Khớp vai nằm trong nhóm khớp lớn và là khớp có biên độ vận động lớn nhất, linh hoạt nhất của cơ thể. Khớp vai giữ vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động của chi trên. Cấu tạo khớp vai gồm chỏm cầu là đầu trên xương cánh tay, tiếp khớp với mặt khớp lõm là ổ chảo của xương bả vai trong một bao xơ (bao khớp) chứa chất lỏng là dịch khớp. 

Tìm hiểu về tình trạng trật khớp vai

Trật khớp vai hay sai khớp vai là tình trạng chỏm xương cánh tay bị trật khỏi ổ chảo xương bả vai, gây biến dạng khớp. Trật khớp vai gây đau đớn và mất vận động bình thường của khớp tạm thời. Ngoài ra, khi khớp vai bị trật nhiều lần có thể gây ra các tổn thương ở dây chằng, làm trầm trọng hơn tình trạng trật khớp ở vùng vai.

Trật khớp vai là chấn thương vai phổ biến nhất, chiếm khoảng 50 – 60% tổng số các loại trật khớp, thường gặp ở người trẻ tuổi. Nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách, chấn thương có thể dẫn đến các biến chứng như hạn chế tầm vận động của vai, sai lệch khớp xương bả vai tái diễn, thậm chí cứng khớp vai gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và chất lượng cuộc sống.

1. Nguyên nhân gây trật khớp vai

Nguyên nhân gây trật khớp vai

Mặc dù không nguy hiểm đến tinh mạng nhưng trật khớp vai gây đau đớn và giảm khả năng hoạt động của người bệnh. Nếu không kịp thời xử lý có thể để lại các di chứng vĩnh viễn làm giảm hoặc mất chức năng khớp vai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, lao động và chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân dẫn đến trật khớp vai gồm:

  • Tai nạn lao động: Những công việc đòi hỏi nâng, bê, vác những đồ vật nặng bằng cổ vai gáy
  • Tai nạn giao thông: Va đập mạnh trong tai nạn giao thông
  • Chấn thương trong luyện tập thể thao: Những môn thể thao có tính đối kháng cao như bóng đá, bóng chuyền, các môn võ.… hoặc các môn thể thao mạo hiểm như lướt ván, xe đạp địa hình…
  • Tai nạn sinh hoạt: Ngã chống tay, đập vai do ngã cầu thang, ngã sàn nhà do trơn trượt…. khiến vùng vai bị ảnh hưởng trực tiếp.

2. Các dạng trật khớp vai điển hình

Các dạng trật khớp vai điển hình

Dựa vào vị trí của chỏm xương cánh tay so với ổ chảo, tình trạng trật khớp bả vai được chia thành 3 loại chính:

  • Trật ra trước: Chiếm 95% các trường hợp trật khớp ở vùng vai. Chỏm xương bị lật ra trước ổ chảo xương vai, có thể hướng xuống dưới hoặc vào trong, gồm các dạng chỏm ngoài mỏm quạ (còn gọi là bán trật), chỏm dưới mỏm quạ, chỏm trong mỏm quạ và chỏm dưới xương đòn. 
  • Trật xuống dưới ổ chảo: Cánh tay quật ngược lên phía trên. Trường hợp này ít gặp.
  • Trật ra sau: Vì có xương bả vai án ngữ nên trường hợp này rất hiếm, chỉ chiếm khoảng 5% các trường hợp. Thường do ngã chống tay trong tư thế khép vai hoặc bị động kinh hay điện giật.

3. Chẩn đoán trật khớp vai

Chẩn đoán trật khớp vai

Triệu chứng lâm sàng:

  • Đau vùng vai, khớp vai, người bệnh thường lấy tay lành đỡ tay đau
  • Hạn chế hoặc mất vận động khớp vai ở tất cả các động tác như dạng, gập, xoay, đưa ra trước, ra sau…
  • Biến dạng khớp vai, có thể nhìn thấy vai bên trật ngắn hơn, bờ vai vuông (dấu hiệu gù vai).
  • Khác thực thể có thể sờ thấy ổ chảo lõm, sờ được chỏm xương lồi tròn ở đáy rãnh cơ denta- ngực hoặc ở hõm nách.
  • Đôi khi cánh tay luôn ở tư thế dạng ra khoảng 20 – 30 độ, khuỷu tay rời xa thân mình một ít, nếu ấn cánh tay vào thân mình rồi thả ra thì cánh tay lại về vị trí cũ (dấu hiệu lò xo)

Cận lâm sàng:

  • Chụp X quang khớp vai: Giúp chẩn đoán xác định trật khớp vai, trên X quang có thể xác định kiểu trật, và xem có gãy bong mấu động to kèm theo hay không.
  • Chụp cộng hưởng từ: Một số trường hợp khó hoặc cần xác định tổn thương dây phần mềm thì có thể phải chỉ định chụp cộng hưởng từ.

4. Những biến chứng của trật khớp vai

Những biến chứng của trật khớp vai

Khi trật khớp vai không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

  • Tổn thương thần kinh: Đặc biệt là liệt dây thần kinh mũ. Cách nhận biết liệt dây thần kinh mũ là kể cả sau khi nắn khớp vai xong cánh tay vẫn không dạng được và mất cảm giác ở vùng cơ bả vai.
  • Tổn thương mạch máu: Khi trật khớp vai khiến động mạch ở nách có thể bị tắc do tổn thương lớp áo giữa và lớp áo trong. Có trường hợp bị rách thành bên do đứt gốc một nhánh bên hoặc bị co thắt.
  • Tổn thương chóp xoay vai: Biến chứng này chiếm 55% người bị trật khớp vai ra trước và đặc biệt với những người trên 60 tuổi, gây ra các cơn đau kéo dài, cử động ngoài của vai bị yếu.
  • Gãy xương kèm theo: Khoảng 30% trật khớp vai có gãy xương kèm theo, như vỡ bờ ổ chảo, biến dạng chỏm xương cánh tay, gãy đầu trên xương cánh tay.

5. Điều trị trật khớp vai

Điều trị trật khớp vai

Tùy theo mức độ và dạng trật khớp vai mà có biện pháp điều trị khác nhau. Các biện pháp điều trị bao gồm:

  • Nắn chỉnh khớp vai: Áp dụng cho những người mới bị trật khớp vai và tình trạng trật khớp còn nhẹ. Bác sĩ sẽ thực hiện nắn khớp vai bị thương bằng một vài thao tác để đưa xương về vị trí ban đầu. Người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc giãn cơ hay thuốc an thần phù hợp và không cần phải gây mê khi nắn khớp.
  • Cố định khớp, sử dụng đai cố định hoặc áo nẹp ngực vai tay nhằm để giữ cho khớp vai được ổn định trong vài tuần, thời gian đeo đai cố định tùy thuộc vào mức độ trật khớp vai của người bệnh, thường từ 2 - 4 tuần.
  • Phẫu thuật: Được thực hiện khi khớp vai hoặc dây chằng yếu, tình trạng trật khớp tái diễn nhiều lần dù đã chữa trị và phục hồi. Ngoài ra, nếu dây thần kinh hay mạch máu bị tổn thương cũng sẽ cần phải phẫu thuật.
  • Thuốc: Sau khi nắn chỉnh hay phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc giảm đau hay thuốc giãn cơ giúp giảm đau và thoải mái hơn trong quá trình điều trị.
  • Phục hồi chức năng: Bài tập vật lý trị liệu giúp người bệnh phục hồi tầm vận động của khớp vai, đồng thời hồi phục cả sức mạnh và sự ổn định cho vai. Người bệnh cần phải tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để có kết quả tốt nhất, tránh vận động sai cách hoặc vận động quá sức khiến cho khớp vai bị tổn thương nặng hơn.
Phục hồi chức năng khi bị trật khớp vai

6. Dự phòng trật khớp vai

Có đến hơn 90% trường hợp trật khớp vai bị tái phát nhiều lần. Vì thế mà các biện pháp phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Các biện pháp dự phòng bao gồm:

  • Hạn chế tối đa các chấn thương trong hoạt động thể thao, trong sinh hoạt hay tham gia giao thông
  • Hạn chế lao động nặng nhọc, nhất là những công việc đòi hỏi nâng, bê, vác những đồ vật nặng bằng cổ vai gáy
  • Khi đã bị trật khớp vai phải tuân thủ thời gian bất động khớp vai, thực hiện các bài tập phục hồi theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để phòng tái phát.
  • Luyện tập nâng cao sức mạnh và sự dẻo dai của vai thường xuyên, cần khởi động kỹ khi tập thể dục và chơi thể thao, tránh vận động quá mức.

Trật khớp vai