Bệnh tưa miệng xảy ra phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện trong vòng 7 – 10 ngày sau sinh. Đặc biệt, trẻ có thể bị nhiễm nấm ngay khi chào đời nếu mẹ bị nhiễm nấm trong âm đạo. Ngược lại, em bé cũng có thể lây bệnh cho mẹ trong quá trình bú.

1. Nguyên nhân gây tưa miệng

Nguyên nhân gây tưa miệng

Nguyên nhân chính gây tưa miệng là sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans trong khoang miệng. Thông thường loại nấm này vẫn tồn tai, nhưng với số lượng nhỏ không đáng kể, nên bị các vi khuẩn có lợi kiểm soát không cho chúng có cơ hội phát triển và gây bệnh.

Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch suy yếu hoặc mất cân bằng hệ vi sinh trong cơ thể, tạo điều kiện cho nấm phát triển ngoài tầm kiểm soát và gây ra bệnh.

Những nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng này phải kể đến như:

  • Sử dụng thuốc kéo dài, như thuốc kháng sinh, thuốc sát khuẩn, thuốc tránh thai… làm giảm các vi khuẩn có lợi trong cơ thể.
  • Hóa trị hoặc xạ trị điều trị ung thư, làm chết các tế bào lành trong cơ thể.
  • Những tác động từ bên ngoài khiến lưỡi bị tổn thương, có các vết loét nhỏ, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển và gây hại.
  • Những người bị suy giảm sức đề kháng do mắc bệnh mạn tính, ung thư máu, nhiễm HIV, suy gan, suy thận, ung thư, cường giáp…
  • Người sử dụng thuốc corticoid đường hít trong thời gian dài để điều trị bệnh hen phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Người mắc bệnh tiểu đường khiến cho lượng đường huyết cao và hệ miễn dịch bị suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển và tấn công cơ thể.
  • Người gặp các vấn đề về răng miệng như dùng răng giả có kích cỡ không phù hợp, khô miệng do thường xuyên dùng thuốc…
  • Người nghiện thuốc lá, nghiện rượu lâu năm.
  • Không vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh kém, không đúng cách.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ sơ sinh và người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
  • Lây nhiễm từ người bệnh thông qua tiếp xúc, dùng chung đồ cá nhân, quan hệ tình dục.

2. Triệu chứng thường gặp của tưa miệng

Triệu chứng thường gặp của tưa miệng

Tưa miệng giai đoạn sớm không có bất cứ triệu chứng gì. Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi nấm đã phát triển nhiều.

Các triệu chứng thường gặp như:

  • Xuất hiện các mảng màu trắng hoặc vàng nhạt trên bề mặt lưỡi, má, amidan, môi hoặc lợi.
  • Chảy máu khi bị cào xước, chà xát nhẹ hoặc gặp phải các tác động bên ngoài.
  • Có cảm giác nóng rát hoặc đau nhức trong khoang miệng.
  • Đôi khi xuất hiện cảm giác như đang ngậm bông trong miệng, gây khó khăn trong ăn uống, khó nuốt.
  • Giảm hoặc mất vị giác.
  • Khóe miệng có tình trạng nứt, đỏ, gây đau khi há miệng.

Trường hợp bệnh tiến triển nặng, các tổn thương có thể lan vào trong thực quản, ống tiêu hoá, gây ra các triệu chứng nặng như:

  • Đau nhức nhiều hoặc khó nuốt thức ăn kể cả dạng lỏng như cháo, súp.
  • Luôn có cảm giác thức ăn bị kẹt lại trong cổ họng hoặc giữa ngực.
  • Sốt, cơ thể mệt mỏi nếu nhiễm trùng lan ra ngoài thực quản.

Ngoài ra, tưa miệng ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh có thể thấy các triệu chứng:

  • Mảng trắng ở trong miệng
  • Trẻ bỏ bú, bỏ ăn, ăn uống kém
  • Quấy khóc nhiều
  • Có thể gặp rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, phất nát, không thành khuôn.

3. Điều trị tưa miệng

Điều trị tưa miệng

Với trường hợp tưa miệng nhẹ, nói chung chỉ cần vệ sinh, lau rửa hoặc xịt rửa mũi họng là được.

Nếu bị tưa miệng mà còn đang bú mẹ thì mẹ phải vệ sinh núm vú sạch trước và sau mỗi lần cho con bú.

Mặc dù bệnh nấm miệng tự khỏi trong vài tuần, trong trường hợp tưa miệng gây ra khó chịu thì, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc sau:

  • Miconazole: đây là một loại gel chống nấm được thiết kế để tiêu diệt nấm Candida, dùng tăm bông hoặc gạc tưa lưỡi bôi trực tiếp vào vùng miệng có đốm trắng.
  • Nystatin: là loại thuốc bột, pha với ít nước cho tan ra hết, rồi dùng gạc tưa lưỡi bôi lên vùng miệng bị nhiễm.
  • Ở trẻ lớn và người người lớn khi nấm phát triển rộng, sâu vào thực quản, ngoài dùng thuốc bôi tại chỗ có thể phải dùng thêm thuốc trị nấm đường toàn thân.

4. Dự phòng tưa miệng

  • Chế độ ăn đảm bảo vệ sinh, thức ăn nên tươi mới, sạch sẽ
  • Đối với trẻ nhỏ không để trẻ uống nước quá nóng hoặc quá lạnh, không cho ăn thức ăn quá cứng, dai hoặc kích thích để tránh gây tổn thương cho niêm mạc xoang miệng.
  • Mẹ trong quá trình cho con bú không nên ăn đồ cay, nóng, chất kích thích.
  • Bình sữa, núm vú, đầu vú của mẹ nên được vệ sinh sạch sẽ để tránh tưa miệng ở trẻ nhỏ.
  • Không cho trẻ nhỏ tiếp xúc và ngậm đồ vật mất vệ sinh 
  • Mẹ nên dùng đệm sữa dùng một lần khi cho con bú để tránh tình trạng nấm lây lan sang quần áo.
  • Không vệ sinh khoang miệng của trẻ bằng các loại vải thô cứng, phải dùng bông gạc hoặc các loại vải mềm, tác động nhẹ nhàng để tránh gây ra các tổn thương.
  • Chú ý tới việc phòng trị bệnh truyền nhiễm, không nên lạm dụng thuốc kháng sinh, chỉ sử dụng trong các trường hợp thật sự cần thiết.
  • Khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào cũng nên tham khảo qua ý kiến của bác sĩ.
  • Phụ nữ nên điều trị dứt điểm ngay các bệnh nấm âm đạo khi mang thai hoặc sinh đẻ.
  • Hạn chế uống rượu, bia, bỏ hút thuốc
  • Thăm khám chuyên khoa răng hàm mặt định kỳ khoảng 6 tháng/lần để đảm bảo sức khỏe răng miệng cũng như sớm phát hiện ra dấu hiệu của bệnh.
  • Hạn chế các loại đồ ăn có thành phần chứa nhiều đường, thực phẩm chứa nấm men.

Tưa miệng