Tóm tắt nội dung
Tình trạng tụt lợi thường xuất hiện chủ yếu ở những răng mặt ngoài như răng cửa và răng nanh.
Tụt lợi hàm trên là dễ phát hiện nhất và cũng dễ gây mất thẩm mỹ nhất. Có thể dễ dàng nhận thấy phần lợi bị rút sâu để lộ ra phần khoảng trống giữa các chân răng. Trong khi đó, tụt lợi hàm dưới sẽ khó phát hiện hơn do phần mặt trong môi dưới bao phủ phần răng và lợi. Tụt lợi, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây những ảnh hưởng không tốt cho răng. Vì vậy, trong quá trình vệ sinh răng miệng hàng ngày, nên chú ý quan sát để phát hiện tình trạng tụt lợi.
1. Nguyên nhân gây tụt lợi
Tình trạng tụt lợi răng có thể do viêm lợi hoặc không viêm, một số nguyên nhân có thể dẫn tới tụt lợi:
- Tụt lợi do bệnh nha chu: các vi khuẩn gây viêm lợi đồng thời phá hủy các mô lợi dẫn tới tình trạng lợi bị co rút.
- Teo rút lợi do gen: có tới 30% dân số có cơ địa nhạy cảm hơn, dễ mắc các bệnh về lợi, khả năng cao họ sẽ dễ bị tụt lợi.
- Chăm sóc răng miệng chưa đúng: vệ sinh răng miệng hàng ngày không cẩn thận sẽ gây vôi răng. Vôi răng cũng là một trong những nguyên nhân chính gây viêm nha chu và gây ra tụt lợi răng.
- Đánh răng quá mạnh: sử dụng bàn chải quá cứng hoặc chải răng quá mạnh sẽ gây tác động không tốt tới lợi.
- Ngoài ra còn một số nguyên nhân gây tụt lợi không do quá trình viêm sưng như: khớp cắn bị sang chấn, răng bị mọc lệch khỏi cung hàm, sự căng kéo quá mức của phanh môi, phanh má…. là những nguyên nhân khiến lợi bị co kéo dẫn tới tụt lợi.
2. Triệu chứng của tụt lợi
Tụt lợi nói chung không phải là một tình trạng cấp tính, hầu hết các trường hợp tụt lợi là một tình trạng tiến triển xảy ra dần dần theo năm tháng.
Một số triệu chứng thường gặp khi bị tụt lợi:
- Răng bị lung lay.
- Răng quá nhạy cảm: như cơn đau ngắn và buốt do thức ăn và đồ uống nóng, lạnh, ngọt, chua hoặc cay gây ra.
- Nếu lớp xi măng bao phủ chân răng không được lợi bảo vệ nữa, nó dễ bị mài mòn làm lộ ngà răng trước các kích thích bên ngoài.
- Răng cũng có thể dài ra hơn bình thường, có thể nhìn thấy một phần thân răng lớn hơn nếu tụt lợi.
- Chân răng lộ ra ngoài và có thể nhìn thấy được.
- Cảm giác răng có khía ở đường viền lợi.
- Thay đổi màu sắc của răng do sự khác biệt màu sắc giữa men răng và xi măng.
- Khoảng cách giữa các răng dường như phát triển, có vẻ lớn hơn vì lợi không lấp đầy nữa.
- Sâu răng bên dưới đường viền lợi.
Nếu tụt lợi là do viêm lợi, các triệu chứng sau cũng có thể xuất hiện:
- Lợi sưng tấy, đỏ hoặc sưng (viêm).
- Chảy máu lợi răng khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa.
- Hôi miệng
- Trong một số trường hợp, việc điều trị viêm lợi phát hiện ra vấn đề tụt lợi mà trước đây bị che lấp bởi tình trạng sưng lợi.
3. Biến chứng của tụt lợi
Phần lợi răng được ví như một lớp “xi-măng” bao bọc và giúp răng bám chắc vào khung xương hàm. Tụt lợi sẽ khiến phần chân răng bị mất đi lớp bảo vệ khiến răng dễ bị nhạy cảm và tổn thương hơn.
Đồng thời, lợi tụt tạo điều kiện cho thức ăn và vi khuẩn có thể bám vào chân răng gây sâu răng. Tụt lợi kèm viêm sẽ có thể gây viêm chân răng, trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến mất răng.
Ảnh hưởng đến thẩm mỹ là điều khiến nhiều người quan tâm nhất khi nói về bệnh lý tụt lợi. Tụt lợi sẽ khiến phần lợi bị co rút, làm trơ chân răng. Điều này khiến cho răng trở nên dài bất thường và lộ chân. Người gặp vấn đề về tụt lợi mất tự tin và ngại giao tiếp.
4. Điều trị tụt lợi
Tụt lợi có thể hoàn toàn điều trị được. Tùy theo nguyên nhân và mức độ tụt lợi và có biện pháp điều trị khác nhau.
- Với tình trạng tụt lợi nhẹ do việc vệ sinh răng không đúng cách, chỉ cần đổi loại bàn chải và chải răng nhẹ nhàng theo vòng tròn là có thể cải thiện được hoặc tình trạng tụt lợi không nặng thêm.
- Với những trường hợp tụt lợi nặng, cần phải can thiệp thủ thuật nha khoa để giải quyết triệt để tình trạng tụt lợi.
- Lợi bị rút nhẹ do viêm nha chu: nha sĩ sẽ tiến hành làm sạch sâu những khu vực bị viêm, loại bỏ phần cao răng ăn sâu vào chân răng. Từ đó trả lại phần mặt chân răng mịn giúp vi khuẩn khó bám vào. Đồng thời, tạo môi trường cho phần lợi phát triển.
- Với trường hợp tụt lợi nặng do mất nhiều xương và lợi: sẽ buộc phải tiến hành phẫu thuật để phục hồi lại những tổn thương do phần lợi bị tụt gây ra.
Quy trình phẫu thuật điều trị tụt lợi gồm hai giai đoạn:
- Nạo túi và giảm độ sâu túi nha: bước này các nha sĩ sẽ tiến hành làm sạch sâu túi nha để loại bỏ đi những vi khuẩn có hại, rồi tiến hành khâu mô lợi vào vị trí trên gốc răng để kéo lợi lại.
- Tái tạo xương: phần xương giúp hỗ trợ chân răng, giúp chân răng đứng vững nếu bị ảnh hưởng do tụt lợi.
5. Phương pháp phòng ngừa tụt lợi
Phòng ngừa tụt lợi có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Đánh răng, dùng chỉ nha khoa hàng ngày
- Khám răng hàm mặt định kỳ ít nhất mỗi năm 2 lần hoặc theo khuyến cáo
- Luôn sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm và chải răng phù hợp.
- Bỏ thuốc lá nếu hút thuốc.
- Theo dõi những thay đổi có thể xảy ra trong miệng.
Tụt lợi