặc dưỡng chấp

Theo hình thái tế bào:

Dựa vào tỷ lệ tế bào bạch cầu hoặc hồng cầu tăng trong dịch màng phổi:

  •  Tràn dịch màng phổi tăng bạch cầu đa nhân trung tính
  • Tràn dịch màng phổi tăng bạch cầu lympho
  • Tràn dịch màng phổi tăng bạch cầu ái toan
  • Tràn máu màng phổi
  • Tràn dịch thanh tơ
  • Tràn dịch dưỡng chấp
  • Tràn dịch dạng dưỡng chấp (còn gọi là tràn dịch cholesteron)

Theo vị trí:

  • Tràn dịch màng phổi tự do: Dịch ở khoang màng phổi lớn, di chuyển tự do, không bị đóng khoang hoặc đóng ngăn
  • Tràn dịch màng phổi khu trú: Dịch màng phổi bị khu trú tại một vị trí nào đó của khoang màng phổi như rãnh liên thuỳ (bé hoặc lớn), thể vòm hoành, thể trung thất, khu trú ở thành ngực…

Theo tiến triển:

  • Tràn dịch màng phổi cấp tính
  • Tràn dịch màng phổi mạn tính: Tràn dịch kéo dài trên 2 tháng

3. Biểu hiện triệu chứng của tràn dịch màng phổi

Biểu hiện triệu chứng của tràn dịch màng phổi

Khó thở là triệu chứng thường xuyên xuất hiện và sớm nhất, khó thở tùy thuộc vào mức độ tràn dịch. Lượng dịch màng phổi trên 2 lít gây khó thở nặng.

Các triệu chứng còn tùy thuộc theo nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi:

  • Nguyên nhân do viêm phổi, màng phổi: Thường kèm theo các triệu chứng sốt cao, đau ngực, ho khan hoặc ho có đờm
  • Do lao: Gặp ở người có thể trạng gầy, sức đề kháng yếu, sốt nhẹ về chiều, ho, khác đờm kéo dài, có thể ho ra máu
  • Do ung thư: Gặp ở người trung niên, cao tuổi, thể trạng suy kiện, khó thở, ho khan hoặc khạc đờm ra máu
  • Các triệu chứng khác có thể gặp như: Phù toàn thân, tràn dịch đa màng, vàng mắt, vàng da… các triệu chứng này do các bệnh lý tim mạch, xơ gan, suy thận gây ra.

4. Chẩn đoán tràn dịch màng phổi

Chẩn đoán tràn dịch màng phổi

Chẩn đoán xác định dựa vào:

  • Lâm sàng có khó thở, ho khan, ho khạc đờm, ho ra máu
  • Khám phổi có hội chứng 3 giảm: Rì rào phế nang giảm, gõ dục, rung thanh giảm hoặc mất.
  • Chọc hút dịch màng phổi: Đây vừa giúp chẩn đoán xác định, vừa giúp dẫn lưu dịch để điều trị
  • Chụp X-quang ngực: Sẽ thấy hình mờ đậm một hoặc cả hai bên phổi, dịch thường ở dưới thấp. Tuy nhiên, trong trường hợp tràn dịch khu trú lượng ít có thể khó phát hiện trên phim X-quang.
  • Chụp CT scan ngực: Cho hình ảnh chi tiết hơn về mức độ, vị trí tràn dịch cũng như có thể tìm ra nguyên nhân khiến phổi bị tràn dịch.
  • Siêu âm màng phổi: Một trong những phương pháp thăm dò đơn giản dễ thực hiện, không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Siêu âm màng phổi có thể giúp thể phát hiện được tràn dịch màng phổi khi trong khoang này chỉ có khoảng vài chục ml dịch. Ngoài ra, trong trường hợp tràn dịch màng phổi ác tính, siêu âm màng phổi giúp phát hiện tràn dịch màng phổi và các khối u trong bụng di căn.
  • Nội soi màng phổi có sinh thiết: Áp dụng đối với những trường hợp tràn dịch màng phổi dịch tiết chưa rõ nguyên nhân khi các thăm dò nội khoa khác không có kết quả. 
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm khác để củng cố cơ sở chẩn đoán: Xét nghiệm công thức máu, máu lắng, xét nghiệm sinh hoá máu, điện tâm đồ, siêu âm tim…

5. Biến chứng của tràn dịch màng phổi

Biến chứng của tràn dịch màng phổi

Các biến chứng nghiêm trọng do tràn dịch có thể bao gồm:

  • Dày dính màng phổi gây hạn chế hô hấp, biến dạng lồng ngực
  • Xẹp phổi
  • Suy hô hấp
  • Chèn ép tim
  • Các biến chứng do các thủ thuật chẩn đoán và điều trị gây ra như tràn khí màng phổi, nhiễm trùng, chảy máu màng phổi…

6. Điều trị tràn dịch màng phổi

Để điều trị tràn dịch màng phổi, phải xác định nguyên nhân gây ra tình trạng ứ nước trong khoang màng phổi, từ đó có chiến lược điều trị phù hợp.

Chọc hút dịch màng phổi

Là phương pháp điều trị phổ biến hiện nay, phương pháp này giúp đào thải bớt lượng dịch, làm cho người bệnh dễ thở hơn.

Dẫn lưu màng phổi

Được sử dụng trong trường hợp người bệnh bị tràn mủ, tràn máu màng phổi, tràn dịch kèm tràn khí màng phổi. Một dụng cụ hình ống đặc biệt, thường bằng silicon được đặt xuyên qua da vào khoang màng phổi và được nối với một hệ thống hút áp lực âm để dẫn lưu mủ, máu ra ngoài.

Điều trị bằng thuốc

Điều trị tràn dịch màng phổi bằng thuốc

Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định biện pháp điều trị phù hợp:

  • Do nhiễm khuẩn: Sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm
  • Nếu do lao sẽ điều trị thuốc kháng lao
  • Nếu do bệnh ung thư: Điều trị tùy theo tình trạng và giai đoạn, có thể phẫu thuật, hóa trị liệu, xạ trị, điều trị đích hoặc kết hợp nhiều biện pháp.

Điều trị hỗ trợ

  • Chống suy hô hấp: Chọc tháo dịch, thở oxi qua ống thông mũi
  • Giảm đau, hạ sốt bằng paracetamol
  • Nghỉ ngơi tại giường, ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu, đủ năng lượng và dinh dưỡng
  • Cần tập vật lý trị liệu hô hấp theo chỉ định của bác sĩ.

7. Dự phòng tràn dịch màng phổi

phòng ngừa tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi là biểu hiện hoặc biến chứng của rất nhiều loại bệnh liên quan đến phổi khác nhau như viêm phổi, ung thư phổi. Một số bệnh khác có thể kể đến như áp xe dưới cơ hoành, áp xe gan, xơ gan cổ trướng, suy thận, suy tim… cũng có thể khiến phổi bị tràn dịch. Do đó cần phát hiện sớm các bệnh có thể là nguyên nhân gây tràn dịch và điều trị hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số biện pháp có thể giúp phòng tránh nguy cơ mắc tràn dịch màng phổi như:

  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, cải thiện môi trường sống
  • Chế độ ăn chín, uống sôi, tránh các thực phẩm sống chưa qua chế biến
  • Cách ly, giữ khoảng cách an toàn hoặc dùng thuốc dự phòng khi tiếp xúc với người bị lao phổi.
  • Giữ vệ sinh răng miệng và vòm họng hàng ngày, điều trị triệt để viêm nhiễm đường hô hấp trên phòng tránh viêm nhiễm ở phổi.
  • Bỏ hút thuốc hoặc hạn chế tiếp xúc với môi trường có khói thuốc.

Tràn dịch màng phổi